Chuyện người nữ chỉ huy TNXP “vượt cạn giữa rừng” 

Đăng lúc: 29-03-2019 8:19 Sáng - Đã xem: 105 lượt xem In bài viết

 

 Bà Nguyễn Thị Cơ, người được các đồng đội cựu thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (TNXP GPMN) thường gọi thân mật là chị Tư Cơ, nguyên Liên đội phó Liên đội 9 TNXP-GPMN.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tặng quà cho bà Nguyễn Thị Cơ, nguyên Liên đội phó Liên đội 9- TNXP giải phóng miền Nam.

Thật ra, bà Tư Cơ chủ động tìm gặp người viết bài này để hỏi thăm về nhân vật bác sĩ Hồ Sĩ Tuyển- được đề cập trong một ký sự đã đăng trên Báo Tây Ninh nhân kỷ niệm 43 năm Ngày chiến thắng 30.4 vừa qua. Bà Tư Cơ cho biết: “Ðó là người đã có ơn cứu sống mẹ con tôi 43 năm về trước”.

 THỜI THANH NIÊN ÐÁNG TỰ HÀO

Chúng tôi tìm đến nhà bà Tư Cơ ở xóm Bàu Vừng, ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, nơi bà đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Bà Tư Cơ kể, hồi ấy, bà mới 18, 19 tuổi (bà sinh năm 1943), là “du kích mật” thuộc Xã đội Cẩm Giang.

Nhiều lần đưa mấy anh đặc công của Tỉnh đội đi trinh sát để tổ chức đánh các đồn, bót giặc ở địa phương, bà quen biết ông Hai Rắc, tên đầy đủ là Lê Văn Rắc. Khi tỉnh thành lập Tiểu đoàn 14, ông Rắc là một trong những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn. Biết ông Hai có tình cảm với mình, bà Tư cũng… không từ chối.

Hai người cùng hứa hẹn đến ngày hoà bình mới tính chuyện lứa đôi. Nhưng rồi cuộc chiến ngày càng ác liệt, ban đầu chỉ có cố vấn Mỹ đi với lính Sài Gòn tìm diệt lực lượng cách mạng, đến năm 1965 đế quốc Mỹ trực tiếp đổ quân xâm lược miền Nam.

Tại Tây Ninh, Mỹ lập căn cứ ở Trảng Lớn (huyện Châu Thành) để làm bàn đạp tiến công cơ quan đầu não của cách mạng ở chiến khu Bắc Tây Ninh. Lúc đó, Chi bộ Cẩm Giang phát động dân quân địa phương hưởng ứng chủ trương của trên đưa người đi dân công hoả tuyến để phục vụ bộ đội của tỉnh, của Miền (Trung ương Cục miền Nam) chiến đấu chống quân xâm lược.

Chi bộ yêu cầu “đảng viên đi trước”, là đảng viên trẻ, lại là xã đội phó, bà Tư Cơ xung phong và cùng hai đồng chí nam đi đến điểm tập kết gần cầu Sắt trên đường từ Trà Võ sang Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), ở đó có giao liên đưa sang chiến khu ở ven sông Sài Gòn, gần chân núi Cậu bên Bình Dương.

Ðoàn dân công từ các huyện phía Nam của tỉnh như Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng tập trung khá đông, có cả thanh niên ở mấy tỉnh miền Tây đưa lên, cả thảy khoảng hơn trăm người, vừa đi đến bến Bà Hảo bên sông Sài Gòn thì bất ngờ bị máy bay Mỹ “bừa” một trận bom khủng khiếp, dân công bị thương vong la liệt.

Tuy nhiên, nhờ đoàn đi thành từng nhóm rải rác nên chỉ có những nhóm đi đúng “vệt bom bừa” mới bị thiệt hại nặng. Nhóm dân công Cẩm Giang của bà Tư Cơ may mắn không trúng bom. Nhưng lúc đó “mạnh ai nấy chạy” nên thất lạc nhau hết.

Về sau, bà Tư được biết đó là lần đầu tiên, cũng là trận đầu tiên Mỹ sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52” xuất phát từ một hải đảo ở Thái Bình Dương bay vào ném bom “rải thảm” ở vùng Ðông Bắc Tây Ninh mà chúng cho là nơi trú đóng của cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam.

Trong lúc dân công chạy tránh bom tứ tán, bà Tư Cơ gặp được ông Hai Ninh (đồng chí Ðặng Văn Ninh, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và một cán bộ nữ ở Huyện đoàn Gò Dầu.

Lúc bấy giờ, ông Hai Ninh là Bí thư Huyện đoàn, nhận nhiệm vụ tỉnh giao vận động thanh niên để tổ chức thành lập đơn vị Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam đầu tiên của tỉnh, cũng là của Miền. Thế là anh Hai “vận động” bà Tư Cơ tham gia.

Bà Tư kể: “Tôi hơi băn khoăn vì nghĩ mình chỉ đi dân công có thời hạn ba tháng, nên chẳng có làm thủ tục, giấy tờ gì cả. Anh Hai Ninh nói đã đi đến đây còn quay về địa phương làm thủ tục rồi quay lên đâu phải dễ, bây cứ yên tâm lên đường, mọi chuyện để anh Hai lo.

Bây là đảng viên, là Xã đội phó Cẩm Giang, anh Hai biết mà!”. Bà Tư nghĩ ông Hai Ninh là cán bộ cốt cán của Huyện uỷ Gò Dầu, ông nói được là làm được, nên không ngần ngại tham gia vào đội ngũ TNXP thuộc đơn vị C2311- Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, lá cờ đầu của Tổng đội TNXP-GPMN.

Về sau lực lượng lớn mạnh, Tổng đội phát triển thành 3 Liên đội phối thuộc 3 Sư đoàn chủ lực của Miền. Liên đội 5 phối thuộc Sư đoàn 5; Liên đội 7 phối thuộc Sư đoàn 7; Liên đội 9 phối thuộc Sư đoàn 9.

Khi đơn vị C2311 trở thành nòng cốt phát triển thành Liên đội 5, ông Hai Ninh làm Chính trị viên Liên đội, ông Tám Quang (đồng chí Trương Ðịnh Quang, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh) làm Liên đội trưởng.

Bà Tư Cơ từ Trung đội trưởng ở C2311 được cấp trên điều về làm cán bộ các đơn vị của Long An, Cần Thơ trước khi làm Liên đội phó Liên đội 9. Suốt 10 năm (1965 -1975) công tác trong lực lượng TNXP-GPMN, bà Tư Cơ đã đi qua khắp các chiến trường miền Ðông, miền Tây. Dù là người chỉ huy, nhưng đi tới đâu bà cũng tải đạn, khiêng thương, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu như mọi anh em đồng đội khác nên luôn được anh em thương mến.

Nghe bà Tư Cơ kể, người viết bài này không hỏi gì thêm về thành tích công tác, vì mọi chuyện về bà, về đơn vị do bà chỉ huy được ghi lại khá nhiều trong các tài liệu truyền thống của Ðoàn, của Hội Cựu TNXP, nhất là trong sách “Ba thế hệ xanh một chặng đường”- quyển ký sự lịch sử phong trào thanh, thiếu niên Tây Ninh 1930-1975 do anh Võ Hoàng Khải, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ biên, xuất bản năm 1998. Chúng tôi chỉ hỏi thêm về chuyện riêng của bà, chuyện tình duyên với ông Hai Rắc và chuyện bà “mang ơn cứu mạng của bác sĩ Hồ Sĩ Tuyển” …

CHUYẾN “VƯỢT CẠN GIỮA RỪNG”

Trở lại “chuyện riêng” của mình, giọng bà Tư Cơ nhẹ nhàng hơn. Thật ra, bà cũng không ngờ lời hẹn “đến ngày hoà bình” với ông Hai Rắc lại “ứng nghiệm”. Vì ngày xung phong ra đi dân công hoả tuyến, bà vẫn nghĩ ba tháng sau mình lại về quê nhà.

Vậy mà bà đã đi một mạch đến 8 năm sau. Mấy năm đầu, thỉnh thoảng hai người còn nhắn nhe người quen gửi lời hỏi thăm nhau, vì phần lớn thời gian đơn vị của bà Tư công tác ở tỉnh nhà, trên địa bàn các địa phương vòng ngoài Căn cứ Trung ương Cục từ Tây Ninh sang Dầu Tiếng, Bình Dương (sau ngày thống nhất đất nước, phần giáp ranh phía Bắc Tây Ninh mới thuộc tỉnh Bình Phước – NV).

Nhưng mấy năm sau thì bặt tin nhau. Một lần gặp người quen trong một chuyến công tác, bà Tư nghe tin ông Hai bị địch bắt ở Bến Cầu, rồi đưa đi giam giữ ở trại tù binh ngoài đảo Phú Quốc.

Về phần bà Tư, sau Hiệp định Paris ngày 27.1.1973, Liên đội 9 được điều về Tân Biên làm nhiệm vụ tiếp đón những người chiến thắng trở về, tức là các cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam giữ ở các trại tù binh được giao trả cho chính quyền cách mạng miền Nam.

Lúc đó, địa điểm trao trả tù binh hai bên là tại sân bay Thiện Ngôn, sân bay cũ của Mỹ, rất gần khu Căn cứ Trung ương Cục, chỉ cách 2km đường chim bay. Qua các đồng chí lãnh đạo cấp trên, bà Tư được biết trong danh sách hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng được trao trả có tên Lê Văn Rắc, bị bắt ở Bến Cầu, Tây Ninh.

Ngày nào bà Tư Cơ cũng từ địa điểm đóng quân của đơn vị tại khu rừng Ðồi Thơ (nay thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) lặn lội lên tới Thiện Ngôn nhìn mặt từng người được trao trả để tìm ông Hai Rắc nhưng không hề thấy. Trong lúc bà gần như tuyệt vọng, vì nghe những người chiến thắng trở về cho biết, ở ngoài đảo có rất nhiều tù binh bị đánh đập tra tấn cho đến chết…

Thế rồi trong một lần đi công tác ngang qua cánh đồng trũng ngập nước mênh mông bên Bàu Cỏ (trước thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu nay đã chìm xuống lòng hồ Dầu Tiếng – NV), gặp mấy anh bộ đội D14 đóng quân ở khu vực đó đi câu cá “cải thiện”, hỏi thăm họ có nghe tin gì về ông Hai Rắc không.

Hỏi cầu âu vậy thôi, không ngờ một anh bộ đội trẻ vừa chỉ tay về phía đồng nước xa xa vừa trả lời: “Có, có, ảnh là thủ trưởng của em được trao trả bên Lộc Ninh nay đã về đơn vị rồi, chị có muốn theo tụi em về cứ gặp ảnh không?”. Bà Tư cho biết: “Tôi mừng quá, nhưng đang trên đường công tác gấp đâu có dám rẽ ngang tắt dọc, đành nhắn anh bộ đội nói với Hai Rắc là có người tên Tư Cơ ở Cẩm Giang, hiện đang ở bên rừng Ðồi Thơ gởi lời thăm.

Tôi chỉ nhắn như vậy, và tin rằng hiệp định hoà bình đã ký rồi, hai người đều còn sống thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp nhau thôi. Không ngờ mấy ngày sau, tôi đang họp Ban chỉ huy Liên đội ở cứ thì anh em bảo vệ vào báo có người quen bên Bàu Cỏ qua thăm. Tôi liền báo với các anh trong Ban chỉ huy đó là người mà tôi ngày nào cũng muốn gặp ở sân bay Thiện Ngôn. Thế là các anh cũng mừng như tôi và… ngỏ lời chúc mừng sớm”.

Qua năm 1974, ông Hai Rắc và bà Tư Cơ báo cáo hai đơn vị, được các thủ trưởng đồng ý và tổ chức đưa “hai ông già, một ở Hiệp Thạnh, một ở Cẩm Giang” lên Ðồi Thơ tác thành cho họ. Cuối năm đó, bà Tư mang bầu, tính ra khoảng tháng 5 năm sau thì sanh.

Thế rồi ngày vui chiến thắng cuối cùng đã đến sớm hơn. Khi bắt đầu vào chiến dịch mang tên Bác thì bà Tư đã rất gần ngày sanh con so nên không thể cùng đơn vị “xuống đường”. Cuối tháng 4.1975 cả đơn vị cùng “tiến về Sài Gòn”, ở cứ Ðồi Thơ chỉ còn mình bà Tư với một đồng đội nữ là y tá được phân công ở lại chăm sóc bà.

Bên Tiểu đoàn 14 của tỉnh, ông Hai Rắc cũng đã theo đơn vị xuống đường giải phóng Tây Ninh. Gần một tuần sau ngày giải phóng, bà Tư nghe cơ thể mình chuyển động, đang nằm trong lán thì nghe cô em vừa chạy vừa la từ ngoài vào: “Chị Tư ơi, có tàu Mỹ tấp vô bờ ngoài bến sông, mà sao tàu sắt có cắm cờ trắng, hổng lẽ giải phóng đã sáu ngày rồi nay lại có tàu giặc tới… đầu hàng.

Bà Tư còn bối rối chưa biết tính sao thì có một ông mặc đồ bộ đội bước vào nói giọng Bắc cho biết, ông là bác sĩ quân y cách mạng, bị địch bắt đưa ra Phú Quốc, được trao trả ở Thiện Ngôn. Ở tại Ban tiếp đón chờ hơn một năm qua mới tới đợt về Bắc. Nhưng gần ngày về thì được cấp trên yêu cầu ở lại, đi đợt sau, để chờ chăm sóc bà Tư Cơ bên TNXP sắp sinh con trong khi đơn vị xuống đường hết cả.

Bà Tư mừng như bắt được vàng, tưởng đâu kỳ này thực sự “đi biển một mình”, ngờ đâu lãnh đạo đã chu toàn, đề nghị bác sĩ Tuyển ở lại, “đỡ đẻ” xong rồi hãy lên đường về quê.

Bác sĩ Tuyển thăm khám cho bà Tư và không giấu sự băn khoăn khi biết bà sẽ đẻ khó vì thai nhi có “nhau choàng”. Bà Tư kể tiếp: “Thế rồi suốt đêm 6.5.1975, tôi cứ chuyển dạ, cố sức hợp tác với bác sĩ Tuyển mà con vẫn không chịu ra. Bác sĩ cứ thỉnh thoảng lại nghe tim thai và động viên tôi. Ráng lên chị, ráng… cứu con. Cứ thế đến sáng hôm sau, hơn 6 giờ ngày 7.5.1975, tôi suýt ngất đi sau lần cố sức cuối cùng, chợt nghe tiếng con khóc chào đời. Tôi như chết đi sống lại, bao nhiêu đau đớn mệt nhọc cũng tan biến hết”.

Chiều hôm đó, khi thấy bà Tư dần khoẻ, bác sĩ Tuyển dặn dò cô y tá TNXP cách thức chăm sóc sản phụ rồi cáo từ trở về đơn vị, vì anh chiến sĩ lái tàu không được phép chờ lâu hơn.

43 năm đã qua đi, dù bà Tư chưa kịp nhìn rõ mặt, chỉ nhớ được cái tên, nhưng vẫn không bao giờ quên ơn bác sĩ Hồ Sĩ Tuyển đã cứu mạng mẹ con bà trong ca sinh khó giữ rừng. Vừa rồi, đọc Báo Tây Ninh, bà Tư mới biết người ơn của gia đình đang ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Năm nay, bác sĩ Tuyển cũng đã hơn 80 tuổi. Bà Tư bảo: “Tôi tin anh vẫn còn sống, vì những người có nhơn, có đức ắt sẽ được sống thọ”.

Chuyện đời của người nữ chỉ huy TNXP là thế. Hiện giờ đứa con sinh ra ở Ðồi Thơ cũng đã là mẹ, đang sống bình yên bên chồng ở Bến Cầu. Còn người mẹ, nay đã là bà ngoại, bà nội, vẫn ở lại xóm Bàu Vừng với người con trai út sinh ra, lớn lên trong hoà bình và chăm lo hương khói cho người chồng có công với cách mạng.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Theo baotayninh.vn