Chỉ là một loại rau thôi, mà nên chồng nên vợ!

Đăng lúc: 15-03-2022 2:02 Chiều - Đã xem: 63 lượt xem In bài viết

“Lâu lắm, có một thằng bé chừng 14 tuổi đội mẹt bánh bò, bánh tiêu, sưng sa… đi bán vòng vòng quanh xóm… nhớ mẹ, nó bước nhanh xuống trườn đèo, xa xa là ngôi nhà của gia đình mẹ nó. Nhẹ nhàng rướn người nhìn qua cửa sổ bằng kính, nó chực trào nước mắt tủi thân, vội lùi lại và đi thật nhanh, mưa nhè nhẹ nhưng nước mắt cứ chảy thành dòng xuống đôi má của nó, vừa đi vừa gọi khẽ “Ngoại ơi!”.

 Từ bé nó đã sống với bà ngoại, hai bà cháu sống nhờ vào gánh hàng vặt của bà … Nó không biết ba, còn mẹ mà cũng như không, mẹ đã có chồng khác và mấy đứa em… ít khi về thăm ngoại và nó, chắc bận bịu dữ lắm. Xứ Buôn Ma Thuột luôn trong ký ức của nó, với những đau thương buồn tủi. Trong đó có chuyện tình yêu của ba mẹ nó, nên nó mới thành bơ vơ, đơn độc! Không sao, có tình thương vô bờ của ngoại là tốt rồi, có khối đứa cù bơ cù bất phải sống ờ trại cô nhi đó kia!

 Ngày tháng qua nhanh, có một biến cố với đất nước khiến nó phải vô Sài Gòn (năm 1975 … người bà con đi xa, nhà sợ mất nên kêu nó vào giữ nhà). Ít lâu sau nó đăng ký TNXP (ngoại nó đã được bà dì rước về săn sóc) bởi nhà có người “trú ngụ” …

 Với tính thật thà như đếm nó được các anh, chị yêu quý( vì là nhỏ tuổi nhất, và nụ cười luôn nở trên môi. Có lẽ sự lạc quan yêu đời vượt qua nghịch cảnh từ bé đã rèn cho nó sự chịu đựng và chấp nhận hiện tại chăng?

 Xong nghĩa vụ, nó xuất ngũ với vốn liếng “Đã học Trường Đại học Thanh Niên Xung Phong”. Như con chim tung cánh vào bầu trời tươi đẹp, nó quyết định đi bụi cho thỏa chí tang bồng (thật ra là có có biết về đâu, ở đâu). Thiệt tình là ban đầu nó lê la ở khu Cống Bà Xếp[i], làm mọi thứ trên đời để nuôi thân. Cũng có người rủ rê nó bán thứ một vốn cả chục lời, nhưng nó nghĩ bán cái đó hổng có bền, bán sức lao động là chắc cú. Dần dần có tý vốn do lao động cật lực, nó thực hiện ý định ngao du sơn thủy. Thiệt là cái sự chốt hạ quyết tâm quá tuyệt vời, và cũng từ đây cuộc đời của nó thay đổi thiệt.

Huân với sản phẩm của mình

 Khăn gói quả mướp một phát ra tận Nha Trang …tình cờ nó gặp lại cô bạn ngày xưa “học chung một lớp” mà người ông của cô ấy đang nghiên cứu một loại rong biển (nghe nói là làm đề tài gì đó). Tính tình ham thích tìm hiểu, nó mày mò xem, học, ghi nhớ và sau chuyến đi ấy nó đem về cả chục ký rong biển. Quên! Lúc giữ nhà cho người quen, nó hơi thân thân với hai vợ chồng cạnh nhà, cảm thương hoàn cảnh của thằng con trai bơ vơ lưu lạc hai người nhận nó làm con nuôi, cho nên khi từ Nha Trang về nó có chỗ nương thân và “làm nghề”.

 Nồi đầu tiên thất bại não nề, đã vậy còn phải chui xuống cống để múc sản phẩm (nấu hoài không thấy đặc, tức quá nó đổ luôn ra sàn nước, hậu quả là cống nghẹt vì thành phẩm đã từ từ đông lại. Sau đó nó lại ra tận Nha Trang lần nữa mang rong dzìa nấu tiếp… Trời không phụ lòng người, thành công ngoài mong đợi. Lúc này nó ở nhà ba má nuôi trong con hẻm đường Bùi Viện, trước nhà là cái chợ be bé, cái sân cho bà hàng thịt thuê bán, phụ việc là cô con gái nho nhỏ. Còn nó,đổ bánh xong là sắp ra mâm bưng đi mời mọi người trong chợ, ngộ cái có khách hàng “xịn” là con bà hàng thịt cứ thỏ thẻ “Anh ơi! Em muốn lấy bánh của anh về nhà bỏ mối kiếm thêm! Được hôn anh?”. Sau này nó không những “bán” mà còn tặng cuộc đời cho cổ luôn …

 “Thiệt tình là em không ngờ chỉ là những sợi rong biển mong manh mà lại ra những thức ăn đẹp, độc,lạ. Em cũng không ngờ cũng từ cái nghề tưởng chừng như chỉ có những người phụ nữ tạo ra vì cần sự khéo tay, linh hoạt, lại cho em một cái nghề để sống. Và cũng nhờ sợi rong biển đó đã cột chặt đời em với một “khách hàng” để yêu thương, cùng đồng cam cộng khổ mấy chục năm, và trái ngọt là mấy đứa con ngoan dù không có đứa nào nối nghiệp em. Không sao, cái Duyên cái Nghiệp mà chị hén! Đời em thiệt thòi từ bé nên chắc ông Trời bù đắp cho em. Mà em đi tới đâu ai cũng thương hết ch. Lúc trong TNXP chị Lưu Kim Huệ, chị Lâm Ngọ coi em như em ruột đó chị, tới giờ cũng vậy … Và thiệt tình em cũng không ngờ có người chịu khó ngồi nghe em kể chuyện hồi xưa! “Thiệt tình….hihihihi!” .

 Chào hai vợ chồng em về mà lòng cứ lâng lâng, đêm đó khỏi ngủ luôn! Bởi một đứa trẻ thiếu tình thương của ba của mẹ! Chỉ có bà ngoại với thúng bánh trên đầu mà em không bị cuốn vào những tối tăm cuộc đời. Ngày xưa mình công tác ở Trường, quản lý những trẻ chưa ngoan, cũng độ tuổi của em, chủ yếu là bơ vơ, đơn độc không mẹ không cha, hay có đủ đầy nhưng ba mẹ cũng là dân lao vào cơn lốc cuộc đời làm cho một thế hệ phải trôi vào cơn giông bão của cuộc đời … Thiệt là cái ranh giới nó mong manh sao đó! Nhớ em nói: “Giờ, em sáu chục tuổi rồi mà phải nói em tự hào lắm chị, trong mội trường TNXP rèn cho em nhiều lắm, bởi vậy những dạng như em là dễ sa ngã lắm hén chị! Mà em tự hào với màu áo này đó chị! Em cứ là khôngkhông với những cám dỗ cứ bày ra trước mắt!”. Em còn khoe tiếp: ”Giờ qua bên kia dốc cuộc đời rồi, em chỉ cầu mong mình khỏe mạnh để yêu thương “khách hàng trung thành của em“( ôm bà xã một cái); làm nghề, đem “sắc màu tươi thắm” tới cho đồng đội thưởng thức sản phẩm của em, giúp ai theo khả năng của mình thì em luôn sẵn sàng xung phong.”

 Sáng nay, quyển tư liệu để viết về đồng đội của mình có thêm một câu chuyện thú vị về chuyện đời, chuyện nghề và dĩ nhiên chuyện tình yêu nữa ..nó cứ làm mình hồi hộp, lo âu, và hạnh phúc …Không biết đặt cái tựa như thế nào, bởi vì nhờ nó mà cuộc sống của “Nó”! À! Không! của Huân trở nên lung linh sáng đẹp…Thiệt tình, cũng quên chuyện này: “Huân rau câu” là thương hiệu của em, có một loại rong biển khi nấu lên sẽ tan ra và từ đó với bàn tay điệu nghệ của em sẽ cho ra những chiếc bánh gọi nôm na là Bánh rau câu đó mọi người!.

Ghi theo lời kể của Huân rau câu…Khi chấp bút, trước mặt mình là thằng bé đội cái mẹt đi chào mời, kiếm tiền sinh nhai và tủi thân khi nhìn gia đình của mẹ …và “Nó “đã thành Nhân … cho nên “Nó” đã xuyên suốt dưới ngòi viết của tôi! Cám ơn đồng đội, cám ơn màu áo cỏ úa …

Hồng Nguyễn (Xuyên Mộc)

 

 

 


[i] Điểm bắt đầu của “ma trận hẻm” Cống Bà Xếp là đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám) và điểm cuối là kênh Nhiêu Lộc (nay là đường Hoàng Sa). Một đầu giáp đường, một đầu giáp kênh, vị trí quá thuận lợi để giới giang hồ cộm cán chọn khu Cống Bà Xếp làm nơi hoạt động vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.