Trong hai ngày 18 và ngày 19-12-2004, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, hơn 250 đại biểu tiêu biểu thay mặt cho hàng chục vạn thanh niên xung phong các thế hệ trong cả nước tiến hành Đại hội thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Đến dự Đại hội có uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Phan Diễn, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và nhiều đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể chính trị – xã hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và Thủ đô Hà Nội.
Quang cảnh đại hội
Trong báo cáo chính trị do Trưởng ban vận động Thành lập Hội Nguyễn Anh Liên trình bày biểu thị một niềm vui lớn trước sự kiện trọng đại được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành Đại hội thành lập Hội, như một luồng gió mới, khơi dậy và thổi bùng lên những kỷ niệm sâu đậm về tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, về những chiến công rực rỡ của tinh thần xung phong mà Bác Hồ kính yêu đã dạy từ ngày Lực lượng thanh niên xung phong mới ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Đây cũng là dịp góp phần với Đảng, Nhà nước cùng toàn xã hội thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, trong đó có liệt sĩ, thương binh thanh niên xung phong. Khơi dậy sự đồng tâm hiệp lực góp sức cùng chính quyền các cấp giải quyết cơ bản các tồn đọng về chính sách đối với cựu thanh niên xung phong có công trong hai cuộc kháng chiến. Đây còn là chỗ dựa tinh thần cho sự tập hợp, gắn kết tất cả những đồng đội năm xưa vào tổ chức mang tính truyền thống và cách mạng, làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm vô cùng nặng nề nhưng rất vẻ vang là không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, thể hiện sự nêu gương bằng chính cuộc sống bản thân hàng ngày để góp phần cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh truyền lửa, góp phần giáo dục phẩm chất cách mạng, truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong cho thanh, thiếu nhi. Bảo đảm cho tinh thần thanh niên xung phong của lớp cha anh trong kháng chiến cứu nước trước đây mãi mãi được gìn giữ, phát huy và biến thành khí thế xung phong – tình nguyện của cả thế hệ trẻ ngày nay và mai sau phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đoàn Chủ tịch Đại hội.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phan Diễn, uỷ viên Bộ Chính trị – Thường trực Ban Bí thư nhiệt liệt biểu dương công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc của lực lượng thanh niên xung phong và khẳng định: Thực tiễn hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh ý nghĩa to lớn của tổ chức thanh niên xung phong trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ trẻ của Đảng, của Bác Hồ, một phương thức tổ chức, hoạt động giáo dục đặc sắc của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Trưởng thành trong chiến đấu và trong lao động, ngày nay tuyệt đại bộ phận thanh niên xung phong đã trở thành đoàn viên, đảng viên, những người lao động giỏi, công dân tốt, các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những năm qua, nhiều cựu thanh niên xung phong tuy tuổi cao, sức yếu, đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng đã phấn đấu vượt lên tất cả, đã giữ vững phẩm chất cách mạng, nêu gương sáng trong cuộc sống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Tin tưởng vào tổ chức đại diện cho mình được Đảng và nhà nước giao phó các cựu thanh niên xung phong càng tự hào về những cống hiến, về sự trưởng thành của bản thân, sẽ cố gắng hơn nữa để tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước; tiếp tục là tấm gương sáng trong cuộc sống để lớp trẻ noi theo. Đồng chí Phan Diễn cũng nhắc nhở các cấp bộ Đoàn cần tăng cường sự phối hợp hỗ trợ Hội Cựu Thanh niên xung phong tiếp tục giáo dục truyền thống thanh niên xung phong, làm cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về tinh thần xả thân vì vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần nghiên cứu quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ về “Trường học lớn thanh niên xung phong” để không ngừng phát huy mạnh mẽ, sáng tạo phương thức tổ chức, phương pháp giáo dục và đào tạo, rèn luyện thanh niên bằng các phong trào Thanh niên xung phong – Tình nguyện trong thời kỳ đổi mới.
Đại hội đã nhất trí thông qua Điều lệ với tôn chỉ, mục đích: Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam là tổ chức xã hội – có đặc trưng là của lực lượng quần chúng cách mạng trẻ tuổi thời kháng chiến do Bác Hồ sáng lập, đã trưởng thành và lập công xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, cứu nước, thống nhất Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hội Cựu Thanh niên xung phong là thành viên của Mặt trận Tô quốc Việt Nam, gắn bó mật thiết với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội đại diện cho hơn 35 vạn cựu cán bộ, hội viên cựu thanh niên xung phong các thế hệ, tập hợp đoàn kết và phát huy truyền thống bản chất thanh niên xung phong để tạo nên sức mạnh tinh thần mới, làm chỗ dựa cho hội viên phấn đấu vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, xây dựng cuộc sống mới, góp phần phục vụ sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, đặc biệt là nêu gương sáng trong cuộc sống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam còn có sứ mệnh làm tổ chức nhân chứng lịch sử cho chính quyền làm cơ sở giải quyết tồn đọng chính sách đối với cựu thanh niên xung phong.
Đoàn Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đại hội đã hiệp thương đồng thuận, nhất trí rất cao bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 75 đồng chí, trong đó có 18 uỷ viên Đoàn Chủ tịch do đồng chí Nguyễn Anh Liên làm Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch là Tạ Quang Chiến, Nguyễn Tiến Năng, Nguyễn Hữu Chất; đồng chí Nguyễn Hữu Chất kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội. Đại hội cũng nhất trí suy tôn đồng chí Nguyễn Văn Trân, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận[1], người được Bác Hồ giao quan tâm, chỉ đạo lực lượng thanh niên xung phong ở Chiến khu Việt Bắc, làm Chủ tịch danh dự Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
Theo sách Truyền thống vẻ vang Thanh niên xung phong và Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam (1950 – 2010). Nhà Xuất bản Thanh niên, thàng 10 năm 2010
[1] Đầu năm 1953, Trung ương quyết định mở chiến dịch diệt cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến. Việc chuẩn bị cho chiến dịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về lương thực. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận để phối hợp với Ban Hậu cần quân đội thực hiện nhiệm vụ này. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng giúp việc cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng.