Bốn câu thơ Bác Hồ vang vọng mãi suốt cuộc đời tôi

Đăng lúc: 31-01-2019 8:04 Sáng - Đã xem: 138 lượt xem In bài viết

Tôi sinh ra trong một gia đình khá sung túc giữa Thủ đô Hà Nội. Nhưng suốt cuộc đời tôi phải trải qua không ít nỗi gian truân và nếu như không có một sức mạnh tinh thần từ các đấng anh linh ban dạy thì tôi khó có thể vượt qua để sống, cống hiến, trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc cùng chồng, con, cháu vượt lên trên cả “Lễ cưới kim cương[i]” như ngày hôm nay.

Vừa lên 6 tuổi, mẹ đưa tôi đi theo bố lái xe chở hàng ra vùng căn cứ kháng chiến, rồi mẹ đột ngột qua đời do cơn sốt rét ác tính. Tôi được ông bà ngoại hết lòng yêu thương đưa về chăm sóc, cho ăn học đến ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Nhưng rồi cú sốc thứ hai ập lên đầu non nớt của tôi vì ông bà ngoại cùng các cậu dì rời quê di cư vào Nam và cố bắt cháu đi theo. Tôi trốn ở lại sống với bố cùng người vợ kế của bố. Thủ đô Hà Nội tưng bừng sau một năm giải phóng, các bạn học của tôi tung tăng vui sướng bao nhiêu thì lòng tôi cay đắng, da diết bấy nhiêu.

Song một cơ may đã đến, tạo cho đời tôi chuyển sang bước ngoặc lớn. Vào đầu năm 1956, các cán bộ Thành đoàn Hà Nội về tuyên truyền vận động một số nam nữ học sinh xếp bút nghiên lên đường gia nhập TNXP tham gia khẩn trương xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan nối liền Việt Nam với các nước XHCN. Cán bộ đến tận khu phố, trường học tuyên truyền giải thích như rót vào lòng chúng tôi những sự kiện thiêng liêng về việc Bác Hồ đích thân sáng lập TNXP và Bác chọn giao cho hai cán bộ là ông Vũ Kỳ và ông Tạ Quang Chiến trong số 8 cán bộ phục vụ Bác, được Bác đặt tên (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) trực tiếp phụ trách Đoàn TNXP Trung ương. Lực lượng TNXP càng vô cùng vinh dự được Bác tặng 4 câu thơ lịch sử:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Vào thời điểm đó, thời điểm Thủ đô vừa mới giải phóng, đối với lứa tuổi học trò 14 – 15 chúng tôi không có gì hãnh diện cho bằng được mang danh hiệu Thanh Niên Xung Phong và không có điều gì hấp dẫn bằng 4 câu thơ của Bác Hồ, mà tuổi niên thiếu chúng tôi được cán bộ Đoàn Thanh niên tuyên truyền giải thích. Thế là tôi tự khai tăng thêm 2 tuổi để đủ tuổi 16, cùng các bạn rời ghế nhà trường mang ba lô lên đường gia nhập Đội TNXP Thủ đô, bổ sung cho Đoàn TNXP Trung ương tham gia khôi phục đường sắt. Những ngày đầu lên công trường đường sắt Chi Lăng – Đồng Đăng tôi gặp muôn trùng khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất không phải ở sự lao động quá nặng nhọc hoặc ăn uống quá kham khổ mà ở chỗ tôi là người nhỏ tuổi nhất mới 15, nhưng do lý lịch khai lên 17 nên cán bộ đơn vị không biết đã phân công tôi đảm đang vai trò “đàn chị” đối với một số đồng đội tuổi đời hơn tôi.

Sau ba năm phấn đấu hết sức mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đơn vị giao, từ tuyến đường Hà Nội – Mục Nam Quan chuyển lên tuyến Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai, tôi đạt đủ các tiêu chuẩn để kết nạp vào Đoàn, đặc biệt là tôi gặp được một tình yêu tha thiết, nhưng cả hai điều quan trọng nhất đó của đời người nữ thanh niên đều bị một vật cản làm tôi đau buốt đến tận tâm can. Bởi bản thân tôi bị liệt vào thành phần con nhà tư sản, còn người yêu tôi (Nguyễn Anh Liên[ii]) là một cán bộ trẻ đầy triển vọng không được dính “tư tưởng tiểu tư sản trong việc yêu đương” và hôn nhân. Nhiều người còn không tin vào một nữ sinh Thủ đô mới vừa giải phóng lại có thể kiên trì chịu đựng được cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc “cọp Bảo Hà ma Trái Hút”! Song nhờ có phẩm chất TNXP, cả hai chúng tôi vượt lên để nên vợ nên chồng, xây đắp một gia đình mới ra đời ấm êm hạnh phúc, rồi cùng nỗ lực phấn đấu công tác, học tập không ngừng tiến bộ.

Ba năm tiếp theo, chồng tôi được tín nhiệm bầu vào Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Đảng kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên rồi được cấp trên cử đi học trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, còn tôi cũng vinh dự được kết nạp vào Đoàn, tạo cơ sở cho sau này được kết nạp Đảng viên. Nhiều bạn bè mừng cho cuộc đời hai chúng tôi từ đây sẽ mãi mãi bên nhau, có đủ mọi điều kiện để công tác, học tập tiến bộ và nuôi dạy con cái khỏe mạnh, học hành chăm ngoan. Song ít ai thấu được: Từ đầu năm 1965 đến 10 năm liền sau đó, hai vợ chồng chúng tôi sống trong cảnh chồng “ngày Nam đêm Bắc”, vợ “ngày Bắc đêm Nam”!

5 năm đầu chồng vào Nam, tôi chỉ nhận được 3 lá thư mà nội dung hoàn toàn trái ngược với những thông tin từ các cán bộ đi “B” được trở ra miền Bắc an dưỡng, học tập. Cả 3 lá thư đều tỏ vẻ lạc quan, mọi sự trong ấy đều tốt đẹp kể cả sức khỏe của anh cũng không có vấn đề gì, chỉ có lo cho tình cảnh mấy mẹ con tôi ngoài này. Trong khi đó một số cán bộ trong Nam ra cho biết anh ấy đã hai lần bị thương nặng còn kèm theo căn bệnh sốt rét triền miên. Rồi 3 năm tiếp theo thì tôi hoàn toàn không nhận được một thông tin nào chính thức, chỉ có những tin phán đoán là anh đã bị địch khui hầm bí mật rồi bị bắt và đã hy sinh. Trong khi đó, bốn mẹ con tôi phải phân tán làm ba nơi. Một cháu trai 6 tuổi được gửi sang Quế Lâm, Trung Quốc. Hai cháu gái 8 tuổi và 3 tuổi đưa sơ tán lên nhà anh chị họ ở Phong Châu, Phú Thọ. Mỗi tuần, chiều và tối thứ bẩy tôi phải đi tầu mang theo xe đạp để đạp 20 cây số từ Việt trì lên tiếp tế gạo, thức ăn cho con.

Trước tình cảnh này, không làm sao đủ sức để tôi hoàn thành được trách nhiệm cơ quan giao, nên đành đưa hai con từ Phong Châu về nơi sơ tán của cơ quan tại Hoài Đức, Hà Nội. Thế rồi một nỗi đau khủng khiếp ập tới, đứa con gái đầu 12 tuổi của chúng tôi bị B52 Mỹ sát hại làm cho tôi như chết đi một nửa thân người. Nỗi đau mất con cộng thêm nỗi đau khi có tin chồng lần thứ ba bị thương nặng do địch khui hầm bí mật rồi bị trúng mìn Claymo[iii].

Cũng trong 10 năm đó còn thêm một cái khó vô vàn đối với tôi mà không phải ai cũng biết. Đang ở độ tuổi 30 của đời người phụ nữ mà phải sống xa chồng đằng đẵng suốt cả chục năm nên việc cảnh giác đối phó với mọi thủ đoạn của những người có ý đồ lợi dụng đã là điều cực kỳ khó. Song việc phải thường trực tỉnh táo đấu tranh với bản thân trước những lời đường mật bằng cách chịu đựng “Kìm nén trắng đêm” hàng ngàn ngày còn gian khó hơn gấp nhiều lần.

Trong những năm tháng ấy, tôi chưa bao giờ dám chắc mình sẽ thắng, nhưng rồi mỗi lần vượt qua, tất cả đều nhờ được một sức mạnh vô hình bắt nguồn từ lý tưởng cao đẹp của người đảng viên cộng sản, của người chiến sĩ TNXP và tình yêu chân chính của hai chúng tôi cộng lại, nhân lên! Song, lý tưởng cao đẹp và tình yêu chân chính không phải tự nhiên mà có, mà trước hết và trên hết là ở sự quyết tâm rèn luyện nghị lực, tu dưỡng bản thân dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng, của Đoàn, của chế độ, ở sự dìu dắt của tập thể đồng đội, đồng chí, đặc biệt là những lời dạy bảo ân tình trong đó có 4 câu thơ lịch sử của Bác Hồ vĩ đại muôn vàn kính yêu.

  Nguyễn Thị Thanh Vân

Cựu TNXP Thủ đô Hà Nội

                                                                   Cháu nội Mai Anh ghi

 


[i] Kỷ niệm 60 năm gọi là đám cưới KIM CƯƠNG. Có hai dịp tổ chức đám cưới kim cương: 60 năm và 75 năm. Ban đầu, những đôi vợ chồng gắn bó cùng nhau 75 năm mới có thể kỷ niệm đám cưới kim cương. Số năm có thể kỷ niệm ngày lễ này giảm đi chỉ còn 60 từ khi nữ hoàng Victoria tổ chức kỷ niệm 60 năm trị vì Vương quốc Anh. Không phải ngẫu nhiên mà kim cương được chọn làm biểu tượng của ngày rất trọng đại đối với lứa đôi. Loại đá cứng, hiếm có và quý giá nhất này được chọn làm biểu tượng cho tình yêu bền vững khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, vừa sáng trong lại đẹp lấp lánh muôn màu.

[ii] Nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam

[iii] Mìn M18A1 Claymore là một loại mìn dùng để chống nhân sự đối phương. Loại mìn này do Norman A. MacLeod phát minh và đưa vào sử dụng do Quân đội Hoa Kỳ. Mìn Claymore khi nổ, bắn ra phía trước 100 m trong phạm vi hình cung 60° một loạt đạn bi bằng thép gây thương vong cho địch. Mìn này sử dụng chủ yếu để phục kích và chống lại đối phương xâm nhập khi gài ở chu vi doanh trại. Mìn Claymore cũng có tác dụng làm hư hại xe vỏ mềm.