Chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đối với lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước

Đăng lúc: 16-12-2017 9:25 Sáng - Đã xem: 362 lượt xem In bài viết

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Bí thư TƯ Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã chủ trương thành lập lực lượng TN XP chống Mỹ cứu nước (tập trung) để đối phó có hiệu quả với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Chỉ thị 105 CT /TW ngày 29-7-1965 của Ban Bí thư TƯ Đảng về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động thanh niên trong tình hình mới có đoạn nói về TNXP:

“Để phát huy truyền thống của các Đội TNXP trong thời kỳ kháng chiến và để kịp thời đáp ứng với nhiệt tình của thanh niên đang sôi nổi thực hiện “Ba sẵn sàng”, cần tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước nhằm phục vụ cho chiến đấu và xây dựng. Mỗi Đội TNXP phải là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết và đồng thời là một trường học văn hóa kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện thanh niên về mọi mặt. Các đội viên TNXP sẽ hưởng chế độ cung cấp trong thời gian phục vụ (thoát ly khỏi địa phương), Chính phủ sẽ ban hành những quy định và chế độ cần thiết cho các Đội TNXP”.

Ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71/TTg về việc “Tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước phục vụ công tác GTVT”.

Chỉ thị có đoạn: “Trước những thất bại liên tiếp trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ đang tăng cường và mở rộng từng bước cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, trước hết là phá hoại đường giao thông, các doanh trại bộ đội, các khu vực kinh tế nhằm gây cho ta những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Trong tình hình đó, việc đảm bảo công tác GTVT không bị gián đoạn là một nhiệm vụ vô cùng trọng yếu đối với hoạt động sản xuất của các ngành, các địa phương và việc tăng cường khả năng quốc phòng. Thực hiện nhiệm vụ này cần phải có một đội ngũ lao động trẻ, có giác ngộ chính trị, có tổ chức kỷ luật chặt chẽ và có tinh thần dũng cảm trong sản xuất, trong chiến đấu với địch, bảo vệ giao thông, phục vụ cho được các nhu cầu cấp bách về vận chuyển tiếp tế.


Bác Hồ tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (22 – 25/3/1961) Ảnh: T.L

Để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của thanh niên trong việc đảm đương các nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang đó, TƯ Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho TƯ Đoàn TNLĐ tổ chức các Đội “TNXP chống Mỹ cứu nước” làm nhiệm vụ đảm bảo các công việc về GTVT trên các tuyến đường trọng yếu”.

Chỉ thị 71 cũng chỉ rõ 6 nhiệm vụ của các “Đội TN XP chống Mỹ cứu nước (tập trung)” là:

– Xây dựng các công trình cấp thiết về quốc phòng và kinh tế.

– Xây dựng và sửa chữa các cầu đường bị địch phá hoại, bằng mọi cách khôi phục nhanh chóng giao thông, bảo đảm cho việc vận chuyển thông suốt liên tục.

– Bốc xếp, chuyển tải và vận chuyển hàng hóa ở các đường khó khăn.

– Cứu chữa hàng hóa và các phương tiện vận tải trong các trường hợp bị địch bắn phá.

– Chiến đấu chống sự phá hoại của địch để bảo vệ đường, phà, cầu và các phương tiện GTVT khi cần thiết.

– Bổ sung cho quân đội trong trường hợp cần thiết.

Chỉ thị 71 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rất rõ những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác vận động thanh niên là:

1- Xuất phát từ yêu cầu khẩn trương của sự nghiệp cách mạng chống Mỹ cứu nước, nhằm đối phó với âm mưu, hành động thâm độc dã man của đế quốc Mỹ, Đảng và Chính phủ ta đã có quan điểm đúng đắn trong việc đánh giá vai trò của lực lượng thanh niên, nên đã giao cho Đoàn TNLĐ Việt Nam tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước, đảm nhận các yêu cầu nhiệm vụ khó khăn gian khổ cấp bách, đảm bảo công tác GTVT trên các tuyến đường chiến lược trọng yếu.

2- Qua chế độ chung và chính sách toàn diện như đã trích dẫn, thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ là sử dụng khả năng vai trò xung kích cách mạng của thanh niên đi đôi với nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo thanh niên; sử dụng khả năng phục vụ nhiệm vụ cách mạng trước mắt gắn với việc chuẩn bị, bồi dưỡng, đào tạo gánh vác nhiệm vụ cách mạng trong tương lai.Sau khi Chỉ thị 71 ban hành, tất cả các Bộ, các ngành có chức năng nhiệm vụ liên quan đến TNXP đều lần lượt ban hành các chỉ thị, thông tư, công văn hướng dẫn cụ thể.

Sự lãnh đạo kiểm tra và quản lý của Chính phủ đối với lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung) còn thể hiện ở chỗ:

Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách về tổ chức, chế độ đối với TNXP chống Mỹ cứu nước.

Kiểm tra các ngành, các cấp có trách nhiệm đối với TNXP, phát hiện kịp thời các khuyết, nhược điểm để ra chủ trương bổ khuyết.

Sau một năm thực hiện Chỉ thị 71, ngày 4-5-1966 Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã họp, nghe đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư TƯ Đoàn kiêm Trưởng ban Chỉ đạo TNXP TƯ và đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT báo cáo tình hình hoạt động của TNXP chống Mỹ cứu nước[i] (1). Hội nghị đánh giá cao tinh thần hy sinh dũng cảm, khắc phục khó khăn của TNXP trong lao động, chiến đấu, học tập, bảo vệ mạch máu GTVT, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Đồng thời Hội nghị cũng nêu bật các khuyết nhược điểm cần khắc phục trong tổ chức, chỉ đạo cũng như việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách đối với TNXP.

Ngày 6-7-1966, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 121/TT nêu bật một số vấn đề quan trọng về tổ chức hoạt động và chế độ chính sách cần kịp thời bổ khuyết, thực hiện đối với tổ chức TNXP.

Cuộc họp kiểm tra của Thường vụ Hội đồng Chính phủ và Quyết định 121 ngày 6-7-1966 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo bước ngoặt và có ý nghĩa lịch sử quan trọng.

Nội dung chủ yếu của Quyết định 121 gồm 5 vấn đề cơ bản sau đây:

* Sau khi lực lượng TNXP được thành lập và đi vào thực hiện các nhiệm vụ lao động sản xuất, tổ chức học tập bổ túc văn hóa và luyện tập quân sự, xây dựng nếp sống mới, nhiều đơn vị TNXP nhất là các đơn vị ở những địa bàn chiến đấu ác liệt đã xuất hiện mâu thuẫn giữa nhiệm vụ lao động sản xuất với nhiệm vụ học tập văn hóa.

Thông thường ở những vùng địch đánh phá ác liệt, khi địch đánh xong, cầu đường hỏng là lực lượng TNXP phải ra ngay hiện trường ứng cứu nhằm đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, vận tải liên tục. TNXP đang lên lớp học tập mà phải dừng lại để ra hiện trường, cán bộ lãnh đạo và giáo viên lo không đảm bảo chương trình, nên chủ trương học xong mới cho đi, do đó đã gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ đảm bảo giao thông.

Từ đó mâu thuẫn giữa cán bộ TNXP với Ban chỉ huy công trường xuất hiện. Để chấm dứt tình trạng đó, Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Đội TNXP chống Mỹ cứu nước là một tổ chức lao động đặc biệt, có 3 nhiệm vụ: Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa học tập. Trong 3 nhiệm vụ ấy thì “sản xuất là nhiệm vụ trung tâm” phải được ưu tiên số một, nhất là ở những nơi địch đánh phá ác liệt. Hỏng cầu, hỏng đường, bất kể ngày đêm, giờ giấc, TN XP phải tổ chức lực lượng ra ngay hiện trường ứng cứu. Còn học tập sẽ được bố trí học bù sau.

* Về quản lý và sử dụng TNXP cũng xuất hiện những nhận thức lệch lạc. Đoàn và Đội TN XP thì coi các Đội TNXP do Đoàn thành lập ra là của Đoàn, do Đoàn chỉ đạo. Còn cán bộ của ngành chủ quản (bao gồm cả ngành GTVT, Quốc phòng và Lâm nghiệp) lại coi TNXP là lực lượng lao động của mình, do mình quản lý nên có quyền điều động phân công sử dụng, kể cả điều động, sử dụng làm những công việc phục vụ cơ quan không đúng với vai trò của TNXP.

Quyết định 121 đã nói rõ: Lực lượng TNXP giao cho ngành nào sử dụng thì thuộc chỉ tiêu lao động của ngành đó. Ngành chủ quản được sử dụng TNXP nhưng phải cùng với TƯ Đoàn TNLĐ Việt Nam chịu trách nhiệm về mặt tổ chức, quản lý theo đúng chính sách Nhà nước quy định.

* Về tổ chức lãnh đạo lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước phải theo đúng nguyên tắc quản lý xí nghiệp XHCN, Thủ trưởng phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy, công nhân tham gia quản lý. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và phức tạp, đòi hỏi phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc quản lý.

Sau Quyết định 121, TƯ Đoàn đã cử một tổ cán bộ đại diện biệt phái công tác bên cạnh Bộ Tư lệnh Đoàn 559 để giúp cán bộ quân đội, các binh trạm sử dụng TNXP quán triệt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác phổ biến giáo dục để cán bộ Đoàn, cán bộ Đội TNXP và đội viên chấp hành quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn của TƯ Đoàn.

* Để phát huy vai trò chủ động sáng tạo của thanh niên và giải quyết dần những mâu thuẫn nói trên, Quyết định 121 phân tích đặc điểm của công tác GTVT có 2 nhiệm vụ song song: Vừa xây dựng cơ bản làm đường mới, vừa đảm bảo giao thông các tuyến đường chiến lược bị địch đánh phá.

Về việc thực hiện các chế độ chính sách và chăm lo đời sống của TNXP, các Bộ, các ngành, các địa phương đã cố gắng làm tốt các chế độ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các Đội TNXP lập được những thành tích to lớn, góp phần bảo đảm GTVT thời chiến và phục vụ nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu. Nhưng về mặt quản lý sử dụng thì các Bộ, các ngành chủ quản, các cấp và các cơ quan có liên quan còn có nhiều thiết sót như: Việc tổ chức sử dụng TNXP, chưa thật hợp lý; Việc cung cấp dụng cụ sản xuất và chuẩn bị kế hoạch sản xuất không kịp thời đã gây nhiều lãng phí.


Đ/c Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TƯ Đảng, đ/c Phan Trọng Tuệ – Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Đảng bộ ngành GTVT
tại Đại hội Ba sẵn sàng của TN và TNXP đạt danh hiệu Dũng sĩ GTVT thắng Mỹ (19/5/1968) Ảnh: T.L



Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội và TNXP tại tuyến lửa Trường Sơn 
Ảnh: T.L

Từ những nhược điểm trên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Cần thực hiện nghiêm chỉnh mọi chế độ chính sách của Nhà nước đối với TNXP, mọi tiêu chuẩn định mức cung cấp cho TNXP phải tính theo giá cung cấp, phải quan tâm đến đặc điểm sức khỏe, bệnh tật của nữ TNXP, phân công sử dụng hợp lý sức lao động của chị em.

– Khuyến khích mở rộng phong trào tăng gia chăn nuôi, trồng trọt tự cải thiện đời sống. Động viên giáo dục tư tưởng, đi đôi với khuyến khích khen thưởng TNXP có sáng kiến tăng năng suất lao động.

Có thể nói Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo bổ khuyết và hướng dẫn, tạo bước phát triển mới trong việc phát huy vai trò xung kích của TNXP chống Mỹ cứu nước. Quyết định đó còn có tác dụng chỉ đạo hướng dẫn cho lực lượng TNXP trong suốt cả 3 nhiệm kỳ 10 năm (1965 – 1975). Đây cũng là một thể hiện rõ nét nhất trong sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với TNXP trong kháng chiến chống Mỹ.

Cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên và Bộ Giao thông Vận tải… cũng thường xuyên có sự chỉ đạo sâu sát và cụ thể đối với TN XP nhằm không ngừng nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và chiến đấu./.

(Theo “Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước” – NX B Giao thông Vận tải – 2002)

 

 


[i] Trong Hội nghị này còn có đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Bộ Quốc phòng tham dự