1. Một chiều mưa cuối năm, rét lâm râm tràn trên mặt phố. Những hàng cây Ngọc lan, Tùng, Bách, Kim giao phơ phất trước gió. Cái lạnh cuối đông luồn vào cổ áo một người lính đang quỳ trước Đài tưởng niệm TNXP 915. Người ta nghe thấy tiếng khóc khe khẽ của người lính già. Chắc cái lạnh trong tâm còn căm buốt hơn, khi tiếng nấc My ơi thốt ra của người lính quyện trong làn hương trầm thoang thoảng. Trời Gia Sàng u ám. Người lính già càng khóc to hơn. Mưa lất phất bay phủ nhẹ lên mái đầu bạc người lính.
Đã rất nhiều năm cựu chiến binh Hùng đến thăm nơi tưởng niệm người yêu TNXP ở Đại đội 915 Bắc Thái ngày xưa, thời chiến tranh chống Mỹ. Ông đã lặn lội đi về từ nghĩa trang thành phố đến tượng đài Gia Sàng hoặc có năm lên thăm nhà người yêu tại xã Vi Hương – Bạch Thông – Bắc Kạn xa xôi trên 100 cây số heo hút gió vào dịp 24/12 hàng năm. Ôi! Cái ngày định mệnh đau đớn ấy đã cướp đi của Hùng những đồng đội thân thương nào Việt, Thời, Vui, Dương, Thi, Tuyết… 60 liệt sỹ trong đó có My thân yêu của Hùng. Ôi một trận đánh của 34 máy bay B52 Mỹ và 46 máy bay phản lực F4H, F111A ném 700 quả bom đào vào khu Nam thành phố Thái Nguyên, còn hằn sâu trong trí não và trái tim ông Hùng…
Sau một ngày lao động cật lực 66 con người ở Đại đội 915 chưa kịp ăn tối thì B52 ập tới cướp đi sinh mạng của 60 đồng chí, đồng đội tuổi đời còn rất trẻ, từ 17 cho đến 20. Hồi đó, ông Hùng đang chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, ông nhận được tin My hy sinh do thư của chị Vân gửi vào: “My chết thảm lắm không còn nguyên vẹn hình hài anh ạ!”. Tim Hùng như vỡ ra, tan chảy theo từng cánh hoa sim tím, trôi theo dòng nước sông Thạch Hãn… ông gào lên: “My ơi!”. Chỉ có tiếng vọng âm ba của núi…
Hôm nay, ông lại khóc, lại gào tha thiết: “Hồn em ở đâu, sao không báo mộng cho anh, để anh làm ma khô cho em, em ơi”.
Nước mắt lã chã tuôn rơi trên hai gò má ông Hùng, thật thiểu não đau xót. Hình dáng My xinh tươi 18 tuổi đang chập chờn hiện về trước mắt Hùng. Cô gái đẹp nõn nà đúng như câu thơ ai viết: “Mắt sắc dao cau ngực mơn mởn cau buồng; Cười chết mệt những chàng trai xóm huyện”.
Em có túm tóc đuôi gà đang mơ màng hiện về … chiếc áo xanh cỏ úa căng nở đôi chúm cau tuổi xuân thì rạo rực.
Chiếc hôn nồng nàn da diết hai người trao nhau ở cuối sân ga Lưu Xá khi chia tay Hùng đi chiến đấu ở chiến trường Lào, còn nguyên dư vị ngọt ngào trong người lính già đa cảm này “Em chết còn nguyên vẹn cả tâm linh và thực thể sống em ơi. Còn nguyên vẹn khối nguyên trinh trong lòng anh”.
Thế có nghĩa là chưa biết mùi đời là gì. Thế có nghĩa còn nguyên vẹn tâm hồn mang đi tất cả sang thế giới bên kia để cho Hùng càng yêu quý và tôn thờ My đến lạ lùng. “Lúc này em vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim anh”. Bây giờ tuổi Hùng xấp xỉ “thất thập cổ lai hy” có 6 cháu nội, ngoại. Cho dù tuổi xuân của Hùng đã va vấp nhiều mối tình ngang trái ở dọc chiều dài đất nước, chiều dài chiến tranh mà ông đã nếm trải. Nhưng có lẽ mối tình đầu thơ mộng, đắng cay do chiến tranh cướp đi của ông thì không bao giờ phai nhòa trong trái tim ông… Dư vị ngọt ngào đó không bao giờ cạn kiệt trong tâm trí người lính già này. Chỉ một chiếc hôn thôi, hai người ghì chặt nhau dưới góc bằng lăng tím cuối sân ga Lưu Xá. Chiếc hôn đầu đời, chiếc hôn chia tay, chiếc hôn vĩnh biệt. Tất cả ước mơ còn ở phía trước, thế mà em đã mang đi hết của anh rồi, vào thế giới hư vô, ẩn hồn đời trong hương khói
2. Một bàn tay vỗ nhẹ vai Hùng… “À anh Nhậm”. Hai anh em lại tay bắt mặt mừng khi họ thường gặp nhau ở khu tưởng niệm TNXP 915 Gia Sàng vào dịp 24/12 hàng năm. Ông Nhậm trước kia là lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, có thời kỳ trực tiếp chỉ đạo Đội 91 của tỉnh tuổi ngót 90 rồi nhưng ông luôn luôn thương nhớ đồng đội và không bao giờ sao nhãng trách nhiệm với đồng đội. Chính ông là người khởi xướng ra cái: “Tượng đài trong lòng dân” ở Gia Sàng này. Không biết ông có mối tình nào với người đã khuất như ông Hùng không mà ông chăm chỉ đi thăm thế giới u minh này. Ông Hùng suy nghĩ mấy chục năm qua vẫn giấu kín trong lòng không nói ra. Hôm nay, ông Hùng mạnh dạn hỏi ông Nhậm: “Anh có yêu ai ở đây không đấy”, “Cậu chỉ nói quàng, vì tình đồng đội thôi, mình hơn các cậu gần hai chục tuổi cơ mà, với lại hồi đó quân kỷ mình nghiêm túc lắm chứ không xằng bậy nhộm nhoạm đâu”. Có lẽ ông Nhậm nói thật. Vì ông Hùng hiểu rõ bản chất tư cách đạo đức của ông Nhậm là con người hiền hậu, chân chỉ hạt bột vào loại cán bộ gương mẫu. Ông Nhậm tay vịn vào bậc đá lạnh nhắt cười nói để ông Hùng đủ nghe: “Mình kể hai câu truyện tình ở 915 cho cậu rõ nhé”. “Vâng anh kể đi”.
Trời lạnh rét đậm. Hai anh em rẽ vào một quán cóc ven đường nhâm nhi hạt lạc, chén rượu cho ấm lòng. Thế là câu chuyện thứ nhất được kể ra với giọng trầm đục của tuổi già nhưng rất nhiệt tình say sưa. Ông Nhậm làm cho ông Hùng phải thảng thốt kêu lên: “Hay!”. Nạp thêm năng lượng bằng chén rượu làng Vân cho có khí thế, ông Nhậm đưa ra một nhận xét của người từng trải: Những chuyện tình rớt nước mắt của nữ thanh niên xung phong già ế chồng thì trong đời thường chúng ta ai chả trải nghiệm hoặc nghe kể. Nào là làng ế chồng của TNXP Bắc Giang, nào là chuyện của Ma Văn Kháng: “Chúng mày kiếm con bộ đội cứ đẻ tao nuôi cho”. Anh Hùng cũng phải có con chống gậy chứ!. Đó là chị lãnh đạo đơn vị TNXP của Ma Văn Kháng nói thế đó…
Nhưng truyện tình ở 915 thì có thực 100% cơ đấy. Đó là chuyện Lan và Đởm gọi là chuyện tình L – Đ thứ nhất của ông Nhậm. Hai người họ yêu nhau thắm thiết lắm cơ, ông Nhậm từ từ kể. Hai người ở cùng tiểu đội đi đâu cũng có nhau, trận đánh bom của Mỹ ngày 13/09/72 đã ném bom xuống Linh Sơn – nơi đơn vị đang làm nhiệm vụ tu sửa đường. Họ đã ôm chặt lấy nhau thề sống cùng sống – chết cùng chết. Tưởng thần chết sẽ cướp đi sinh mạng họ, nhưng họ đã may mắn (trận ấy 915 hy sinh 1 người, bị thương 7 người).
“Thế sao sau đó họ lại tan vỡ?”. Ông Hùng hỏi ông Nhậm. Ông Nhậm thong thả quấy đều cốc cà phê rồi từ từ kể tiếp. Âu cũng là cái duyên số thôi. Hồi đó mình ký quyết định cho Đởm và một số đồng chí nữa về công tác tại Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng Lăng Bác phải có tay nghề cao. Cậu Đởm thì có nghề thợ nề và nghề thợ mộc rất khá. Đến khi nghe tin B52 đánh phá ga Lưu Xá 24/12/72, Đại đội TNXP 915 hy sinh quá nửa, Đởm quay lên Thái Nguyên không thấy Lan. Vì sau 24/12/72, C915 giải thể, Lan về lại quê nhà làm công nhân lâm nghiệp tại Na Rì – Bắc Kạn. Hai người chẳng có thư chia tay gì cả.
Lan bị thương nặng mất 81% sức khỏe, người lúc nào cũng dở dở, điên điên. Đời sống dựa vào lương thương binh của chồng, có cậu con trai lớn là lao động chính thì chở thuê xe ôm hàng ma túy bị tù mất rồi. Thật là trớ trêu. Câu chuyện cứ tưởng thế trôi vèo theo năm tháng, nhưng đến khi Đại đội TNXP 915 tập trung họp mặt sau 30 năm xa cách tan đàn xẻ nghé, nay mới có dịp gặp lại nhau ở cầu Nà Tu -Bắc Kạn (nơi cụ Hồ tặng thơ cho đơn vị TNXP 312): “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Họ ngồi cùng mâm mà không nhận ra nhau. Lan phát hiện ra Đởm trước và khóc rú lên: “Anh”. Đởm ôm chầm lấy Lan “Trời ơi! Anh tìm em mãi”. Đởm nói với Lan vẫn giọng điệu tình cảm ngày xưa thân ái. Họ ngồi cả chiều bên bờ suối Nà Tu, có lúc chụm hai mái đầu già nhưng chỉ chốc lát lại buông ra. Ông Nhậm pha trò để ông Hùng cười. Ông Hùng lại đế thêm vào: “70 cái lá bàng rơi rồi còn nước non gì nữa hở giời”. Ông Nhậm kết luận: “Tớ kể cậu nghe tính nhân văn ở mối tình này là có hậu”. Họ có cho nhau không thì tớ không biết, nhưng họ giúp đỡ nhau về kinh tế. Thằng cả nhà Đởm là giám thị trại giam con Lan nên cháu có điều kiện giúp con cô Lan sớm mãn hạn tù.
“Thế đấy! đời có ân – ân trả, có oán – oán vay mà”. Ông Hùng kết luận truyện tình thứ nhất 915.
- Còn truyện tình thứ hai của ông Nhậm kể thì Hùng đã tường tận từ lâu rồi, vì nhân vật Vân đối với ông Hùng quá thân thiết.
Chính chị Vân là người báo tin Mỵ hy sinh cho Hùng biết vào tháng 01/73 ở Quảng Trị. Đó là chuyện về hai nữ TNXP già ế chồng ở 915, họ quê Động Đạt – Phú Lương “Họ về sống với nhau chung một mái ấm gia đình”. Ông Nhậm nói. Chị Vân nói với chị Thư: “Tao làm chồng, mày trẻ làm vợ, mày đi kiếm lấy một đứa con rồi hai đứa mình nuôi chung để sau này dựa dẫm tuổi già chứ”.
Suy nghĩ dằn vặt nhiều đêm, Thư quyết định “ngủ” với ông An cùng đơn vị cũ 915. Nay thì ông An cũng đã mất rồi. Ngày xưa tội “hủ hóa” đời xử nặng lắm. Chị Vân te tái giọng chua ngoa: “Không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian có đầy”. Chị chẩu mỏ tay dí trán con mèo con của hai chị Vân – Thư. “Cục cưng của hai mẹ đây”. Chính cuộc đời chị Vân cũng đã đôi ba lần tìm kiếm con nhưng không kết quả vì già rồi, cái gì cũng đơ đơ, còn gì nữa mà chửa đẻ hở giời. Chị Vân giành cho chị Thư cái hạnh phúc trời cho để sinh ra cô bé lọ lem của hai chị. Vì xấu hổ, vì bị kiểm thảo ghê quá hai chị xin lên Lâm trường Bắc Kạn – nơi đó có nhiều đội viên 915 đang sinh sống. Họ xin đất làm nhà và sống 20 năm ở đó, cho đến khi có chính sách ưu đãi TNXP và có quyết định phong anh hùng cho 915 thì hai chị trở về Phú Lương với tâm thế của những người chiến thắng. Cô con gái của họ đã học xong Trung cấp Lâm nghiệp ra công tác tại huyện nhà. Nay thì hai chị có tới hai cháu trai, một cháu gái. Con rể của họ là sỹ quan thuộc Sư đoàn 10 đóng gần nhà. Anh con rể rất coi trọng mối tình của hai bà mẹ vợ.
Chị Thư cũng cho con gái biết chuyện tình ái của mẹ. Ai là tác giả tình yêu. Ai là bố đẻ để cô bé đi lại giỗ tết hàng năm.
Hết mưa hai ông già rời quán cóc chống gậy lên xe về nhà để lại những chuỗi cười của bọn trẻ trong quán. Họ cười rất to, rất thoải mái. Nhưng trong nhiều tiếng cười ấy, có ít nhiều tiếng cười thông cảm thể hiện tiếng lòng của nhân dân. Song có phần thương xót cho thế hệ các cụ ngày xưa. Nếu là bây giờ họ đã đi nửa vòng trái đất để yêu thêm những mối tình bồng bột, say mê, Nhưng hậu thế ơi, có thấu hiểu cho nỗi khổ tâm của các nhân vật trong truyện tình 915 này không?. Họ không có điều kiện làm vợ, nhưng họ có quyền làm mẹ, người mẹ Việt Nam trung hậu đảm đang năm 1972 bom đạn ác liệt ở ga Lưu Xá ơi.
Thái Nguyên, 28/04/2018
Đỗ Dũng