Khu kinh tế thanh niên là hình ảnh thu nhỏ nghĩa tình Nam – Bắc trong kháng chiến chống Mỹ

Đăng lúc: 28-09-2022 10:58 Sáng - Đã xem: 218 lượt xem In bài viết

Kính thưa thưa các đồng chí đại biểu!

         Hôm nay, chúng tôi – cựu TNXP khu Kinh tế thanh niên (KTTN) – cư trú trên mọi miền đất nước được về đây dự lễ tưởng niệm 45 liệt sĩ TNXP khu KTTN hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vào ngày 20/9/1972, cách đây đúng 50 năm.

Trước hết, cho phép tôi được thay mặt cho trên 1.000 cựu TNXP đã từng công tác tại khu KTTN hiện đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc xin gửi tới các đại biểu khách quý, thân nhân các gia đình liệt sĩ, các thương bệnh binh, bà con các dân tộc xã Minh Đài, huyện Tân Sơn; các cựu TNXP khu KTTN lời chào trân trọng, lời chúc tốt đẹp nhất.

Đồng chí Phạm Văn Am tại buổi lễ

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa các đồng chí!

Khu KTTN, một mô hình có tính chất đặc thù được TW Đảng Chính phủ giao cho Đoàn là thực hiện Nghị quyết lần thứ 19 khóa 2 về xây dựng các vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi. Khu KTTN công trình của Đoàn trực tiếp quản lí, là nơi rèn luyện xây dựng những phẩm chất cách mạng xã hội chủ nghĩa của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), lao động, học tập sẵn sàng chiến đấu, thực hiện lý tưởng, hoài bão trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đào tạo lớp cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” cung cấp công cuộc xây dựng CNXH trong cả nước, trong tương lai gần… Khu KTTN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TW Đảng, Chính phủ, TW Đoàn giao.

Ở khu KTTN còn hội tụ cán bộ ĐVTN của nhiều Bộ, Ngành, TN miền xuôi và dân tộc nhiều tỉnh thành, chủ yếu là Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hòa Bình; nhiều cán bộ ĐVTN miền Nam tập kết, học sinh đã tốt nghiệp từ các trường miền Nam trên đất Bắc… Khu KTTN là hình ảnh thu nhỏ nghĩa tình Nam – Bắc ruột thịt trong CMCN.

Giai đoạn 1971 – 1972 khu KTTN đã sớm sắp xếp tổ chức ổn định bộ máy, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đẩy mạnh mọi hoạt động với khí thế sôi nổi hào hùng trong hoàn cảnh Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, đánh phá miền Bắc cực kỳ ác liệt (4/1972 – 12/1972). Ngày 20/9/1972. Máy bay Mỹ đã trút bom đạn, rốc két xuống trung tâm khu KTTN. Trong chớp mắt, đã giết hại 45 cán bộ, TNXP là những người ưu tú từ khắp cả nước được lựa chọn đi xây dựng công trình của Đoàn; 25 anh chị em bị thương tật trong đó có một số bị thương nặng. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng ủy, Đoàn thanh niên các phòng ban của khu hi sinh, 3 đồng chí là cán bộ miền Nam tập kết, học sinh miền Nam tốt nghiệp Đại học; nhiều ĐVTN các tỉnh, thanh niên các dân tộc hy sinh khi tuổi mới 18-20 tràn đầy mơ ước…

 Ở thời khắc linh thiêng hôm nay chúng ta vô cùng thương nhớ:

Anh Lê Văn Lý nguyên là Phó ban nông nghiệp TW Đoàn được điều động giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Khang đi bộ đội từ hồi chống Pháp nguyên là cán bộ Ban quân sự của Trung ương Đoàn hy sinh khi là Tiểu đoàn phó tự vệ của khu KTTN; đồng chí Trần Văn Cải quê Gia Lộc Hải Dương con mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Khay, đội viên tự vệ hy sinh trong tư thế đang giương súng bắn máy bay địch. Chúng ta vô cùng thương tiếc nhớ tới 3 cán bộ miền Nam tập kết đã ngã xuống trên đất Bắc.

Các đồng chí cán bộ Tổng cục Thể dục Thể thao tình nguyện lên khu KTTN: chuyên viên Nguyễn Minh Huệ (sinh năm 1920) quê ở Sài Gòn, Phó trưởng bộ môn bơi lội Lê Thanh Triệt (sinh năm 1939) và đồng chí Phạm Đình Rân quê Quảng Ngãi học sinh trường miền Nam, đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa đang là cán bộ Đoàn đầy triển vọng của khu KTTN đã hy sinh lúc vừa tròn 25 tuổi….

Thương tiếc đồng chí vô cùng“, “Căm thù giặc Mỹ vô hạn” các anh, các chị, các em ra đi đã 1/2 thế kỷ. Hôm nay, trên đất Thanh Sơn, Tân Sơn lịch sử, quê hương đất Tổ thiêng liêng, tất cả cán bộ cựu TNXP khu KTTN tưởng nhớ tới các anh, các chị, các em – những người đồng chí, đồng đội, đồng hương – với niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta thành kính thắp nén nhang, cầu mong cho vong hồn các anh, các chị em được siêu thoát.

Mồ hôi, sức lực và xương máu của TNXP khu KTTN đã đổ trên mảnh đất này góp phần làm cho những xóm làng đầm ấm yên vui, những đồi chè ngày càng xanh tốt. Thanh Sơn, Tân Sơn nơi các đồng chí đã từng gắn bó đã trở thành những huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh Phú Thọ. TNXP khu KTTN chúng ta có quyền tự hào về những điều đó.

Thưa các đồng chí đại biểu.

Với đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa“, “Uống nước nhớ nguồn” Trung ương Đoàn, Trung ương Hội, các Bộ ngành ở TW; cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Phú Thọ nhất là Đảng bộ nhân dân Thanh Sơn trước đây, Tân Sơn hôm nay, đặc biệt là Đảng bộ, nhân dân Minh Đài luôn quan tâm chăm lo đến khu KTTN. Là cựu TNXP khu KTTN, dù cư trú ở đâu, chúng tôi đều cảm nhận được điều đó. Cùng với hoạt động “nghĩa tình đồng đội” của các doanh nghiệp (Tổng Công ty Phú Đa và các xí nghiệp) Ban liên lạc Cựu TNXP khu KTTN, Hội Cựu TNXP và Đoàn TNCS HCM các cấp trong tỉnh Phú Thọ đã góp phần hết sức quan trọng trong việc chăm lo đối với các gia đình chính sách, cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, nữ cựu TNXP cô đơn.

Là cựu TNXP khu KTTN chúng tôi hết sức trân trọng về những tấm lòng quý báu đó.

Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa các đồng chí!

Cựu TNXP khu KTTN lớp đầu tiê nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, đang sinh sống tại Phú Thọ và các tỉnh thành trong cả nước có một số suy nghĩ và tâm tư nguyện vọng đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền như trong báo cáo của đồng chí Bùi Duy Nghĩa đã trình bày[i]. Chúng tôi rất tán thành và rất mong các đồng chí lãnh đạo, các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét giải quyết.

Trước khi ngừng lời một lần nữa xin được chúc các đồng chí đại biểu, các cựu TNXP có sức khỏe dồi dào, an khang thành đạt và hạnh phúc.

        Xin trân trọng cảm ơn!

 

Phú Thọ, ngày 20/9/2022

Phạm Văn Am

Nguyên CVP Đảng ủy khu KTTN, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hải Dương

(80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng)

Ảnh mộ phần các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Minh Đài được đồng chí Phạm Văn Am nhắc nhớ trong bài viết


[i] Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Khu KTTN, nâng cấp di tích Khu TTTN.