Chiến dịch Điện Biên Phủ: 7 cái nhất mà có thể bạn chưa biết

Đăng lúc: 07-05-2021 3:32 Chiều - Đã xem: 145 lượt xem In bài viết

 

Dư âm của trận Điện Biên Phủ đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và hành động không chỉ của các thế hệ người Việt Nam hôm nay, mai sau mà còn có ảnh hưởng quốc tế sâu sắc.

Cách đây hơn 60 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy tài giỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch, sự chiến đấu dũng cảm vô song của các lực lượng quân đội, dân công, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch, sự đoàn kết góp công, góp sức, phối hợp của nhân dân cả nước, trong đó có đồng bào Tây Bắc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ – trận quyết chiến chiến lược lịch sử, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã kéo dài gần một thế kỷ.

Điều gì đã làm nên tầm vóc vĩ đại của sự kiện – chiến thắng Điện Biên Phủ?

Sau đây là những điều độc đáo về Điện Biên Phủ:

Một là, Điện Biên Phủ là một trong những nơi có vị trí quan trọng nhất về địa – chiến lược quân sự.

Điện Biên Phủ – Mường Thanh là cánh đồng rộng lớn nhất và bằng phẳng nhất của Tây Bắc, quê hương của loại gạo ngon Điện Biên nức tiếng gần xa. Điện Biên Phủ là một trong những nơi có vị trí quan trọng nhất về địa – chiến lược quân sự, có thể làm căn cứ không quân – lục quân giá trị ở khu vực Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào. Đây là điểm chốt, án ngữ con đường đi lên Lai Châu và sang Lào.

Cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: dulichdienbienphu.com.

 

Hai là, chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược đã được cả hai phía Pháp và Việt Nam quyết định trong thời gian ngắn nhất.

Trong kế hoạch ban đầu của hai bên đều không dự kiến sẽ tổ chức trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Nhưng khi bộ đội Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc để giải phóng thị xã Lai Châu, tình báo Pháp phát hiện, báo cho Nava vào giữa tháng 11/1953, thì viên Tổng chỉ huy Pháp đã vội tung 6 tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20 và 21/11/1953 nhằm ngăn chặn quân ta tiến lên Lai Châu và tiến sang Lào.

Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tiêu diệt địch, Bộ Tổng tư lệnh quyết định đưa thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ. Phía Pháp thấy vậy, lại tiếp tục tăng cường lực lượng và tổ chức bố phòng chặt chẽ, nhằm xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút chủ lực ta đến để tiêu diệt. Như vậy, kể từ chỗ không có trong kế hoạch, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cả hai bên không ai bảo ai, đều đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ, một điểm hẹn lịch sử, làm nơi quyết đấu. Điện Biên Phủ nhanh chóng trở thành điểm trung tâm của kế hoạch của cả hai bên.

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay. Ảnh: dienbien.gov.vn

Ba là, đánh Điện Biên Phủ là đánh vào nơi mạnh nhất, đánh vào hình thức phòng ngự cao nhất của quân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Do so sánh lực lượng, vũ khí trang bị còn kém hơn địch, nên bộ đội ta thường chọn cách đánh du kích, tìm nơi địch sơ hở, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Nhưng ở Điện Biên Phủ, ta lại đánh vào nơi địch mạnh nhất và giành được thắng lợi. Trước đây, ta chỉ đánh tiêu diệt được một cứ điểm do một tiểu đoàn địch đóng giữ, thì đến Điện Biên Phủ, bộ đội đã đánh vào một tập đoàn cứ điểm với 49 cứ điểm liên hoàn, lúc cao nhất có tới 17 tiểu đoàn địch đóng giữ. Điều đó chứng tỏ thế và lực của cuộc kháng chiến đã phát triển cao; trình độ chỉ huy, tác chiến và khă năng của bộ đội cũng như vũ khí, trang bị đã lớn mạnh và tiến bộ rất nhiều.

Bốn là, Điện Biên Phủ là nơi nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên đỉnh cao nhất cả về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã sử dụng nhiều cách đánh độc đáo, phong phú, sáng tạo và hiệu quả nhất. Đó là cách đánh vây lấn bằng hầm hào của bộ binh nhằm thu hẹp dần phạm vi kiểm soát của tập đoàn cứ điểm. Đó là cách đánh gần bắn thẳng của pháo binh đạt hiệu suất cao. Lần đầu tiên các khẩu pháo hạng nặng 105mm của ta xuất trận, được kéo bằng tay trên quãng đường dài hàng chục kilomet trong điều kiện không có đường xá chuẩn bị sẵn, lại bị máy bay, pháo của địch thường xuyên bắn phá, ngăn chặn. Pháo binh của ta đã gây bất ngờ lớn nhất và gây hoang mang, lo sợ nhất cho quân Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội ta thực hiện thành công và hiệu quả sự hiệp đồng chiến đấu binh chủng hợp thành giữa pháo binh với bộ binh.

Đó là cách đánh độc đáo, hiệu quả của bộ đội pháo cao xạ lần đầu xuất trận, đã bắn rơi 62 máy bay các loại của quân Pháp và Mỹ, đã góp phần quyết định chặt đứt vận chuyển, tiếp tế bằng đường không duy nhất của địch cho Điện Biên Phủ.

Đó là cách đánh, sự góp công góp sức của công binh trong việc mở đường, sửa chữa cầu phà, thiết kế sở chỉ huy chiến dịch và sở chỉ huy các đơn vị, làm hầm cho pháo, đào hàng trăm kilomet hào giao thông chiến đấu, hầm cứu chữa thương bệnh binh, bếp nuôi quân phục vụ bộ đội. Điều đặc biệt phải kể đến đó là bộ đội công binh đã đào một đường ngầm dài 49mét vào lòng đồi A1, nơi diễn ra trận đánh ác liệt và kéo dài nhất ở Điện Biên Phủ giữa bộ đội ta và quân Pháp; đặt vào đó gần 1.000kg thuốc nổ, nhằm phá hầm ngầm của địch trên đỉnh đồi, làm hiệu lệnh của cuộc tiến công đợt 3 chiến dịch.

Năm là, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất.

Lực lượng bộ đội tham gia lúc cao nhất lên tới 55.000 người thuộc 4/6 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công binh – pháo binh và các đơn vị trợ chiến, phối thuộc khác. Số lượng pháo các cỡ, súng cối, pháo cao xạ, ĐKZ, súng máy phòng không lên tới gần 300 khẩu, lớn nhất từ trước tới lúc đó.

Đã có 262.000 dân công và thanh niên xung phong từ Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 và ở ngay tại Tây Bắc đã tham gia làm đường, vận chuyển tiếp tế lương thực thực phẩm, đạn dược, trang bị, cứu chữa thương bệnh binh….phục vụ chiến dịch.

Với 628 xe ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, khoảng 20.000 phương tiện vận chuyển khác như ngựa thồ, bè mảng, thuyền, gánh bộ, các lực lượng đảm bảo hậu cần chiến dịch đã mang tới Điện biên Phủ 25.500 tấn lương thực, hàng nghìn tấn thực phẩm thịt, rau; hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, trang bị, thuốc men đảm bảo cho bộ đội chiến đấu dài ngày.

Sáu là, trong quá trình chuẩn bị cho trận mở màn cũng như toàn bộ chiến dịch, việc thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, giải quyết nhanh chuyển sang đánh chắc, tiến chắc diễn ra bất ngờ nhất cho cả cán bộ, chiến sĩ tham gia, và cả phía quân Pháp.

Vào những giờ phút cuối cùng trước khi nổ súng đánh trận đầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, đã đi đến quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân” của mình: không nổ súng theo kế hoạch đã định, rút tất cả các lực lượng đang áp sát trận địa, kéo pháo ra… để chuẩn bị thêm theo phương châm: chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 ngày bị lộ, tướng Giáp đã cân nhắc rất kỹ và quyết định chuyển sang phương án “đánh chắc, thắng chắc”. Ảnh: Getty

Quyết định này thể hiện tài chỉ huy quân sự, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao nhất trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ; trước sự tin cậy, giao phó của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính quyết định này đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Bẩy là, đây là chiến thắng to lớn nhất của quân và dân ta trong suốt 9 năm kháng chiến, đồng thời là thất bại nặng nề nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castrie chiều 7/5/1954, đánh dấu Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Ảnh: bqllang.gov.vn

Trong trận Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã đánh bại hoàn toàn cố gắng chiến tranh cao nhất của kẻ thù, tiêu diệt và bắt sông số lượng quân của một cường quốc quân sự phương Tây nhiều nhất trong lịch sử hiện đại. Chính vì thế, chiến thắng Điện biên Phủ có ảnh hưởng to lớn nhất, trở thành nhân tố quyết định đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh của Pháp, buộc chúng phải chọn giải pháp đàm phán kết thúc chiến tranh trên thế thua cả về quân sự và chính trị.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà/ueb.vnu.edu.v