Chiến sỹ cảm tử phá thủy lôi[i] ở cửa Gianh

Đăng lúc: 16-01-2018 8:42 Sáng - Đã xem: 162 lượt xem In bài viết

“Quê tôi “lũy thép Nam sông Gianh”, nơi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất trong những năm chiến tranh… Cũng chính nơi đây, đã có bao người con dũng cảm “Quyết tử, quyết sinh cho Tổ quốc”. Câu chuyện về người cảm tử cách đây 56 năm phá nổ 200 quả thủy lôi tại cửa cảng sông Gianh là một minh chứng lịch sử”.

Trước mặt tôi, ông Nguyễn Văn Nhỏ (sinh năm 1940) tại thôn Thanh Vinh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nguyên là chiến sỹ Đại đội 26, công binh sông Gianh, cũng là người lính cảm tử chạy ca nô rà phá cho nổ 200 quả thủy lôi mà máy bay Mỹ thả xuống gần cửa Gianh, nơi phà 1 qua lại và cảng Hải quân.

Một ngày đáng nhớ của năm 1967, lúc 5 giờ 55 phút, ông Nhỏ nhận lệnh của đơn vị, rà phá 200 quả thủy lôi ở gần cửa Gianh. Trước đó, 2 chiến sỹ trinh sát đã theo dỏi từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, đếm cả thảy có 200 quả thủy lôi máy bay Mỹ ném xuống trong ngày. Như vậy, từ bên kia bờ Bắc (xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch) qua bờ Nam sông Gianh (xã Thanh Trạch) chừng cây số thì mật độ thủy lôi địch thả xuống là tương đối dày. Đây là vị trí quan trọng cùng với bến phà 2, bến phà 1 đưa xe quân sự, xe dân sự chở hàng, chở quân qua sông Gianh. Địch phong tỏa các loại bom bằng đường bộ, đường biển và cả đường sông, hòng ngăn chặn các tuyến đường chi viện lương thực, vũ khí, đạn dược và các mặt hàng thiết yếu khác vào chiến trường miền Nam.

    Qua nhận diện thủy lôi mà trinh sát báo cáo về Trung ương, Ban chỉ huy (BCH) chiến dịch – hiện đang đóng tại thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch) xuống trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Nhỏ và chiến sỹ A (xin được giấu tên), công binh Đại đội 26, người nhận nhiệm vụ rà phá số thủy lôi này: Phải đảm bảo mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường thần tốc,.

     “Dù hy sinh 1, 2 người, chứ không để hy sinh hàng ngàn quân giải phóng”. Đó là quyết tâm của BCH chiến dịch khi ra lệnh phá thủy lôi. Ông Nhỏ là người tại quê hương Thanh Trạch, thuộc địa hình, địa thế sông Gianh nhiều. Đơn giản vậy, nhưng đối với ông, cái lớn lao hơn là tình yêu thương vô bờ bến đất nước bị chia cắt làm hai miền Bắc, Nam, không có ngày đêm nào lại không mang nỗi tang thương chết chóc, hàng triệu người nằm xuống trong bom đạn sát hại của kẻ thù.

   Tại BCH đơn vị, lễ truy điệu sống chiến sỹ Nguyễn Văn Nhỏ và chiến sỹ A xã Hải Trạch. Lúc đó không có ông, ông đã đi bộ 12km đến chỗ giấu ca nô đưa về. Vì giữ bí mật, nên khi người nhà chỗ cất giấu ca nô hỏi, ông Nhỏ phải nói dối là chuyển công tác nơi khác. Lệnh báo động cấp 1, ông Nhỏ chạy ca nô về cặp bờ. Ông nghĩ, nếu trúng thủy lôi phát nổ thì hất ông lên cạn vẫn còn cơ may sống sót. May mắn là lúc ông chạy về đến cảng, vào bến vẫn an toàn không “chạm” quả thủy lôi nào. Ngồi đợi lệnh sẵn sàng chiến đấu, ông Nhỏ nghĩ chắc chắn mình sẽ hy sinh trong trận này, ngay tại quê hương, khi nhận nhiệm vụ phá bằng được 200 quả thủy lôi. Nhưng ông đã quyết tâm và không lăn tăn do dự. “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. “Quyết tử, quyết sinh vì Tổ quốc thân yêu”. BCH chiến dịch và cả ngoài Trung ương đang theo dỏi ông từng giây phút.  

   Giờ xuất phát…

   Hai người ngồi vào ca nô. Ông Nhỏ nổ máy chuẩn bị tăng tốc thì bất ngờ chiến sỹ A sợ hy sinh nhảy xuống sông lội vào hồ cá của đơn vị Hải quân. Còn lại ông vừa máy, vừa lái. Ông Nhỏ tăng tốc độ, gồng người giữ tay lái vững không cho xoay. Toàn thân ông căng thẳng, mồ hôi vả ra như tắm, nước sông hắt lên làm áo quần ướt sủng. Hai mắt ông căng nhìn chăm chăm phía trước. Chiếc ca nô chồm lên nhận quả thủy lôi xuống nổ sau khoảng 15 – 20 mét. Bom thủy lôi máy bay Mỹ thả xuống có dây neo giữ cố định cách mặt nước sông khoảng 20 phân. Bom nổ, mặt sông dậy sóng muốn tung ông văng khỏi buồng lái ca nô. Nhiều lần muốn đẩy ông đứng dậy, xoay vật tay lái lung lay. Ông Nhỏ vẫn giữ được tư thế ngồi, nghiến răng gồng lên ôm chặt gì tay lái vào ngực. Chiếc ca nô chở người lính cảm tử lao vun vút lướt qua lướt về hàng chục lần cho tới khi không còn tiếng nổ, ông Nhỏ mới thở phào biết mình còn sống. Ông chạy ca nô qua bờ Bắc, nổ máy cho hút nước trong ca nô ra. Trời về chiều, mặt sông tĩnh lặng trở lại. Một chiếc thuyền câu nhẹ chèo ngược dòng sông Gianh. Ông thấy tim mình đập xốn xang, dâng trào tình thương yêu quê hương vô bờ. Bên bờ Nam sông Gianh, chắc hẳn vợ con và người thân ông đang trông chờ. Mở cóp ca nô lấy gói thuốc lá Tam Đảo được bọc kỷ trong túi bóng. Lấy một điếu định bật lửa hút, ông Nhỏ mới sực nhớ lính nhái sẽ xâm nhập vào tiêu diệt mục tiêu, chính ông đã làm cho âm mưu chúng thất bại. Cách cửa Gianh chưa đầy 4 hải lý, tàu hải quân Mỹ đậu ngoài khơi. Bất giác tiếng súng CKC của dân quân từ cửa sông vọng vào, cho biết có lính nhái từ tàu thủy của chúng thả vào.

   Hai lần được chết…

   Ông Nhỏ khởi động máy, chạy ca nô qua chỗ khác giấu. 2 giờ sau, máy bay Mỹ từ hạm đội 7 bay vào thả 3 tầng pháo sáng. Hai chiếc máy bay lượn 2 vòng, một chiếc bổ nhào phóng tên lửa vào bến phà 1 nơi ông Nhỏ đậu ca nô, cách chỗ ông khoảng 70m, toàn thân ông Nhỏ nóng ran. Lại tiếp tục lượt máy bay khác cũng từ hạm đội 7 bay vào. Phát hiện được mục tiêu ta phá thủy lôi, nên chúng tập trung không lực đánh phá mấy giờ liền vào khu vực cảng Gianh và lân cận. Hàng chục loạt bom tạ, bom từ trường, bom bi, bom cháy ném xuống cách chiếc ca nô và ông Nhỏ không xa. Tiếp theo một loạt đạn 20 li bắn xuống trúng phần trên ca nô, ông Nhỏ bị thương bất tỉnh.

   Chết… rồi sống. Chuyện về ông Nhỏ – chiến sỹ cảm tử phá thủy lôi – như câu chuyện huyền thoại. Sống lại, ông tiếp tục giữ tay lái chạy ca nô kéo phà qua sông Gianh. Lần này, Mỹ ma mãnh hơn, máy bay chúng thả thủy lôi nè[i]. Loại thủy lôi mới này, cả ông và đồng đội còn xa lạ. Sự hủy diệt tàu, phà, thuyền ghe qua lại sông Gianh, nguy hiểm hơn so với loại thủy lôi chúng có dây neo giữ cố định. Rất khó cho các trinh sát ta nhận diện vị trí bom rơi, tọa độ, định hướng. Lúc này không thể ngồi đó bàn tính, đắn đo phương án và chờ đợi thêm thời gian. Hàng chục xe bên bờ Bắc đang chờ qua sông đưa hàng thần tốc vào chiến trường miền Nam. Lâu quá, chạy được chuyến nào hay chuyến đó. Ông Nhỏ chạy ca nô cặp sát phà, trên phà ông trung đội trưởng ra hiệu cho 2 xe trên xuống. Ra được phần sông, chiếc phà chạy chậm chồm lên quả thủy lôi phát nổ. Cả trung đội trên phà hy sinh, 2 xe quân sự tan luôn…

   Ông Nhỏ im lặng. Đôi mắt của ông đọng nước, chảy xuống gò má. Người chiến sỹ cảm tử rà phá 200 quả thủy lôi giờ đã tuổi 78. Là thế hệ con cháu, tôi thật sự xúc động chia sẻ nỗi đau của ông trước sự ra đi của đồng đội. Đôi mắt ông nhìn xa, hình như trong ánh mắt đó chứa bao nỗi buồn lay lắt, mà bản thân ông cũng có lỗi trong cái nôn nóng của mình. Tôi chưa hỏi tiếp ông, đợi cho qua cơn xúc động, quá khứ một thời oanh liệt đã và vẫn đang dồn chặt trong ông. Và tôi nghĩ, quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha, là con cháu, mình không viết lên thì ít năm nữa chắc gì đã gặp lại ông và những người lính cảm tử khác.

   Ông Nhỏ kể tiếp: “Chú ngồi trong ca nô chìm… chết trong đó. Rồi sóng đẩy chú trồi lên. Một mảnh phao còn lại cỡ 2 gang tay chèn vào mặt chú, ôm luôn, bất tỉnh. Đầu chú bê bết máu hòa cùng nước sông Gianh, 2 chân co lên, toàn thân mềm như con sứa”. Máu chảy xuống mặt, ông Nhỏ cố căng mắt nhìn hai bờ Bắc, Nam thấy sáng, ông mới biết mình đang trên khô hay dưới nước. Nhìn hai bên không có ai. Ông kêu lên “Cứu tôi với” và trôi theo con nước ròng ra cửa biển…

    Sau hai trận đó, ông Nhỏ được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ghi vào bảng vàng cảm tử. Thế nhưng, chỉ nghe nói trên giấy tờ, hồ sơ mà thôi. Cho đến nay, sau 56 năm như ông chưa được từng phong danh hiệu cao quý đó. Ngoài thương binh hạng ba và tấm huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba. Thời gian không bao lâu nữa, hết cuộc đời ông, chuyện sẽ chôn chặt vào quá khứ. Dù không được anh hùng này anh hùng nọ, nhưng với ông Nhỏ đối với quân và dân xã Thanh Trạch và huyện Bố Trạch nói chung, ông đã là người anh hùng – chiến sỹ cảm tử rà phá 200 quả thủy lôi trên dòng sông Gianh lịch sử, mãi mãi con cháu mai sau ghi tạc.

DUY HIẾN

[i] Loại thủy lôi có không có neo cố định

[i] Thủy lôi còn gọi là mìn hải quân là một loại mìn được đặt xuống nước để tiêu diệt các loại tàu thuyền đối phương. Sau khi được gài chúng sẽ nằm chờ đến khi phát nổ do tàu thuyền tác động. Vì được thả ngầm trong nước, xác suất để va chạm với tàu thuyền khá nhỏ, thủy lôi hiện đại phải thiết kế thêm thiết bị cảm ứng để tự bị kích nổ khi tàu thuyền đến gần, và thường có kích thước lớn, chứa một lượng nổ rất mạnh. Các đầu nổ của thủy lôi thường dựa vào cảm ứng với tác động mạnh của làn nước, với kim loại, với từ trường khi tàu thuyền đi qua v.v.

Do được thả trong nước, để tránh sự dịch chuyển do tác động của các dòng nước xô đẩy từ các phía, thủy lôi thường có dạng tròn, để gia tăng tính cố định cho thủy lôi, một số dây cột được sử dụng giữ thủy lôi lơ lửng trong nước, không nổi lên bề mặt để dễ bị phát hiện nhưng cũng không chìm dưới đáy sông hay biển khiến hiệu quả bị suy giảm. Cũng vì được thả ngầm trong nước, xác suất để va chạm với tàu thuyền khá nhỏ, thủy lôi hiện đại phải thiết kế thêm thiết bị cảm ứng để tự bị kích nổ khi tàu thuyền đến gần, và thường có kích thước lớn, chứa một lượng nổ rất mạnh. Các đầu nổ của thủy lôi thường dựa vào cảm ứng với tác động mạnh của làn nước, với kim loại, với từ trường khi tàu thuyền đi qua v.v.