Xuyên thủng Trường Sơn

Đăng lúc: 02-05-2019 3:44 Chiều - Đã xem: 146 lượt xem In bài viết

           Từ 19/4/2019 đến 21/4/2019, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và Ban Liên lạc Ban Xây dựng 67 (Ban XD 67) đã tổ chức viếng, tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại các nghĩa trang và địa danh đơn vị đã chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc[i], các nghĩa trang Tân Ấp, Thọ Lộc, Cục công trình I, Vạn Ninh, Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị; tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn và 52 năm ngày truyền thống Ban XD 67 ngày 21/4/2019 tại Đà Nẵng.

Đi suốt dọc Trường Sơn và nhớ lại những ngày chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi thật bùi ngùi, cảm động nhớ lại những ngày “chọc thủng Trường Sơn”.

Tháng 1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (Khoá II) mở rộng, do Hồ Chủ tịch chủ trì tại Hà Nội đã nhận định: Không thể đấu tranh bằng nghị viện để thống nhất đất nước được mà phải là đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực để giải phóng miền Nam. Miền Bắc phải chi viện cho miền Nam về hậu cần, quân lực để thành lập chính quyền cách mạng đánh địch.

Đồng Lộc

Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Trung ương, thừa lệnh Bộ Chính trị giao cho Thượng tá Võ Bẩm (sau này là Thiếu tướng) tổ chức đoàn công tác đặc biệt làm nhiệm vụ mở đường, tìm lối để vận chuyển tài liệu, cán bộ, bộ đội và vũ khí, khí tài vào Miền Nam. Lúc đầu biên chế một sư đoàn gọi là Đoàn 559. Đơn vị xuất quân mở tuyến giao liên bằng gùi, thồ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vượt Đường 9 để đưa quân vào Nam. Từ đó đến cuối năm 1963 hình thành lên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Nghĩa trang Tân Ấp sáng 18/4

Từ 5/8/1964, bị thất bại ở chiến trường, Đế quốc Mỹ đã gây ra sự kiện vịnh Bắc bộ để mở rộng chiến tranh đánh phá Miền Bắc, ngăn chặn tuyến hậu phương của ta chi viện cho miền Nam. Thực hiện Nghị quyết 12 Ban Chấp hành Trung ương về việc phải mở đường Trường Sơn thành đường ô tô để vận chuyển, chi viện, đáp ứng được yêu cầu vận tải chiến lược cho Miền Nam.

Ngày 30/4/1965 Quân uỷ Trung ương ra quyết định 54/QUTW nâng cấp Đoàn 559 thành Quân đoàn và cử Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiêm Tư lệnh Đoàn 559. Đồng chí Võ Bẩm và 2 Thứ trưởng Bộ GTVT là Nguyễn Tường Lân và Nguyễn Nam Hải làm Phó Tư lệnh Đoàn 559 và đồng chí Phan Trầm, Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản làm tham mưu cầu đường.

Nghĩa trang Thọ Lộc chiều 18/4

Từ 1962 đến 1965 Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT thành lập các Ban xây dựng, trong đó có Ban XD 64, Ban Miền Tây và Cục đảm bảo giao thông tiền phương; điều động các Công ty Đường 8, Công ty Đường sắt 2 vào đảm bảo giao thông Đường 15C; Công trường 4 vào mở các con đường 21, 22A, 22B.

Giữa năm 1965 các Quốc lộ 15A, 1A bị địch đánh phá ác liệt, cắt đứt đoạn qua Đèo Ngang với các tuyến phía Tây. Ngày 23/4/1967 Ban XD 67 được thành lập với nhiệm vụ cùng Bộ Tư lệnh 559 quản toàn bộ lực lượng giao thông, TNXP. Để tăng cường cho Cục I, Bộ đã điều động từ Ban Miền Tây các Công trường 111, 113, 115,116,117, 120 sân bay Vĩnh Phú và 31C, 12C của Ban 64 tăng cường cho Cục I. Ngoài ra còn 20.000 TNXP bố trí ở tuyến 21 là N35, N53; tuyến 22A có N37, N41, N43; tuyến 22B có N39; tổng số TNXP và các lực lượng bố trí cho Cục I đã lên tới 35.000 người.

Nghĩa trang Cục Công trình chiều 18/4

Ngày 20/7/1966, Hồ Chủ tịch giao cho Chính phủ mở tuyến đường đặc biệt nối Quốc lộ 15A từ Lệ Ninh Quảng Bình thông đến Đường 9 gọi là Đường 10; giao cho Cục công trình I huy động 6.000 người, 40 máy ủi các loại: C100, T100, DT54 mở rộng đường mòn thành đường ô tô; giao cho 5 Công trường là 7A,7B, 7C, 7E, 7G và 2 Đội cơ giới thi công, đến tháng 1/1969 Đường 10 đã thông toàn tuyến đến Sê Băng Hiên[ii].

Nghĩa trang Vạn Ninh sáng 19/4

Cùng lúc ấy Trung ương chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 khảo sát, thiết kế mở Đường 20 Quyết Thắng để phá thế độc tuyến. Tuyến đường này đi từ Phong Nha qua Aki, Ta Lê, Đèo Pu La Nhíc dài 115 KM trong đó có 41 KM đi qua vùng đá tai mèo. Chính tuyến này đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Theo lệnh của Quân uỷ Trung ương tuyến đường phải hoàn thành trong vòng 105 ngày. Đây là một bước đột phá chiến lược hoàn toàn mới, địch không ngờ tới. Về con đường này, ông Nguyễn Tiến Duy – một kỹ sư học từ Trung Quốc về, công tác tại Viện thiết kế Giao thông Vận tải, sau này là Thư ký riêng cho Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân – nói với tôi rằng: Cái khó nhất là khâu khảo sát, thiết kế. Không có bình đồ địa hình Trường Sơn, trên thực địa thì núi cao, đèo hiểm, rất mung lung. Việc thiết kế, khảo sát ban đầu và cắm tuyến cực kỳ khó khăn. Nhưng cuối cùng bằng ý chí và kinh nghiệm chiến trường nên vẫn Đoàn khảo sát vẫn hoàn thành được. Lỗ Tấn[iii] từng nói nói “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi ”. Đúng là như vậy, sau này thành đường chúng ta mới biết rằng sức mạnh con người thật là vĩ đại. Con đường được đặt tên là Đường 20 Quyết thắng. Ông Duy nói: 20 ở đây không phải là số học, mà là tuổi 20, tuổi trẻ đã “xuyên thủng Trường Sơn”.

Nghĩa trang Trường Sơn sáng 19/4

Ngày 30 mươi Tết năm Bính Ngọ ( 27/01/1966), vào lúc 17 giờ 30 phút, Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân, Phó Tư lệnh Đoàn 559 đã thay mặt Tư lệnh và Bộ GTVT phát lệnh toàn tuyến nổ bộc phá, mở màn chiến dịch thi công. 48 nghìn cán bộ, chiến sỹ lực lựơng TNXP gồm lực lượng xe máy, thiết bị, Đội TNXP 25 Nam Hà, Đội TNXP 3 Nghệ An, Đội TNXP 23 Hà Tĩnh, Đội TNXP 33, Đội 6, C7 Quảng Bình…; Trung đoàn 12 Công binh, Trung đoàn 4 và 5 Bộ binh tham gia thi công. Chỉ trong 77 ngày quân ta đã mở thông toàn tuyến từ Phong Nha qua Aki. Đây là một kỳ tích mà chưa từng có trong chiến tranh. Chính con đường này cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã hoàn thành sứ mạng trong cuộc chiến tranh chống ngăn chặn của Đế quốc Mỹ và đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nghĩa trang Đường 9 trưa 19/4

Hoà bình lập lại Đường Hồ Chí Minh đã trở thành Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt[iv]. Được biết Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào cũng đang xem xét công nhận Đường Hồ Chí Minh trên địa phận Lào cũng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt của Lào.

Tác giả đang quay video ở Đài tưởng niệm các liệt sỹ ở Thành Cổ Quảng Trị

                                        Trường Sơn, ngày 21/4/2019

                     NGÔ VĂN TUYẾN       

 * Số liệu trong bài viết này lấy theo Tư liệu của Ban Liên lạc Ban Xây dựng 67


[i] Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

[ii] Sê Bănghiêng (tiếng Lào: Se Banghiang, Se nghĩa là sông) là một phụ lưu cấp 1 của sông Mê Kông và là một dòng sông ở Nam Lào

[iii] Lỗ Tấn– 25/9 /1881 tại có nguyên danh là Chu Chương Thọ, tự Thụ Nhân, hiệu Dự Tài, Dự Sơn, Dự Đình, sinh ngày 25 /9/1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, mất ngày 19/10/1936

[iv] Đường Hồ Chí Minh (đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2013). Tổng kết 16 năm (1959-1975) Bộ Tư lệnh Trường Sơn 559 (trong đó có Ban XD 67) đã thông được đường Hồ Chí Minh từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Lộc Ninh (Tây Ninh) với chiều dài 17.000KM gồm: 5 tuyến dọc, 21 đoạn ngang, đường giao liên dài 3.000 KM, đường ống xăng dầu dài 1.400 KM, đường sông Sê Băng Hiên, Xê Kông, Mê Công và 1.300 KM đường dây thông tin, tải ba; đã chi viện cho chiến trường 5,5 triệu tấn xăng dầu, đưa 1,1 triệu cán bộ, chiến sỹ vào chiến trường; 560.000 cán bộ chiến sỹ ra Bắc. Bắn rơi 2455 máy bay, bắt sống 18.700 tên địch.