Cựu TNXP Đào Thị Hồng Chấp, một tấm gương vượt khó, tận tụy với công việc và giàu lòng nhân ái

Đăng lúc: 17-02-2022 10:17 Sáng - Đã xem: 144 lượt xem In bài viết

 Cựu TNXP Đào Thị Hồng Chấp (ảnh dưới) – Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Sơn Giang, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) – là tấm gương tiểu biểu cho ý chí bền bỉ vượt lên hoàn cảnh gia đình; luôn tận tụy với công việc hội, tích cực hoạt động đóng góp vì cộng đồng, xã hội và hội viên khó khăn, những mảnh đời kém may mắn.

Bà Đào Thị Hồng Chấp đang chuẩn bị chuyển hàng nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào tỉnh Quảng Bình bị bão lụt

 Ý chí bền bỉ vượt lên hoàn cảnh gia đình

 Chồng bà Chấp là bộ đội chuyển ngành, thương binh hạng 2/4. Tai nạn kinh hoàng ập đến khi ông vừa đi bộ ra khỏi nhà chừng 50m. Bà Chấp đã chạy chữa cho chồng từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện trung ương hàng năm trời nhưng không khỏi. Lo cho chồng, buộc bà phải bán 5 ha cao su, 5 ha điều và cầm cố nhà ở. Ông nằm liệt 16 năm, hoại tử, phải nằm trên lá chuối hơ nóng, mời y tế đến điều trị tại nhà. Bà Chấp nuôi chồng bằng cả tấm lòng hiền lương cao cả của người vợ. “Còn nước còn tát”, bà nhận làm thuê khoán theo giờ để còn về săn sóc chồng. Bà mượn xe máy của bà con, nhận chạy từng cuốc xe ôm để nuôi chồng, nuôi con. Con gái lớn của bà đang theo học trường Luật tại thành phố Hồ Chí Minh, một tháng xin 300 ngàn đồng tiền ăn, mà đôi khi bà chạy còn không ra. Không thể để con bỏ học, bà động viên con tiếp tục học và các con của bà noi gương mẹ vượt lên, học hành thành đạt. Hiện nay ba người con gái của bà Chấp đều đã tốt nghiệp chương trình Đại học và đang công tác tại các cơ quan trong tỉnh.

Bà nuôi chồng, nuôi con bằng cả nước mắt…

 Âm vang một thời những TNXP tiền trạm

 Năm 16 tuổi, lúc giặc Mỹ mang B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội, thì cũng lúc cô gái Đào Thị Hồng Chấp tình nguyện vào đội dân quân xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ… Chiến tranh kết thúc, bà lại theo tiếng gọi của Đảng vào đoàn TNXP đi xây dựng kinh tế mới ở phía Nam. Đó là đầu năm 1977, TNXP huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ và các đội TNXP của tỉnh Hà Sơn Bình vào tỉnh Sông Bé, điểm đến đầu tiên thuộc xã Bù Nho, huyện Phú Riềng ngày nay. Những cô gái, chàng trai đồng bằng lần đầu sống chung cùng vắt, muỗi, với những cơn sốt rét rừng ác nghiệt, chịu cái đói, rét, gian nan, thiếu thốn. Lắm lúc rau không có ăn, phải ăn rau, măng, hoa chuối rừng . Bà Chấp tâm sự: “Chúng tôi lên đường cũng được trang bị đủ từ áo quần, chăn màn, mũ, xẻng, cuốc, tăng, võng, lương thực, súng ống cũng chẳng khác anh bộ đội đi B. Và còn được học bắn bia số 4, bia số 7, rồi sử dụng thành thạo các loại súng gom được của địch như AR15, M16… Chúng tôi vào phát rẫy, khai hoang làm lán trại, làm nhà dân, thậm chí còn rà phá bom mìn, thu gom các kho súng, kho đạn địch trong đó còn có cả bệnh viện dã chiến của ta và của các căn cứ xưa của địch. Tất cả đều tất bật các công việc như làm nhà, trường học, trạm xá một cách khẩn trương kịp đón dân vào xây dựng vùng kinh tế mới. ”.

Những vùng rừng hoang hóa âm u đã trở thành vùng kinh tế mới mang tên Hợp tác xã Mỹ Long (Chương Mỹ – Phước Long). Nhờ những đội viên TNXP tiền trạm làm nòng cốt, nhiều khu dân cư, trang trại vườn cây công nghiệp, cây ăn trái, cây hoa màu, lương thực được hình thành.  

 Những ký ức còn lại

 Bên kia bàu Tà Lơn có một khu rừng già. Khi đó bà Chấp là bí thư Đoàn. Đơn vị bà phát hiện một nghĩa địa tập trung có 53 mộ bộ đội. Bà báo cáo về Huyện đội và được đồng ý cho bốc số hài cốt đó đưa về nghĩa trang liệt sỹ huyện. Nhiều đồng chí còn nguyên trong bọc ni long, có người tuổi chừng 18, 19… Hồi đó chưa có tiểu sành, bà Chấp cùng đồng đội cho hài cốt vào từng tấm tăng ni long gói bọc cận thận để đưa về an táng tập trung.

 Năm 1977, nửa đêm xe Huyện đội Phước Long đến báo động triệu tập đơn vị bà lên xe GMC đến huyện biên giới Bù Đốp. Lên đến đó, bà và mọi người mới biết sẽ tham gia chiến đấu cùng Công an nhân dân vũ trang, bộ đội địa phương chống bọn Pôn Pốt tràn qua biên giới. Đêm đó bà Chấp tận mắt chứng kiến một thảm cảnh hoang tàn. Nhiều phum sóc người dân tộc thiểu số, trong đó có những nơi người Kinh sinh sống bị bọn Pôn Pốt đốt rụi. Chúng bắt trẻ em xóc xâu vào nhau rồi chất củi châm lửa đốt, đầu người lớn chúng chặt để chất đống. Đêm đó đơn vị bà tham gia truy quét bọn Phôn Rô, Pôn Pốt, nhưng chúng đã rút qua Campuchia. Chuyện đã cách xa 45 năm, nhưng còn mãi trong tâm trí của bà.

Bà Đào Thị Hồng Chấp (phải) trong ngày hội gói bánh chưng xanh tặng hội viên và bà con nghèo đón tết Nhâm Dần

 Việc chồng, việc con, bà Chấp lo lắng chu toàn. Bên cạnh đó, bà vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác hoạt động Hội. Chồng bà qua đời, bà hàn gắn củng cố lại vật chất cơ sở của gia đình, vừa bán mật ong, vừa bán giải khát đắp đổi. Đồng cảm qua hoàn cảnh của gia đình và tấm lòng thiện nguyện, bà Chấp đã hiến máu nhân đạo 30 lần. Bà cùng Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP thị xã Phước Long nhận nấu cơm tình thương giúp bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa thị xã; vận động quyên góp xây tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên đang lâm hoàn cảnh khó khăn và gói bánh tét tặng hội viên và bà con nghèo nhân Tết nguyên đán hàng năm.

 Cựu TNXP Đào Thị Hồng Chấp đã được Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Phước, UBND thị xã Phước Long, lãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Phước, Hội Cựu TNXP Việt Nam trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen và Huy hiệu Cựu TNXP làm theo lời Bác.

       DUY HIẾN