Cựu TNXP Đồng Phú về nguồn

Đăng lúc: 26-04-2019 9:45 Chiều - Đã xem: 124 lượt xem In bài viết

Những ngày này, tháng này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hướng tới kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2019) và kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2019), được sự giúp đỡ của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú, cùng với sự gắn bó đoàn kết hướng về cội nguồn dân tộc, Đoàn Cựu TNXP huyện Đồng Phú đã thực hiện thành công chuyến đi nhiều ý nghĩa, đầy ắp kỷ niệm.

   

Thắp hương và chụp ảnh lưu niệm tại khu mộ mười cô gái TNXP hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc

Bắt đầu từ ngày 14-4-2019, lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Đồng Phú (Bình Phước) tổ chức chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa cho trên 40 cán bộ, hội viên trong toàn huyện. Hành trình của đoàn dự kiến thời gian khoảng 10 ngày qua các địa điểm lịch sử, di tích, vị trí quan trọng của đất nước, như dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình), tham quan khu du lịch động Thiên Đường (Quảng Bình), dâng hương tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), tham quan chùa Bái Đính (Ninh Bình), di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ (Điện Biên), Sa Pa (Lào Cai), viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Không gì quý hơn, cao cả hơn thời “xẻ núi lăn bom” mở đường Trường Sơn huyền thoại của các TNXP. Một thời mưa lũ gió ngàn “đồng đội bát canh rau tàu bay dìu qua cơn đói”. Một thời “sốt rét rung sàn nứa, mái tóc xanh vơi còn một nửa…”, nay họ được trở về chiến trường xưa, nơi đồng đội ngã xuống, nơi các thế hệ cha anh ngã xuống vì độc lập, tự do thống nhất nước nhà. Chuyến trở về cội nguồn lịch sử của những ai đã đi một lần, hai lần; của những ai lần đầu mới được đến. Tất cả mới và cũ đều rưng rưng, đều bùi ngùi cảm xúc

Cựu TNXP Nguyễn Thị Út (ôm bó hoa cúc trắng đứng hàng đầu ngoài cùng bên trái) thắp hương
Đài tưởng niệm và mộ mười cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Nén hơi thở của mình khi thắp hương đặt lên mười ngôi mộ của mười cô gái TNXP tuổi 18, 20 ngã xuống Ngã ba Đồng Lộc, với mười chiếc nón lá úp ở đầu mười nấm mộ và mười nhánh bông cúc trắng ánh lên màu tinh khiết. Cô Nguyễn Thị Út, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là TNXP Vận tải thủy C2012 chan chứa nước mắt ngồi cạnh hố bom cả giờ liền. Hố bom Mĩ vẫn còn nguyên, dấu tích chiến tranh tàn khốc một thời. Mười cô gái TNXP bất khuất kiên cường, tiếng hát, tiếng nói, cười rộn rảng như vẫn còn văng vẳng quanh đây? Đây là lần đầu tiên cô Út đặt chân lên đất Bắc, được tận mắt nhìn kỹ chân dung của mười cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, hồn nhiên tươi trẻ như cô của những năm tháng đầu tham gia lực lượng TNXP miền Nam chống Mĩ, cứu nước.

Tôi lặng lẽ đến đứng bên mộ liệt sĩ Võ Thị Tần, A trưởng, chị là người duy nhất mới có người yêu… Mộ liệt sĩ Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó nằm ở cuối cùng. Đứng bên chị, trong tôi nhớ đến những vần thơ thiết tha bi tráng của Nhà thơ Yến Thanh, nguyên là cán bộ kỹ thuật Tổng đội TNXP 55 (Hà Tĩnh)…

                                       Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

                                      Cúc ơi! Em ở đâu? Sao không về hợp mặt

                                      Chín bạn đã quây quần đủ hết

                                      Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

                                       A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

                                       Chỉ thiếu mình em

                                       (Chín bỏ làm mười, răng được!)

                                       Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

                                       Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

                                      Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

                                      Cúc ơi! Em ở đâu?

                                      Da em thì xanh

                                      Áo em thì mỏng!

                                      Cúc ơi! Em ở đâu?…

 Hơn nửa thế kỷ qua, bài thơ “Cúc ơi” đã tạc khoảnh khắc hy sinh anh dũng của nữ TNXP, của Tiểu đội TNXP anh hùng một thời trấn giữ Ngã ba Đồng Lộc vào tâm khảm nhiều thế hệ.   

Dâng hương hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Ngày 15/4, Đoàn đến dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Trên 40 cán bộ, hội viên của đoàn im lặng trang nghiêm xúc động nghe cô Đinh Thị Minh, Trưởng đoàn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đồng Phú đọc lời viếng liệt sĩ.

Chúng tôi xin trích một đoạn lời viếng như sau: “Thưa các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn, kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4-1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Hôm nay, Đoàn Cựu TNXP huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước tổ chức chuyến đi về nguồn thăm lại chiến trường xưa nhân dịp 44 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; mục đích nhằm góp phần khơi dậy hào khí Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc, sự hy sinh cao cả của các anh, các chị đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân mãi mãi ghi nhớ. Trở về thăm các anh, các chị ngày hôm nay, thắp nén nhang thơm mà lòng bồi hồi xúc động như lời tri ân nhắn gửi đến vong linh đồng đội. Tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính tới vị cha già dân tộc muôn vàn kính yêu và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Giờ phút thiêng liêng đã đến, một phút mặc niệm bắt đầu…”.

 Sau những hồi chuông gióng lên gọi hồn đồng đội của cô Đinh Thị Minh, mọi người xúc động dâng hương lên đài tưởng niệm và các khu mộ liệt sỹ của từng tỉnh.

Sau buổi tham quan động Thiên Đường, chùa Bái Đính, đoàn cựu TNXP huyện Đồng Phú nghỉ lại tại tỉnh Hòa Bình một đêm, rồi tiếp tục hành trình ngược lên Tây Bắc, tham quan Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Đoàn đã chụp ảnh lưu niệm tại đèo Pha Đin, Đồi A1, hầm tướng Đờcátxitri…

Từ thành phố Điện Biên Phủ, đoàn ngược lên Sa Pa theo con đường qua thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với nhiều đèo dốc cao quanh co hiểm trợ. Một bên là vách núi một bên là vực thẳm có nhiều chỗ sạt lở sâu vào mé đường nhựa lổ chỗ ổ voi, ổ gà. Gần đến thị trấn Sa Pa, tại cây số 25, xe giường nằm chở đoàn không vượt qua được con dốc dài cao vợi sừng sững trước mặt. Xe rướn lên, tụt lại mấy lần. Hai tài xế trẻ buộc đánh xe không về thị trấn Sa Pa và gọi hai xe khách nhỏ đến “tăng bo” đoàn. Mấy tiếng đồng hồ lưng lững đèo Sa Pa, màn đêm buông xuống vẫn thấy sương trắng chập chờn những đỉnh núi cao ngất tiếp nối xa xa. Đống lửa được nhóm lên bên góc đường, trong khi chờ đợi xe bạn từ Sa Pa lên, cô Đinh Thị Minh cất lên bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, chúng tôi vừa hát theo vừa vỗ tay rầm rập. Một đoàn “văn nghệ” toàn quần áo “lính TNXP” cất lên trên lưng chừng dốc với những ca khúc truyền thống “Cô gái mở đường”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”…, những chiếc xe chạy qua đều chậm lại vừa ngạc nhiên vừa tươi cười vẫy vẫy tay chào…Ngày 17-4, đoàn đế Sa Pa, nghỉ lại một đêm, sáng tham quan du lịch Sa Pa “lãng đãng sương mù”, một số lên đỉnh Phan Xi Păng… Sau đó Đoàn xuôi về Thủ đô Hà Nội viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm sau buổi vào lăng viếng Bác

Một chuyến đi về nguồn đầy ấn tượng, “lịch sử” của đoàn, phần đông hội viên đều trên tuổi 60 và 70, trong đó có hội viên lớn tuổi nhất sinh năm 1938, Lê Thị Duyến[i]. Đi khỏe, ăn uống khỏe, “cụ” Duyến còn tham gia chương trình giao lưu văn nghệ cùng Câu lạc bộ hát Chèo của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tại đêm Đoàn nghỉ lại thị trấn Diễm Điền để sáng mai dâng hương đền Nguyễn Đức Cảnh…

                                                                                        Ký sự: DUY HIẾN

 


[i] Bà Lê Thị Duyến là TNXP làm Sân bay Sao vàng (Thanh Hóa)