Cựu thanh niên xung phong, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước

Đăng lúc: 16-08-2023 11:08 Sáng - Đã xem: 194 lượt xem In bài viết

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm (ảnh dưới), tên thật là Nguyễn Hoàng Nẫm, sinh năm 1936 mất năm 2018 ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên). Năm 17 tuổi ông đã gia nhập đơn vị thanh niên xung phong, tham gia mở tuyến đường huyết mạch Cò Nòi – Pha Đin  trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Hoàng Nẫm đã cùng với đơn vị dũng cảm khắc phục khó khăn, gian khổ, lập nhiều thành tích xuất sắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hoàn thành nhiệm vụ, năm 1957 ông trở về quê cùng với cha mở cửa hàng chụp ảnh và vẽ truyền thần tại thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông được cha truyền dạy và chinh phục thành công nghề ảnh để chung tay kinh doanh tại cửa hàng. Tháng 10/1966, Hoàng Nẫm được đặc cách tuyển vào làm phóng viên ảnh chính thức tại phòng Biên tập – Cổ động, thuộc Ty Văn hóa tỉnh Hải Hưng (cũ). Từ đó, ông gắn bó với sự nghiệp ảnh báo chí – nghệ thuật đến khi nghỉ hưu. Sau khi được nghỉ theo chế độ, ông tiếp tục với đam mê nhiếp ảnh và cống hiến cho công tác văn hóa của tỉnh mãi đến khi trút hơi thở cuối cùng năm 2018.

Các con cháu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm thường xuyên xem lại những cuốn sách ảnh của ông

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm sinh được 5 người con. Trong đó có 2 người đi theo nghệ thuật nhiếp ảnh: con trai là nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Diệu – Trưởng Ban tổ chức thi đua hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; con gái Hoàng Hường, Trưởng ban quản lý di tích tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên. Năm 2.000 tôi tham gia Câu lạc bộ nhiếp ảnh Phố Hiến và có nhiều cơ duyên được gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm, người tôi luôn mến mộ vì những thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Lúc sinh thời, ông Hoàng Nẫm đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh cho các con từ rất sớm, luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nghệ thuật với các nghệ sĩ trẻ, các thành viên  Câu lạc bộ nhiếp ảnh Phố Hiến. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Diệu cho biết: “Bố tôi đã có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí và nghệ thuật, ông đã có nhiều tác phẩm đẹp, ghi lại những khoảnh khắc trân quý của cuộc sống, đóng góp nhiều hình ảnh mang tính nghệ thuật, thời sự và tư liệu lịch sử. Bố tôi có hàng nghìn bức ảnh thời sự và ảnh nghệ thuật xuất hiện trên các báo, ấn phẩm thông tin tuyên truyền, các cuộc triển lãm, trưng bày… Trong đó, phần lớn ảnh và phim đã chụp được bố tôi cần mẫn ghi chép vào sổ và lưu trữ trong một chiếc hòm sắt, bảo quản bằng những gói vôi bột chống ẩm. Chiếc hòm tư liệu phim ảnh ấy là cả gia tài, kho báu của bố tôi để lại”.

Được khám phá kho báu ấy, tôi không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên với nội dung cũng như chất lượng bảo quản những bức ảnh sáng sủa, rõ nét về mảng ký ức lịch sử sống động từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đến công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Những ngày đầu tái lập tỉnh Hưng Yên năm 1997, trên chuyến xe từ thành phố Hải Dương trở về Phố Hiến, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm đã chụp liên tục mấy cuộn phim ghi lại khí thế tưng bừng, phấn khởi của các tầng lớp Nhân dân chào đón hai bên đường và khung cảnh thị xã Hưng Yên vào thời khắc lịch sử này. Những bức ảnh, cuốn phim nghệ sĩ Hoàng Nẫm ghi lại tại thời khắc quan trọng đó, đến nay vẫn còn tươi mới về ý nghĩa cũng như giá trị lịch sử, nghệ thuật.

Xem những cuốn sách ảnh ông để lại sẽ cảm nhận được nhiều giá trị nghệ thuật, thời sự trong mỗi bức ảnh. Bức ảnh đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm được chụp tại đơn vị pháo cao xạ trực chiến bắn máy bay Mỹ ban đêm ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ). Buổi tối hôm ấy, ông mở sẵn ống kính “phục” ở trận địa pháo cao xạ bến đò Triều Dương, để mong chụp được cảnh máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy ban đêm. Vừa nghe tiếng kẻng báo động, ông bất ngờ bị hất ngã xuống công sự bởi bom Mỹ đánh trúng trận địa. May mắn cho ông ở đúng vị trí giữa miệng hố bom và khoảng loe của đất đá tung lên. Chỉ thiếu chút nữa thì cả người ông bị sức công phá của bom hất tung lên hoặc bị đất đá vùi lấp. Dẫu không chụp được ảnh máy bay bị bắn cháy, nhưng bức ảnh trận địa pháo phòng không anh hùng Triều Dương với những khuôn mặt kiên nghị của pháo thủ trẻ bên nòng pháo ngụy trang bây giờ còn lưu giữ ở bảo tàng và in trên nhiều sách, báo. Trong tập sách ảnh cá nhân mang tên “Ống kính và Thời gian”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Nẫm tự sự: “Non nửa thế kỷ cầm máy, nỗi đam mê nghề nghiệp đã giúp tôi tích lũy được một số kinh nghiệm, nhất là thể hiện được cái tâm của mình để có được một bức ảnh sinh động, có hồn. Làm ảnh thời sự dễ đi đến chỗ xơ cứng, tẻ nhạt, tôi cố gắng nâng chất lượng ảnh lên mức nghệ thuật. Sau những chuyến đi dài ngày trên những công trường, đồng ruộng, trên những trận địa phòng không, ngay cả khi vừa dứt tiếng bom rơi… tôi đã có trong tay một số lượng ảnh đáng kể. Nhưng để có những tấm ảnh thời sự – nghệ thuật vẫn thật là hiếm… Với riêng tôi, nó là máu thịt mang đậm dấu ấn một thời”.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, bộ tác phẩm được chọn lọc từ kho ảnh đồ sộ của nghệ sĩ Hoàng Nẫm với chủ đề: “Hậu phương với tiền tuyến” đã vinh dự được các cấp hội đồng nhất trí thông qua trong đợt xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022. Bộ tác phẩm gồm 6 bức ảnh: “Được mùa” chụp năm 1967; “Nghiêng đồng đổ nước ra sông” chụp năm 1969; “Được nắng” chụp năm 1970 ở sân kho Hợp tác xã Gia Tân, huyện Gia Lộc (Hải Dương); “Sẵn sàng chiến đấu” chụp năm 1972; “Cánh đồng khoai tây vụ Đông” chụp năm 1977 tại Hợp tác xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (Hải Dương); Bó kè Nghi Xuyên chụp năm 1984 đã phản ánh sinh động, chân thực đời sống chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất của Nhân dân hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

Năm 2022 cố nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu TNXP Hoàng Nẫm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh[1]. Đây là vinh dự vô cùng lớn lao cho là cựu TNXP Hoàng Nẫm – hội viên Hội Văn học nghệ thuật đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được nhận giải thưởng cao quý này. Giải thưởng một lần nữa khẳng định tài năng của một nghệ sĩ Hưng Yên trong việc đóng góp tác phẩm văn học nghệ thuật với cả nước.

Bùi Thanh Bình

Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên


[1] Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 trao tặng 128 tác giả, đồng tác giả, trong đó 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.