Chiều 31/10/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Ban biên tập trân trọng giới thiệu phát biểu của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim, ĐBQH đoàn Nam Định.
Quanng cảnh phiên họp Quốc hội chiều 31/10/2023
Kính thưa Quốc hội,
Đánh giá về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 cũng như tình hình giữa nhiệm kỳ, nhìn chung còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đọc kỹ các tài liệu Quốc hội cung cấp và hệ thống lại những gì đã diễn ra trong thực tế, tôi nhận thấy điểm sáng xuất hiện, rõ dần ra trong nhận thức của mình.
Tốc độ GDP đạt 5,3% trong quý 3/2023, tăng so với mức 4,1% của quý 2. Sản lượng công nghiệp 8 tháng đầu năm giảm 0,4%; tháng 9 lại tăng 5,1 % so cùng kỳ năm ngoái. Đơn hàng tháng 8 tháng 9 đều tăng nhờ các nền kinh tế châu Á, EU, Mỹ phục hồi trở lại, ngắt mạch giảm và quay đầu trở lại nên nhu cầu xuất khẩu của ta tăng lên, đem lại sự lạc quan cho cuối năm 2023 và năm 2024, cũng như cho kinh tế trung hạn. Xin thưa Quốc hội: Chúng ta có niềm tin vì đã có những động lực mới.
Một là: Lực lượng lao động của nước ta tương đối lớn, đào tạo tốt hơn, tiền công còn rẻ nên cạnh tranh được với bên ngoài, kể cả Trung quốc. Đây chính là điểm hấp dẫn cho sản xuất của các công ty đa quốc gia.
Hai là: Nhờ thành quả cải cách, vốn FDI tăng trưởng nhanh những năm qua, riêng năm 2022 ước tính 22,4 tỷ đô la. Họ đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để tránh sự tổn thương do gián đoạn nguồn cung do chiến tranh hoặc những sự cố khác. Vừa qua người dân, doanh nghiệp chưa yên tâm lắm cho đầu tư, nhưng đến nay nhiều cơ chế, chính sách được mở ra đem lại niềm tin bước đầu; – kiều hối là một ví dụ, mấy tháng qua tăng mạnh lên tôi thấy ngoài sự tưởng tượng.
Ba là: Chúng ta đã có khâu đột phá mạnh xây dựng hạ tầng KT-XH; mở ra nhiều công trình giao thông vận tải trọng yếu, nay đã giải ngân hơn 70% nguồn vốn; đầu tư xây dựng nhà máy điện và sẽ mở rộng mạng lưới điện hàng trăm tỷ đô la theo cái cách không độc quyền; ngày không xa Quốc hội ta sẽ ấn nút quyết định Việt Nam mình tự làm đường tàu cao tốc Bắc Nam; Điều đặc biệt khác người là ta cứ lẳng lặng tự nghiên cứu, làm chủ công nghệ 5G; Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia vừa khánh thành sẽ hấp thụ nhu cầu phát triển công nghệ cao của bất cứ nước nào, tôi biết không chỉ có Hòa Lạc mà còn là Tp HCM, Đà Nẵng, nhiều địa phương xuất hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ số; hiện ta có nguồn nhân lực CNTT-điện tử viễn thông hơn 01 triệu người, với chất lượng trí thức trẻ đầy tiềm năng sáng tạo, tự chủ và tự tin trong các ngành, kể cả nông nghiệp. Điều đó cho ta thấy rõ điểm mạnh để phát triển nguồn lực tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bốn là: Việt Nam ta là điểm đến ưu thế của các doanh nghiệp Hàn quốc, Nhật bản và các nước khác. Việc mở ra đột phá về hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ và các Hiệp định thương mại ASEAN với các nền kinh tế lớn châu Á, Thái Bình dương; Hiệp định CPTPP với gần 11 quốc gia, Hiệp định EVFTA…là những động lực quan trọng cho thời kỳ chuyển đổi kinh tế nước nhà.
Năm là: Sự quyết tâm bước lên con đường phồn vinh hạnh phúc của dân tộc ta do Đảng, Nhà nước mở lối – là động lực mạnh hơn lúc nào hết và ko gì lay chuyển nổi.
ĐBQH Vũ Trọng Kim. Ảnh internet
Tuy nhiên, phải biết cách vượt qua lực cản…
Có động lực phát triển, có tiềm năng kinh tế, chúng ta cần phải phát huy mạnh mẽ; hiện nay ta đang mắc phải điểm yếu về nội lực, có phần do hậu quả Covid 19, doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động không ít; vừa qua ta có chủ trương giảm thuế, chính sách vay vốn thuận lợi hơn, nhưng tổng thể chính sách khoan thư sức dân chưa đủ sức làm lành vết thương sau đại dịch Covid.
Mặt khác, quản lý trái phiếu doanh nghiệp và chính sách tài khóa, tài chính tiền tệ còn những sơ hở, thiếu sót, dẫn tới những mặt yếu kém trong quản trị nền kinh tế quốc gia – Ở đây, cần phải kể thêm là để kéo dài sự bất cập, bất minh của thị trường bất động sản, chứng khoán và sự chậm chạp, rối ren trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Có ai ngờ rằng: Kế hoạch ngân sách 5 năm dự toán thu 248 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhưng gần như thất bại, năm 2021 chỉ thu được 1 nghìn tỷ, năm 2022 thu 3.848 tỷ, năm 2023 dự kiến thu 3 nghìn tỷ đồng; tổng cộng lại chưa được 8 nghìn tỷ đồng, chưa được con số lẻ. Ai chịu trách nhiệm việc này, không lẽ “mất mùa là tại thiên tai” (!)
Kính thưa Quốc hội! Cử tri và Nhân dân kiến nghị rằng: Công tác quản lý điều hành kinh tế vĩ mô cần rút kinh nghiệm sâu sắc; chấn chỉnh cán bộ ko dám làm, sợ sai; chặt chẽ trong quản lý sử dụng cán bộ, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát huy thành quả, phát huy các động lực mới cho phát triển, như đã nêu trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ – coi đó là thời cơ vàng để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy chất lượng thay cho số lượng tăng trưởng; đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân thì sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc ta sẽ được phát huy cao độ “Đào núi và lấp biển quyết chí ắt làm nên”./.
Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
(Ngày 31/10/2023)