Chọc thủng Trường Sơn, mở Đường 20 – Quyết Thắng

Đăng lúc: 21-02-2019 10:30 Sáng - Đã xem: 248 lượt xem In bài viết

 

Trong những năm chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược, Đường 20 Quyết Thắng được tôn vinh là con đường kỳ diệu, một trục quan trọng trong  Đường Hồ Chí Minh, với sứ mệnh vượt qua Trường Sơn để chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho miền Nam ruột thịt.

 Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cán bộ, chiến sỹ ta đã từng đi theo những lối mòn, luồn sâu trong rừng già, núi cao, vách đá cheo leo của dãy Trường Sơn để vào Nam, ra Bắc công tác và chiến đấu. Để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1959, từ những lối mòn trước đã được khai phá để mở ra tuyến đường Trường Sơn. Cũng từ đó hệ thống đường giao liên, vận tải bí mật này ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến đấu ngày càng lớn. Sau tuyến đường gùi trên đất Việt từ làng Ho vào Tà Riệp, được sự đồng ý của Bạn Lào, ta mở tuyến đường ô tô theo Đường 12 từ khe Ve qua đèo Mụ Giạ sang đất Lào đến ngã ba Lằng Khằng (Ba Na Phào) rồi mở các tuyến 129, 128 xuôi về phía nam gặp Đường 9 Nam Lào, đi tiếp và rẽ ngang sang các vùng căn cứ kháng chiến của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và Liên khu 5.

  Đến mùa mưa năm 1965 nước dâng lên hàng chục ki lô mét đường mở ven suối, hình thành túi nước Xiêng Phan, công việc vận chuyển hoàn toàn bị bế tắc. Trước tình hình đó Trung ương quyết định “Phải mở bằng được một con đường từ miền Tây tỉnh Quảng Bình, vượt đỉnh Trường Sơn sang Lào và đường phải sử dụng được cả 4 mùa bát kể thời tiết xấu…” Và giao cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ[i] thực hiện. Thứ trưởng Nam Hải được phân công đi trực tiếp khảo sát thực địa. Qua khảo sát có 2 phương án được đề ra:

– Một là mở tuyến đường đất từ Phong Nha đi vòng theo núi đá qua Đoòng về Khe Tum lên U Bò;

– Hai là từ Phong Nha vượt dốc Ba Thang lên U Bò đi Khe Tum, biên giới.

Phương án 1 tuy phải kéo dài hơn 30 km nhưng là nền đất có thể bắt tay thi công ngay và dễ hơn. Phương án 2 phải qua khu vực núi đá tai mèo Phong Nha thì ta chưa có kinh nghiệm thi công. sau khi phân tích, trao đổi thì phương án 1 được chọn. Thời gian thi công là 3 tháng. Chỉ huy là kỹ sư Phan Trầm. Tên con đường được đặt là Đường 20 với ý nghĩa lực lượng thi công đều ở lứa tuổi 20. Khi hoàn thành được gọi là Đường 20 – Quyết Thắng.

 Tuy nhiên khi bắt tay vào nhiệm vụ, Chỉ huy công trường Phan Trầm băn khoăn cho rằng chọn tuyến đường đất dài thêm 30km thì khối lượng không nhỏ,, dễ bị lầy lội, qua nhiều khe suối sẽ phải làm nhiều cầu và ngầm. Lại còn không có gì đảm bảo là khi bóc lớp đất trên mặt sẽ gặp đá ở dưới thì càng khó khăn hơn, cho nên không dễ gì đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ. Nhiều kỹ sư, cán bộ kỷ thuật của công trường cũng có chung sự tính toán suy nghĩ như Chỉ huy Phan Trầm và đã nghiêng về phương án vượt dốc Ba Thang đi qua 41km núi đá. Tuy khó khăn khi mở tuyến nhưng sau này lại thuận lợi trong việc đảm bảo giao thông vì đường đá ít cầu ngầm, địch khó đánh phá. Sau khi xác định quyết tâm theo phương án tuyến vượt núi tai mèo với một triệu mét khối đá cần phá bằng 150 tấn thuốc nổ đồng chí Phan Trầm đã đề nghị lên cấp trên cho thay đổi phương án tuyến so với quyết định ban đầu. Và rồi kế hoạch huấn luyện, đào tạo lực lượng phá nổ, hướng dẫn thi công được triển khai cấp tốc đặc biệt là về kỷ thuật sử dụng thuốc nổ với hiệu quả công phá đạt yêu cầu, đạt tốc độ thi công, bảo vệ được cây cối lớn ngụy trang cho đường, giữ được bí mật, đảm bảo an toàn cho tuyến đường và lực lượng.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại đường 20 Quyết thắng

  Đường 20 – Quyết thắng dài 124km, có 65km nằm trên đất Việt, 59km trên đất Lào đã được mở thông với tiến độ được coi là thần tốc chưa từng có. Lực lượng thi công bao gồm 1 Trung đoàn công binh, 2 Trung đoàn bộ binh trên đường đi B được lệnh dừng lại làm đường và 5 ngàn TNXP của các tỉnh Bắc Trung bộ và Ninh Bình, Nam Hà. Theo đó đội hình thi công được phân bố là: Lực lượng TNXP chịu trách nhiệm từ Cửa Rừng qua Trạ Ang, Ba Thang, Cù Mẹ, U Bò, Khe Tum đến Kà Roòng. Từ Kà Roòng lên biên giới đến cuối tuyến (ngã ba Lùm Bùm) do bộ đội đảm nhận.

 Để đảm bảo bí mật, công trường quyết định nguyên tắc: Mở đường đến đâu phải ngụy trang ngay đến đó. Riêng đoạn 4 km cửa rừng từ Phong Nha vào vì trống trải nên chỉ lót “ rông đanh[ii]” đi tạm, khi mở xong toàn tuyến mới làm đường. Do đó suốt thời gian thi công, máy bay địch không phát hiện được.

 Đúng 17 giờ ngày 30 Tết Bính Ngọ 1965\), Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân thay mặt Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ – Tư lệnh Đoàn 559 hạ lệnh nổ bộc phá đầu tiên để đón xuân và hưởng ứng chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi” do Bộ Tư lệnh phát động.

 Toàn công trường hừng hực khí thế lao động, giữ vững tốc độ mỗi tháng mở thông 15 – 20km đường, là tốc đọ chưa từng có trong lịch sử thi công, mở đường đá lúc bấy giờ.

 Sau 77 ngày đêm liên tục lao động không nghỉ, hai mũi thi công đã gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn tại km 65 biên giới Việt Lào vào ngày 27/4/1966.

 Sau khi thông đường bộ đội rút đi, chỉ còn lực lượng TNXP làm công việc hoàn thiện nền đường, lát mặt đường và đảm bảo giao thông.

 Đến tháng 9/1966, theo lệnh cấp trên, công trường tổ chức lại 2 đội TNXP 23 và 25 bàn giao cùng tuyến Đường 20 sang Binh trạm 14.

 Ngày 23/4/1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra quyết định thành lập Ban Xây dựng 67 bên cạnh Tổng cục Tiền phương với nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ các lực lượng công nhân, TNXP trên các tuyến 12A, 15A, 16 và toàn bộ cơ quan Công trường 20-Quyết Thắng trở thành bộ máy của Ban Xây dựng 67.

 Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng đặc biệt về con đường mang tên 20 – Quyết Thắng vẫn sâu đâm trong tâm trí mỗi cán bộ, công nhân, viên chức và chiến sỹ, TNXP từng tham gia khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý. Tuyến vận tải chiến lược này đã có vai trò quyết định đối với kết quả chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của cả nước và nâng cao tình hữu nghị của 3 nước: Việt Nam-Lào-Campuchia.

                 Văn Như Tước

                       Cựu TNXP Thanh Hóa

 

 


[i] Năm 1961, ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; năm 1965, ông được cử vào tuyến chiến lược Trường Sơn, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 có quy mô tương đương một quân khu

[ii] Dùng cây nhỏ, rải dọc rồi rải ngang trên đường đất yếu cho xe cơ giới đi