Chung quanh các bé là một thế giới bao la

Đăng lúc: 06-01-2022 2:40 Chiều - Đã xem: 106 lượt xem In bài viết

Tản văn

Có lần, một cô giáo ở một trường Mầm non trên địa bàn thành phố Hà Giang nói với tôi: Muốn giáo dục các cháu tốt, đừng có nghĩ các cháu còn nhỏ, chưa biết gì. Các cháu đã và đang bước vào tuổi năng động, thích khám phá, thích trải nghiệm. Chung quanh các cháu luôn là một thế giới bao la, có bao điều mới lạ. Cái gì các cháu cũng thích hỏi người lớn, thích nghe người lớn kể chuyện, thích được xem và tập làm theo người lớn. Nhà trường, gia đình và các hoạt động xã hội định hướng cho các cháu tiếp cận với “Thế giới bao la” kia thực sự có ý nghĩa sâu sắc.

 1 — Sáng chủ nhật, ông bà cùng cháu nội Vũ Bảo Ngọc đi dạo bằng chiếc xe máy. Khác với những lần trước đi qua những phố phường, những dẫy nhà cao tầng, lần này, điểm dừng chân của chúng tôi bên những sườn đồi núi cao. Xe chạy lên dốc chỉ cài số mộ,t số hai, theo con đường nhỏ cứ ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo bên sườn núi. Bên kia con suối đá sâu thẳm, nước chảy rì rào, trắng xóa, là cánh đồng ruộng bậc thang, lúa chín vàng đang vào thời kỳ thu hoạch, cùng những nương ngô vụ thu đông đang lên xanh tốt, nhìn thật đẹp mắt.

 — Ái chà ! Bà nhìn cháu kìa. Oách chưa nào !

 Vừa bước xuống xe chỗ đoạn đất trống, bé Bảo Ngọc giang hai cánh tay ra như muốn ôm cả những quả núi khổng lồ vào lòng. Bé reo lên:

 — Ôi, thích quá!

 Rồi bé tung tăng chạy nhảy bắt bướm, hái những bông hoa bé nhỏ, xinh xắn của rừng tặng ông bà. Bé Bảo Ngọc lên 5 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên bé được ông bà cho đi lên đồi núi cao, bé được nhìn thấy cảnh tượng như thế này. Trước khi đi, bé được chuẩn bị một cách chu đáo, đội mũ bảo hiểm, quần áo gọn gàng, giữ ấm, chân đi tất, giày thể thao.

 Bé Bảo Ngọc chạy nhảy, hát hò trên bãi đất rộng từ nãy đến giờ dường như vẫn chưa biết chán…

 Trên đường quay về nhà, ngồi trên xe, bà hỏi:

 — Bảo Ngọc hôm nay mệt và cuồng chân rồi chứ gì. Từ nay không đi lên rừng nữa nhé ?

 — Không, chân con có đau đâu. Ngày mai ông bà cho con đi nữa cơ. Con thấy bà chiều nào cũng đi bộ thể thao vào rừng. Con đi được. Đi như thế sẽ tốt cho sức khỏe lắm bà nhỉ?. Con mạnh khỏe, ông bà sẽ vui hơn vì ít ốm đau hơn, lớn nhanh hơn, ngoan và học tập giỏi hơn.

 Bé Bảo Ngọc nói tới đó rồi giơ hai tay lên đầu và “Ê” một tiếng rất khỏe khoắn như một siêu nhân mà bé đã xem được trên ti vi, trên sách.

 2 — Bà và cháu nội Vũ Bảo Ngọc vừa có cuộc dạo chơi trải nghiệm hấp dẫn trên những cánh đồng. Bé Bảo Ngọc rất thích thú khi bóc vỏ hạt thóc ra, thấy hạt gạo bên trong trắng nõn, nhỏ nhắn xinh xinh, thoảng hương thơm, cũng giống như những hạt gạo bà vẫn nấu cơm ăn hàng ngày cho cả gia đình; bên ruộng ngô thấy rất nhiều bắp ngô, giống như những bắp ngô bà mới luộc sáng qua, cả nhà cùng ăn thật thơm ngon, ấm áp…Lúc này, bé Bảo Ngọc như sực nhớ ra những hình ảnh mà bé đã bắt gặp lần trước. Đó là những người nông dân cày bừa, cấy lúa, gieo trồng ngô, chăm sóc vườn rau xanh, và vừa nãy thấy mọi người xắn quần nội ruộng gặt lúa, xen lẫn với những tiếng nói tiếng cười vui vẻ hả hê. Đó là những người đã rất vất vả mới làm ra được những hạt gạo hạt ngô như thế này. Bé ngửng mặt lên nhìn bà:

 — Thì ra, những loại cây trồng này đã giúp cho con người sống được. Mọi người đã lớn lên từ đây bà nội nhỉ !

 3 — Ông dắt cháu đi dạo quanh đường làng. Đi được một đoạn ngắn, hai ông cháu dừng chân. Cháu ngước lên hỏi ông :

 – Ông ơi, sao vừa nãy đang đi, ông và cháu gặp hai người. Gặp người thứ nhất thì họ tươi cười chào ông, còn cúi xuống nhìn cháu, xoa đầu cháu, rồi khen cháu ngoan, mạnh khỏe và xinh xắn nữa. Nhưng khi gặp người thứ hai thì thấy họ cứ thế bước qua. Chắc là người thứ nhất ông và họ quen biết nhau, nên họ đã chào ông, còn người kia chắc mới từ nơi khác đến, không quen biết nhau, nên họ không chào.

 Đợi cho cháu nói xong, ông nhẹ nhàng giải thích :

 – Việc chào hỏi nhau là một nét đẹp trong đời sống xã hội con người, không liên quan gì đến ở xa hay ở gần, quen biết nhau hay không quen biết nhau. Đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, ta cũng làm được việc này. Chính vì thế mà con người với con người ngày càng gần gũi, gắn bó với nhau hơn.

 Nghe ông giải thích, cháu đã hiểu ra nhiều điều. Cháu nói :

 – Thảo nào, gặp người thứ nhất, ông và họ vui vẻ chào nhau, cháu thấy tình cảm thật ấm áp và gần gũi. Còn khi gặp người thứ hai thì … chán thật đấy ông nhỉ?…

Vũ Đăng Bút

Cựu chiến binh