CÓ VÀI SỰ KIỆN Ở ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG NĂM 1967- 1968, CẦN LÀM RÕ, TRÁNH LẦM LẪN  

Đăng lúc: 16-03-2022 2:49 Chiều - Đã xem: 97 lượt xem In bài viết

1- Từ một bài báo có vấn đề về sự kiện ngày 27/10/1967, câu hỏi đặt ra là lúc này C115 đang ở đoạn nào trên đường 20 Quyết Thắng?

Chúng tôi là Trần Văn Thân, Hồ Bá Thâm (quê Nghệ An), cựu đồng đội TNXP đường 20 Quyết Thắng, có ý kiến làm rõ thêm về một vài sự kiện ở đường 20 (tránh lầm lẫn hay chưa rõ), nhân đọc bài báo “Cùng các TNXP trở lại đường 20 Quyết Thắng” đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 14/7/2019 của tác giả Lê Tuấn Lộc viết theo lời kể của các cựu TNXP C115 trong đó có ông Nguyễn Hữu Oanh, ông Lâm (xem http://daidoanket.vn/cung-cac-tnxp-tro-lai-duong-20-quyet-thang-441909.html và nhiều báo mạng khác) về nhiều sự kiện liên quan liệt sĩ TNXP tỉnh Thanh Hóa trên đường 20 Quyết Thắng. Chúng tôi vừa hiểu thêm, cảm phục về sự hi sinh của các cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa là rất lớn, nhưng trong đó khi đọc về sự kiện ngày 27/10/1967 đã thấy có điểm khó hiểu, gây ra ít nhiều hoài nghi và thắc mắc của cựu nhất là từ một số cựuTNXP C1, Đội 23. Tôi thấy sự thắc mắc này cũng có lý, nên cần trao đổi để làm rõ thêm.

Cung đường 20 – Quyết thắng hồi mới mở (Ảnh tư liệu)

Nguyên văn trích trong bài báo:

– Anh Nguyễn Hữu Oanh, sinh năm 1950, thuộc đơn vị TNXP 115, đơn vị anh hùng[i], kể lại: “Sáng ngày 27/10/1967, đơn vị tôi ra mặt đường. Không may, toàn đơn vị bị lộ. Máy bay Mỹ đã tập trung hỏa lực dội bom bi làm hầu hết TNXP bị hy sinh. Cứu thương cấp cứu không kịp. Nhiều người bị thương không nặng nhưng máu chảy nhiều quá mà chết”.

– Anh Lâm, người tham gia trận chiến đấu ngày 27/10/1967 kể lại: “Sáng ngày hôm đó, đơn vị pháo của bộ đội ta trên đường vào chiến trường, đến khu vực tôi đóng quân thì trời sáng. Không hiểu họ ngụy trang thế nào bị lộ, hai chiếc máy bay OV10 của Mỹ quần đảo nhiều vòng trên trời khu vực Km 49 của đường 20 và phát hiện ra trận địa pháo và khu vực TNXP làm đường.

Đầu tiên chúng cho máy bay ném bom khói chỉ điểm. Sau đó suốt đến 5h chiều rất nhiều tốp máy bay địch ném bom liên tục xuống khu vực TNXP làm nhiệm vụ. Tôi trú trong hầm hộ tống với anh em thì bị bom làm hy sinh hầu hết, chỉ còn tôi và anh Lạc bị thương nặng, nhưng tôi đưa anh đi cấp cứu thì chưa kịp đến nơi anh Lạc tắt thở. Thời gian đầu của trận đánh, đơn vị tôi chỉ hy sinh 2 người là cô Phấn và cô Khang…

Đưa về cấp cứu ở hầm hộ tống thì bị máy bay quay lại ném bom tiếp làm thương binh chết hết. Đơn vị tôi hy sinh thêm 7 người nữa. Hầm hộ tống khác bị trúng bom chết khoảng 35 người, trong đó 11 TNXP và 24 bộ đội. Trận ấy, ta đã bắn rơi 2 máy bay và bắt sống 1 giặc lái, 1 giặc lái khác chết trong máy bay. Nhưng bọn Mỹ quay lại tìm phi công không thấy đã ném bom tiếp làm thằng phi công còn lại cũng chết vì bom bi luôn. Nó không chết thì cũng không biết nuôi nó thế nào vì không ai biết tiếng Anh cả.

Năm 2014, Mỹ đi tìm hài cốt phi công, tôi là người được dẫn đoàn tìm hài cốt vào Trường Sơn và đã tìm được hài cốt 2 phi công đó”…

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: ông Oanh và ông Lâm kể về hai sự kiện khác nhau cùng ngày hay là một sự kiện và chỉ là cùng một C115? C115 lúc này phụ trách trên đoạn đường nào?

– Nói về trận chiến đấu ngày 27/10/1967, anh Nguyễn Hữu Oanh kể tiếp: “Tối hôm ấy, chôn cất đồng đội xong, những người còn lại trở về lán trại trong rừng. Không khí tang tóc bao trùm vì đơn vị có quá nhiều người hy sinh. Nhìn hai chảo cơm to, nấu xong còn nguyên. Nhiều người đi ra mặt đường buổi sáng thì tối không về nữa. Những người ngồi vào mâm không ai cầm được nước mắt, họ lại đứng dậy. Làm sao nuốt nổi khi đơn vị vơi người đi quá nhiều. Đêm không được đốt đèn. Tôi nhìn những con đom đóm lập lòe bay trong đêm. Sao đêm ấy những con đom đóm to đến thế. Vào sạp trong lán còn tang thương hơn. Những ô nằm của đồng đội như những ô ăn quan thời trẻ. Những màn màu xanh rủ xuống là có người ngủ, những sạp không buông màn là những đồng đội đã không bao giờ về nữa… Sau này hết chiến tranh, giải ngũ về quê, nhiều đêm không ngủ được, tôi lại như thấy những tấm màn ngủ xanh bơ vơ trong lán vắng người và những con đom đóm rất to bay lập lờ trong rừng Trường Sơn như đang đi tìm bạn chiến đấu cũ”…(đăng trên nhiều báo mạng, https://baothanhhoa.vn/thoi-su/cung-cac-cuu-tnxp-tro-lai-duong-20-quyet-thang/104994.htm; https://suckhoedoisong.vn/cung-cac-cuu-thanh-nien-xung-phong-tro-lai-duong-20-quyet-thang-169160758.htm…)

Hình ảnh thật buồn đau và ám ảnh!

2- Trước hết cần làm rõ sự kiện bi hùng ngày 27/10/1967 tại Km 49 (thực ra là Km 50 và 49 có liên quan hay không đến sự với C115 và hi sinh của đồng đội TNXPvà bộ dội mà báo chí có nói tới ở trên?

Trần Văn Thân: Cuối năm 1966, Công trường 20 giải thể, Binh trạm (BT) 14 ra đời, trực tiếp quản lý số TNXP trên đường 20 Quyết Thắng. Lúc này về đơn vị TNXP, Binh trạm 14 còn lại 2 đơn vị đội (cấp tiểu đoàn) TNXP gồm Tiểu đoàn 1 (Đội 23) TNXP Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Tiểu đoàn (Đội 25) TNXP Hà Nam Ninh. BT14 phân chia quản lý lát nền đường và đảm bảo giao thông: Từ A Ky và Ta Lê là Đội 25, A Ky trở ra là Đội 23.

Xin nhắc lại Đội 23 gồm 3 C:

C1: phụ trách từ Km 48 tới ngầm Cà Roòng và lên gần ngầm Aky

C2: phụ trách từ khu vực Km 48 đến khe Tum Km 38

C3: phụ trách Km 37 (U Bò) trở ra Cửa rừng (không kể năm 1966 C3 cũng có thòi gian phụ trách vùng Km 55, Nam Cà Roòng đến gần ngầm A Ki).

C1: ông Hồ Bá Thâm lúc đó làm C phó sau lên Chính trị viên trưởng C1; tôi- Trần Văn Thân C phó C3 sau quyền C trưởng và phụ trách Đoàn thanh niên của Đội 23.

Tháng 4/1967 Ban Xây dựng 67 (Ban 67) ra đời. TNXP đội TNXP 23 và 25 chịu chế độ song trùng lãnh đạo (Từ năm 1969, 1970 thì 2 đội này mới nhập lại lây tên là Đội 25).

Khoảng tháng 5/1967, Ban xây dựng 67 (BXD 67) điều 2 C của đội TNXP Thanh Hóa trên đường 15, đó là C107 do ông Lê Trọng Lược (nay đã mất) làm C trưởng về Đội 23 (chủ yếu phụ trách khu vực từ Km 33 ra đến Cửa Rừng?), C115 về Đội 25, tức tiểu đoàn (từ A Ki lên qua biên giới Việt – Lào). C115 này mà ông Lâm là một thành viên, hiện ông Lâm hiện nay là Trưởng ban liên lạc B67 Thanh Hóa.

 Như vậy đoạn đường từ Km 59 – gần AKy trở ra Cà Roòng – do đại đội ông Thâm phụ trách (C1). Những diễn biến cụ thể, nhất là trên đoạn từ Km 48 đến khu vực ngầm Cà Roòng trong 2 năm 1967-1968, ông Thâm nắm rất rõ.

Nhưng có vài thông tin qua bài báo nêu trên (năm 1967) khi đọc đều hiểu là C115 phụ trách hay có mặt tại Km 49 hay không (qua sự kiện ngày 27/10/1967) có 35 người hi sinh trong đó có 11 TNXP tỉnh Thanh Hóa (mà có đăng trên báo Đại Đoàn Kết do tác giả Lê Tuấn Lộc viết theo lời kể của các cựu TNXP trong đó có ông Nguyễn Hữu Oanh và ông Lâm – bài Cùng các TNXP trở lại đường 20 Quyết Thắng, nêu trên), đề nghị xem lại, nói lại cho rõ.

Từ thực tế lịch sử lúc đó như nêu trên và theo ông Hồ Bá Thâm cùng một số đội viên C1 có mặt tại sự kiện ngày hôm đó là có nội dung không chuẩn xác về địa điểm chăng (như số người hi sinh và nhất là của C115 mà lại liên quan đến sự kiện ở Km 49 là sao?). Ngày hôm đó, ông Hồ Bá Thâm cho hay là trực đại đội và có mặt ở Km 50-51, 49 lúc địch đánh vào đơn vị bộ đội và xe pháo trú bìa rừng ở Km 50, 51…

3- Nói lại cho rõ khi sự kiện ngày 27/10/1967 xảy ra tại khu vực km bao nhiêu và C115 đang làm nhiệm vụ ở km nào?Một sự kiện hay 2 sự kiện (sáng và chiều) vào ngày này?

Theo ông Hồ Bá Thâm có trao đổi lại với các ông cùng thời: Nguyễn Tiến Mai – C trưởng C1, Đỗ Văn Ngần – C phó C1, Đặng Đình Đường – Chính trị viên phó C1, Nguyễn Quang Báu – y tá C1… thì bài báo (hay người kể) nói có chỗ không rõ, nên có thể gây hiểu lầm. Vì nhắc tới sự kiện bi thuơng ngày 27/10/1967 tại Km 49 mà có nêu 11 TNXP C115 Thanh Hóa hi sinh trong khi C115 lúc đó ở vùng A Ki, có thể ở Km 59- 63, hay Km 68, gì đó chăng (chứ không phải Km 49 hay Cà Roòng) nên gây hiểu lầm là ở Km 49.

Chuyện có thật là có đoàn xe pháo/ tên lửa của đơn vị quân đội hành quân đêm vì qua ngầm Cà Roòng không kịp nên ẩn vào khu rừng thưa bên đường km 50 giáp Km 51, sau đó khoảng 1 h chiều thì máy bay OV 10 dò ra phát hiện rồi phản lực F 105, F 101 ra ném bom lúc khoảng 2 h chiều đến 5 h chiều. Sau nhiều đợt đánh phá thì đơn bộ dội ấy hi sinh và bị thương khá nhiều, nhất là khi thương binh tập kết ở hầm hộ tống Km 49 (C1) và ở đồi nứa Khe Ni trên đường vào lán trại đơn vị C1. Sau này mới biết là họ hi sinh khoảng 28 hay 29 người trong trận đó. Đau thương ngút trời! Hồ Bá Thâm đã từng viết bài về việc này!

Nhưng hình như khi nhắc tới sự kiện 27/10/1967 người kể hâu như không nhớ hay không biết ở Km 48 – 59 là địa bàn của C 1 Đội 23 đang làm nhiệm vụ và chứng kiến, trong khi đó đọc bài báo ta thấy hình như là C115 đang ở đây.

Thực ra theo ông Nguyễn Hữu Oanh (sinh năm 1950, chắc là TNXP nhiệm kỳ 2 từ tháng 1/1969 tăng cường chứ không phải nhiệm kỳ 1) và ông Lâm (chưa rõ họ và tên lót) lại kể rằng là người trong cuộc (ông Lâm là TNXP nhiệm kỳ 1 thì đúng).

Và ông Oanh lại kể đúng sự kiện 27/10/1967: đơn vị C115 từ sáng sớm ngày 27/10/1967 đã ra mặt đường và bị lộ, bị máy bay địch phát hiện và đánh phá, đơn vị 115 nhiều người bị thương và hi sinh, cứu thương cấp cứu không kịp ..

Ông Lấm nói:“Sáng ngày hôm đó, đơn vị pháo của bộ đội ta trên đường vào chiến trường, đến khu vực tôi đóng quân thì trời sáng”. Và máy bay OV 10 lượn trên bầu trời Km 49 chỉ điểm bom khói, sau đó máy bay F101, 105 oanh tạc cả buổi chiều. Vậy nghĩa là hoặc C115 đóng quân ở Km 50, hoặc ở km khác rất xa nơi này, có thể khu vực (+ -) A Ki, Km 68 nhưng đơn vị pháo hành quân có bộ phận dừng lại trú ở km gần dơn vị C115 đóng quân (…) chứ không phải ở Km 49 hay 50? Tại Km 49 (thực ra là Km 50, nhưng lại nói (mà thực ra ở Km 49, 50 thì chiều mới bị máy bay phát hiện và oanh tạc, phải chăng C115 làm nhiệm vụ không phải ở Km 49-51.

Rồi còn chuyện máy bay đánh trúng hầm hộ tống khác nữa nhiều người hi sinh (tổng cộng 35 người trong đó có 11TNXP và 24 bộ đội). Sự kiện này mà C115 là một đơn vị trong cuộc mà xảy ra lúc đó C115 đang ở km nào, khu vực gần A Ki hay Km 49, 50? (Chắc chắn không có mặt ở khu vực Cà Roòng và Km 49-50). Rồi chuyện bom đánh sập hầm hộ tống (ở km nào)?…Và còn cả sự kiện máy bay Mỹ bị bắn rơi ngày đó, chuyện tìm lại mộ phi công Mỹ nữa (năm 1867- 1968 là có nhưng không nhớ thời gian và hình như ngày hôm 27/10/1967 thì không thấy nghe nói có máy bay bị bắn rơi ở khu vực này?)…

Vậy phải chăng ông Oanh và ông Lâm kể qua lời nhà báo Lê Tuấn Lộc về 2 sự kiện ở hai nơi khác nhau sáng và chiều khác nhau tuy cùng ngày 27/10/1967, nhưng vẫn liên quan tới C115, hoặc đơn vị TNXP khác song nói không rõ, hay thực chất là một?

Về sự hi sinh của cán bộ chiến sĩ đơn vị C115 có nêu rõ tên tuổi đồng đội, với “không khí tang tóc bao trùm vì đơn vị có quá nhiều người hy sinh”. Chúng tôi tin về bản chất là có thật như ông Oanh, ông Lâm kể là đúng và rất cảm phục tinh thần cán bộ chiến sĩ C115 cũng như đồng cảm, cảm thông những hi sinh mất mát của đơn vị, nhưng có điểm không rõ hoặc khi kể thì nhà báo không nhớ rõ hoặc diễn đạt lại không rõ, nhập nhằng (C115 đang làm nhiệm vụ ở đâu, km nào khi xảy ra sự kiện ngay 27/10/1967), gây hiểu lầm và phản cảm với người trong cuộc. Chúng tôi nghĩ trước hết là ông Lâm, ông Oanh, nhớ lại và nên nói lại cho thật rõ chuyện này (xem lại sự kiện ngày 27/10/1967 xảy ra ở đoạn đường km số mấy và C115 khi đó đang ở đoạn đường nào, km bao nhiêu)! Trải qua 55 năm rồi nhiều khi nhớ chi tiết có thể sai lệch (riêng nhớ ngày tháng thường nhờ biết giấy báo tử ngày hi sinh của dồng đội, còn thường chỉ nhớ năm hay tháng là cùng và thường làm ở đâu thì biết rõ ở đó khi là trong cuộc, cùng chứng kiến, còn nơi khác thì sau này mới nghe kể lại).

Và thực ra hiện nay ngay cả chúng tôi (lời ông Hồ Bá Thâm) sau 55 năm cũng chưa rõ đơn vị bộ đội pháo, tên lửa hành quân qua ra tiền phương trong trận 27/10/1967 bị bom đạn bi thương ấy là đơn vị nào? Trong trận đó họ hi sinh và bị thương thật sự là bao nhiêu người.

Bộ đội, lực lượng TNXP của ta đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau mỗi trận bom điên cuồng của giặc Mỹ tại trọng điểm Phu La Nhích (Ảnh tư liệu)

4- Một sự kiện bi thương và hào hùng khác mà hầu như chưa thấy nhắc tới đầy đủ

Tôi có lần kể với ông Thâm văn tắt, nhưng lần này ông Thâm nhắn cho tôi phải viết cụ thể cho chính xác về sự kiện ngày 20/7/1967.

Tôi cũng xin nói thêm (ít người biết và hầu như báo chí không thấy nhắc tới, mà thời kỳ 1966-1968 cũng ít thấy báo chí có mặt ở đây và viết về chuyện nay) về trận đánh bom của máy bay Mỹ làm quân ta thương vong nhiều người vào đêm 20/7/1967. Chuyện xảy ra trên điện rộng trên đèo cô Pông La, km 40- 43 khi máy bay thả bom rải thảm đoạn từ km 37- 40 làm 22 người chết và hàng chục người bị thương (gồm bộ đội hành quân, lái xe và pháo cao xạ). C3 Đội 23 đóng quân ở khu vực U Bò này nên đó lúc đó được phân công vừa đảm bảo giao thông vừa cứu thương, thu gom thương binh liệt sĩ về dôc khu vực cấp cứu U Bò và làm nhiệm vụ mai táng. Một đêm thật kinh hoàng, đau thương và căm giận bọn giặc Mỹ.

Ngoài ra, xin nhấn mạnh thêm, trận thứ 2 ở trọng điểm Trạ Ang. Đó là máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất trọng điểm yết hầu Trạ Ang trong suốt gần 90 ngày đêm từ 0h ngày 1/7/1968 đến 0h ngày 30 /9 năm 1968 mà báo chi đã nói nhiều. Đó là 90 ngày đêm địch liên tục suốt 4 km từ Km 12 đến Km16 (Ngầm Trạ Ang và dốc Ba Thang). Đó là một trọng điểm và thời điểm mà ông Hoàng Trả, Binh trạm trưởng BT 14, ông Hoàng Ngọc Phiên, Phó Ban 67 và Nguyễn Quốc Đức, Đội trưởng Đội 23 ra đường chỉ đạo trực tiếp. Ngoài lực lượng C3 Đội 23, Ban 67 điều thêm 1 đại đội TNXP Thái Bình về tăng viện, đại đội này do Quyền đội trưởng Hoàng Ngọc Ánh dẫn đầu (Hoàng Ngọc Ánh bây giờ là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thái Bình). Đại đội này thuộc Đội 89 TNXP Thái Bình, sau chiến dịch này trở về đường 12.

Ở Trạ Ang thì đáng chú ý là trong những ngày 25/9/1968 đến 1/10/1968, có ngày địch đánh bằng B52 đánh 27 lần và 30 lần bằng máy bay khác. Cả bộ đội và TNXP vần 30 phuy xăng dọc suối phục vụ cho tuyến trong mà 29 người đã hi sinh, nhiều người bị thương!

Từ năm 1968 – 1972 Cà Roòng- A Ki vẫn lại là trọng đểm ác liệt B 52 đánh phá nhiều lần….

Ác liệt, đau thương, hi sinh là vậy nhưng các đơn vị ở đây sau nhiều ngày đêm chiến đấu oanh liệt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Thông đường, thông tuyến cho xe chở khí tài, chở hàng, chuyển xăng dầu ra tiền tuyến!

Lịch sử phải ngày càng minh bạch, mọi góc khuất phải dần được sáng rõ, tránh nhầm lẫn, sai sót, nếu có! Nên xin có vài lời trao đổi thêm cùng cựu đồng đội như vậy. Mong có hồi âm, cung cấp thêm tư liệu, tình hình!

5- Mấy bổ sung, trao đổi ý kiến vẫn không xác định C115 có mặt năm 1967 và ở vùng Km 49- 54 Cà Roòng!

Hồ Bá Thâm (HBT): Sau khi đăng lên trang Zalo của BXD 67 thì ông Nguyễn Bá Thơm, Trưởng ban liên lạc BXD 67 có nhắn tin rằng: “Các bác cố gắng viết rõ thêm về các sự kiện diễn ra trên các trọng điểm …”

Đúng vậy! Địch đánh phá rất ác liệt các trọng điểm đường 20 Quyết Thắng từ giữa năm 1966. Chỉ riêng tháng 12 năm 1968 tại ATP đã có gần 200 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh … Nhưng ta vẫn mở nhiều đường tránh đường vòng và vẫn thông xe qua ATP)

Ông Nguyễn Bá Thơm đang liên lạc với các cựu TNXP C115 để cung cấp thêm thông tin.

Theo ông Đặng Đình Đường C1, người ta ghi nhầm không phải Đội 115 mà là Đại đội 115 TNXP Thanh Hóa. Trước đây đại đội này ở Phong Nha nhưng năm 1968 vào đóng quân ở chân dốc Km 49 sau thành 1 trung đội và sát nhập vào C1 Đội 23.

HBT:Cuối tháng 12 năm 1968 tôi mới xa C1 và ra Hà Nội. Khi đó tôi là Chính trị viên trưởng C1. Nên năm 1968 không thấy có C115 ở Km 49. Còn sau này C115 có một trung đội nhập vào C1 thì có thể sau 1968 nên tôi không rõ. Theo ông Trần Văn Thân thì C115 được bổ sung vào Đội 25 từ tháng 5/1967? Còn nói C115 có lúc ở Cửa Rừng? Vẫn có sự nhớ nhầm C115, C 117 và C 107 cũng ở khu vực Cửa Rừng khi tôi hỏi lại các cựu lãnh đạo các C mà tôi biết. Kể cũng thường tình.

Theo Đặng Đình Đường sang năm 1969 là Chính trị viên phó C1 thì C115 hay Trung đội 115 năm 1968 đúng hơn là năm 1969 có ở Km 49?. Và năm 2016 khi trở lại đường 20 Quyết Thắng cùng Đậng Đường, thăm lại dốc 49 khe Ni, tôi có ý định xuống lối mòn đường vào đơn vị C1 xưa, tại đồi nứa nơi trước kia bộ đội, thương binh hi sinh chiều 27/10/1967, thì ông Đường có nó có nữ TNXP quê Thanh Hóa mất ở đây, tôi cứ ngờ ngợ, nghĩ là ông Đường nhầm hay chuyện sau này mà mình không biết. Hóa ra hôm nay nghe lại khi ông Đường nhắc tới C115 ở Km 49. Có thể ông Lâm C115 (trong bài báo đã nêu trên) kể vô tư, chung chung sự kiện ngày 27/10/1967 xa xưa… không phân biêt rõ thời gian lịch sử chăng?

Tôi, HBT, vừa hỏi ông Phùng Hải C 5, Đội 25 cũ. Anh Hải cho biết, ở Đội 25 năm 1968 về trước không có C115. Đến đầu 1969 bổ sung TNXP nhiệm kỳ 2. Ở trọng điểm A Ki lúc đó cũng có cả đơn vị TNXP Nghệ An (nhiệm kỳ 2) và ở Cà Roòng lại có đại đội TNXP quê Nông Cống, Thanh Hóa (nhiệm kỳ 2), chính Phùng Hải được chỉ định làm C phó C đơn vị TNXP này, nhưng không phải C115 hay không thì không nhớ rõ!

Điều này càng chứng mình rằng, có thể C115 từ năm 1969 ở tham gia phục vụ tuyến ở vùng Cà Roòng này, còn năm 1967 là không có ở đây. Nhưng khi kể về các trận đánh hay sự hi sinh, hay chiến công của cựu dồng đội (trước năm 1969, tức năm 1968 hay 1967, 1966, như các dẫn chứng bài báo nêu ở trên) thì có trường hợp, có lúc cứ nhớ láng máng rồi kể ra (hoặc kể cả có chi tiết nhà báo đọc thêm tin rồi viết thêm vào nhất là sự kiện năm 1965, 1966), thậm chí không phân biệt rõ gắn với từng kỳ của từng đơn vị cụ thể (mà họ cũng không biết rõ) nên cứ nêu ra làm cho bạn đọc là cứ tưởng nó gắn với C115 (và chính họ cũng nhắc tới C115), nên mới ngớ ra là sao ngày 27/10/1967 mà C115 lại gắn với sự kiện ấy được.

Nhưng ông Oanh và ông Lâm (C115) lại nói rất rõ C115 trong sự kiện 27/10/1967 mới lạ chứ! Mà ông Phùng Hải thì nói: đội N25 cuối năm 1968 nhập lại còn 2 C (trước là 4 C) và sau đó (1969?) nhận thêm 2 C mới nhiệm kỳ 2 TNXP Nghệ An và Thanh Hóa…

Hiện nay chúng tôi, HBT, vẫn chưa liên hệ được với ông Oanh (sinh 1950) nhân vật trong bài báo… để hỏi cho rõ. Ông Lâm thì nghe ông Nguyễn Bá Thơm mới thông tin là sức khỏe cũng yếu rồi, gọi điện không trao đổi được và tôi nhắn tin cũng không hồi âm.

Có lần (cuối năm 2021) tôi đã gọi điện hỏi ông Lâm, thành viên của C115 nhân vật kể chuyện trong bài báo về sự kiện 27/10/1967 ấy, có gì đó “sai sai” (nguyên văn tôi dùng dùng từ “không chuẩn”), thì ông Lâm cũng ớ ớ… và im lặng… không trả lời! Nhưng ông cũng xác nhận ông Oanh (nhân vật trong bài báo là nhiệm kỳ 2). Còn hỏi ông Lê Trung Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa thì ông ấy trả lời không biết… vì ông Sơn không ở đường 20 Quyết Thắng.

Ông Trần Xuân Thắng (Zalo BXD67, vào đường 20 Quyết Thắng khi N 23 và N25 sát nhập) viết: Tháng 8 năm 2009, anh Mai cùng tôi và một số anh em ở N25, N23 (N là ký hiệu đội TNXP) tổ chức kỷ niệm 44 năm ngày thành lập N25 tại TP.Thanh Hóa, khi đó có hàng trăm anh chị em ở N25, N23 về dự. Trong lễ kỷ niệm có ghi lại N25 thành lập ngày 22/8/1965 sau một thời gian N23 và N25 (từ 1969 – HBT) sáp nhập lại và lấy tên N25.

Năm 1969 C6 N25 Hà Tây (quân số chủ yếu là Hà Tây, ngoài ra còn có người Hải Hưng) chốt giữ ở ngầm A Ki và trọng điểm Cửa khẩu Km 68, còn C4 Nam Hà đóng quân ở Km 54 gần Ban chỉ huy đội N25, chốt giữ ngầm Ca Roòng. Năm 1971 dân công hỏa tuyến Thanh Hóa mới vào đường 20 Quyết Thắng. Trong đội N25 không thấy nói đến C115.

Thông tin này của ông Thắng rất đang chú ý!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường 20 Quyết Thắng năm 1973 (ảnh tư liệu)

6- Có sự kiện đơn vị pháo hay tên, lửa hành quân và bị đánh ở Km 51-50- 49 và hi sinh nhiều hay không?

HBT: Về sự kiện ngày 27/10/1967 gắn với đơn vị pháo binh hay tên lửa gì đó, bị đánh ở Km 51, 50, 49 thì tôi muốn biết tên dơn vị và những gì xảy ra hôm đó nhưng khi đưa tin trên Zalo Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn, thì nhà báo, nhà văn Phạm Long, Chủ tịch hội cho biết và nhắn tin: “Vào tìm lịch sử của Quân chủng Phòng không, không quân anh HBT ạ. Tôi đã đọc lại Lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn và Biên niên công tác Đảng, công tác Chính trị của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn, cả Lịch sử Đảng bộ Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn đều không thấy nhắc gì đến sự kiện ngày 27/10/1967, anh HBT ạ. Lạ quá!”. Tôi nhắn lại: “Có thể số bộ đội của đơn vị pháo còn lại hôm đó sau này hi sinh hết trong chiến tranh rồi sao?”

Trên trang Zalo Hội VHNT Trường Sơn, ông Lê Khiển phản hồi như sau:

Thông tin đơn vị tên lửa hành quân bị đánh bom gần 30 người hy sinh tại Km 49-50 đường 20 Quyết Thắng là không chính xác. Tôi biết lực lượng phòng không thời kỳ này là F375, có 1 trung đoàn tên lửa được bố trí trận địa từ Km 68 trở ra khoảng Km 39- 40. Chính xác tôi biết có 1 trận địa tại Km 67. Trận địa này đã phóng 1 quả tên lửa bắn C130 nhưng sau đó bị máy bay Mỹ bắn tên lửa lại, sau đó phải chuyển trận địa ngay. Năm 1966, đầu 1967 tôi trực tiếp tại trạm barie Km 54 ngầm Cà Roòng, sau đó chuyển về Ban Tham mưu Vận chuyển BT14. Suốt 8 năm trực điều độ và hàng hóa… theo dõi xe hàng và các đơn vị hành quân vào chiến trường, tôi chưa chứng kiến sự kiện trên. F375 sau này rút vào Nam Lào tham gia chiến dịch đường 9 – Nam Lào 3/71 rồi tham gia mùa hè Quảng Trị 72. Anh Nguyễn Công Tường – AHLLVT Chủ tịch Hội TS huyện tôi – chính là lái xe kéo pháo của E280 F375 lúc bấy giờ và tôi cũng biết anh Tường từ khi đó. Có một sự kiện năm 67 theo anh Tường kể với tôi đơn vị của anh chốt từ Km 49 – 54 có một lần bắn rơi 2 máy bay sau đó đơn vị cũng bị địch đánh vào trận địa và hy sinh nhiều người và một trận địa pháo 37 của E 280 tại Bắc Xuân Sơn trong đêm bị máy bay đánh vào trận địa hy sinh và bị thương khá nhiều phải điều động lực lượng dân quân hỗ trợ.

Tôi, HBT, xin trao đổi lại mấy ý:

 – Tháng 12/1966 đến 1/1967 tôi là C phó C1 kiêm Trưởng tại barie Km 49. Nói chung năm 1967- 1968 tôi và C1 TNXP có mặt tại khu vực Cà Roòng (Km 48-58). Và như đã nói trên là tôi trực tiếp chứng kiến sự kiện 27/10/1967 khi đơn vị pháo (hay tên lửa?) bị đánh ở Km 51- 49 và sau nghe nói 28 hay 29 bộ đội hi sinh (đơn vị C115 thì nói 24?), còn TNXP C1 thì không có ai. Và lúc này ở khu vực này không có mặt C115. Còn C115 làm ở đoạn đường nào và 11 người hi sinh thì không rõ (nhưng chắc họ có danh sách, song hi sinh ở địa điểm nào?). Nếu nói ngày hôm đó (sự kiện 27/10/1967) cả bộ đội và TNXP ở Km 49-51, kể cả ở ngầm Cà Roòng, mà hi sinh 35 người là không đúng! (Vì chưa biết tên đơn vị pháo hành quân qua… bị đánh chiều hôm đó nên chưa biết số hi sinh chính xác, nhưng khá nhiều và rất tang tóc).

Khoảng 5 h 30 chiều tôi về thì dọc đường Km 50- 49 còn thấy mấy người khiêng thương binh trên càng đi…, còn khi qua dốc khe Ni nơi đồi nứa thì thấy còn hiện trường trận bon, đầu chân tay nguồi còn văng xung quan đó còn thương binh hay tử sĩ thì đã chuyển đi đâu hết, cũng không còn thấy bộ đội ở đó nữa, sau nghe anh em đơn vị kể lại…).

 – Sáng hôm đó mà sau này ông Oanh, ông Lâm C115 nhắc tới là ngày 27/10/1967, tôi trực đại đội, ra tuyến có đi qua khu vực Km 50-51, thấy đoàn xe pháo (không biết nhiều ít) của bộ đội ẩn tại khu rừng thưa bom đạn đánh gẫy ngọn cây xơ xác nhiều lần có vẻ trống trải cách đường mấy mét thôi (do trời sáng họ không qua ngầm Cà Ròng kịp, như nói trên, nên trú lại bất đắc dĩ chứ không phải “phát hiện ra trận địa pháo” như bài báo viết). Tôi thấy nhiều chiến sĩ đi lại hơi chủ quan, lộ liểu. Sáng đó thì bình yên…Trưa… chắc họ còn nấu cơm… sao đó nữa… nên bị OV 10 phát hiện. (Bây giờ nghĩ lại sao sáng đó mình không gặp chỉ huy báo với họ cần cảnh giác nhắc, cần ngụy trang kỹ và đào hầm phòng máy bay địch phát hiện sẽ đánh phá… Mà dúng là chiều nó phát hiện và đánh phá thật). Đúng là chiều hôm đó tôi đã chứng kiến thảm kịch bi thương!

          – Năm 1967-1968 mà tôi biết, khu vực Km 49- 57 phía đồi các đường hơn 1km là có trận địa pháo 12 li 7. Đơn vị này kết nghĩa với C1 đội N 23. Tôi là Chính trị viên trưởng C1 TNXP và Chính trị viên đơn vị pháo (tên là Quyên, Chuyên, hay Huyên, hay Tường?) rất hay gặp nhau ở C1 khe Ni (nhà C bộ) và đầu năm 1968 (tôi không nhớ ngày, và hình như tháng 3) đơn vị này bắn rơi máy bay Mỹ, phi công nhảy dù (khoảng hơn 10 hay 11 h sáng). Sáng ngày này cô Nguyễn Thị Thúy Vinh C1 mới bị bom bi đánh vào lán trại trung đội, nên hi sinh lúc 4 h 30 sáng, không kể mấy ngừi bị thương (cò lẽ do lộ ánh lửa nấu ăn của anh chị nuôi)…

Có nghe thấy 1 trung đoàn hay tiểu đoàn tên lửa được bố trí trận địa từ km 68 trở ra khoảng km 39- 40, có 1 trận địa tại km 67, có máy bay bị ta bắn cháy và phi công nhảy dù ở đây (những năm 1967, 1968…) mà anh em C1 cũng có lần tham gia đi bắt giặc lái. Năm 1967-1968 có đại đội 12 li 7 phiên hiệu 16. Sau này Sư đoàn 367 có E 24 đóng ở đường 20.

– Chỉ có ghi chép, chẳng hạn có sổ nhật ký dơn vị, hay ghi sổ tay còn lưu lại như C 1 có trạm quan sát ở Cà Roòng nên thông kê trận đánh và số bom là chính xác. Hoặc phải tìm đến kho luư trử tư liệu của quân đội… (Tuy cũng có tư liệu bị bỏ sót). Còn số người hi sinh thì phải theo dõi thông tin báo tử liệt sĩ. Còn nếu dựa vào chỉ nhớ, hay nghe lại dẽ tam sao thất bản, sai lệch. Mà lịch sử thì cần chính xác dù là khó mà có 100% sự thật ngay được. Khi viết về lịch sử, viết báo…cũng phải so sánh tư liệu, nhân chứng và kiểm chứng mới chính xác được!

Ông Lê Khiển cũng lưu ý rằng, ông “có xem một số bài viết về đường 20 Quyết Thắng nhưng thấy có sự kiện thiếu chính xác. Ví dụ sự kiện Nguyễn Thị Vân Liệu phá bom nổ chậm tại cua chữ A và hy sinh tại trọng điểm này là không đúng. Sau sự kiện phá bom bằng cách đào hố đặt bộc phá phía dưới quả bom nổ trên mặt đất, Liệu được điều động về Cục Chính trị Đoàn 559 ở đội tuyên truyền và hy sinh trong một lần đi phục vụ, sau này được truy tặng AHLLVTND”.

Đúng vậy! Không thể “nói lấy được”!

Tóm lại là: cần trao đổi ý kiến và kiểm chứng thêm nữa!

Thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An ngày 9/3/2022- 13/3/2022

Trần Văn Thân, (Hồ Bá Thâm đã xem lại, bổ sung và biên tập)

Cựu TNXP đường 20 Quyết Thắng

 


[i] Trong danh sách tập thể và cá nhân TNXP được phong tặng danh hiệu anh hùng không có đơn vị 115 (Ban biên tập)