Chuyện từ lá đơn “Đề nghị khẩn cấp”

Đăng lúc: 25-12-2019 9:42 Sáng - Đã xem: 39 lượt xem In bài viết

Chỉ có những người trong cuộc, những người một thời đổ máu, những người đã từng đi nhặt xác đồng đội mà chia thịt chôn chung sau những loạt bom rơi đạn nổ thì không thể nào quên đồng đội đã hy sinh vì sự sống của những con đường. Vì muốn quên cũng chẳng được.

Câu chuyện bắt đầu từ lá đơn “Đề Nghị Khẩn Cấp”

Trả lại họ và quê quán cho liệt sĩ, đã hơn 50 năm trời thất lạc, không được về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đầu tiên ra đi gia nhập lực lượng TNXP thời đánh Mỹ.

Người viết lá đơn là ông Trần Văn Xạng (ảnh) – nguyên Bí thư Đảng ủỷ Đội TNXP N75 chốt giữ Đường 12, Đường 15 miền Tây Quảng Bình trong những năm 1965-1970 – UV Thường vụ Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Ba Đồn.

Người cán bộ năm xưa dạn dày trận mạc, là một thương binh trên 80 tuổi nhưng ý chí vẫn kiên cường, kiên trì nhiệt huyết vì nghĩa tình đồng đội, dù gian nan đến mấy vẫn quyết làm cho bằng được.

Đã nhiều năm nay ông làm đơn, thư gửi các nghành chức năng gửi đến lãnh đạo cao nhất của tỉnh, xem xét trả lại Họ và Quê Quán cho liệt sĩ Tưởng Đình Nhuệ sinh năm 1945 ở làng Phúc Kiều xã Quảng Tùng. Anh tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung 6/1965 thuộc C753,  Đội 75 và đã anh dũng hy sinh ngày 10/7/1968 tại Ngầm Ka Tang xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Phần mộ của anh được đồng đội an táng tại xóm Chuối, hòa bình lập lại được qui tập về Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Tân Ấp, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (Hàng số 1, Bia số 3, Lô số 1).

  Ngày anh hy sinh, C753 thuộc đội 75 chuyển sang đội N29, lập C754. Đến ngày 25/5/1969 Ban chỉ huy Đội 29 lập phiếu cá nhân và giấy báo tử, đề nghị liệt sĩ cho đ/c Tưởng Đình Nhuệ quê quán xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình nhưng ghi sai là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch. Đến ngày 15/8/1969 Ban xây dựng 67 lập giấy chứng nhận hy sinh đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ xét đề nghị đ/c Tưởng Đình Nhuệ được công nhận là liệt sĩ, trên giấy đề nghị lại ghi sai Họ Trương chứ không phải Họ Tưởng.

Chuyện là vậy! Mà hơn 50 năm nay Liệt sĩ Tưởng Đình Nhuệ không được đối xử như bao đồng đội liệt sĩ TNXP khác cùng an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Tân Ấp – Quảng Bình.

Và cũng 50 năm ấy, thân nhân liệt sĩ chưa hề nhận được bất cứ một quyền lợi gì kể cả đồng tiền hương khói.

Bố, mẹ liệt sĩ lần lượt ra đi, kẻ trước người sau nhưng mỗi lần từ biệt đều nói với đứa cháu rằng “Thiện ơi, cháu ơi! Dù có đi đến đâu, gian nan đến mấy, cháu đi tìm lãnh đạo và đồng đội TNXP của Cậu để họ đề nghị trả lại Họ và quê quán cho Cậu. Cháu tiếp tục hương khói, sau này xin họ đưa Cậu về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà cho gần ông mệ”. Ông bà vẫn giữ niềm tin vào Đảng vào Nhà nước và có ngày sẽ được trả lại Họ và Quê quán cho con mình.

Cha mẹ của liệt sĩ nhắc đến hai chữ “Đồng đội”, bởi lẽ từ ngày liệt sĩ hy sinh đến nay nhất là từ khi Hội Cựu TNXP ra đời, bạn bè, đồng đội xa gần thường lui tới thăm bố mẹ liệt sĩ khi còn sống và thắp nén hương thơm lên bàn thờ liệt sĩ. Trong có có cả thầy giáo dạy văn hóa cho TNXP Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch.

Nhớ ngày đầu đi đòi lại Họ và quê quán cho liệt sĩ TNXP ở Tân Ấp, lần đốt nén hương thơm lên phần mộ của liệt sĩ – đốm lửa tâm linh chan chứa tình đồng đội như nóng bừng giữa núi rừng trùng điệp miền tây Quảng Bình – những người có mặt không thể ngăn được dòng nước mắt.

Nhuệ ơi? Đồng đội đây! Dù khó khăn đến mấy chúng mình quyết đòi lại Họ và đưa bạn về quê hương Quảng Tùng nơi bạn sinh ra, lớn lên và nơi ấy bạn đã gia nhập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước.

Sau lần chia tay với liệt sĩ Tưởng Đình Nhuệ, ông Trần Văn Xạng tiếp tục cuộc hành trình tìm đến ông Cao Ngọc Tành – Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Bình, nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Ban xây dựng số 67 – để cùng chung tay góp sức yêu cầu “trả lại” họ, quê cho liệt sỹ. Đã một thời găn bó với chiến sĩ TNXP Đội 75, N29. Không thể chờ đợi lâu, ông cử ngay một chủ tịch hội xã –  vừa là đồng đội của liệt sĩ vừa cộng tác viên bản tin cựu TNXP Việt Nam – vào Đà Nẵng báo cáo sự việc với lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (tiền thân Ban Xây dựng 67) nhằm tạo điều kiện cho Quảng Bình đòi lại Họ và quê quán cho liệt sĩ Tưởng Đình Nhuệ.

Đến ngày 25/5/2019 ông Nguyễn Bá Thơm – nguyên cán bộ ban xây dựng 67, nguyên ủy viên hội đồng quản trị, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – hiện là Trưởng ban liên lạc Ban Xây dựng 67 (CIENCO5) từ Thành phố Hồ Chí Minh về tận quê hương liệ sĩ để xác minh, làm rõ với xã Quảng Thọ nơi báo tử sai, với xã Quảng Tùng quê hương của liệt sĩ, làm việc vơi Phòng, Sở các ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình, rồi ông lên nghĩa trang liệt sĩ TNXP ở Tân Ấp, Hướng Hóa để tận mắt nhìn nơi an nghĩ của liệt sĩ.

Đứng trước hàng bia mộ ông chậm rãi đốt nén hương thơm cắm lên đài liệt sĩ, ông thì thầm với các liệt sĩ điều gì đó nghe không rõ. Đứng trước mộ liệt sĩ Tưởng Đình Nhuệ, ông lặng im, gương mặt dạn dày sương gió trải qua một thời bom đạn nhưng đầy tự tin. Anh em cùng đi hiểu ông đang cầu cho Họ và quê liệt sĩ sớm được trả lại.

Lời cầu nguyện của ông cuốn đi theo làn khói hương, hòa vào không trung lan tỏa vào núi rừng và từng thớ đất giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi có bao liệt sĩ hơn 50 năm chưa được về quê mẹ.

Một năm sau, kể từ ngày ông Trần Văn Xạng gửi đơn “Đề nghị khẩn cấp” đến ngày 16/7/2019, UBND xã Quảng Tùng nhận được Thông báo số 84 của Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình về việc điều chỉnh thông tin trả lại Họ và quê quán cho TNXP, Liệt sĩ Tưởng Đình Nhuệ.

Tại UBND xã Quảng Tùng, cán bộ, thân nhân liệt sĩ và đông đảo nhân dân xã Quảng Tùng ai cũng mừng, không ai không nhận ra rằng nếu không có nghĩa tình đồng đội cựu TNXP thì chắc chắn không có được ý nghĩa tâm linh này.

Càng trân trọng hơn tấm lòng và trách nhiệm đến cùng đối với cán bộ chiến sĩ TNXP của ông Trần Văn Xạng, ông Cao Ngọc Tành, ông Nguyễn Bá Thơn, những cán bộ mẫu mực, thủy chung của Ban Xây dựng 67 anh hùng. Họ là những người một thời xông pha trận mạc cho đến những năm còn lại của cuộc đời, luôn tâm niệm một điều rằng hãy làm những gì có thể cho an lòng đồng đội đã một thời dấn thân vào sự sống còn của nền độc lập dân tộc./.

Quảng Bình, ngày 24 tháng 12 năm 2019

Bài và ảnh 

Đinh Thế Phong