Chiến công và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Đội N49 TNXP chống Mỹ cứu nước  Thủ đô không bao giờ bị lãng quên

Đăng lúc: 03-08-2023 9:43 Sáng - Đã xem: 244 lượt xem In bài viết

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, sẵn sàng đối phó với đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ngày 28/7/1965, Thành ủy Hà Nội quyết định thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô, mang phiên hiệu N49, gồm 500 đoàn viên thanh niên, tuổi đời từ 18 đến 30, có sức khỏe, có tinh thần yêu nước, tình nguyện ra nhập TNXP, giao cho Thành đoàn tổ chức nhân sự. Đơn vị có 2 nhiệm vụ là: Đảm bảo mạch máu giao thông Hà Nội thông suốt; sẵn sàng ứng cứu những nơi bị đánh bom, thiên tai đột xuất. Đồng chí Đào Hồng Cẩm, Thường vụ Thành đoàn được giao làm Tổng đội trưởng, Đội N49 gồm 4 đại đội, Đại đội 1 (N491  gồm quân số của huyện Đông Anh và Khu Đống Đa, đóng ở Bác Cổ – Vân Đồn – Khuyến Lương, Đại đội 2 (N492) gồm quân số của huyện Gia Lâm và Khu Ba Đình, đóng ở Phù Đổng, Đại đội 3 (N493) gồm quân số của huyện Từ Liêm và Khu Hai Bà Trưng, đóng ở Đông Trù, Đại đội 4 (N494) gồm quân số của huyện Thanh Trì và Khu Hoàn Kiếm, đóng ở Chèm. Để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới, các đội viên được học văn bổ túc văn hóa, học chính trị, luyện đội ngũ, học chuyên môn cơ bản về rà phá bom từ trường như công binh; sửa chữa, bảo dưỡng phao, lắp phao liên kết với nhau thành nhịp cầu, điều khiển ca nô lai dắt phà. Bên cạnh đó là việc cảnh giới, hướng dẫn các loại phương tiện di chuyển qua cầu an toàn trong mọi điều kiện thời tiết, địch đánh phá ác liệt ngày đêm thực sự là cuộc chiến đấu không khác gì ngoài mặt trận.

Năm 1967, Mỹ tăng cường thả bom từ trường xuống sông Hồng, sông Đuống hòng chặt đứt huyết mạch giao thông, Ban chỉ đạo “Vượt sông, thông tuyến” của thành phố được thành lập. Thành phố đã quyết định làm cầu phao qua phà Khuyến Lương và giao các đơn vị cung cấp vật tư, phương tiện, kinh phí để N49 thực hiện nhiệm vụ. Triển khai công việc làm cầu phao, đơn vị giao cho thợ lái Nguyễn Trọng Phụng chuyên rà phá bom từ trường bằng ca-nô Zin 60 mã lực. Sợi dây cáp 200m, một đầu luồn vào 10 thùng phi sắt, một đầu buộc vào ca-nô,tàu kéo thùng chạy lướt mặt sông, bom sẽ nổ. Bom từ trường đã phá xong là một thắng lợi để việc làm cầu qua sông được tiếp tục. Cầu phao Khuyến Lương dài 700m, tải trọng 15 tấn, có phao làm bằng gỗ, liên kết các phao bằng ray, xà và các chi tiết liên kết, ván gỗ, neo bằng cáp, đây cũng là cầu phao lớn nhất miền Bắc thời đó. Toàn bộ các vật tư, gồm: gỗ để đóng phao, làm ván lát mặt cầu, xà liên kết… được sản xuất từ Nhà máy gỗ Cầu Đuống; các chi tiết cơ khí được cung cấp từ Nhà máy cơ khí Hà Nội; ray do Nhà máy xe lửa Gia Lâm chuyển đến; Xưởng đóng xà lan Hà Nội làm hàng chục phà 60 tấn; Công ty đường sông cung cấp các tàu và ca nô; Đoạn bảo dưỡng đường bộ II làm đường lên xuống 2 đầu cầu. Ngày 15-10-1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Phan Trọng Tuệ và Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng đã xuống hiện trường phát lệnh thông xe qua cầu phao.

Từ ngày 16/10/1967, Đại đội N491 đảm nhiệm công tác chỉ huy, hướng dẫn các phương tiện qua cầu. Một trung đội gác hai đầu cầu, làm việc suốt ngày đêm, điều hành xe lên xuống cầu như công an giao thông, cho xe đi an toàn. Trung đội cơ giới và kỹ thuật lắp ráp, buổi sáng tháo dỡ các nhịp cầu phao giữa sông (150m) sơ tán để các phương tiện đường thủy đi qua, chiều muộn nối lại các nhịp để xe quân sự và xe tải qua cầu an toàn. Trong ba ngày 25, 26, 27/10/1967, không quân Mỹ đánh bom dọc bến Kim Lan – Khuyến Lương rất ác liệt. Trong khi xe chở hàng quân sự từ Hải Phòng lên được ngụy trang và xếp hàng dài chờ qua sông. Ban chỉ huy chiến dịch “Vượt sông, thông tuyến” lệnh cho Đại đội N491, bằng mọi giá, phải đưa đoàn xe qua sông sớm nhất, tránh bị tổn thất. Với tinh thần “Sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí”, các chiến sĩ kiên cường bám trụ, đưa xe sang sông, xe đi ban đêm trên cầu phao không hết, phải tăng cường lái phà như con thoi, chở xe cả ban ngày dưới làn bom đạn địch. Lúc 15h ngày 27-10-1967, khi đoàn xe đã sang sông gần hết thì  địch thả bom trúng cầu phao. Cột nước cao dựng đứng! Một nhịp cầu dài 50m và ca-nô 180 mã lực chìm ngay tại chỗ. Sáu đồng chí bị thương đã được đồng đội và ngư dân đưa vào bờ cấp cứu kịp thời. Năm đồng chí hy sinh: Tiểu đội trưởng Lê Phúc Dược và các đồng chí Nguyễn Văn Đễ, Lương Văn Chỉnh, Ngô Văn Hợi, đều ở huyện Đông Anh, riêng đồng chí Tạ Văn Minh, quê ở Hà Tây.

Chùa Khuyến Lương, nơi rước anh linh Liệt sĩ Tạ Văn Minh vào chùa năm 2017 (trước đây chùa thuộc xã Trần Phú huyện Thanh Trì, từ 2003 thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh internet

Nhận được tin dữ, lãnh đạo Thành phố lệnh “phải tìm bằng được anh em” ngay trong đêm. Tàu của đơn vị chạy hai bên bờ sông tìm kiếm và vớt được thi thể bốn đồng chí ở ngay bến Khuyến Lương. Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ được cử hành trong nỗi đau thương khôn xiết của cán bộ, chiến sĩ N49, đơn vị bộ đội cao xạ, dân quân Khuyến Lương và Nhân dân trong thôn; còn Liệt sĩ Tạ Văn Minh mãi mãi nằm lại đáy sông. Biến đau thương thành hành động, các chiến sĩ tăng tốc độ lái tàu, rút ngắn thời gian chở các xe còn lại sang sông an toàn.

Cùng với nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại cầu phao Khuyến Lương, các đại đội của N49 đồng thời làm nhiêm vụ tại cầu Long Biên, cầu phao Bác Cổ, phà Chèm, Đông trù (sông Đuống), kho xăng Đức Giang, khu Nhật Tân, các ga Đường sắt khu vực Gia Lâm. Đơn vị còn được điều động vào Khu 4 làm nhiệm vụ. Tại cầu Gia, cầu Gèn (QL 1), Hà Tĩnh, đồng chí Vũ Ngọc Khang đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ tại cầu Gia.

Những năm tháng sống, chiến đấu trong điều kiện gian khổ ác liệt đã tôi luyện các chiến sĩ TNXP N49 ngày càng trưởng thành, nhiều người là kiện tướng ngành GTVT. Nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ được cử đi học chính trị, chuyên môn và được bổ sung cho địa phương, các ngành của thành phố. Đã có 2 đồng chí là Chủ tịch quận; 12 đồng chí là Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp; 14 đồng chí là Chủ tịch xã, phường. Kết thúc chiến tranh 95% chiến sĩ được khen thưởng Huân, Huy chương các loại, Đại đội trưởng N491 Nguyễn Duy Lâm được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch; N49 được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa tại cầu phao Hàm Tử Quan,…Chiến công và sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ N49 TNXP chống Mỹ cứu nước Thủ đô đã đóng góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

Năm 2017, kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của các liệt sỹ N49 (27/7/1967 – 27/10/2017), lễ tri ân, thả hoa đăng trên sông, rước anh linh Liệt sĩ Tạ Văn Minh nằm lại đáy sông về chùa Khuyến Lương; khánh thành Bia mộ và Bia lưu niệm (ảnh trên) ngay tại nơi đơn vị N49 đã truy điệu các anh. Hàng năm, vào ngày thành lập đơn vị (15/4) và ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Ban liên lạc Cựu TNXP N49 và Hội Cựu TNXP các phường Trần Phú, Yên Sở đều đến thắp hương tri ân, tưởng nhớ các anh.

Sông Mẹ ngàn năm tha thiết chảy giữa đôi bờ ra biển cả, đang hát ru các anh – những TNXP đã hy sinh anh dũng, cho đất nước muôn thuở thái bình.

Đoàn Duy Hoạch