Cẩn trọng khi dẫn lời Bác Hồ

Đăng lúc: 29-10-2022 5:47 Chiều - Đã xem: 231 lượt xem In bài viết

Những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, nỗi lo buồn về hậu quả của dịch bệnh cứ như đám mây đen trực chờ trên bầu trời bất ngờ trút xuống trận mưa trắng trời, ngập đất. Trong tình cảnh nguy khó ấy nhiều người đã phát biểu trên đài truyền hình và trên báo chí nói về vai trò quan trọng của nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân chống dịch. Bởi vậy, tôi đã nghe một số người nói rằng: “Bác Hồ đã dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!”

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969)

Nếu nói Bác Hồ đã dạy thì có thể đúng nhưng nếu coi đó là câu nói ấy là của Bác Hồ thì không phải. Trước đây, đã có người kể rằng, khi nhắc đến vai trò của nhân dân, có lần Bác Hồ nói: Bà con Quảng Bình thường có câu: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!” Nghĩa là Bác đã từng nhắc đến câu đó như chúng ta thường nhắc đến những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ… chứ Bác không nói đó là câu của Bác.

Tìm hiểu, tôi được biết câu trên là của nhà thơ Thanh Tịnh, trong bài “Dân no thì lính cũng no” do ông sáng tác năm 1948. Nghĩa là câu này có trước khi một số người đã nghe Bác Hồ nói.

Xin giới thiệu bài thơ này:

Trông lên thì thấy đầy sao

Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong!

Thóc thuế mà có dân đong

Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi

Đêm nằm nghĩ lại mà coi

Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên

Nhân dân là bậc mẹ hiền

Cơm áo gạo tiền thì mẹ phải lo

Dân no thì lính cũng no

Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công!

Bài viết của nhà thơ Thanh Tịnh đậm chất ca dao, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người nên hai câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!” sớm lan tỏa rất nhanh trong cả nước. Có người coi đó là ca dao.

Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc Pháp, Thanh Tịnh còn là người “khai sinh” ra thể loại độc tấu – một thể loại nghệ thuật pha trộn giữa thơ và kịch, vui, hài dí dỏm, vừa đi vừa viết, vừa diễn vừa sáng tạo thêm, rất phù hợp với văn nghệ xung kích lúc ấy, thiết thực động viên bộ đội và dân công tải lương thực, vũ khí trong chiến dịch Điện Biên.

Nhân đây, chúng ta hiểu thêm về nhà thơ Thanh Tịnh. 

Ông sinh ngày 12/ 12/ 1911 tại xóm Gia Lạc, ngoại ô thành phố Huế, bên bờ sông Hương. Ông viết văn, làm thơ và viết báo khá sớm. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ.

Năm 1948, Thanh Tịnh gia nhập quân đội, từng làm Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội (nay gọi là Tổng Biên tập), tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), là Đại tá Quân đội. Ông mất ngày 17/7/1988 tại Hà Nội.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy khi dẫn lời Bác Hồ kính yêu phải hết sức thận trọng, nếu sơ ý có thể dẫn sai câu chữ của Bác hoặc dẫn xuất xứ nhầm lẫn với lời của những danh nhân khác.

KHỞI MINH

Theo cuuchienbinhtphcm.vn