Đại hội Hội Cựu TNXP trên quê hương Mười tám thôn vườn trầu

Đăng lúc: 05-12-2018 2:46 Chiều - Đã xem: 121 lượt xem In bài viết

Tính ra, thời gian đại hội Huyện hội Hóc Môn[i] chậm hơn so quy định và là đơn vị đại hội sau cùng của Thành phố[ii] nên mọi người ai cũng quan tâm đến dự cổ vũ và khích lệ tinh thần đồng đội. Lãnh đạo địa phương, từ Thường trực Huyện ủy, chính quyền, đoàn thể, các Hội, các mạnh thường quân đều có mặt đông đủ. Hơn nửa số Chủ tịch các quận, Huyện hội của Thành phố góp mặt, tạo ra không khí hiếm thấy của một sự kiện chính trị đại Hội TNXP. Vùng đất, quê hương Bà Điểm, địa danh Mười tám thôn vườn trầu[iii].

Ngoài nghĩa tình với TNXP địa phương, Điện lực Hóc Môn gửi đến Đại hội 50 phần quà, mỗi suất 1 triệu đồng/người mừng đại hội và chia sẻ với gia đình chính sách và hội viên nghèo khó khăn. Lực lượng TNXP Thành phố có đơn vị thành viên đứng trên địa bàn, lâu nay đã sẵn lòng, nay tích cực tham gia hỗ trợ mọi mặt và dành hẵn chương trình văn nghệ đặc sắc phục vụ Đại hội; còn phía địa phương đã vài lần duyệt cấp kinh phí đại hội hẵn hoi, nhưng trễ hẹn, nên bây giờ tài chính không “cân, đong, đo, đếm” nữa mà Hội cần gì, cứ đề đạt.

Ngày chưa đại hội, nội bộ Ban Thường vụ Huyện hội Hóc Môn chưa có sự đồng thuận, “ông nói gà, bà nói vịt”, mất lòng tin lẫn nhau, sự kéo dài thời gian đại hội hình như chỉ tại ít người… Ngày diễn ra đại hội, không khí thật sự của một ngày hội những người TNXP. Các đại biểu, tay bắt, mặt mừng, những tràng vỗ tay khi biểu quyết một công việc của đại hội; những cánh tay giơ cao biểu thị sự nhất trí cao phần giới thiệu nhân sự Ban chấp hành khóa mới và thông qua Nghị quyết của đại hội. Đại hội kết thúc, là phần còn lại của những điều tốt đẹp và những công việc cần làm.

Điều đáng trân trọng là Hội Cựu TNXP huyện Hóc Môn làm được nhiều việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng cơ sở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên TNXP, gia đình chính sách, hội viên nghèo. Chi hội Bà Điểm, một trong những đơn vị báo cáo điển hình đã nói về “ngôi nhà chung” của mình, với mục đích động viên sức lực, trí tuệ xây dựng thành công các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt chương trình Vì nghĩa tình đồng đội. Chi hội Tân Thới Nhì, có nhiều thành tích vượt trội về phát triển hội viên, về xây nhà tình nghĩa, về tổ chức khám chữa bệnh và xin cấp thuốc miễn phí…đơn vị đi đầu trong phong trào của Huyện hội. Đến với đại hội, nhiều hội viên xúc động nói: Cảm ơn sự ra đời của tổ chức Hội, đã làm chỗ dựa cho hội viên TNXP.

Như chia sẻ niềm vui sau kết thúc đại hội, đồng chí Lê Thị Hồng Nga, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy hỏi tôi: Chắc chú nhớ câu dân gian hay nói: Trồng trầu thì phải khai mương là ở xứ trồng trầu chứ chưa biết đích thực là ở nơi đây, vùng đất của địa danh Mười tám thôn vườn trầu. Nơi đây đấy chú à!

Thế à! Nơi trồng trầu mà sao không thấy ai ăn trầu. Nhìn cô nào, người nào cũng xinh, bận trang phục TNXP như chị Nguyễn Thị Hòa, Phó Chủ tịch Huyện hội đây càng tôn thêm vẽ đẹp nữ tính. Có khi ăn trầu các cô, các bà sẽ xinh hơn là đằng khác.

Thời nay mà chú!

Câu chuyện rôm rả hẳn lên. Rồi cô Nga nói tiếp: Việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội, giải quyết mắc xích của khâu nội bộ như Hội Hóc Môn, Huyện đã vận dụng bài học kinh nghiệm truyền thống, áp dụng kiểu trồng trầu thì phải khai mương. Đào mương lấy đất đắp giồng cao để trồng trầu, vừa có mương tích tụ nước; giồng cao sẽ chống được ẩm, mà mương luôn luôn có nước để tưới. Đó là phương thức thành công “hai trong một”. Không tách bạch, không phân loại, không chỉ ra nguyên do mấu chốt của sự mâu thuẫn, thì sẽ không giải quyết được vấn đề nội bộ.

Lãnh đạo huyện Hóc Môn đã giải quyết bài toán Hội Hóc Môn thật bài bản và thấu tình đạt lý. Chậm mà chắc; lấy mục đích ổn định làm chính; lấy tập thể, lấy phẩm chất, bản lĩnh tốt đẹp của cựu TNXP để thuyết phục, giáo dục, ngăn cản những hành vi thiếu xây dựng.

Để có được một tập thể đồng thuận cao, phải công phu và phải có thời gian đầu tư gia công chăm chút. Nghề trồng trầu cũng vậy thôi chú à! phải mất một năm chăm sóc với bao nhiêu công sức, thời gian, không được bỏ rơi ngày nào mới có được những lá trầu xanh tươi, đẹp mắt. Việc chăm sóc dây trầu như nuôi con mọn từ khâu chọn phân, thời điểm bón phân, thao tác cuốc đất ở độ sâu như thế nào cho vừa phải, rồi chu kỳ chọn dây trầu. Còn việc xây dựng con người sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, phải bắt đầu từ nhận thức.

“Chậm mà chắc”! Thành công của đại hội làm cho các đại biểu TNXP của huyện Hóc Môn vui mừng. Họ thấy được tổ chức Hội là trách nhiệm của chính mình, của hội viên và những người cựu TNXP nơi đây. Nhiệm kỳ đại hội 5 năm đó là thời gian của trãi nghiệm, của thực tế và trưởng thành và cũng sẽ 5 lần thay đổi dây trầu. Quy luật của sự phát triển, biết đâu phương thức trồng trầu được phổ cập rộng rãi hơn và áp dụng cho mô hình quản lý nhân sự. Ai cũng biết trồng trầu thì phải khai mương nhưng còn cách làm sao cho phù hợp, miễn sao đừng bỏ quy trình hoặc lợi dụng quy trình để đưa cái tôi vào là được.

Đại hội TNXP của quê hương Bà Điểm[iv], để lại nhiều kinh nghiệm truyền thống quý báu, muốn trồng trầu thì phải khai mương./.

Nguyễn Thành Chinh


[i] Huyện Hóc Môn là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện nằm ở giữa Quận 12 và huyện Củ Chi. Nơi đây còn nổi tiếng với tên gọi Mười tám thôn vườn trầu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

[ii] Thành phố Hồ Chí Minh

[iii] 1 8 thôn vườn trầu, hoặc gọi ngắn là 18 thôn hay Vườn Trầu, tên chữ là Thập bát phù viên hay Thập bát phù lưu viên, là một tên gọi dùng để chỉ địa danh của một vùng đất, mà nay bao gồm địa giới của huyện Hóc Môn, Quận 12 và một phần huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đặc điểm thổ nhưỡng tốt, phù hợp với cây trầu, cộng với kinh nghiệm của các di dân, Mười tám thôn vườn trầu trở thành nơi chuyên canh và cung cấp trầu cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1930 khi Đảng Cộng sản Ðông Dương ra đời thì Mười tám Thôn vườn trầu được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo của Ðảng, nơi cất dấu tài liệu bí mật của Ðảng. Trong khoảng thời gian năm 1930 đến 1940, bà con Mười tám Thôn vườn trầu đã bảo vệ, che giấu, nuôi nấng nhiều chiến sĩ cộng sản, nhiều người con ưu tú của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam: Nguyễn Văn Cừ, Phan Ðăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn…

[iv] Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Điểm cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom là 5 bà vợ của một viên lãnh binh, người đã xây cầu ông Lãnh. Theo phương pháp kinh tế tự túc mà các cụ ngày xưa thường áp dụng, ông đã lập ra 5 ngôi chợ, giao cho mỗi bà cai quản một nơi. Chợ Bà Điểm, gần làng Tân Thới – quê hương cụ Đồ Chiểu. Trầu cau ở Bà Điểm ngon nức tiếng một vùng, không nơi đâu sánh bằng.