Câu lạc bộ Nghĩa tình thanh niên xung phong Thanh Hóa dâng hương tại một số khi di tích lịch sử

Đăng lúc: 28-03-2018 10:02 Sáng - Đã xem: 126 lượt xem In bài viết

Trong 3 ngày 18, 19, 20/3/2018 Câu lạc bộ quỹ nghĩa tình TNXP tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cho các thành viên trong câu lạc bộ dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Cò Nòi, khu di tích hang Co phương, thăm khu di tích Tây Tiến, nhà tù Sơn La.

Đoàn dâng hương tại Tượng đài liệt sỹ TNXP ngã ba Cò Nòi

Đoàn xuất phát lúc 6h05’ sáng ngày 18/3/2018 với 30 thành viên Câu lạc bộ tại văn phòng Tỉnh hội do đồng chí Nguyễn Đức Lâm-Chủ tịch Câu lạc bộ Quỹ nghĩa tình TNXP làm trưởng đoàn. Trong đoàn đi hầu hết là các bác, các cô, các chú cựu TNXP tuổi đời từ 60-80 tuổi, chỉ có tôi và một anh hướng dẫn viên du lịch là còn trẻ đi theo để phục vụ đoàn. Mặc dù năm nào Tỉnh hội cũng tổ chức đi dâng hương các nghĩa trang liệt sỹ và thăm lại chiến trường xưa, nhưng chuyến đi nào cũng như là chuyến đi đầu tiên, ai cũng háo hứng, mong chờ đến ngày để đi. Có lẽ có được cảm xúc như vậy là do ai cũng muốn tìm về một thời tuổi trẻ của mình, nơi đó dù đã trải qua bao bom đạn của kẻ thù vẫn luôn đầy ắp tiếng cười lạc quan. Và hơn hết các cựu TNXP muốn tìm về với những đồng đội đã ngã xuống, thắp một nén tâm nhang lên mộ những đồng đội đã không may mắn được trở về như mình.

Chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài liệt sỹ TNXP ngã ba Cò Nòi

Điểm đầu tiên mà đoàn đến dâng hương là khu dích tích lịch sử hang Co Phương ở xã Phú Lệ-huyện Quan Hóa. Nơi đây 65 năm về trước máy bay Pháp đã bất ngờ thay nhau quần đảo, thả bom tàn sát khu vực bản Sại, xã Phú Lệ (Quan Hóa, Thanh Hóa), làm nhiều TNXP, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, mở đường phục vụ các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Thượng Lào. Hang Co Phương bị đánh sập và chặn cửa vào làm 11 cô gái dân công đang tuổi thanh xuân đã hy sinh anh dũng. Trong số những người bị thiệt mạng, hiện có 16 TNXP đã được công nhận liệt sỹ. Tại đây, sau khi dâng hương khu tưởng niệm, đồng chí Lê Trung Sơn – Chủ tịch Tỉnh hội – đã thay mặt đoàn tặng quà cho các cháu học sinh trường mẫu giáo của bản Sại. Chia tay với Quan Hóa chúng tôi ai cũng xúc động, thầm cầu mong cho hương hồn các anh hùng liệt sỹ được siêu thoát.

Dọc theo quốc lộ 15, qua Hòa Bình đến với mảnh đất Sơn La nơi có cao nguyên Mộc Châu, đoàn chúng tôi ghé vào thăm khu di tích lịch sử Tây Tiến là nơi lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến[i]. Tiếp đó đoàn đến dâng hương, hoa tại đài tưởng niệm liệt sỹ TNXP Cò Nòi nơi đây là trọng điểm đánh phá của không quân Pháp và nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngã ba ấy “là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua…” Tại đây các thành viên đã cùng nhau thắp nén nhang cho đồng đội đã ngã xuống, cùng nhau trò chuyện, ôn lại kỉ niệm xưa. Đồng chí Lê Trung Sơn-Chủ tịch Tỉnh hội cho biết: “Ngã ba Cò Nòi sở hữu những chiến tích anh hùng, có thể nói đây là nơi tiêu biểu của TNXP trong kháng chiến chống Pháp và là nơi các đội TNXP 34, 40 sống và phục vụ chiến đấu”.

Thăm khu di tích lịch sử Tây Tiến

Điểm dừng chân cuối cùng của Đoàn đó là thăm khu di tích lịch sử nhà tù Sơn La. Trước khi được cô thuyết minh đưa vào thăm quan nhà tù Sơn La, chúng tôi đã đến dâng hương, hoa tại nhà thờ tưởng niệm Bác Hồ tại khu di tích. Tại nhà tù Sơn La chúng tôi lần lượt được đưa đến các khu nhà ngục nơi giam cầm các chiến sỹ cách mạng. Qua lời thuyết minh, qua hình ảnh được nhìn thấy ai ai trong đoàn không tránh khỏi xúc động trước cuộc sống của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù thép, là địa ngục trần gian, nơi bẻ gãy ý trí chiến đấu của những người cộng sản. Tuy nhiên, đối với cách mạng Việt Nam thì Nhà ngục Sơn La lại là trường học đấu tranh cách mạng, nơi rèn dũa, đào tạo và cung cấp cho phong trào cách mạng những người cộng sản ưu tú như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Song Hào Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu…

Chụp ảnh lưu niệm tại hang Co Phường

Tạm biệt mảnh đất Sơn La xinh đẹp và hiếu khách nơi có nhiều dấu tích lịch sử, nơi ghi dấu bao chiến công của TNXP trong kháng chiến chống Pháp. Đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình trở về với mảnh đất xứ Thanh, trở về với cuộc sống đời thường, trở về với nhiệm vụ mà các bác, các cô, chú vẫn làm. Đó là “lo cho đồng đội”!

Minh Khuê

[i] Trung đoàn 52 Tây Tiến, thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến, là một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng đã viết bài thơ Tây Tiến nổi tiếng về đoàn quân Tây Tiến. Trên tấm bia ghi chiến tích trung đoàn Tây Tiến đặt tại tỉnh Hòa Bình có tạc 10 câu thơ trong bài: Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời/ Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người/ Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành.