Ngày 28/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến, thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).Một trong những điểm mới của dự thảo luật được bổ sung là hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Ban biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tại hội nghị này. Tiêu đề do Ban Biên tập đặt.
Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim phát biểu tại nghị trường Quốc hội ngày 28/3/2022
Kính thưa Đoàn Chủ tịch!
Kính thưa Quốc hội!
Tôi xin phát biểu mấy ý kiến sau đây về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi):
Bài phát biểu khai mạc đầu giờ sáng nay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ mục tiêu, nguyên tắc và ý nghĩa cũng như trách nhiệm chúng ta tiếp tục tham gia thảo luận 4 Dự án Luật đã nêu tại Hội nghị này.
Tôi rất tán thành và hoan nghênh nội dung chỉ đạo vừa cơ bản, vừa rất cụ thể của Chủ tịch Quốc hội. Cụ thể:
– Đối với Dự án Luật “Thi đua, khen thưởng” dự thảo lần này đã chỉnh lý các Chương, các Điều khá kỹ lưỡng. Tôi nhận thức: Đây là văn bản Luật có quan hệ mật thiết, hữu cơ đến quá trình hy sinh, cống hiến, lao động sáng tạo của mọi cá nhân và mọi tập thể trong các phong trào thi đua yêu nước, các thời kỳ kháng chiến trước đây.
Kính thưa Quốc hội!
Tôi được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian công sức và trí tuệ, trăn trở 5 lần, 7 lượt về những vấn đề của lịch sử trước đây: Cụ thể là đã chuẩn bị nội dung Khoản 1 của Điều 95 là rất xác đáng: Đó là “Tiếp tục quá trình thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 29/8/1960 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến; Nghị quyết số 13 ngày 28/8/1981 của Hội đồng Nhà nước quy định chế độ làm việc của Hội đồng Nhà nước trong việc xét duyệt và quyết định tặng thưởng Huân chương, Huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước; Nghị quyết số 47 ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhà nước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tôi nhận thức rằng, đây là đường lối, là chính sách rất quan trọng, nhất quán và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta. Lần này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm quán triệt đề cao trong nội dung Dự thảo này về vấn đề thuộc lịch sử kháng chiến của một dân tộc anh hùng, bất khuất chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
“Ôi! Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng của thế kỷ 20…”[i]
Chính vì vậy thế giới coi Việt Nam là biểu tượng của một dân tộc kiên cường đấu tranh cho Hòa bình, Tự do và Độc lập dân tộc.
Kính thưa Quốc hội!
Cho phép thay mặt Hội Cựu TNXP Việt Nam, tôi xin cảm ơn Ban soạn thảo Luật; Cảm ơn Ủy ban Xã hội đã thẩm định; các cơ quan đã chắt lọc, tiếp thu và rất sáng kiến đưa vào Dự thảo Khoản 2, Điều 95 rất là quan trọng trong Dự thảo Luật này.
Thưa Quốc hội! Trước đây thì Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tập hợp ý kiến, thảo luận tập thể, có kết luận chỉ đạo; Ban Cán sự Đảng đã nhất trí cao trình ra Quốc hội khóa XV được các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm, tham gia nhiều ý kiến xác đáng. Đến giờ phút này, các Cựu TNXP rất phấn khởi, bản thân tôi rất tâm đắc, rất hài lòng. Tuy nhiên để trọn vẹn tôi xin thêm ý kiến đề nghị sau đây: Đối với thời gian xét khen thưởng TNXP tham gia liên tục ít nhất chỉ nên 1 năm và cho cả đối tượng TNXP phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Đối với những đồng chí hy sinh được Nhà nước đã công nhận liệt sĩ thì không nên tính thời gian tại ngũ 01 năm mà nên quy định dưới 01 năm, như đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội và các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Hoặc không quy định thời gian vì là liệt sĩ nên không tính tháng, tính ngày như lịch sử dân tộc ta đã tôn vinh: “Có những phút làm nên lịch sử, có cái chết hóa thành bất tử”*. Tôi hiểu rằng: Chính sách liệt sĩ là chính sách vô cùng cao quý, dành cho người hy sinh trọn vẹn sự sống của mình cho Tổ quốc, chứ không chỉ hy sinh tuổi trẻ, tuổi thanh xuân tươi đẹp, gia đình mất mát mãi mãi không tìm lại được đứa con, nhất là người mẹ mang nặng đẻ đau, dày công nuôi dưỡng sinh thành.
Xin một lần nữa các đồng chí, các đại biểu Quốc hội quan tâm “Nghĩa tử là nghĩa tận” theo đạo lý của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn Đoàn Chủ tịch và toàn thể Quốc hội!
Vũ Trọng Kim
[i] Thơ Tố Hữu