Cách dùng từ “Cựu” và “Nguyên” khi viết kèm chức danh

Đăng lúc: 13-11-2021 3:21 Chiều - Đã xem: 81 lượt xem In bài viết

Hiện tại nhiều bài viết, các báo khi viết bài vẫn còn nhầm lẫn khi dùng hai từ “Cựu” và “Nguyên” . Bài viết này giúp bạn biết cách sử dụng hai từ này cả trong văn nói và văn viết.

Nếu hiểu theo nghĩa của từ thì từ “nguyên” có đến mấy chục nghĩa khác nhau nhưng thường là chỉ sự nguyên vẹn, cái gốc ban đầu (còn nguyên, nguyên khối, y nguyên, trinh nguyên…) hoặc chỉ sự khởi đầu (nguyên thủy, nguyên sơ, nguyên khai,…). Còn từ “cựu” hiểu theo nghĩa đơn giản là đã qua.

Như vậy:

Nguyên: Dùng để chỉ người giữ chức vụ đó nhưng nay đã giữ chức vụ khác, nói chung là còn làm việc, chưa nghỉ.

Cựu: Dùng để chỉ người đã từng giữ chức vụ đó nhưng nay đã nghỉ hẳn, về hưu luôn, không còn làm việc nữa.

Nhưng có nhiều nguồn nói rằng “Nguyên và cựu nhìn chung là giống nhau, chỉ người đã từng giữ chức vụ nào đó trong quá khứ. Khác biệt cơ bản là ai đó đang đương chức bị cách chức thì sau đó không thể gọi là nguyên mà chỉ là cựu”.

Nghe từ “Nguyên” bạn sẽ thấy nó nhẹ nhàng, ý nghĩa trang trọng hơn nhiều so với từ “Cựu”, nên từ cựu thường sẽ hay sử dụng với những người không hoàn nhiệm vụ được giao phải hạ cánh giữa đường, bị cách chức hoặc trong một số trường hợp buộc phải về hưu.

Xin trích một vài ý kiến và ví dụ của Luật sư Đinh Văn Quế cho các bạn dễ hiểu hơn nhé.

Các nhà ngôn ngữ học cũng bàn luận nhiều nhưng mỗi người giải nghĩa theo cách hiểu của riêng mình.

Có nhiều ý kiến cho rằng từ “cựu” là chỉ người nào đó sau khi rời chức vụ trước đó của mình thì về hưu luôn, không còn làm chức vụ khác nữa; còn từ “nguyên” là chỉ người nào đó sau khi rời chức vụ trước đó nhưng không về hưu mà vẫn tham gia một số chức vụ khác nữa.

Ví dụ: ông H hiện nay là bí thư thành ủy nhưng ông là nguyên bộ trưởng.

Trên các sách báo và các phương tiện thông tin của nước ta, việc dùng hai từ “nguyên” và “cựu” không tuân theo một quy chuẩn nào mà tùy thuộc vào mục đích của người dùng.

Ví dụ: đối với những cá nhân đều gọi là “nguyên”, chứ không gọi là “cựu”.

Không chỉ đối với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà đối với cả người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gọi là “nguyên”.

Ví dụ: bị cáo Phạm Thanh B, nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty Y…

Còn từ “cựu” chỉ được dùng đối với danh từ chung (số nhiều) như: họ đều là cựu sinh viên Trường Chu Văn An; các cựu chiến binh, cựu quân nhân, cựu thanh niên xung phong…

Xem ra việc dùng hai từ “nguyên” và cựu” cũng phức tạp và nếu dùng không đúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt

Ngoài ra còn một từ mà người ta hay sử dụng nữa, đó chính là  “cố”. “Cố” là “đã chết” dùng trước từ chỉ người có chức vụ cao, nhấn mạnh yếu tố “một người giữ chức vụ cao đã qua đời”, không quan trọng là lúc qua đời người đó đang là “Nguyên” hay là “Cựu”.

Theo lawnet.thukyluat.vn