Nhiều ý kiến thống nhất khẳng định vai trò trung tâm của MTTQ VN trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, một số ý kiến đề xuất điều chỉnh cách dùng từ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp để vừa giữ được nguyên tắc liên hiệp tự nguyện, vừa phát huy tính chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận.
Không có thành viên “bất thành Mặt trận”
Liên quan tới MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 đề xuất sửa đổi 3 điều gồm điều 9, 10 (thuộc chương I về chế độ chính trị), điều 84 (thuộc chương V về Quốc hội). Cụ thể, tại điều 9 quy định về MTTQ VN, dự thảo nghị quyết bổ sung nội dung: MTTQ VN là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo.
ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) phát biểu thảo luận sáng 14.5
Dự thảo nghị quyết cũng xác định Công đoàn VN, Hội Nông dân VN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, Hội Cựu chiến binh VN là các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc MTTQ VN; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ VN; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ VN. MTTQ VN, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của MTTQ VN, điều lệ của mỗi tổ chức…
Nêu ý kiến thảo luận, ĐB Lê Xuân Thanh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng việc quy định các tổ chức chính trị – xã hội vào “trực thuộc” MTTQ VN là đã tập hợp các đầu mối tạo thành MTTQ – một tổ chức liên minh chính trị, cũng là một bộ phận của hệ thống chính trị.
Ngược lại, đại biểu (ĐB) Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) bày tỏ không đồng tình với từ “trực thuộc” vì cho rằng chỉ cần quy định 5 tổ chức chính trị – xã hội “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ VN” là đã đầy đủ, không nhất thiết phải nói là các tổ chức trực thuộc MTTQ VN. ĐB Vũ Trọng Kim phân tích khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì các cơ quan chuyên trách của 5 tổ chức chính trị – xã hội được đưa về trực thuộc Ban Thường trực của MTTQ VN là hoàn toàn đúng. Còn về tổ chức thì các tổ chức này được tổ chức độc lập. MTTQ VN và các tổ chức thành viên đảm bảo 4 yếu tố: liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ và phối hợp, thống nhất hành động. Bốn yếu tố này đặt nền móng để Mặt trận liên minh, hiệp thương và phối hợp hành động với các tổ chức khác, với vai trò đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội.
Từ đó, ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, nếu cần thiết thì có thể bổ sung quy định 5 tổ chức chính trị – xã hội là thành viên “nòng cốt” của MTTQ VN. Còn các thành viên khác, hiện nay với hơn 40 tổ chức, hội quần chúng là các “thành viên xung quanh” Mặt trận. “Mặt trận không tự mình đứng độc lập và Mặt trận chỉ có thể tồn tại khi Mặt trận có các thành viên xung quanh. Không có thành viên bất thành Mặt trận”, ĐB Kim nêu.
Hiệp thương dân chủ và phối hợp, thống nhất hành động
Đảm bảo vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội thành viên cũng là vấn đề được nhiều ĐB nêu tại hội thảo góp ý sửa Hiến pháp của Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban T.Ư MTTQ VN chiều cùng ngày.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng không cần bổ sung quy định MTTQ VN là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo vì khái niệm “hệ thống chính trị” không có trong Hiến pháp mà chỉ có trong Cương lĩnh của Đảng. Hơn nữa, tại điều 4 của Hiến pháp đã quy định rõ Đảng “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, do đó việc bổ sung quy định Đảng lãnh đạo MTTQ sẽ bị trùng lặp.
Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức thành viên khác trong MTTQ là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương dân chủ và phối hợp, thống nhất hành động. Do đó, nếu sửa Hiến pháp để quy định các tổ chức chính trị – xã hội là tổ chức “trực thuộc” thì không còn đảm bảo các nguyên tắc này. Ông Túc đề nghị thay vì từ “trực thuộc”, có thể quy định 5 tổ chức chính trị – xã hội là các “thành viên nòng cốt” của MTTQ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho rằng để thực hiện tinh gọn bộ máy, chỉ nên hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc, còn các tổ chức chính trị – xã hội thì không nên quy định thành tổ chức trực thuộc. “Tổ chức trực thuộc tức là trực thuộc về mặt hành chính thì còn đâu là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện”, ông Phúc nói. Ông Phúc cũng cho rằng không nên quy định cụ thể tên 5 tổ chức chính trị – xã hội trong Hiến pháp vì tới đây chúng ta còn tiếp tục cải cách, có thể Đảng, Nhà nước cho thành lập các tổ chức chính trị – xã hội khác.
Theo thanhnien.vn