Đó là ngày định mệnh của tên cố vấn Mỹ xấu số, ngày 26/3/1972. Sáng hôm ấy quận trưởng quận Phước Long[1] làm lễ mừng hai năm ngày ban hành luật “Người cày có ruộng”[2]. Lễ được tổ chức trong sân dinh quận trưởng, cờ hoa rợp trời. Hai bên đường, chúng dùng dù bông (hoa) chùm lên các cây Huỳnh đàn làm núi giả, che bông sô làm nơi hội trại. Chúng tôi là đoàn học sinh Trung học đệ Nhất cấp[3] được chọn đi dự lễ. Đoàn tôi có 30 bạn đi theo hàng dọc đi từ trường cách nơi làm lễ gần 500m.
Máy bay trực thăng cán gáo. Ảnh internet
Khi đi qua ngang trại lính, tôi thấy chiếc máy bay trực thăng cán gáo[4] ở sân gần sông, sát mép sông là hàng rào dây kẽm gai. Lợi dụng lúc này không có người, tôi tách đoàn chạy xuống mép sông[5] làm bộ đi tiểu. Thấy một đoạn dây kẽm gai chỉ gắn một đầu dây vào cột, tôi nhanh chóng kéo đầu dây còn lại đút vào một lỗ của càng máy bay, buộc lại chắc chắn, rồi tiếp tục chạy theo đoàn học sinh tiến về sân lễ. 30 phút sau tôi thấy có 2 tên Mỹ mặc thường phục từ doanh trại đi về phía máy bay và chỉ có một thằng lên máy bay. Chúng vẫy tay chào nhau. Do bị cột chân càng vào hàng rào nên máy bay cất cánh bị mất đà vút đầu lên cao và rơi xuống sông nổ cái đùng. Tôi thấy tên Mỹ còn lại hốt hoảng chửi thề: “Chết mẹ – chết mẹ” với giọng lơ lớ. Hắn hốt hoảng nhờ mọi người giúp vớt bạn hắn đang nổi trên sông. Một ông lái đò bằng chiếc ca nô cũ đã vớt xác tên lính Mỹ đưa vào bờ. Xác tên lính này được khiêng lên máy bay đưa về Cần Thơ. Lúc này sân lễ hỗn loạn, mọi người nhanh chóng trở về nhà. Tôi cũng hơi lo cùng các bạn nhanh về trường. Hồi đó tôi là cảm tình Đoàn. Về nhà cách quận chừng 7 km, chờ đến tối tôi đi về căn cứ gặp đồng chí Võ Tấn Ngọc – Bí thư chi đoàn ấp Mỹ 1 nơi tôi ở – báo cáo việc làm chiếc máy bay cán gáo bị rơi và xin vào du kích. Đồng chí Ngọc phân tích tình hình và động viên tôi trở về tiếp tục đi học, tiếp tục hoạt động hợp pháp; nếu bị lộ thì bị bắt ngay sau đó rồi; căn dặn nếu có bị bắt thì không khai nhận, không khai tổ chức nhé. Tôi hứa với đồng chí sẽ không bao giờ khai.
Ngoài việc làm máy bay địch rơi, lợi dụng ở gần đồn phòng vệ dân sự, tôi đã lấy cắp một khẩu súng Carbine M1[6] và 4 quả lựu đạn M26[7] giao cho đồng chí Bảy Ngọc.
Sau ngày 30/04/1975 tôi tham gia dạy bình dân học vụ. Một ngày đầu tháng 6/1975 các anh trong xã kêu tôi làm lý lịch để đi học sư phạm cấp tốc khoá 4 Bạc Liêu – Cà Mau. Tôi nói mình mới 16 tuổi, các chú nói khai lên 2 tuổi cho đủ 18[8]. Công tác cho đến bây giờ tôi cũng không báo cáo và nói với ai mình đã làm máy bay Mỹ bị rơi vì luôn nhớ lời đồng chí Ngọc là không được khai. Năm 2017 các anh chính quyền biết chuyện, kêu tôi làm hồ sơ để nhận Huân chương Kháng chiến. Rất may là đồng chí Võ Tấn Ngọc vẫn còn sống và chứng nhận cho tôi. Một vài anh biết ngày 26/3/1972 tại quận Phước Long có máy bay rơi nhưng không biết lý do. Có người hỏi sao tôi dám làm chuyện như vậy. Trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ hình ảnh cha tôi bị bọn Mỹ ở quận giết chết vào ngày 20/4/1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân[9]. Cho nên diệt Mỹ là có động cơ căm thù giặc từ lúc lên 12 tuổi. Nhưng hồ sơ của tôi bị trả lại vì ngày tôi tham gia cách mạng là 26/3/1972, chưa đủ năm làm Huân chương Kháng chiến.
Tác giả bài viết.
Hôm nay dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhớ lại chuyện xưa, chuyện cách nay đã 53 năm rồi mới kể. Các anh nói vui: nếu mày bị bắt thì bây giờ làm Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị chứ đâu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP.
Lê Văn Nhỏ
Chủ tịch Tỉnh hội Bạc Liêu
[1] Nay là huyện Phước Long, ở phía bắc tỉnh Bạc Liêu
[2] Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã ký tại Cần Thơ sắc lệnh số 003/60 ban hành luật “Người Cày Có Ruộng”.
[3] Tương ứng với Trung học cơ sở ngày nay
[4] Trực thăng trinh sát OH-6 Cayuse được bộ đội ta gọi bằng biệt danh “Cán gáo” do hình dáng đặc biệt của nó. Kíp lái 2 người; chiều dài 9,4 m; đường kính rotor 8,33 m; chiều cao 3,4 m; trọng lượng rỗng 896 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 1.610 kg.
[5] Kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp đổ ra sông Gành Hào; có chiều dài 121 km, chảy qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
[6] Tên đầy đủ United States Carbine, Caliber 30, M1, là loại súng cạc-bin có trọng lượng nhẹ và tốc độ bắn cao. Khẩu súng này đồng hành với quân đội Mỹ qua 3 cuộc chiến lớn của Thế kỉ XX là Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam,
[7] M-26 là loại lựu đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1965.
[8] Tội còn giữ căn cước VNCH cấp tháng 3/1972 sinh 1958 cho đến bây giờ.
[9] Gia đình tôi đã nhận được Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lê Văn Phận do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký ngày 27/3/1991, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất truy tặng liệt sỹ Lê văn Phận do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký ngày 29/10/2004.