Chuyện về cô bé “Diệp sóc” trên cung đường Trường Sơn huyền thoại

Đăng lúc: 03-05-2019 6:37 Chiều - Đã xem: 327 lượt xem In bài viết

Xếp lại việc học và trốn gia đình để nhập ngũ, ba ngày sau khi bố mẹ phát hiện ra thì cô bé Diệp đã cùng đơn vị hành quân vào đến tận Thanh Hóa.

 

Cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Diệp đang là Phó bí thư Đoàn trường Đoàn Kết (Quận Hai Bà Trưng) nghe theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên đã xếp lại việc học tập để lên đường nhập ngũ, lúc đó vào tháng 7/1965.

Đến nơi tuyển quân, thấy các bạn cùng lớp thì thầm là sinh năm 1950 thì chưa đủ tuổi nhập ngũ, thế là Diệp đã liều lĩnh tẩy sổ hộ khẩu chữa thành sinh năm 1949 cho đủ tuổi.

Khi dùng tẩy, cô nữ sinh nhỏ bé đã làm rách sổ hộ khẩu nên bị công an quản lí hộ khẩu phạt 1 đồng 2. Đang không biết làm thế nào thì bạn Khanh cùng lớp được mẹ đưa đến chỗ tuyển quân xin cho Khanh nhập ngũ, vậy là Diệp liều một lần nữa xin mẹ bạn Khanh 1 đồng 2 để nộp phạt, vậy là qua vụ thủng sổ hộ khẩu.

Tiếp đến phần cân nặng, cô bé Diệp lúc đó mới 15 tuổi và nặng có 39 kg trong khi tiêu chuẩn nhập ngũ là cân nặng 40 kg, loay hoay thế nào Diệp nhìn thấy một bác đứng bên cạnh có chùm chìa khóa rất to, Diệp mượn chùm chìa khóa cho vào túi quần và đi vào cân, may vừa đúng theo quy định.

Cô bé “Diệp sóc” tại cung đường Trường Sơn năm 1967. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong căn nhà tại phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Diệp chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam: “Sau khi trúng tuyển nhập ngũ, mỗi người nhận được một giấy báo ngày giờ lên đường và tự chuẩn bị 2 dây thừng, vì giấy đánh máy hơi mờ nên tôi đọc nhầm thành 2 thùng.

Làm gì có tiền nên tôi đánh liều đi xin tạm ứng trước tiền công đan len rồi đi bộ xuống chợ Mơ để mua 2 thùng gánh nước mang nộp cho ban tuyển quân. Các anh ở ban tuyển quân thấy tôi mang 2 thùng sắt tây đến nộp đã không nhịn được cười”.

Trốn nhà ra mặt trận

Thời đó thường có hoạt động của Đoàn thanh niên về các xã, cô bé Diệp đã giấu cặp sách xuống gầm giường, nói với gia đình là đi gặt lúa giúp dân nhưng thực chất là lên đường ra trận. Ba ngày sau, khi bố mẹ phát hiện ra thì Diệp đã cùng đơn vị hành quân vào đến tận Thanh Hóa.

Từ đây, cô gái Hà Nội đã bước vào cuộc sống gian khổ của Thanh niên xung phong tại cung đường Trường Sơn khốc liệt. Trước lúc lên đường, cô bé Diệp đã được bầu làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8 vì lúc đi học cô là Phó bí thư Đoàn trường.

Ngày lên đường mỗi chiến sĩ được phát 1 đôi giầy vải, 1 đôi dép cao su, 2 đôi tất sợi, tăng võng, quần áo và một bao gạo đeo chéo trước ngực.

Từ Hà Nội, các chiến sĩ mới nhập ngũ được hành quân bằng tầu hỏa nhưng chỉ đến được Thanh Hóa vì đường tầu đã bị đánh bom, từ đây đoàn đi bộ tiếp tục hành quân ngày nghỉ đêm đi vì sợ máy bay địch phát hiện.

“Qua một đêm đi bộ, ai nấy đều phồng rộp cả hai bàn chân, nổi những bọng nước bỏng rát nhưng mọi người đều cố chịu đau với quyết tâm phải vào được chiến trường nhanh nhất.

Đêm hành quân thứ 2 cả đoàn đến bến phà Ghép (Quảng Xương, Thanh Hóa), lúc này trời mưa rất to nên ai nấy đều ướt hết, đường thì ngập bùn và không dám dùng đèn, lúc này tôi kiệt sức không đi nổi, hai bàn chân phồng rộp chảy máu, bím tóc dài của tôi tết sam cũng bê bết bùn đất.

Trên người tôi lúc này ba lô, tăng võng, quần áo ướt sũng, bao gạo đeo chéo gặp nước mưa đã nở ra càng nặng thêm làm tướt cả da bên vai, 2 chiếc nồi nhôm to treo đằng sau ba lô như níu cả người xuống bùn.

Một anh cùng đoàn hành quân phải cõng tôi trên lưng, ba lô xong nồi của anh thì đeo trước bụng, ba lô và quân tư trang của tôi đeo sau lưng, cứ như vậy các anh thay nhau cõng tôi suốt cả đêm đến nơi tập kết”, bà Diệp hồi tưởng.

Công việc mở đường tiến dần tới vùng Quảng Bình, đây là một vùng trọng điểm đang bị địch đánh ác liệt, rất nhiều người hy sinh. Ảnh minh họa: Thông Tấn Xã Việt Nam.

Bám trụ mặt đường

Đóng quân huấn luyện ở Đô Lương, Nghệ An một thời gian thì cô bé Diệp được đơn vị cử đi học 3 tháng về kỹ thuật đường bộ rồi quay về làm cán bộ kỹ thuật của Đại đội 427 và kiêm nhiệm Bí thư chi đoàn.

“Nhiệm vụ của tôi lúc đó là xem bản vẽ rồi lên kế hoạch thi công mở đường, bạt núi, căng dây đóng cọc để các Tiểu đội thi công, được cái tôi học rất giỏi nên nhìn bản vẽ và địa hình đâu ra đấy giúp cho việc thi công khá chính xác. Công việc cứ như vậy chạy dài theo các tuyến đường 15A, 21A, 22A…

Sáng sớm tầm 4h là tôi đã có mặt ở cung đường và về sau cùng khi trời tối để nghiệm thu công trình, đồng thời cắm cọc căng dây để sớm hôm sau cho các đơn vị thi công. Tuy nhỏ bé nhưng lúc nào tôi cũng nhanh thoắn thắt nên mọi người đặt cho cái tên “Diệp sóc”.

Có một hôm sau khi tôi hoàn thành công việc, lúc này trời đã tối mịt thì bất ngờ một cơn mưa lũ ập đến, con suối nhỏ nơi tôi vừa lội qua thì nay trở thành một dòng nước lũ chảy cuồn cuộn như thác.

Ở lại giữa rừng vào ban đêm một mình thì không được vì rừng này rất nhiều thú dữ, tôi đành bám vào ngọn cây mọc bên suối để hy vọng qua được bờ bên kia nhưng không thể.

Đã mấy lần cố qua suối nhưng suýt bị cuốn trôi, tôi đành men theo sườn núi vào tá túc nhờ ở một Tiểu đội pháo cách đó khoảng 5km.

Các chiến sĩ Tiểu đội pháo cho tôi một bát cơm độn sắn và nói tôi nghỉ lại, quần áo thì ướt mà không có đồ để thay, vậy là tôi lại thức trắng đêm để rồi sáng hôm sau ra luôn mặt đường thi công.

Công việc mở đường tiến dần tới vùng Quảng Bình, đây là một vùng trọng điểm đang bị địch đánh ác liệt, rất nhiều người hy sinh.

Nhớ có lần chúng tôi đang di chuyển thì bị máy bay địch đến thả bom tọa độ, chị Tuấn bạn tôi bị bom cắt lìa chân, cái chân đó bị dòng nước lũ cuốn trôi, không kịp suy nghĩ tôi lao theo dòng suối vớt bằng được chân của người bạn rồi vác quay trở lại.

Có rất nhiều đêm tôi cùng đơn vị thức trắng ở vùng trọng điểm để san lấp hố bom, chặt cây lót đá làm kè cho những đoàn xe ra chiến trường.

Nhớ những lần bị sốt rét ác tính đến trọc cả đầu, mọi người đặt cho cái tên “Diệp trọc”, hàng ngày tôi cứ đội cái khăn xanh lên đầu rồi trèo đèo, lội suối căng dây cắm cọc, đo đường cho kịp để sớm mai tiểu đội thi công”, bà Diệp nhớ lại.

Năm 1968 cô gái Hà Nội được về phép trong tâm trạng háo hức, bồn chồn vào rạo rực. Nỗi nhớ Hà Nội lúc này sao mà cồn cào đến thế. Cô Thanh niên xung phong “Diệp sóc” đang mong trở về ngôi nhà thân thương ở đầu phố Huế, Hà Nội.

Vừa vào nhà, Diệp lao đến ôm trầm lấy mẹ nũng nịu rồi đứng nghiêm giơ tay chào bố, chưa kịp nghe bố mắng vì tội trốn nhà đi bặt tăm 3 năm thì mấy đứa bạn đã ùa vào kéo cô bạn nhỏ đi ăn kem Tràng Tiền, bánh tôm Hồ Tây.

Trong thời gian về phép, cô bé Diệp được cử đi học thêm một lớp Quản lý Thanh niên xung phong ở Trung ương đoàn, sau đó các anh bên đó cứ giữ ở lại công tác, không cho vào chiến trường nữa nhưng thực lòng là Diệp nhớ đồng đội, nhớ những lời hẹn quay lại trước khi chia tay đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Diệp hiện nay vẫn tham gia Ban chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
Ảnh: Tùng Dương.

Trở lại chiến trường

“Nghỉ phép chưa hết và nhớ Trường Sơn, nhớ đồng đội quá nên một lần nữa tôi lại trốn gia đình để quay lại Trường Sơn.

Tôi theo đoàn 12 xe trở gạo vào chiến trường, xe đến phà Linh Cảm (Nghệ An) thì bị mắc kẹt ở đây tới 14 ngày vì bom từ trường, cả đoàn xe phải vòng sang phà Bến Thủy nhưng cũng không qua được.

Đến ngày thứ 15 khi thông phà, đoàn xe của tôi vừa đi qua phà khoảng 2 km thì máy bay địch ném bom, cả bến phà cháy rực lửa, xe tôi dẫn đầu đoàn vẫn cố chạy, đến khi dừng lại thì cả đoàn xe 12 chiếc chỉ còn có 3, các anh lái xe đã hy sinh”, bà Diệp nói mà rơm rớm nước mắt.

Trong những năm tháng khốc liệt ở Trường Sơn, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, cô gái “Diệp Sóc” đã liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”.

Tháng 5/1969, Thành đoàn Hà Nội và Trung ương đoàn vào chiến trường đón các chiến sĩ, Thanh niên xung phong Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về Thủ Đô, cô gái “Diệp sóc” đã trở về trên chuyến xe cuối cùng của Thanh niên xung phong Hà Nội N43.

Họp mặt đồng đội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Gắn bó với nghề trồng người

Trở về Hà Nội lúc 20 tuổi, cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Diệp lại tiếp tục nhập học Trường Sư phạm Tiểu học Hà Nội, từ đây cô bé “Diệp sóc” đã gắn bó với nghề trồng người.

Hàng chục năm sau cô giáo Diệp gắn bó với Trường Tiểu học Kim Liên, từ giáo viên chị đã trở thành Bí thư đoàn trường, rồi Phó hiệu trưởng và hơn 10 năm làm Hiệu trưởng nhà trường.

Năm 2005 bà Diệp theo sự phân công đã chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy).

Trong những năm công tác trong ngành Giáo dục, bà Diệp luôn được tặng Bằng khen và danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “Quản lý giỏi” và nhiều cúp vàng “Quản lý giỏi tiêu biểu”.

Bà Diệp còn được nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, danh hiệu nhà giáo ưu tú, bằng khen của Thủ tướng chính phủ cùng rất nhiều bằng, giấy khen, đến năm 2014 bà Diệp mới nghỉ hưu.

Hiện bà Diệp đang trong Ban Chấp hành Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam với tư cách là Ủy viên Ban Kiểm tra.

Trong những năm qua, bà Diệp đã cùng Ban chấp hành Hội luôn quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức Hội và đặc biệt là tham gia giải quyết chế độ chính sách cho Thanh niên xung phong toàn quốc cùng các hoạt động nghĩa tình đồng đội.

Tùng Dương

Theo giaoduc,net.vn