Có một hội viên như thế

Đăng lúc: 23-02-2018 9:03 Sáng - Đã xem: 28 lượt xem In bài viết

Trong số các hội viên tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống của Hội Cựu TNXP TP. Cần Thơ, thì Phạm Anh Phúc – sinh ngày 23/2/1966 – ở quận Ninh Kiều được biết đến là người có tấm lòng nhân hậu, chịu thương, chịu khó vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 11/1984, anh Phúc tham gia TNXP đi xây dựng Côn Đảo đến năm 1987 thì hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới được anh tiếp chuyện, bởi anh phải đi làm từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về đến nhà. Nơi ở của cả gia đình là một căn phòng chừng 12m2 trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Việt Hồng, phường An Phú, quận Ninh Kiều. Rót ly trà mời khách, anh Phúc tâm sự: “Khi kết thúc nhiệm vụ trong lực lượng TNXP, do không có nghề nghiệp ổn định nên tôi làm đủ việc để lo ngày 2 bữa. Nhà thì đông anh em, lúc đó, tôi cũng đã lập gia đình, thấy tôi khó khăn quá nên mẹ cho căn phòng nhỏ để 2 vợ chồng ở”.

Được biết, gia đình anh Phúc thuộc diện hộ nghèo, hiện tại anh mưu sinh bằng nghề sửa quần áo (ảnh dưới), vợ thì làm nghề sơn móng tay dạo, vất vả kiếm sống nhưng mỗi tháng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ trên 3 triệu đồng. Nhưng với số tiền ấy, anh lại trả hết 700 ngàn đồng/tháng tiền thuê mặt bằng để có chỗ sửa quần áo.

Trong căn phòng nhỏ ấy, trời mưa thì ngập và dột nhưng không thiếu được tiếng nói cười rộn ràng của các thành viên. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng lo cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Anh Phúc tâm sự: “Mình sinh ra trong lúc chiến tranh loạn lạc, điều kiện học hành không nhiều, để biết được con chữ tôi phải học ở đồng đội trong đơn vị, rồi tự mình nghiên cứu. Bây giờ, xã hội phát triển, điều kiện học tập tốt hơn nên tôi luôn giáo dục, động viên 2 con phải nỗ lực trong học tập để sau này có nghề nghiệp ổn định mà lo cho tương lai”.

Ý thức được hoàn cảnh khó khăn nên 2 đứa con của anh Phúc đều nỗ lực trong học tập. Cháu lớn hiện là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ); cháu út học lớp 2 trường Tiểu học Tô Hiến Thành. Cả 2 đều rất chăm ngoan và học giỏi, là niềm tự hào của gia đình.

Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của cựu TNXP Việt Nam, anh Phúc luôn có tinh thần, trách nhiệm trong tham gia xây dựng tổ chức hội ở cơ sở. Với bản tính hiền lành, chân chất, thân thiện, thật thà anh sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vì lẽ đó mà anh luôn được bà con lối xóm quý mến, là tấm gương sáng về tinh thần, nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Trong suốt thời gian làm nghề thì đã không ít lần anh trả lại tiền, vật chất có giá trị cho khách để quên, có khi từ vài trăm đến vài triệu đồng, dù ít hay nhiều anh đều trả lại, cho dù số tiền đó là rất lớn so với thu nhập của anh. Cách đây 3 tháng, khách đến sửa quần áo rồi bỏ quên trong túi 48 triệu đồng, số tiền rất lớn mà đến từng tuổi này anh mới cầm trên tay. Số tiền đó anh có thể dùng để sửa lại chỗ ở, lo cho con ăn học. Nhưng với tâm niệm “nghèo cho sạch” anh đã tìm mọi cách để trả lại tiền cho khách. Anh Phúc nhớ lại: “Khi khách giao quần áo rồi đi vội, tôi kiểm tra và chuẩn bị sửa thì mới phát hiện khách để quên tiền. Tôi đếm lại tiền rồi cất giữ cẩn thận và gọi điện cho khách đến nhận. Cầm trên tay số tiền bị thất lạc, khách mừng lắm, cảm ơn và bồi dưỡng thêm cho tôi nhưng tôi chỉ lấy đủ số tiền công sửa quần áo”. Anh Phúc còn tâm sự: “Người ta cũng vất vả lắm mới kiếm được số tiền đó, lỡ mất tiền thì vợ chồng họ xảy ra hiểu lầm, gây thiệt hại về kinh tế gia đình. Tôi nghĩ điều quan trọng trong cuộc sống cũng như làm nghề là mình phải giữ chữ tín, nếu vì lợi ích trước mắt như vậy sẽ mất đi nguồn thu nhập lâu dài cũng như uy tín của bản thân”.

Tấm gương giàu nghị lực của hội viên Phạm Anh Phúc thật sự tiêu biểu như một đoá hoa thơm ngát giữa đời thường đang toả hương mang lại nhiều ý nghĩa tươi đẹp trong xã hội hiện đại.

Đậu Bắp