Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim: Việc sáp nhập tỉnh nên nghiên cứu chia theo vùng

Đăng lúc: 22-02-2025 8:29 Sáng - Đã xem: 8 lượt xem In bài viết

Theo Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, khi nghiên cứu sáp nhập tỉnh cần giải quyết bài toán liên kết vùng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong kết luận này, một nội dung rất quan trọng, được nhân dân quan tâm là tiếp tục nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh.

Nghiên cứu chia tỉnh, thành theo vùng

Sáng 20/2, trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông hiện là Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, việc sáp nhập tỉnh theo ông là chia theo vùng, cụ thể là chia thành 7 vùng, cùng với một số thành phố lớn, khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. 

“Cả nước không cần nhiều tỉnh, thành như hiện nay. Không nên căn cứ vào dân số, diện tích mà căn cứ vào các yếu tố bên trong, tạo động lực phát triển để hình thành các vùng. Cứ tính theo diện tích, dân số thì lại cào bằng”, ông Kim bày tỏ.

Ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Ảnh: Q.Vinh

Ông Vũ Trọng Kim thẳng thắn nhận định, việc liên kết vùng hiện nay chưa hiệu quả. Ví dụ như cầu Cát Lái kết nối TP.HCM và Đồng Nai đã nói nhiều năm nhưng vẫn chưa làm được, trong khi sân bay Long Thành đang làm rồi. Còn với khu vực Tây Nguyên, khi còn làm thường vụ Trung ương Đoàn, phụ trách khu vực này, ông đã nêu quan điểm “chỉ cần 1 tỉnh thôi”.

Nếu sáp nhập các đơn vị hành chính theo vùng, tất cả cơ cấu, hệ thống cũ mất đi, theo ông Kim, cần giải quyết được bài toán liên kết vùng. Chính quyền vùng phải phát huy được lợi thế của vùng về nông nghiệp, lâm nghiệp như thế nào, không phải liên kết với ai cả và có thể phát huy ngay.

Bên cạnh đó, nếu không còn 63 tỉnh thành nữa thì việc cơ cấu Ủy viên Trung ương, bố trí lãnh đạo cũng sẽ khác. Tuỳ việc mà phân công, có thể bố trí cán bộ lãnh đạo theo địa bàn, một vùng có thể có 2-3 Ủy viên Trung ương. Ngoài ra, bố trí các Ủy viên Trung ương theo ngành, lĩnh vực.

“Nếu sáp nhập tỉnh, thành số Ủy viên Trung ương đương nhiên phải giảm, theo tôi là sự cần thiết. Ủy viên Trung ương trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện nay không nhiều, cần tăng lên; các lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng chưa có nhiều, những cái đó liên quan trực tiếp đến vốn sống của con người. 

Vừa rồi chúng ta đặt nặng đơn vị hành chính mà bỏ qua cơ cấu ngành nghề, kết cấu của xã hội, phải cần chính những sáng kiến, đóng góp có trí tuệ vào các lĩnh vực thì mới tạo ra được sản phẩm mới”, ông Kim nói.

Bỏ cấp huyện, chỉ có tỉnh và xã, phường là hợp lý

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Hiến pháp 2013 không nói cả nước phải có 63 tỉnh, thành. Hiến pháp cũng không quy định rõ tỉnh phải có huyện, mà chỉ dùng chữ “cấp chính quyền”. Vì vậy, việc bỏ cấp huyện, chỉ có tỉnh với xã, phường là hợp lý, không cần phải sửa Hiến pháp và phù hợp với tổ chức chính quyền các nước trên thế giới.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Q.Vinh

GS.TS Trần Ngọc Đường phân tích, trong quá trình phân cấp, phân quyền, khi bỏ chính quyền trung gian thì sẽ tạo ra một không gian tương đối rộng để phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư phát triển bởi rào cản là biên giới lãnh thổ quận, phường không còn.

Nguồn lực huy động của cả tỉnh sẽ lớn hơn để phục vụ phát triển. Điều này cũng phù hợp với chủ trương bỏ cấp trung gian để tinh giản, tinh gọn bộ máy. Trong điều kiện công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì việc quản lý xã hội cũng tốt hơn.

Việc này, theo ông Đường, bước đầu cũng có thể tạo ra cản trở do nhận thức chưa đầy đủ, nghi ngại, lo lắng về quản lý nhà nước, nhưng thực tiễn sẽ giải quyết những nghi ngại này.

“Hạn chế cơ bản nhất theo tôi là nhận thức. Làm sao có nhận thức thống nhất, thông suốt. Nhiều người cũng chưa nhận thức đủ việc bỏ chính quyền trung gian cấp quận, huyện.

Cái mới bao giờ cũng khó tiếp nhận. Việc làm tư tưởng tốt nhất là thực tiễn trả lời. Nếu thực hiện mà hiệu quả tốt thì dân tin”, ông Đường nói.

GS.TS Trần Ngọc Đường cũng nhận định, sau sáp nhập sẽ không còn 63 tỉnh thành mà hợp nhất các tỉnh, thành để tạo thành vùng, liên kết vùng biển, đồng bằng, rừng… Bộ Chính trị đã có phương án và sẽ làm từng bước. 

Theo vị GS.TS này, tinh giản bộ máy, bỏ cấp quận huyện liên quan trực tiếp đến lợi ích con người – một vấn đề vốn rất phức tạp. Tuy nhiên, đây là thời điểm chín muồi, do vậy cần làm bài bản, không làm theo ý muốn chủ quan.

“Hiện nay quyết tâm của Đảng, Nhà nước là phải làm nhanh, mạnh để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV. Như vậy phải có cơ sở trước để bước vào có thể thực hiện được. Nên việc này cũng có thể nghiên cứu làm trước Đại hội”, theo GS.TS Trần Ngọc Đường.

Theo danviet.vn