Cựu TNXP Pleiku làm kinh tế giỏi – Vì nghĩa tình đồng đội

Đăng lúc: 16-12-2020 10:46 Sáng - Đã xem: 113 lượt xem In bài viết

   Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, trở về đời thường, các cựu TNXP thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai lại nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần sáng tạo, nỗ lực chống đói nghèo, hỗ trợ đồng đội cùng nhau vượt qua mọi hoàn cảnh, nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển của địa phương ngày càng giàu, đẹp, ấm no, hạnh phúc.

 Hội Cựu TNXP Thành phố Pleiku hiện có hơn 400 hội viên sinh hoạt ở 13 hội cơ sở. Thời gian qua với mong muốn đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Cựu TNXP thành phố đã triển khai sâu rộng phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế, thoát nghèo bền vững, vì nghĩa tình đồng đội”. Thực hiện phong trào, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “tự lực, tự cường”, vượt khó vươn lên của các hội viên. Đặc biệt, Hội đã chú trọng nắm bắt gia cảnh, nhu cầu phát triển kinh tế của mỗi thành viên để tìm ra những giải pháp, định hướng phát triển kinh tế phù hợp.

Ông Trương Minh Hải, Chủ tịch Hội cựu TNXP thành phố Pleiku cho biết: Trong những năm qua một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội là đẩy mạnh hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, nhằm khơi dậy và khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực trong cựu TNXP và ngoài xã hội, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế xoá nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Với sự khởi nguồn, đồng hành, hướng dẫn kịp thời thường xuyên của Hội Cựu TNXP thành phố, sự chủ động sáng tạo của Hội cựu TNXP cơ sở, sự cố gắng của cán bộ, hội viên, phong trào  đã trở thành phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp trong cựu TNXP.

Chia sẻ với chúng tôi Ông Phạm Văn Oanh, sinh năm 1952 nguyên là đọi viên Tổng đội TNXP N.73 thời chống Mỹ, sau khi hòa bình lập lại, trở về địa phương, ông luôn nêu cao tinh thần xung kích, không quản ngại khó khăn gian khổ để lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Có chút vốn liếng dành dụm ông mua 3,5 ha đất để trồng cà phê. Những năm đầu thật là chật vật, phải chạy ăn từng bữa. Ông trồng xen các loại cây hoa màu trong caphe để lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh làm cà phê ông còn chăn nuôi bò, heo rừng lai…Nhờ biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mà vườn cà phê của ông vụ nào cũng đạt năng suất cao, đàn bò liên tục tăng trưởng. Từ nguồn thu nhập ổn định của gia đình nên cuộc sống gia đình ông luôn sung túc, con cái có cơ ngơi khang trang và có công việc làm ổn định.

Bà Phạm Thị Mỵ cựu TNXP ở phường Tây Sơn, hồ hởi cho biết: Năm 1975 sau khi hòa bình lập lại theo tiếng gọi của Đảng bà xung phong vào Tiểu đoàn TNXP 20 tháng 12 thành phố Pleiku khai hoang, làm thủy lợi, làm đường giao thông ở xã Gào để đưa các hộ dân đến lập nghiệp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bà trở về xây dựng kinh tế gia đình, Khi về với cuộc sống đời thường, từ một quày hàng nhỏ buôn bán trà, đến nay bà đã có một cơ ngơi vững chãi với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, hiện nay doanh nghiệp trà Thịnh Phát do bà làm chủ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở tỉnh mà còn lan rộng trong cả nước.

Với cựu TNXP Ngô Xuân Quang (ảnh trên, bìa phải) ở phường Thống Nhất thì lại chọn cho mình một hướng đi khác: Đầu tư năng lượng sạch kết hợp với trang trại trồng nấm và cây dược liệu. Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng với tinh thần, phẩm chất TNXP, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng với số tiền tích lũy đầu tư làm điện áp mái kết hợp làm trang trại nấm, trồng dược liệu với số vốn gần 20 tỷ đồng. Hiện nay trang trại của ông đã đi vào hoạt động. Theo ông Quang khi hoạt động ổn định thì mỗi tháng riêng công trình điện mặt trời cho nguồn thu  hơn 300 triệu đồng.

 Khi cuộc sống của gia đình ổn định các cựu TNXP không quên những đồng đội cũ. Họ luôn quan tâm giúp đỡ các cựu TNXP còn khó khăn bằng hình thức như cho mượn vốn, hỗ trợ về mọi mặt để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay 13 hội cơ sở trên địa bàn thành phố đã đóng góp gần 320 triệu đồng vào quỹ nghĩa tình đồng đội. Nguồn quỹ này đã tạo điều kiện giúp cho 93 cựu TNXP nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Sau chiến tranh những cựu TNXP trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một cách làm giàu chính đáng khác nhau như phát triển trang trại, thương mại, dịch vụ, chăn nuôi… nhưng tựu chung lại, thành quả của họ là kết tinh của trí tuệ, công sức, nghị lực và quyết tâm không khuất phục đói nghèo. Với các cựu TNXP trên địa bàn thành phố Pleiku cũng vậy từ đôi bàn tay trắng, với nghị lực của mình, họ đã khẳng định được tinh thần, phẩm chất của TNXP trong thời đại mới, là tấm gương điển hình phong trào thi đua “Cựu TNXP nêu gương sáng, làm theo lời dạy” để các thế hệ trẻ học tập noi theo.

 HÀ ĐỨC THÀNH