Trong những năm qua, phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, vì nghĩa tình đồng đội” đã tạo động lực để hội viên cựu TNXP huyện Kim Sơn vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Mô hình nuôi ngao của cựu TNXP Dương Văn Dũng (đứng giữa) cho thu nhập cao.
Trang trại nuôi ngao của gia đình cựu TNXP Dương Văn Dũng (sinh năm 1954, ở xóm 5, xã Kim Trung) những ngày này thương lái tới thu mua ngao giống tấp nập. Có kinh nghiệm hơn 30 năm, gia đình ông Dũng là một trong những hộ nuôi ngao giống có tiếng trong xã. Trên diện tích hơn 1 ha gồm 5 ao, mỗi năm ông cung cấp hàng tấn ngao giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh, thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Năm 1973, cùng với lớp lớp thanh niên thời kỳ đó, ông Dũng viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong tại Binh trạm 17, Đoàn 559. Sau những năm tháng chiến đấu và phục vụ trong quân ngũ, năm 1992 ông trở về địa phương và tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Vùng biển Kim Sơn được thiên nhiên ưu đãi hàng trăm ha đất lấn biển mỗi năm, với lượng phù sa màu mỡ bồi đắp tạo thành những cồn bãi nuôi ngao lý tưởng.Thời điểm ông Dũng trở về quê, vùng đất Kim Trung vẫn còn hoang sơ, chưa khai thác được hết thế mạnh này. Ông mạnh dạn thuê 1 ha đầu tư cải tạo diện tích đất hoang, đào ao xây dựng trang trại nuôi ngao giống.
“Nuôi ngao rất đơn giản vì ít xảy ra dịch bệnh, không tốn công chăm sóc. Người nuôi chỉ cần chú ý vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, chọn nguồn ngao giống có nguồn gốc xuất xứ thì ngao sẽ phát triển ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Dũng chia sẻ.
Mô hình nuôi ngao giống đã giúp gia đình ông Dũng vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá của địa phương, đồng thời trở thành địa chỉ học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ gia đình, đoàn tham quan có nhu cầu học hỏi.
Bên cạnh việc tận dụng thế mạnh tự nhiên của địa phương, nhiều cựu TNXP còn nhanh nhạy với nhu cầu thị trường, từ đó vươn lên phát triển kinh tế. Mô hình dịch vụ tổng hợp của cựu TNXP Nguyễn Văn Hiền (xóm 3, xã Kim Mỹ) là ví dụ tiêu biểu.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, trở về quê, ông Hiền mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng làm biển quảng cáo đầu tiên của xã Kim Mỹ,… Trải qua nhiều nghề với vai trò của một “tiểu thương” thời bao cấp, vợ chồng ông từng bước vực dậy kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học và giúp đỡ anh em trong gia đình, đồng đội tại địa phương khi gặp khó khăn.
Từ cửa hàng làm biển quảng cáo nhỏ, gia đình mở rộng thêm các dịch vụ kinh doanh gồm gara sửa chữa ô tô, cửa hàng điện, nước dân dụng, thiết bị vệ sinh cao cấp… cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình kinh tế của gia đình ông cũng tạo công ăn việc làm cho 10 – 13 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Ở tuổi 80, ông Hiền vẫn giữ tinh thần tự lực, tự cường của người chiến sĩ, tinh thần xông pha của cựu TNXP trên mặt trận làm kinh tế. Ông chia sẻ: “Thời trẻ, chúng tôi xông pha chiến trường, cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc, nay về quê hương, chúng tôi tiếp tục cống hiến để làm gương cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo”.
Cửa hàng kinh doanh đa dịch vụ của cựu TNXP Nguyễn Văn Hiền (ngoài cùng bên trái).
Phát triển kinh tế là cách để cựu TNXP huyện Kim Sơn thể hiện bản lĩnh của mình trong cuộc sống thời bình. Ông Trần Năng Diện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Kim Sơn cho biết: “Hội cựu TNXP huyện Kim Sơn hiện có gần 500 hội viên, sinh hoạt ở 23 cơ sở Hội. Từ khi thành lập đến nay, các cấp Hội tích cực đẩy mạnh phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, vì nghĩa tình đồng đội” nhằm khơi dậy và phát huy ý chí, nghị lực, tinh thần TNXP, dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên, không cam chịu đói nghèo; đồng thời tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn lực của cựu TNXP để hội viên thi đua lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững”.
Các hội viên đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vật nuôi, cây trồng; phát triển sản xuất, kinh tế hàng hóa, dịch vụ. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nổi bật của do hội viên cựu TNXP làm chủ như: mô hình nuôi hươu của vợ chồng cựu TNXP Bùi Tấn Vượng – Nguyễn Thị Hà (xã Chất Bình), mô hình sản xuất đồ gỗ của hội viên Vũ Văn Mạnh (xã Lai Thành), mô hình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của hội viên Đỗ Như Phú (xã Lưu Phương), mô hình nuôi thủy, hải sản của hội viên Phạm Công Nhuần (xã Kim Hải)…
Trở về sau chiến tranh, nhiều cựu TNXP Kim Sơn mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng. Tận dụng đất đai, nguồn vốn, sức lao động của con người để sản xuất, kinh doanh, bứt phá. Nhiều người có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ ý chí, nghị lực vươn lên đã thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và cho xã hội.
Hiện nay, nhiều cựu TNXP tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn hăng say với công tác Hội, vừa sản xuất, kinh doanh giỏi, vừa tích cực làm nhân chứng giải quyết chế độ, chính sách cho đồng đội, sưu tầm các hiện vật liên quan đến TNXP để tuyên truyền, giáo dục con cháu, thế hệ trẻ hiểu và trân quý những đóng góp của lực lượng TNXP.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Cựu TNXP huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình phát triển kinh tế và tổ chức cho hội viên tham quan học tập. Từ đó giúp cho cựu TNXP có động lực tham gia phát triển kinh tế, làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.
Theo baoninhbinh.org.vn