Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đế thăm và làm việc với Hội Cựu TNXP Việt Nam

Đăng lúc: 17-05-2018 2:15 Chiều - Đã xem: 138 lượt xem In bài viết

 

Sáng ngày 16/5/2017 Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đến thăm và làm việc với Thường trực Đoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam. Cùng đi với Bộ trưởng có các đồng chí: Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng; Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng; Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công; Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra …

Đón tiếp và làm việc với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có các đồng chí: Chủ tịch Vũ Trọng Kim; các Phó Chủ tịch: Cù Văn Phiên, Nguyễn Cao Vãng, Võ Văn Cận cùng lãnh đạo Văn phòng, các ban chuyên môn.

Chủ tịch Vũ Trọng Kim (giữa) hướng dẫn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (bìa trái) tham quan phòng truyền thống

Chủ tịch Vũ Trọng Kim đã khái quát các vấn đề cần trao đổi, Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Vãng báo cáo cụ thế. Theo báo cáo, đến nay cả nước đã có 192.942 TNXP được hưởng trợ cấp một lần, đạt 79,5%; 7.210 người hưởng trợ cấp hàng tháng, đạt 84,6%. Về chế độ liệt sĩ, thương binh, đã giải quyết công nhận chế độ liệt sĩ cho 5.667 TNXP, đạt 94%; chế độ thương binh cho 35.914 người, đạt 84,65%. Cùng với đó, triển khai Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ và Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 5.132 TNXP và 1.477 con đẻ của họ được giải quyết chế độ nhiễm chất độc hóa học.

Nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ TNXP tồn đọng chưa được giải quyết các chế độ ưu đãi người có công. Cả nước còn 384 hồ sơ TNXP chưa được giải quyết chế độ liệt sĩ, 6.541 hồ sơ chưa được giải quyết chế độ thương binh, 10.701 hồ sơ TNXP và 409 con đẻ của họ chưa được giải quyết chế độ nhiễm chất độc hóa học. Nguyên nhân là do hầu hết những trường hợp này không còn giấy tờ gốc; một số trường hợp đã lập hồ sơ theo văn bản cũ, khi thay đổi chính sách thì không giải quyết được. Trước kia số hồ sơ về TNXP hy sinh, bị thương thường được lưu trữ ở Tỉnh đoàn. Từ năm 2004, sau khi có Hội TNXP, nhiều hồ sơ đã chuyển về Hội lưu giữ. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp hy sinh và bị thương chỉ có danh sách kê khai ở địa phương và Hội Cựu TNXP các cấp.

Chánh văn phòng Lê Văn Hòa giới thiệu đại biểu hai bên

Những hồ sơ TNXP bị nhiễm chất độc hóa học chưa giải quyết được là do bị nhiễm chất độc hóa học ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị và biên giới Việt- Lào. Trong khi đó, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định ở vùng Mỹ rải chất động hóa học, tức là từ 10 xã của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trở vào. Do vậy, những hồ sơ này hiện vẫn chưa được giải quyết.

Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Vãng báo cáo tình hình thực hiện chính sách với TNXP

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh dưới) nhấn mạnh, TNXP là lực lượng có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc. Các cựu TNXP đều đã cao tuổi, nếu không giải quyết nhanh, các cựu TNXP sẽ không còn cơ hội hưởng chính sách. Thực tế, vẫn còn nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, ờ nhà dột nát, cô đơn không nơi nương tựa. Ta rất đồng cảm với những khó khăn đó. Việc xem xét giải quyết hồ sơ TNXP còn tồn đọng là trách nhiệm của ngành Lao động – TBXH, của các cấp chính quyền địa phương và Hội Cựu TNXP là người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng cua hội viên.

Bộ trưởng đề nghị, trong năm 2018, cần tập trung cao độ giải quyết hồ sơ TNXP tồn đọng của 4 địa phương làm điểm là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi và Bình Định. Phấn đấu từ nay đến kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 năm nay, phải xác minh, kết luận tất cả 20 hồ sơ TNXP đề nghị công nhận liệt sĩ của 4 tỉnh nói trên. Cục Người có công chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Tổ công tác của Bộ trưởng thực thi. Nếu hồ sơ nào còn thiếu thì bổ sung, không đủ tiêu chuẩn thì thông báo cho gia đình biết.  

Còn 2.043 hồ sơ TNXP đề nghị công nhận là thương binh của 4 tỉnh trên Hội chuyển giao cho Sở Lao động – TBXH để phân loại, rà soát, bổ sung xem xét, xử lý cơ bản xong trong năm 2018 theo quy trình thực hiện của Quyết định 408[i]. Cục Người có công và Tổ Công tác của Bộ trưởng hướng dẫn các Sở thực thi. Lưu ý, những hồ sơ này phải được thiết lập đúng thời điểm. Nếu hồ sơ còn thiếu giấy tờ thì bổ sung hoàn thiện và đưa ra công khai trong nhân dân. Trong quá trình làm cần linh hoạt, đối với những hồ sơ đủ điều kiện thì giao cho Sở Lao động – TBXH quản lý, còn với những hồ sơ không đủ điều kiện thì trả lại cho Hội và ra thông báo công khai hồ sơ này không đủ điều kiện, từ nay không xem xét nữa.

Chủ tịch Vũ Trọng Kim phát biểu cảm ơn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, muốn giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng thì phải có quyết tâm chính trị cao, phải đột phá về phương pháp làm và cách thức làm. Về phương pháp làm, phải bài bản, bám vào nguyên tắc, không được sai tiêu chuẩn, giải quyết xong phải kết luận rõ ràng, công khai, minh bạch trong dân, trong các tổ chức, không có vụ lợi. Trong quá trình giải quyết hồ sơ phải lấy dân làm gốc, công khai từ thôn, bản, tổ dân phố, cần thiết thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau 1 tháng không có thắc mắc mới công nhận hồ sơ đạt tiêu chuẩn. Bộ trưởng cũng khẳng định, Quyết định 408 được ban hành đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đây là một bước đột phá trong việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng. Hai năm qua, Quốc hội không nhận được 1 đơn thư khiếu nại nào trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dâng hương bàn thờ Bác

Ngoài 4 tỉnh làm điểm, đối với những hồ sơ TNXP đại trà trong cả nước, Bộ trưởng cũng đề nghị, những hồ sơ TNXP đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng phải chuyển giao cho Sở Lao động – TBXH phân loại và làm theo quy trình Quyết định số 408. Về 6 trường hợp đề nghị công nhận là liệt sĩ ở Lạng Sơn, sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp, cập nhật thêm thông tin, nếu có thế giải quyết theo trường hợp đặc biệt. Còn với trường hợp cựu TNXP Nguyễn Bá Tạo hy sinh ở công trường làm đường 111[ii] , nếu xét thấy đủ điều kiện thì công nhận là liệt sĩ trước 27/7 năm nay.

Chủ tịch Vũ Trọng Kim đã đánh giá cao những đề án, quyết định của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội về giải quyết chính sách với người có công nói chung, TNXP nói riêng trong thời gian qua; cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đế thăm và làm việc với Hội, có những chỉ đạo sâu sát, cụ thể để giải quyết chính sách với TNXP./.

PV      

[i] Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20 tháng 3 năm 2017 ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

[ii] Từ đầu tháng 10/1954 đến 13/6/1956, hơn 8.000 chiến sỹ TNXP của Đội 34 và Đội 40 đã làm con đường chiến lược qua hai bến phà và hàng trăm cầu, cống, kè chống lở mặt đường xuyên giữa rừng sâu núi hiểm, qua ba huyện vùng sâu, vùng xa của Lai Châu là Phong Thổ, Mường Lay và Sìn Hồ đến biên giới Ma Lù Thàng. Khoảng 100 TNXP đã hy sinh trong khi làm đường.