Cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải thăm lại công trình xưa

Đăng lúc: 18-06-2019 8:34 Sáng - Đã xem: 34 lượt xem In bài viết

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đội TNXP xây dựng hồ Đại Lải[i]. Ngày 11/6/2019, Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cho đoàn cựu TNXP xây dựng hồ Đại Lải đi tham quan lại công trình mà đơn vị đã xây dựng. Đoàn đi chia làm 2 đợt. Tổng số gồm hơn 300 cán bộ cựu TNXP thuộc đơn vị TNXP xây dựng hồ Đại Lải.

Năm 1959, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định triển khai xây dựng công trình thủy nông hồ Đại Lải nhằm giải quyết vấn đề chống úng, giữ nước, chống hạn cho 5.059 ha ở hai huyện Kim Anh, Bình Xuyên, chuyển đồng ruộng 01 vụ thành 02 vụ/năm. Đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng đối với việc khôi phục kinh tế, đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Công trình hồ Đại Lải khởi công ngày 26/10/1959 và hoàn thành ngày 25/7/1963. Đây là công trình thủy lợi đầu tiên, lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó khoảng 1.200 TNXP đã cống hiến biết bao mồ hôi, công sức và trí tuệ của tuổi trẻ.

Ngày 17/10/1959, Liên đội TNXP Vĩnh Phúc tham gia xây dựng công trình hồ Đại Lải được thành lập. Liên đội TNXP Vĩnh Phúc đã khai thác được 3.000m3 đá phục vụ cho công tác kè đập, kè cống; làm cống số 1, 2; cầu treo, đào kênh Phúc Thắng, kênh Phú Hữu, đắp đập, làm đập tràn xả lũ, làm cống xi phông ngầm qua suối Đồng Đò…Với những thành tích đã đạt được TNXP xây dựng hồ Đại Lải đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Nguyễn Đặng Minh Ngọc

Văn phòng Tỉnh hội Vĩnh Phúc

 


[i] Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh và phường Đồng Xuân của thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội 40 km về phía Bắc. Thoạt tiên, hồ được khởi công đào từ năm 1959 với mục đích lấy nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, đến năm 1963 cơ bản hoàn thành. Hồ Đại Lải rộng tới 5,25 km² và các vùng phụ cận đồi núi, rừng cây có tổng diện tích khoảng 30 km². Giữa hồ có đảo chim rộng 3 ha. Với tổng dung tích 34,5 triệu m³ ở mức cốt tràn của đập là 23m, hồ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.000 ha đất canh tác của huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội); hồ có chức năng ngăn và xả lũ cho toàn bộ khu vực này.