Cà Roòng[i] vọng một khúc ngâm

Đăng lúc: 12-01-2018 8:29 Sáng - Đã xem: 53 lượt xem In bài viết

Lời khẩn cầu

Theo tổng hợp của Binh trạm 14, các trận đánh của máy bay Mỹ dội xuống các trọng điểm đường 20 Quyết Thằng (trong 7 năm từ 12/1965 đến 12/1972) như sau:

  • Trọng điểm đường và ngầm Cà Roòng: 21.433 trận;
  • Km 14: 15.539 trận;
  • Cua Km 32: 14.369 trận;
  • Km 46, vùng nước ngầm: 8.966 trận;
  • Ngầm Aky: 10.369 trận;
  • Cua Chữ A, đỉnh Km 68 là: 14.369 trận;
  • Ngầm Ta Lê: 10.950 trận;
  • Đỉnh và cua Phu La Nhích: 11.070 trận.

Thế nhưng báo chí chỉ nói thoáng qua về Cà Roòng, mà nói nhiều về Hang Tám Cô và ATP, dù là đúng, nhưng không đủ. Những năm 1966 đến 1968, địch đánh phá khu vực Cà Roòng vô cùng ác liệt, số trận đánh nhiều hơn hẳn các trọng điểm khác (có hơn 50 người hi sinh, có trận 28 chiến sĩ hi sinh, chưa kể 8 bị thương ở nơi này).

Có lẽ thời kỳ đó báo chí ít biết đến hoặc về sau do tuyên truyền nhiều về trọng điểm ATP bên kia biên giới Việt – Lào và đơn vị Đội 25 TNXP anh hùng ở đây mà lãng quên Cà Roòng? Hoặc nơi có Nhà tưởng niệm thì có điều kiện và được quan tâm hơn? Dù cảm thông vì nhiều lẽ, nhưng các liệt sĩ và cả người ở Cà Roòng hay ATP xưa, đang sống những năm cuối đời, không khỏi mủi lòng! Chúng tôi may mắn đã về lại Cà Roòng và tìm mãi nơi những liệt sĩ xưa, vun nắm đất cắm nắm nhang lòng cho đồng đội cũ, đã hi sinh tại đây, mà lòng day dứt khôn nguôi!

Xin gửi có Lời khẩn cầu và nỗi niềm về Cà Roòng khốc liệt mà anh hùng xưa trong khúc ngâm sau:

 

Một khúc ngâm:

Thắp hương vái ở “Tám Cô[ii]

Thương bao liệt sĩ xương khô sa trường

Một thời trấn giữ con đường

Máu loang cờ đỏ hậu phương trận tiền!

 

Cà Roòng “cửa tử” đừng quên

Những ngày tháng ấy anh em nơi này

Bom đào bom xới bom cày

“Từ trường”, nổ chậm, bom cây… chực chờ

 

“Cọc tiêu sống” đón xe vô

Bao người tan xác nấm mồ trắng tang

Cua Chử A, Phu La Nhích… (ATP) ta sang

Xa xôi đất bạn khói nhang ai về

 

Một thời lửa đạn nhiêu khê

Tượng đài – tưởng niệm? Lặng nghe nỗi niềm

Cà Roòng “cửa tử” đừng quên

Mấy ai tường tỏ các em thuở nào!

 

Qua ngầm áng đỏ cao cao

Máu bao chiến sĩ dâng trào… còn kia!

Qua Hang Tám Cô, hãy nhớ về

Biết bao “cửa tử” lời thề khắc ghi!

 

Cà Roòng, Bốn Mốt (km41), A Ky

Anh mơ… Đền sẽ hiện khi ta về

Khẩn cầu… hương khói em nghe

Đi đâu cũng nhớ… thuở xe vượt ngầm

 

Cà Roòng vọng một khúc ngâm:

Một thời khốc liệt, anh hùng sao quên!?

                             HỒ BÁ THÂM

 

 

 

[i] Cửa khẩu Cà Roòng là điểm trọng yếu thời chiến tranh Việt Nam, một cửa khẩu tiếp nối vào đường mòn Hồ Chí Minh. Những hoạt động thời chiến đã được “Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam” tập hợp và đăng tải, trong đó có cả văn thơ của người từng tham chiến. Sau chiến tranh các hoạt động giao thương giảm sút. Từ khi đất nước đổi mới thì cửa khẩu hoạt động trở lại, đánh dấu bằng nâng cấp cửa khẩu năm 2001 và thành lập chi cục hải quan năm 2003. Tuy nhiên thông thương chủ yếu vẫn là nhập gỗ và lâm sản. Cửa khẩu Cà Roòng nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Theo Quyết định 209/QĐ-TTg ngày 08/02/2015 về “Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030”, tại vùng cửa khẩu xã Thượng Trạch dự kiến xây dựng “Đô thị Cà Roòng” phục vụ du lịch sinh thái.

[ii] Ngày 14.11.1972, máy bay Mỹ đánh sập một hang đá ở Km 16 đường 20 Quyết Thắng – cung đường huyết mạch trong chiến tranh thuộc xã Tân Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình), chôn vùi 8 thanh niên xung phong cùng với huyền thoại về sự hy sinh anh dũng của họ.