Cách viết chú thích hay cho ảnh phóng sự

Đăng lúc: 07-11-2022 10:27 Sáng - Đã xem: 224 lượt xem In bài viết

Chú thích ảnh là một phần quan trọng của nghề báo. Chú thích phải chính xác và truyền tải thông tin. Thực tế, đa số người đọc thường xem hết ảnh trước, sau đó đọc chú thích, rồi mới quyết định xem họ có muốn đọc đầy đủ câu chuyện hay không. Hãy vận dụng các hướng dẫn sau để viết được câu chú thích gây tò mò, khiến người xem phải đọc hết cả bài báo.

      I.          Phương pháp 1: Hiểu cơ bản về chú thích

1)   Kiểm tra thông tin

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của mọi thể loại báo chí đó là tính chính xác. Nếu bạn dùng thông tin sai, câu chuyện hay bất ảnh sẽ mất uy tín. Trước khi đăng tải hay in ấn bất kỳ chú thích ảnh nào, hãy đảm bảo bạn đã kiểm tra mọi thứ trong chú thích là chính xác.

  • Đừng cho in nếu bức ảnh có chú thích chưa đúng nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm chứng, lý do có thể là chưa có nguồn đáng tin, hoặc vì hạn chót gần kề. Tốt nhất là nên loại bỏ thông tin đó nếu không chắc nó đúng.
  • Các chuyên gia đồng ý rằng:Trong phóng sự ảnh, điều quan trọng là chú thích phải khách quan và sinh động. Cố gắng không đặt cảm xúc vào đó – hãy chỉ kể câu chuyện thật xảy ra.

2)   Mô tả không rõ ràng

Nếu chú thích ảnh chỉ đơn giản miêu tả những gì có trong hình thì sẽ khá là thừa thãi. Nếu bạn có bức ảnh hoàng hôn kèm chú thích “cảnh hoàng hôn”, thì tức là nó chẳng có thêm thông tin gì cho người đọc. Thay vào đó hãy thêm thắt những chi tiết chưa rõ trong ảnh, như địa điểm, thời điểm trong ngày hay năm, hay sự kiện cụ thể đang diễn ra.

  • Ví dụ với bức ảnh hoàng hôn, bạn nên chú thích: “Hoàng hôn bờ biển Thái Bình Dương, tháng 3 năm 2016, từ Long Beach, đảo Vancouver”.
  • Ngoài ra tránh cách cụm từ như “thể hiện trong hình”, “được chụp”, “nhìn xem”, hay “như trên”.

3)   Không nên bắt đầu chú thích bằng các từ cụ thể

 Một chú thích hay sẽ không bắt đầu bằng ‘một’ hay ‘đây là’. Những từ đó quá căn bản và làm tốn chỗ mà không thật sự cần thiết. Ví dụ, thay vì viết “Một con chim giẻ cùi lam trong rừng phương bắc”, hãy viết: “Chim giẻ cùi lam bay qua cánh rừng phương bắc”.

  • Ngoài ra đừng bắt đầu chú thích bằng tên của ai đó, hãy mở đầu chú thích bằng miêu tả lý lịch trước rồi hãy đề cập đến tên. Ví dụ, đừng viết: “Stan Theman xuất hiện gần công viên Sunshine Meadow”, mà hãy viết: “Vận động viên chạy bộ Stan Theman xuất hiện gần công viên Sunshine Meadow”.
  • Khi xác định vị trí nhân vật trong ảnh, bạn có thể nói “từ trái sang”, nhưng không cần phải là “từ trái sang phải”.

4)   Xác định nhân vật chính trong ảnh

Nếu bức ảnh có bao gồm nhân vật quan trọng, hãy xác định họ là ai nếu bạn biết tên (trừ phi họ muốn ẩn danh). Còn nếu không rõ tên, bạn có thể miêu tả lai lịch (ví dụ, “những người biểu tình trên đường phố Washington, DC”).

  • Điều cơ bản quan trọng nhất đó là đảm bảo viết đúng tên nhân vật và chức danh của họ.
  • Nếu bức ảnh bao gồm một nhóm người, hay vài người không có liên quan đến câu chuyện (tên họ cũng không được yêu cầu để hiểu hết câu chuyện), thì bạn không cần phải liệt kê từng cái tên trong chú thích.[1]

5)   Càng cụ thể càng tốt

Sự cụ thể trong chú thích cần đi đôi với tính chính xác. Nếu bạn không chắc bức ảnh được chụp ở đâu, hay ai là người trong bức ảnh, hãy tìm hiểu. Chèn một bức ảnh mà không có thông tin cụ thể nào sẽ gây khó cho người đọc, nhất là khi bạn không thể cho họ biết bối cảnh mà bức ảnh được chụp.

  • Nếu bạn làm việc cùng với nhà báo khác trong bài phóng sự, hãy liên hệ họ để biết thêm thông tin nếu cần.
  • Nếu bạn cần xác định danh tính một người trong ảnh, thì miêu tả họ là cách hữu hiệu. Ví dụ, nếu Bob Smith là người duy nhất đội nón trong ảnh, hãy miêu tả: “Bob Smith, hàng sau đội nón”.
  • Dù cụ thể là tốt, nhưng bạn cũng có thể diễn đạt bằng cách mở đầu câu chú thích một cách chung chung sau đó dần cụ thể hơn, hoặc mở đầu cụ thể nhưng kết thúc chung chung. Cả hai phương pháp đều đảm bảo tính đặc trưng nhưng cũng dễ triển khai.

6)   Chú thích ảnh lịch sử chính xác

Nếu bạn có dùng ảnh lịch sử trong bài, hãy chắc chắn tấm ảnh được chú thích đúng và có kèm ngày tháng (ít nhất phải có năm) ảnh được chụp. Tùy vào người sở hữu tấm ảnh, bạn có thể sẽ cần phải kèm theo nguồn nhiếp ảnh gia và/hoặc tổ chức (như viện bảo tàng, kho lưu trữ) nắm quyền sử dụng bức ảnh đó.

7)   Sử dụng thì hiện tại trong chú thích

Bởi các bức ảnh được sử dụng như một phần của bài phóng sự tin tức của sự kiện đang diễn ra “bây giờ”, bạn nên dùng thì hiện tại để viết chú thích. Ngoại trừ ảnh lịch sử thì rõ ràng phải dùng thì quá khứ.[2]

  • Cái hay của dùng thì hiện tại đó là tạo cảm giác cập nhật mới mẻ cho người đọc và tăng tác động của bức ảnh lên độc giả hơn.

8)   Tránh hài hước không đúng chỗ

Nếu tấm hình mà bạn viết chú thích là về một sự kiện nghiêm trọng hay ảm đạm, thì đừng nên viết theo lối bông đùa. Chú thích hài chỉ nên dùng cho những bức ảnh gây cười thuộc một sự kiện vui vẻ, vốn để làm độc giả cười.

9)   Luôn nhớ kèm nguồn ảnh và trích dẫn

Mọi bức ảnh nên được kèm theo tên nhiếp ảnh gia và/hoặc tổ chức sở hữu tấm ảnh đó. Trong các tạp chí và ấn bản về nhiếp ảnh còn kèm theo các chi tiết kỹ thuật và cách bức ảnh được chụp (như khẩu độ, tốc độ phim, f-stop, ống kính…v.v).[3]

  • Khi dẫn nguồn, bạn không cần viết “bức ảnh thuộc về”, “sở hữu bởi” nếu phần nguồn ảnh đã có một khuôn mẫu trình bày nhất quán và người xem dễ hiểu được đó là dẫn nguồn. Ví dụ, nguồn ảnh luôn được in nghiêng hoặc in theo kích cỡ nhỏ hơn.

   II.          Phương pháp 2: Làm nổi bật câu chuyện với chú thích ảnh

  1. Dùng chú thích để kể cho độc giả nghe điều mới

Khi độc giả nhìn vào bức hình, họ thường nảy sinh những cảm xúc và tiếp nhận thông tin (dựa vào những gì họ thấy trong hình). Chú thích nên cung cấp những thông tin mà người đọc không biết được nếu chỉ nhìn vào hình. Tóm lại, chú thích nên giúp độc giả hiểu thêm về bức hình.[4]

  • Chú thích phải làm độc giả tò mò muốn điều tra câu chuyện và tìm hiểu thêm thông tin.
  • Chú thích cũng không nên lặp lại một phần nào đó của bài viết. Chú thích và câu chuyện nên bổ trợ cho nhau và không được lặp lại.

2) Tránh phán xét

Chú thích chỉ nên mang tính thông tin, không phải để đánh giá hay phê bình. Trừ phi bạn đã thực sự nói chuyện với những người trong hình và hỏi về cảm xúc hay suy nghĩ của họ, nếu không hãy tránh quy chụp dựa vào dáng vẻ của họ trong hình. Ví dụ, tránh viết kiểu “người mua đứng xếp hàng không mấy vui vẻ”, trừ phi bạn thực sự biết họ không vui.

  • Báo chí là ngành cần khách quan và giàu thông tin cho độc giả. Nhà báo là những người phản ánh hiện thực một cách không thiên kiến và để cho người đọc tự đưa ra ý kiến của mình.

3) Đừng lo ngại về độ dài chú thích

Tự bức ảnh có thể nói được vạn lời, nhưng đôi khi vẫn cần thêm vài lời nữa để đưa bức hình về đúng bối cảnh. Nếu cần phải chú thích dài mới hiểu được bức hình thì cũng không sao. Dù muốn chú thích rõ ràng và cô đọng, bạn cũng không nên giới hạn thông tin nếu đó là thông tin cần thiết.

4) Dùng văn nói

Báo chí nói chung không sử dụng ngôn ngữ quá phức tạp. Nhưng đồng thời cũng không dùng tiếng lóng hay sáo rỗng. Chú thích nên tuân theo yêu cầu căn bản về ngôn ngữ. Hãy viết chú thích bằng giọng văn nói, tương tự như cách bạn sẽ nói chuyện với gia đình khi cho họ xem bức hình. Tránh khuôn sáo và từ lóng (và cả viết tắt). Đừng dùng từ phức tạp nếu không cần thiết.

  • Nếu bức hình đi kèm theo câu chuyện, hãy giữ giọng văn trong bài viết lẫn chú thích giống nhau.[5]

5) Đưa những tin tức không cần thiết cho câu chuyện vào chú thích

Những phóng sự kèm ảnh thường đã kể một câu chuyện cụ thể, rõ ràng. Nếu có một mẩu thông tin hữu ích cho việc hiểu bức ảnh, nhưng lại không cần thiết cho cả câu chuyện, thì hãy đưa nó vào chú thích.

  • Điều này không có nghĩa là chú thích chỉ toàn chứa những thông tin không quan trọng trong câu chuyện, đúng hơn là những thông tin không quá cần thiết để đưa vào phần phóng sự chính. Một chú thích có thể xem là câu chuyện nhỏ đứng riêng biệt, có thể bao gồm những tin tức không sử dụng cho bài viết chính.
  • Một lần nữa, hãy nhớ chú thích và câu chuyện phải bổ trợ nhau, chứ không lặp lại nhau.

6) Xác định dấu câu nên sử dụng

Nếu bức ảnh chỉ đơn giản là về một nhân vật (ví dụ ảnh chân dung) hay một đồ vật cụ thể (như cây dù), bạn có thể viết chú thích là tên của người đó hoặc đồ vật đó mà không có dấu câu. Trong trường hợp khác bạn vẫn có thể viết chú thích bằng câu không hoàn chỉnh, điều này tùy thuộc vào yêu cầu xuất bản.[6]

  • Ví dụ cho một câu chú thích không cần dấu: “Hộp số Toyota 345X”
  • Ví dụ về câu chú thích hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh: Hoàn chỉnh — “Nữ diễn viên Ann Levy lái chiếc Acura 325 một vòng trong bài kiểm tra lái xe ở London”. Câu không hoàn chỉnh — “Lái chiếc Acura 325 một vòng”.

7) Đơn giản hóa mô tả trong các câu chú thích kế sau

Nếu các bức ảnh liên tiếp trong một bài viết thể hiện cùng một địa điểm hay nhân vật, bạn không cần phải lặp đi lặp lại chi tiết trong mỗi câu chú thích. Ví dụ, nếu bạn đã giới thiệu về nhân vật với đầy đủ tên họ trong hình đầu tiên rồi thì trong các hình tiếp theo bạn chỉ cần dùng họ hoặc tên của nhân vật.[7]

  • Bạn cứ cho là người đọc đều đã xem và đọc chú thích của hình đầu tiên rồi đi vì dù sao câu chuyện cũng được kể theo thứ tự cụ thể.
  • Bạn cũng có thể bỏ qua việc đi vào chi tiết trong chú thích nếu bản thân câu chuyện đã có nhiều chi tiết. Ví dụ, câu chuyện đã kể lại chi tiết của sự kiện rồi, bạn không cần lặp lại trong chú thích nữa.

8) Cho độc giả biết bức ảnh đã được chỉnh sửa

Hình ảnh đôi khi được phóng to, thu nhỏ, hay cắt xén để phù hợp với hoàn cảnh, câu chuyện, trang giấy, không gian,…v.v. Những thay đổi này bạn không cần phải thông báo vì nó chẳng thay đổi những gì chứa trong hình. Tuy nhiên, nếu bạn chỉnh sửa ảnh theo cách khác ( ví dụ, thay đổi màu sắc, xóa hoặc thêm gì đó, thổi phồng thứ gì đó lên một cách không tự nhiên…v.v.) thì bạn phải thông báo về sự thay đổi đó trong chú thích[8]

  • Chú thích không cần nêu rõ bạn đã thay đổi những gì, nhưng nên nêu rõ “ảnh với mục đích minh họa”.
  • Quy tắc này cũng áp dụng cho các phương pháp chụp ảnh đặc biệt như time-laspe,…v.v.

9)Lập ra khuôn mẫu viết chú thích

Sau khi đã quen với kỹ năng viết chú thích, bạn có thể lập ra khuôn mẫu cụ thể cho chú thích. Chú thích của bạn có thể sẽ đi theo công thức này hoặc khuôn mẫu nào đó tương tự một cách tự nhiên mà không cần bạn phải vắt óc nhìn lại quy tắc. Nhưng đôi khi bạn cũng sẽ cần công thức để xem lại, nhằm đảm bảo đã viết đầy đủ những phần cần thiết trong chú thích.[9]

  • Ta có khuôn mẫu tiêu biểu: [danh từ] [động từ] [đối tượng trực tiếp] trong suốt [tên sự kiện] tại [địa điểm] thuộc [thành phố] vào [ngày trong tuần], [ngày] [tháng], [năm]. [Tại sao và thế nào].
  • Một ví dụ chú thích viết theo công thức trên: “Lính cứu hỏa Dallas (danh từ) chiến đấu chống lại (hành động theo thì hiện tại) trận cháy (đối tượng trực tiếp) tại khu dân cư Fitzhugh (địa điểm) gần ngã tư Đại lộ Fitzhugh và đường Monarch ở Dallas (thành phố) vào thứ Năm (ngày trong tuần), ngày 1 (ngày) tháng 7 (tháng), năm 2004 (năm).”[10]

 III.          Phương pháp 3: Các lỗi thường gặp trong chú thích

1) Tránh tự phụ

Sự tự phụ trong chú thích thể hiện ở việc người viết chỉ biết viết sao cho bản thân thấy tiện mà không quan tâm người đọc. Điều này có thể xem là ích kỷ vì người viết quan tâm tới bản thân mình hơn là độc giả đang cố vắt óc phân tích xem hình ảnh và câu chuyện đang nói về cái gì.

  1. Điều này cũng xảy ra khi người viết cố tỏ ra ‘sang trọng’ và thử viết gì đó mới mẻ hoặc thông thái. Thật ra không cần phải phức tạp thế. Hãy giữ mọi thứ đơn giản, rõ ràng và chính xác.

2) Tránh quy chụp

Bạn biết người ta nói gì về mấy người hay quy chụp rồi đó …! Điều này cũng áp dụng với viết caption. Những lời quy chụp có thể là một phần của nhà báo, nhiếp ảnh gia, hay thậm chí một ai đó trong đám đông tự suy diễn sự việc đang diễn ra. Đừng vội quy chụp những gì đang xảy ra trong ảnh, hay người trong hình là ai.

  1. Điều này cũng áp dụng cho phong cách và khuôn mẫu. Nếu bạn không biết bên xuất bản có khuôn mẫu cho chú thích không, cũng đừng tự viết theo cách mình thích vì có khi bạn sẽ phải sửa lại, bởi bạn đã không hỏi biên tập.

3) Tránh cẩu thả

Sự cẩu thả xảy ra khi người viết không quan tâm, không xem trọng sự việc đủ để kiểm tra lại những gì họ viết. Kết quả của sự cẩu thả đó có thể là sai chính tả, sai tên tuổi nhân vật, chú thích không khớp với hình, hình ảnh đề cập trong bài không chính xác…v.v. Nếu bạn tự hào với công việc của mình, hãy làm tốt từ trên xuống dưới.

  1. Điều này cũng xảy ra khi người viết cố dùng một ngôn ngữ khác trong chú thích, nhưng lại không kiểm tra xem nó đã được viết đúng chưa. Goodle Dịch không phải là cách kiểm tra hiệu quả nếu ngôn ngữ đó đúng.

4) Nên nhớ bài viết của bạn sẽ được xem là sự thật. 

Là một nhà báo, bất cứ thứ gì bạn in ra dù là trong bài viết hay chú thích sẽ được độc giả xem là sự thật. Nếu bạn lười hay cẩu thả, bạn đã đánh liều đưa thông tin thiếu chính xác cho một lượng lớn người đọc.

  1. Cũng nên nhớ rằng một khi thông tin được phát hành ra “ngoài kia”, sẽ rất khó để chỉnh sửa lại. Nhất là thông tin đó liên quan đến một sự kiện thương tâm, căng thẳng hoặc vẫn đang diễn ra.

 IV.          Lời khuyên

  • Trong ngành công nghiệp báo giấy, chú thích ảnh được gọi là “cutline”.
  • Chú thích ảnh của National Geographic là những ví dụ tốt về chút thích phóng sự ảnh. National Geographic nổi tiếng về ảnh chụp của họ nhưng đa số ảnh in trên tạp chí đều đi kèm câu chuyện. Tuy nhiên độc giả có xu hướng xem hình trước, đọc chú thích, xem hình lần nữa rồi mới quyết định đọc cả bài. Một câu chú thích tốt sẽ làm được công việc là giúp người đọc nhảy từ xem hình sang đọc bài viết.
  • Hình ảnh và chú thích phải bổ trợ cho nhau. Cùng nhau chúng kể được câu chuyện. Ảnh và chú thích phải tránh lặp lại nhau. Chú thích phải giúp bức hình giải thích nó là về cái gì, khi nào, ở đâu, Nhưng một bức hình thì làm nhiệm vụ khơi dậy cảm xúc.
  • Là một nhiếp ảnh gia, bạn phải mang theo sổ, bút mực/bút chì theo các sự kiện mà bạn chụp ảnh. Tận dụng thời gian giữa những lần chụp hay khi đợi chờ đối tượng, hãy ghi chép tên của nhân vật trong các bức hình và đảm bảo nó đúng.[11]

    V.          Cảnh báo

Khi viết chú thích, hãy nhớ lại những dòng chú thích bạn từng đọc và thấy khó hiểu. Ví dụ, vài trang tin tức có thể dùng ảnh stock (Ảnh Stock là những hình ảnh chuyên nghiệp được chụp về các địa điểm, địa danh, thiên nhiên, sự kiện,… hoặc những người mua và bán trên cơ sở không có phí bản quyền và có thể được sử dụng và sử dụng lại vì mục đích thương mại).
vì họ không có ảnh thật của sự kiện. Điều này cũng tốt thôi, nhưng ảnh stock không phải ảnh thật, nên được đề cập trong chú thích.

Theo www.wikihow.vn