Năm 1958 cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm trắng trợn xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ và cho ra đời Luật 10/59[i] đưa Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Nhà tù mọc lên khắp miền Nam. Với chính sách tố cộng ‘‘tát cạn nước bắt cá’’, cách mạng miền Nam tổn thất nặng nề, không ít người hoang mang dao động, không hiểu cuộc đấu tranh kéo dài đến bao giờ? Rồi đi đến đâu? Ở miền Bắc tất cả hướng về miền Nam: ‘‘Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt’’. Tình cảm Bắc – Nam gắn bó thiêng liêng hơn bao giờ hết. Nhưng đất nước chia cắt, gửi lá thư vào thăm nhau phải gửi qua nước khác rồi mới vào tới miền Nam, làm sao mà nói được tình cảm của đồng bào miền Bắc đến với miền Nam. Trong bối cảnh đó các nhạc sĩ đã mượn đến ‘‘đôi cánh âm nhạc’’ để vượt qua mọi giới tuyến mà vào tới miền Nam. ‘‘Bài ca hy vọng’’ của nhạc sỹ Văn Ký[ii] ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đó :
‘‘Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân
Gửi lời chim yêu thương
Tới miền Nam quê hương
Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ’’.
‘‘Ngày đêm mong nhớ’’ đó thực sự là đánh động vào trái tim hàng triệu triệu người. Miền Bắc nhớ miền Nam, miền Nam nhớ miền Bắc. Ai ai cũng nhớ thương vì có tình thương ruột thịt ấy chính là động lực để cho hai miền kề vai chiến đấu, chiến thắng. Và, nhờ âm nhạc, Văn Ký đã bộc lộ hết tâm hồn mình, rồi để cho cánh chim vút lên, vút lên không thể có sức mạnh nào cản nổi :
‘‘Về tương lai!
Đàn chim ơi
Cùng ta cất cánh
Kìa ánh sáng
Chân trời mới
Đang bừng chiếu bốn phương’’
Bỗng nhạc sỹ hạ thấp giọng :
‘‘Gió mưa buồn thương mùa đông và mây mù sẽ tan’’
‘‘Bài ca hy vọng’’ không có một từ nào về chiến đấu hy sinh về Đảng, về Bác Hồ nhưng khi hát lên ai cũng thấy con đường Bác Hồ đã chọn sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến tương lai tươi sáng:
‘‘Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm, có mùa xuân nào đẹp bằng, về tương lai ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin, đường ta đi xanh thắm mộng đời’’.
Tác giả (bìa trái) và nhạc sỹ Văn Ký
‘‘Bài ca hy vọng’’ đến nay đã tròn 60 tuổi vẫn mãi mãi trường tồn cùng năm tháng. Niềm hy vọng đã đứng chân bền vững trong lòng mọi người. Bài ca là vũ khí lợi hại cho cán bộ địch vận ở miền Nam, đã kêu gọi những người lính Ngụy trở về với quê hương vì sớm muộn cách mạng sẽ thắng. Đặc biệt, ‘‘Bài ca hy vọng’’ đã giúp giữ vững niềm tin và ý chí bất khuất cho nhiều chiến sỹ cách mạng trong nhà tù của giặc. Riêng tôi suốt mười năm liên tục ở chiến trường miền Nam, đêm đêm qua làn sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam ‘‘Bài ca hy vọng’’ đã giúp tôi giữ trọn lời thề ‘‘bao giờ miền Nam quét sạch giặc Mỹ mới về hậu phương’’.
Tôi ‘‘đi B’’ trở vào chiến trường miền Nam chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian truân so với nhiều đồng đội, đồng chí khác. Tôi lên đường để lại phía sau người vợ còn quá trẻ và ba đứa con thơ, đứa út chưa đầy một tuổi. Chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra tới Hà Nội, hai đứa con lớn 4 và 2 tuổi đã phải sơ tán lên Lâm Thao – Phú Thọ. Là một chiến sĩ TNXP miền Nam tập kết, một cán bộ làm công tác Đảng, công tác Đoàn, không cho phép tôi do dự khi Tổ quốc yêu cầu; song tôi cũng là con người bằng xương bằng thịt nên nếu tôi không giữ được ‘‘lời thề từ trong trái tim’’ thì tôi không thể là tôi được như ngày hôm nay.
Ròng rã ba tháng trời mang ba lô hành quân bộ trên tuyến đường Trường Sơn, tuần đầu tiên từ Ninh Bình đến Hàm Rồng, Thanh Hóa, hai chân tôi đã phồng rộp, rớm máu và vấp phải đá, bong gân. Tối hôm đó trong đầu tôi xuất hiện một lý do ‘‘chính đáng để được dừng lại, quay về với vợ con. Nhưng cũng chính đêm hôm đó tôi nghe được giọng ca sĩ Khánh Vân cất lên từ chiếc đài bán dẫn đang mang theo người : ‘‘… Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…’’ … ‘ ‘về tương lai, đàn chim ơi cùng ta cất cánh, kìa ánh sáng chân trời mới đang bùng chiếu bốn phương…’’
Bài ca chưa dứt, lòng tôi đã tự thấy hổ thẹn với tinh thần bạc nhược muốn nhập cuộc với một số đồng đội tìm lý do để nhận danh hiệu ‘‘B quay[iii]’’. Rồi suốt mười năm liên tục, ba lần bị thương, hai năm nằm hầm bí mật, năm lần bị giặc vây ráp săn lùng, một lần bị chấn thương vào đầu do sức ép mìn Claymore[iv] của Mỹ phục kích, rồi cả lần nghe tin con gái đầu bị bom B52 của Mỹ sát hại tại Hà Nội năm 1972… tôi vẫn giữ vững được lời thề trong tim : ‘‘Miền Nam đang còn giặc, Ba chưa thể về được con ơi!’’. Tất cả trông vào sức mạnh tinh thần, trong đó có sức mạnh niềm tin từ ‘‘Bài ca hy vọng’’.
Nguyễn Anh Liên
Nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam
Nguyên Thường vụ Trung ương Đoàn TNNDCM miền Nam
[i] Luật 10-59 là một đạo luật do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành ngày 6 tháng 5 năm 1959, quy định việc tổ chức các Tòa án quân sự đặc biệt nhằm xét xử trong 3 ngày các “tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa”. Luật không nêu cụ thể đối tượng mà bộ luật này nhắm đến, nhưng trên thực tế thì ai cũng hiểu là luật này nhắm vào là những đảng viên cộng sản, những cán bộ cách mạng từng kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh và những người dân ủng hộ họ.
[ii] “Bài ca hy vọng” là một trong những ca khúc nổi tiếng của Văn Ký, viết năm 1958. Ngày đó đất nước ta còn tạm bị chia cắt thành hai miền. ông viết “Bài ca hy vọng” với mong muốn gửi vào giai điệu âm nhạc và lời ca những niềm tin, khát vọng cháy bỏng về tương lai, đất nước ta nhất định sẽ đến ngày chiến thắng, hai miền Nam -Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.
[iii] Từ chỉ bộ đội dảo ngũ trong khi đi chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước
[iv] Mìn M18A1 Claymore là một loại mìn dùng để chống nhân sự đối phương. Loại mìn này do Norman A. MacLeod phát minh và đưa vào sử dụng do Quân đội Hoa Kỳ. Mìn Claymore khi nổ, bắn ra phía trước 100 m trong phạm vi hình cung 60° một loạt đạn bi bằng thép gây thương vong cho địch. Mìn này sử dụng chủ yếu để phục kích và chống lại đối phương xâm nhập khi gài ở chu vi doanh trại. Mìn Claymore cũng có tác dụng làm hư hại xe vỏ mềm.