Hơn mười năm hoạt động trên các chiến trường miền Nam, sau ngày đất nước thống nhất tôi mới được trở về miền Bắc. Ngay ngày đầu tiên gặp lại vợ con, tôi nhận được một tin đau thấu tận tim gan về 5 ngôi mộ đồng đội là đồng hương hy sinh chôn cất bên bờ sông Kỳ Cùng, bị phía Trung Quốc nắn dòng làm xói lở, đang có nguy cơ bị nước cuốn trôi. Bắt đầu từ hôm đó, đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn, đầu óc tôi như được xem lại cuốn phim quay cảnh đồng đội anh dũng hy sinh đã gần 30 năm trời, mà tại sao đến nay vong hồn vẫn chưa được siêu thoát.
Cũng từ ngày đó, tôi luôn quặn lòng khi nghĩ đến đồng đội trong số 2.000 TNXP Khu 5, cuối năm 1954 sau khi hoàn thành phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên tập kết ra Bắc để điều trị, an dưỡng, học tập, công tác. Nhưng khi nghe chủ trương của Đảng và Bác Hồ: Hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế quốc dân, trước hết là phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định xã hội, ổn định đời sống nhân dân… củng cố miền Bắc làm hậu thuẫn cho đồng bào miền Nam đấu tranh đòi Mỹ – Diệm thi hành Hiệp định Giơ – ne – vơ thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, thì tất cả chúng tôi tiếp tục xông ra các mặt trận mới. Khi đó, nhiều đồng chí trên người còn mang nặng di hại của chiến tranh, vẫn tự nguyện không vào trại điều dưỡng để xung phong vào đội quân khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan nhằm cấp tốc nối liền Việt Nam với Trung Quốc và các nước XHCN kịp thời tiếp nhận các nguồn viện trợ cho hậu phương lớn miền Bắc, nhất là cho tiền tuyến miền Nam.
Bất chấp thời tiết mùa đông năm 1954, trên vùng rừng núi Chi Lăng – Đồng Đăng vô cùng khắc nghiệt, nền nhiệt dưới 00, sương muối phủ dày, hàng chục ngàn hec ta cây lá cháy vàng, cá cua chết trắng… Song, hàng nghìn TNXP Đội 38, trong đó có mấy trăm TNXP khu 5 vừa tập kết ra, chưa một lần gặp phải cái lạnh trên dưới 100, mà nay phải chống chọi với cát rét cắt thịt, buốt xương chỉ bằng chiếc áo trấn thủ[i], đêm ngủ chỉ có chiếc chăn chiên mỏng, co ro trong ổ rơm. Vậy mà không một ai thoái thác nhiệm vụ, vác tà vẹt, đặt rây, chèn đá mỗi ngày từ 10 đến 12 giờ. Ban đêm mỗi đại đội đặt ray phải có hai trung đội soi đèn bão.
Lao động quá nặng nhọc, ăn uống lại quá thiếu thốn, kham khổ, tạo điều kiện cho những căn bệnh từ khi ở chiến trường, nhất là sốt rét rừng Tây Nguyên quay lại, trở thành ác tính, quật ngã mấy chục con người. Và cũng vì vậy, mà 5 đồng chí phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh một cách vô cùng đau xót để hoàn thành nhiệm vụ. Có đồng chí kiệt sức quỵ xuống khi cùng đồng đội trên vai khiêng thanh ray nặng mấy trăm cân đè vào người. Có đồng chí đến hết giờ lao động nhưng không còn đủ sức lê bước ra khỏi vùng quy định, nên bị công trường phá đá trên cao nổ mìn, đá rơi vào đầu. Có đồng chí bị cơn sốt rét hoành hành, nhưng vẫn quyết tâm lao ra công trường, rồi gục xuống giữa cơn run bần bật, trên tay còn cầm mẩu thuốc lá cháy dở (do chuyên gia nào đó vứt bỏ) để mong tìm được chút hơi ấm nóng. Họ ngã xuống trên tư thế một anh hùng, nhưng do quan niệm thời điểm đó chưa đầy đủ nên đơn vị lập hồ sơ ghi lại là chết do bệnh sốt rét ác tính và tai nạn lao động đá rơi, ray đè. Rồi cũng do nhiệm vụ đòi hỏi quá khẩn trương, đơn vị chôn cất đồng đội xong tại một bãi đất cạnh sông Kỳ Cùng, rồi lao vào nhiệm vụ mới. Thời gian trôi đi, đơn vị phân tán, mỗi người một nơi, nhiều đồng chí bí mật lên đường trở về miền Nam chiến đấu.
Cũng phải đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một số rất ít nhân chứng trực tiếp chúng tôi mới được trở về, và thời gian trôi qua đã hơn 20 năm, nên 5 ngôi mộ đồng đội đã phải chuyển ra khỏi bờ sông xói lở, đưa vào an táng ở nghĩa trang[ii] thuộc phường Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Và cũng vì vậy, nên hàng chục năm trời, 5 ngôi mộ không người hương khói, cây cỏ, gai góc phủ kín, không tìm đâu ra dấu vết. Nhưng, linh thiêng thay, sau khi Hội Cựu TNXP ra đời, một số nhân chứng lịch sử được vong hồn các liệt sỹ hiện về chỉ dẫn đến nơi có 5 ngôi mộ. Hiện 5 ngôi mộ này đã được xây cất, dựng bia[iii]. Tỉnh hội Lạng Sơn giao cho Hội Cựu TNXP phường Tân Thanh hương khói, chăm sóc khu mộ này. Nhưng điều đáng lo là sau khi các nhân chứng qua đời thì không còn ai biết mà lui tới hương khói, bảo vệ, nếu vẫn không được đưa vào nghĩa trang liệt sỹ. Chúng tôi đã phân công nhau đi về 4 xã, 3 huyện thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định quê hương của các đồng chí để tìm thân nhân gia đình, không thể tìm được, bởi chiến tranh tàn phá, người chết, người lưu lạc đi nơi nào không rõ. Nuốt nước mắt vào lòng, chúng tôi tập trung cao độ vào việc lập lại hồ sơ, làm báo cáo đầy đủ những gì diễn ra trong giai đoạn đặc thù của lịch sử, gửi lên các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.
Nỗi đau này thấu đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại Hội trường Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo tâm huyết: Đối với các trường hợp tồn đọng kéo dài do vướng mắc các quy định hiện hành thì Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của lịch sử. Trường hợp chưa sửa được thì thực hiện giải pháp đặc cách để giải quyết chính sách cho người có công. Tiếp đến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 06/01/2015 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ngày 13/5/2015 đã tiếp đại diện nhân chứng lịch sử đến xin cầu cứu đều xúc động xác nhận 5 trường hợp này cần khẩn trương xem xét công nhận liệt sỹ bởi cơ sở tin cậy ở nhân chứng lịch sử trực tiếp là đồng chí Nguyễn Anh Liên còn đây. Và tiếp đến nữa, ngày 23/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe nhân chứng tiếp tục báo cáo đã kết luận chỉ đạo Bộ LĐ – TB & XH khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng xem xét quyết định ngay vào tháng 9/2016.
Tuy nhiên, để có đủ cơ sở lập hồ sơ chuẩn xác, các cơ quan tham mưu phải tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2019 mới xong. Hồ sơ xong, nhưng chưa đề xuất được giải pháp đặc cách phù hợp với đặc thù phức tạp của lịch sử để Chính phủ quyết định. Thế là, một lần nữa những nhân chứng trực tiếp được vong hồn đồng đội hiện về, chỉ dẫn cho chúng tôi báo cáo ngay lên Chủ tịch Quốc hội. Bởi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng tỏ rõ bản lĩnh của người lãnh đạo khi còn ở cương vị Bộ trưởng Lao động TBXH quyết đoán trình lên Chính phủ quyết định đặc cách cho chuyển nghĩa trang chôn cất gần 100 TNXP hy sinh trong khi làm con đường quốc phòng tại Lai Châu sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, công nhận là nghĩa trang liệt sỹ và cho chuyển ra khỏi lòng hồ Thủy điện Sơn La đang sắp chìm sâu dưới đáy nước và cho xây dựng Nghĩa trang Chăn Nưa thành Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP theo kiến nghị của Hội Cựu TNXP, mặc dù tập thể lãnh đạo Bộ nhiều lần không nhất trí vì cho rằng Nghĩa trang chưa có đủ hồ sơ liệt sỹ.
Nhờ linh ứng kịp thời, chiều ngày 13/5/2019, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với đại biểu nhân dân nơi cư trú (Tổ dân phố số 10 phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội), trong đó có nhân chứng trực tiếp chứng kiến về sự hy sinh của 5 chiến sĩ TNXP. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã xúc động thông báo, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang xem xét quyết định để giải tỏa nỗi đau tâm linh kéo dài này, trước ngày kỷ niệm TBLS 27-7 năm nay.
Nguyễn Anh Liên
Nguyên Đại biểu Quốc hội
Nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam
Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
[i] Áo trấn thủ có lớp bên ngoài bằng vải, trong lót bông; đường khâu hình ô quả trám; ngắn đến thắt lưng, cổ khoét tròn, không tay; gồm có hai mảnh trước và mảnh sau, nối liền nhau ở cạnh sườn và một bên vai, dùng khuy hay dải buộc ở vai trái và mạng sườn trái; may sát người, gọn nhẹ, dễ mặc, dễ cởi, phù hợp trong mọi điều kiện của chiến tranh. Trong những năm chiến tranh, nguyên liệu may áo hiếm, nhất là bông. Khi đó, các nhà may, thợ may đã dùng lông vịt, vỏ cây sui đập dập, phơi khô để thay bông. Khi thiếu cúc, khuy, dùng dây vải buộc và cúc bằng giấy ép tẩm sơn để thay thế
[ii] Gần bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn
[iii] Các đại biểu về dự Đại hội đại biểu lần thứ III (2015-2020) của Hội Cựu TNXP tỉnh Lạng Sơn đã đến viếng khu mộ này ngày 25/5/2015.