Cần tăng cường kiểm tra bản lĩnh chính trị cán bộ đảng viên

Đăng lúc: 10-08-2021 8:56 Sáng - Đã xem: 168 lượt xem In bài viết

Ảnh internet  

 Bản lĩnh chính trị được hiểu là phẩm chất kiên trung, kiên định vững vàng trước mọi áp lực từ cả bên ngoài lẫn bên trong để giữ vững tinh thần độc lập suy nghĩ, quyết định và hành động đúng đắn của cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng.

Thực tiễn của cách mạng Việt Nam và của Đảng ta trong hơn chín thập niên qua đã chứng minh mọi thành quả rực rỡ đạt được đều do bản lĩnh chính trị vững vàng của các thế hệ lãnh đạo và của đại bộ phận cán bộ đảng viên trải qua các thời kỳ để lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi gian truân, khốc liệt, chiến thắng mọi loại kẻ thù, hoàn thành các mục tiêu của các giai đoạn cách mạng; nên đất nước ta, nhân dân ta mới có được cơ đồ và vị thế sánh vai các cường quốc như ngày hôm nay.

Cũng từ thực tiễn những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao, nhiều người đã từng cống hiến to lớn cho cách mạng, nhưng nay thoái hóa, biến chất, bị thi hành kỷ luật Đảng và truy tố ra trước pháp luật, đều có nguyên nhân do không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng giữ vững bản lĩnh chính trị, nhất là những lúc thời thế biến động, làm chao đảo lòng người, nên để bị những cám dỗ đời thường và cạm bẫy của bọn “giặc nội xâm” đánh gục, lôi kéo.

Trong số những cán bộ, đảng biên bị xử lý, ngoại trừ một số do mang nặng chủ nghĩa cá nhân, quá tham vọng chức quyền, tham lam vật chất, cố ý làm sai. Còn đa số ban đầu thường do bị “vấp ngã” nhưng thiếu “chất thép” để đứng lên nên lao sâu xuống hố như xe mất phanh, muốn dừng cũng không được. Cũng cần khẳng định thêm rằng, trong tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay về bản chất là ưu tú, tích cực, mặt tốt, mặt mạnh là chủ yếu; tinh thần, ý chí, nghị lực vươn lên là chủ đạo. Cho nên việc tăng cường kiểm tra việc thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, tăng cường “chất thép” để không giao động, nhụt chí trước mọi hoàn cảnh, thời cuộc; đủ sức ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện tiêu cực khi mới vừa manh nha, kịp thời “hãm phanh” những sai phạm, khuyết điểm nhỏ, tránh dẫn đến sai lầm lớn, nghiêm trọng và thoái hóa, biến chất.

Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta đã để cho một thực trạng đau lòng diễn ra và kéo dài, đó là thực trạng hầu hết các trường hợp khi tiến hành kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lý đều ít coi trọng làm rõ nguyên nhân do từ sa sút bản lĩnh chính trị rồi trượt dài đến thoái hóa biến chất, nên kiểm tra chỉ xử lý được sai phạm, nhưng chỉ xử “việc đã rồi” mà không nhìn thấy được cội nguồn để sớm có giải pháp phù hợp vừa “cứu” lấy đồng chí mình, vừa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa, khắc phục. Về vấn đề này, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân[i]”.

Để khắc phục được tình trạng trên đây, các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ kiểm tra cần xác định tầm quan trọng và cấp thiết của việc tiến hành kiểm tra phẩm chất, bản lĩnh chính trị đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ đảng viên đang nằm trong quy hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm. Đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nếu không giữ vững bản lĩnh chính trị trong tình hình hết sức khó khăn, phức tạp hiện nay thì nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ khó có thể ngăn chặn được. Cán bộ, đảng viên kém bản lĩnh, khi gặp thuận lợi, thành công thì thường chủ quan, lạc quan tếu, nhìn thấy toàn màu hồng. Khi gặp gian truân, thách thức thì lại bi quan, bế tắc, mất phương hướng. Cán bộ lãnh đạo kém bản lĩnh thì không thể độc lập suy nghĩ đúng đắn, sàng lọc thông tin chuẩn xác, dễ lẫn lộn giữa đúng với sai, tốt với xấu, thiện với ác; Dễ theo đuôi quần chúng, a dua bọn xấu, mắc bẫy kẻ thù. làm giảm sút lòng tin vào mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của cách mạng, vào sự lãnh đạo và cầm quyền sáng suốt của Đảng ta. Sa sút bản lĩnh còn là cơ hội kích động lòng tham vô đáy, thúc dục chạy theo dục vọng cá nhân, làm mất cả nhân tính, tâm hồn, trí tuệ.

Từ đó, yêu cầu của bản lĩnh chính trị cán bộ, đảng viên hiện nay, cơ bản phải giữ vững tính chất tiên phong và vai trò gương mẫu của Đảng cả trong tư tưởng và cả hành động, cả trong đạo đức lẫn trong cuộc sống, lối sống. Muốn vậy, trước hết rèn luyện, tu dưỡng cho mình luôn luôn có được “Tâm trong, Trí sáng, Người sạch” trong đó chú trọng rèn đúc nên một “bộ lọc” thông thái từ chính quả tim và bộ óc nhân văn của mình. Đủ sức sàng lọc chuẩn xác mọi sự kiện, thông tin, liên quan đến phẩm chất, đạo đức cách mạng, phân biệt rạch ròi giữa đúng với sai, giữa thiện với ác và đủ dũng khí làm theo cái tốt, chống cái xấu, không thỏa hiệp, theo đuôi và nhất quyết không làm bất cứ cái gì đã biết là độc hại, là sai, là xấu, là ác.

Rèn luyện bản lĩnh chính trị còn đặc biệt quan trọng đối với những cán bộ, đảng viên đã và đang có nhiều công tích, đang trên đà thành đạt để tránh căn bệnh kiêu ngạo, chủ quan, coi thường công lao của tập thể, công ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Muốn vậy, còn phải luôn luôn đặt mình vào trong tổ chức, không đứng ngoài, đứng trên tổ chức, tập thể, cộng đòng. Chỉ có tự giác và nghiêm chỉnh thực hiện mọi chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập, noi gương đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp và trọn đời sắc son tin tưởng vào mục tiêu lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo – cầm quyền của Đảng, Nhà nước thì “lòng dạ mới trong sang mãi” và bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ đảng viên mới giữ được như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Về phần chủ thể kiểm tra cũng cần xác định hoạt động kiểm tra không chỉ nhằm phát hiện, xem xét, kết luận, xử lý sai phạm mà còn nhằm “cứu” cán bộ đảng viên, cứu con bệnh khi còn ở thể nhẹ. Còn có trách nhiệm cung cấp bổ trợ nguồn năng lượng sạch, tốt và thải loại những năng lượng bẩn, xấu, độc hại; và khơi dậy nguồn cảm hứng cho đối tượng kiểm tra vươn lên, vươn cao, đi đúng đường, đúng hướng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Nguyễn Anh Liên

 


[i] Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 18 tháng 6 năm 1968, để bàn về cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”.