Cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” có từ bao giờ?

Đăng lúc: 03-07-2021 3:37 Chiều - Đã xem: 668 lượt xem In bài viết

Trong hệ thống Bảo tàng Quân đội, nhiều bảo tàng hiện đang lưu giữ cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bác Hồ tặng thưởng cho các đơn vị lập công xuất sắc trong phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” do Quân ủy Trung ương phát động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng lịch sử ra đời của những lá cờ này không phải ai cũng biết. Hiện vật mang số đăng ký 3910-Gi-526 của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ trả lời cho câu hỏi này?

Lịch sử ra đời phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”

Ngày 05/8/1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ngày 7/2/1965, lấy cớ việc trả đũa Quân giải phóng miền Nam tập kích sân bay Pleiku và trại cố vấn Mỹ, Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam. Đầu năm 1965, tình hình cách mạng miền Nam đã có những chuyển biến tích cực. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy cơ bản bị phá sản.

Đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách cố tạo ra một “sức mạnh” để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đã đưa một lực lượng máy bay F-105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa vào Đà Nẵng, ngày 8/3/1965, Mỹ cho đổ 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến từ Ô-ki-na-oa (Okinawa) vào Đà Nẵng, mở đầu cho việc đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam.

Trước tình hình đó, từ ngày 25 tới 27/3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp Hội nghị lần thứ 11 bàn về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cách mạng Việt Nam. Để phù hợp tình hình mới, hoàn cảnh mới, Hội nghị quyết định: Chuyển hướng xây dựng kinh tế, tăng cường lực lượng quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới là nhiệm vụ cấp bách của ta ở miền Bắc với quyết tâm: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Nội quy trao cờ thưởng luân lưu được Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa trực tiếp trên giấy pơ luya là hiện vật được Bảo tàng LSQS Việt Nam lưu giữ với số đăng ký 3910-Gi-526 – Ảnh Văn Tùng.

Đánh giá về kết quả Hội nghị về nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn trước mắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tất cả mọi việc đều phải phục vụ việc đánh Mỹ, thắng Mỹ. Nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, vinh quang cho dân tộc ta, con cháu ta, vì làm gương cho các nước khác chống Mỹ”[1].

Quán triệt tinh thần của Hội nghị và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương giao cho Tổng cục Chính trị gấp rút chuẩn bị cho việc phát động phong trào thi đua yêu nước “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” vào ngày 31/3/1965. Nội dung, biện pháp thi đua phải cho sát thực với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm tình hình, phải động viên cổ vũ được toàn quân, toàn dân hăng hái tham gia phong trào. Đây là thời cơ thuận lợi để đẩy cao phong trào thi đua quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc lên một tầm cao mới.

Trong thời gian rất gấp, Tổng cục Chính trị phải hoàn thành một khối lượng lớn công việc, đặc biệt là việc nghiên cứu, chuẩn bị phần thưởng của phong trào là gì? Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tên phong trào, Tổng cục Chính trị quyết định chọn phần thưởng là: Cờ thưởng luân lưu và thông qua mẫu cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tặng thưởng cho các đơn vị, địa phương lập thành tích xuất sắc và huy hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: tặng thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.

Ngày 20/3/1965, Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị – trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ báo cáo và trình bản phác thảo mẫu cờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý và để cho rõ thêm, Người đã trực tiếp sửa trên trang giấy pơ luya đánh máy và ký tên Bác Hồ trên bản mẫu phác thảo nội dung cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tiêu chuẩn tặng cờ được Người quy định: Trung đoàn bắn rơi, bắn cháy 100 máy bay hoặc tàu chiến; Tiểu đoàn bắn rơi 50 máy bay hoặc tàu chiến; Xã bắn rơi 3 máy bay hoặc tàu chiến sẽ được nhận cờ thưởng.

Mẫu phác thảo Cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” – Ảnh Văn Tùng.

Ngày 31/3/1965, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương phát động phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho Quân khu Tả ngạn và Quân khu 4. Đây là hai đơn vị lập nhiều thành tích xuất sắc đã giành được thắng lợi ở những trận đầu. Đó là những chiến thắng rất quan trọng cổ vũ tinh thần cho cả nước “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đặc biệt hơn ngày 31/3/1965, Hà Tĩnh bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên miền Bắc, ghi thêm chiến công cho quân và dân Quân khu 4.

Kể từ ngày đó, nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang và nhiều địa phương thi đua lập thành tích xuất sắc để xứng đáng được nhận cờ thưởng luân lưu của Bác tặng. Nhiều quân khu, nhiều tỉnh, nhiều đơn vị lập thành tích xuất sắc đã được nhận cờ luân lưu của Bác. Ngày 10/8/1965, Đại hội thi đua Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được tổ chức tại tại Hà Nội.

Nhiều đơn vị, địa phương được tặng cờ luân lưu của Bác Hồ. Đó là: Quân và dân Việt Bắc, Tây Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất giỏi, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; Quân và dân tỉnh Quảng Bình vừa chiến đấu giỏi, đã bắn rơi 112 máy bay Mỹ; Đơn vị đảo Cồn Cỏ anh dũng, kiên cường đánh bại hàng trǎm đợt tiến công bằng máy bay và tàu chiến của địch, bắn rơi 22 máy bay Mỹ; Đại đội cao xạ Nguyễn Viết Xuân vừa chiến đấu giỏi, vừa huấn luyện tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Phân đội 7 hải quân huấn luyện tốt, chiến đấu giỏi, bắn rơi máy bay và bắn cháy tàu biệt kích của địch. Đơn vị cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa chiến đấu dũng cảm bảo vệ cầu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Nhiều cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ được nhận huy hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi đại biểu tại Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ nhất, tháng 8/1965 – Ảnh Tư liệu BTLSQSVN.

Thiết kế, thêu cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”

Năm 1965, Hà Nội có Công ty Hợp doanh may mặc Hà Nội. Công ty có bộ phận may thêu cờ. Trụ sở may thêu cờ đặt tại số 27 phố Hàng Trống, Hà Nội. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt phác thảo mẫu cờ, Cục Tuyên huấn đến Công ty Hợp doanh may mặc Hà Nội đặt thêu cờ. Biết đây là lá cờ đặc biệt, quan trọng, có kích thước lớn, nhiều chữ, đặc biệt là thêu chữ ký của Bác Hồ nên Công ty chọn thợ thiết kế, thợ thêu giỏi thực hiện nhiệm vụ này.

Trên cơ sở chữ, nội dung trên cờ do bên Quân đội phác thảo, ông Bùi Thế Năng cùng bộ phận làm kỹ thuật của công ty trực tiếp thiết kế, vẽ mẫu chữ, cắt dán rồi trình lãnh đạo công ty duyệt ma két thể hiện, chính sửa. Sau khi được công ty duyệt, mẫu phác thảo được đưa về Tổng cục Chính trị duyệt lần cuối. Sau đó, Công ty giao cho bộ phận thêu chọn vải, làm tua và tiến hành căng khung thêu cờ. Bộ phận này là những thợ thêu có tay nghề cao, triển khai làm rất khẩn trương.

Cờ thưởng kích thước 140 x 210cm, may bằng sa tanh đỏ, tua tơ vàng, thêu chỉ vàng chữ: Cờ thưởng luân lưu cho Quân và dân Quân khu 4; dưới ngôi sao vàng là dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Riêng tên từng địa phương lập thành tích thì thêu chỉ màu xanh da trời, chữ nghiêng ghi tên địa phương, ngày tháng máy bay rơi, số lượng máy bay rơi. Dưới cùng về bên phải có hai chữ “Bác Hồ”. Bản mẫu được Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay viết liền nhau giống chữ ký của Người. Suốt 4 ngày liên tục, thợ thêu lúc 4 người, lúc 6 người, thêu cả ngày cả đêm mới hoàn thành. Thêu xong, bộ phận này đóng lót rồi may thành cờ giao cho Tổng cục Chính trị đúng thời gian yêu cầu.

“Cờ luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tại Bảo tàng Quân khu 4 – Ảnh Bảo tàng Quân khu 4.

Hơn 50 năm đã qua, những người thiết kế và may thêu cờ ngày đó mãi không quên kỷ niệm cũ, họ tự hào vì được vinh dự thiết kế, thêu lá cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 – 11/6/2018), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trân trọng giới thiệu những hiện vật quý về Bác Hồ với phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đây là một phong trào thi đua có sức lan tỏa lớn, đã lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.

Theo btlsqsvn.org.vn


[1] Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Tập 9 (1/1964 – 12/1966).