Dân chủ trong Đảng để ngăn chặn sai phạm, tham nhũng

Đăng lúc: 30-01-2021 9:50 Chiều - Đã xem: 134 lượt xem In bài viết

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc góp ý giải pháp xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sai phạm của cán bộ đảng viên, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam, khẳng định cần tăng cường thực hiện dân chủ trong Đảng, sắp xếp đúng người, đúng việc để ngăn chặn sai phạm, tham nhũng.

Ông Vũ Trọng Kim cho biết: Bác Hồ đã nói, nước ta là nước dân chủ, dân chủ bao trùm trong tất cả các hoạt động trong Đảng và ngoài Đảng. Khi thực thi nhiệm vụ, người cán bộ lãnh đạo phải biết thực thi dân chủ trong Đảng thế nào và thực thi dân chủ ở cơ quan nhà nước, đơn vị, lực lượng vũ trang… ra sao.

Dân chủ tức là anh phải thông qua tập thể lãnh đạo, hoặc phạm vi nào đó để lấy ý kiến về nhân sự, tài chính, tài sản chẳng hạn. Tất cả đều thể hiện trong nội quy của cơ quan, đơn vị. Thực tế có nhiều trường hợp lạm dụng quyền hạn, đã quy định rồi mà không làm, lờ đi để làm theo một cách khác. Thậm chí bày vẽ cho nhân viên của mình tham mưu thế này thế kia, rồi anh cùng với họ trở thành một dây, một nhóm, bè phái để trục lợi.

Nhiệm kỳ 12 vừa qua, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm quy chế thực hiện dân chủ và làm việc trong Đảng, từ đó dẫn đến sai phạm, tham nhũng. Ông nhận xét gì về tình trạng này?

Cơ chế giám sát có nhưng người ta bỏ qua! Hiện nay, mình chưa hoàn thiện nhất là việc giám sát và kiểm tra thực hiện quy chế đó. Phạm vi công việc, đối tượng rộng lớn thế thì làm sao giám sát hết được? Bây giờ thực hiện nhiệm vụ của một đơn vị cụ thể thì ban lãnh đạo và người đứng đầu ban lãnh đạo là người biết rõ công việc hơn ai hết. Vì vậy, phải tự giác, tự kiểm tra; nếu để cơ quan chuyên ngành hay cấp trên vào giám sát, kiểm tra thì không kịp thời, bởi một chu kỳ mấy năm mới tới lượt.

Cơ chế giám sát phải từ nội bộ, mà đó phải là tập thể, một tổ chức trong sạch vững mạnh thì mới giám sát được; phải là một tập thể lành mạnh, đội ngũ nhân viên có bản lĩnh thực thi công vụ. Cán bộ nhân viên nói, phản ánh và nhiều khi bị trù dập. Bây giờ, nhiều khi không dám nói thẳng. Kể cả trong ban lãnh đạo, trong tổ chức đảng cũng không dám nói thẳng! Cơ chế của chúng ta còn chưa hoàn thiện. Đảng phải bảo vệ như thế nào với người dám nói thẳng, dám phản biện. Tại nhiều nơi xảy ra sai phạm, cán bộ công chức đều biết, nhưng việc phản ảnh, đấu tranh bị triệt tiêu. Tính chiến đấu của tổ chức yếu ớt hoặc không còn. Bây giờ trong Đảng cần khởi động lại mạnh hơn tinh thần tự phê bình và phê bình đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi lấy ví dụ, có mấy khi tham nhũng, lãng phí trong nội bộ nói ra ngoài đâu, biết nhưng không nói ra. Tức nước vỡ bờ, bức xúc quá họ xì ra chỗ nào đó, thế là bị phát hiện, người ta vào tìm được cái ổ, ung nhọt trong này. Cái đó báo hiệu tính chiến đấu, đấu tranh xây dựng nội bộ kém. Chính vì thế phải khởi động lại quá trình tự phê bình và phê bình. Người lãnh đạo phải đứng trước tập thể và kiểm điểm lại từng việc một, tự phê bình từng việc một và hỏi anh em là tôi tự phê bình đã đầy đủ chưa, rồi mới đi phê bình người khác. Phải trở thành lề lối làm việc thường xuyên, nghiêm túc và chặt chẽ. Mà chỉ có cán bộ tốt của Đảng mới làm được việc đó, nếu đã bố trí cán bộ yếu kém vào thì không bao giờ người ta làm được tự phê bình và phê bình. Cái gốc là ở chỗ đó, chứ còn có bao nhiêu quy chế dân chủ đặt trên bàn mà nhiều người vẫn phớt lờ, vì tham lam.

Theo ông, làm gì để có dân chủ hơn tại mỗi cơ sở Đảng?

Quá trình thực hiện dân chủ phải thường xuyên liên tục và phải trực tiếp ở từng chi bộ. Chất lượng đảng viên rất quan trọng. Từ chất lượng đảng viên mới quyết định được chất lượng của tổ chức Đảng và cán bộ lãnh đạo. Bởi nếu có một lớp đảng viên, một tổ chức Đảng tốt thì người cán bộ dù là lãnh đạo cũng không thể muốn làm gì thì làm; họ sẽ tự đấu tranh, như vắc xin phòng bệnh ngay tại chỗ. Nên chất lượng kết nạp Đảng phải tính ngay đầu vào, động cơ vào Đảng như thế nào, vào chỉ để lên chức lên quyền, để làm lợi ích cá nhân không?

Cấp trên xuống giám sát kiểm tra thường ít gặp đảng viên mà chủ yếu gặp lãnh đạo. Nếu như đến cơ sở Đảng mà gặp những đảng viên trung thành thẳng thắn thì thế nào cũng phát hiện được những điểm yếu trong đơn vị.

Dân chủ phải gắn với kỷ cương. Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu này?

Kỷ cương là một hệ thống pháp luật, hệ thống những quy định của Đảng và quy phạm pháp luật. Sáng kiến không phải vượt rào, nó đều nằm trong khuôn khổ pháp luật. Dân chủ được hiện thực hóa bằng hệ thống văn bản và yêu cầu mọi người đóng góp một cách dân chủ trong hệ thống, lấy cái đó soi rọi công việc làm hàng ngày. Không phải dân chủ là tự do mỗi người phát ra một ý, dưới nhãn quan cách nhìn riêng, mà phải lấy quy định pháp luật soi rọi vào thì đấy mới gọi là dân chủ.

Chỉnh đốn Đảng, đổi mới một cách bài bản, thường xuyên liên tục và trực tiếp ở mỗi chi bộ cần làm tốt hơn. Đảng viên dù vị trí cao đến mấy cũng phải sinh hoạt ở một chi bộ cụ thể và chi bộ đó phải là chi bộ bao gồm những đảng viên có khả năng đóng góp cho người lãnh đạo cấp cao. Nếu làm được như thế  thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Cho nên đã là đảng viên phải thường xuyên sinh hoạt chi bộ. Đổi mới chỉnh đốn Đảng là không để một người nào thoát ra khỏi chi bộ, không thể ém nhẹm những việc sai dù là nhỏ.

Từng tham gia BCH Trung ương nhiều năm, ông đặt kỳ vọng gì về Đại hội XIII lần này?

Đại hội Đảng quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Đảng phải chọn được những người vừa có bản lĩnh chính trị, vừa có chuyên môn sâu, có trình độ quản lý ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách, để hiện thực hóa mục tiêu đại hội đưa ra. Phân công nhiệm vụ rất quan trọng. Phải bố trí đúng việc, đúng người, có khả năng hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ.

Sau khi bố trí cán bộ phải liên tục theo dõi, tìm hiểu, đánh giá, nếu không phát huy được thì phải thay thế ngay. Lâu nay có tình trạng vào rất dễ nhưng ra rất khó. Bố trí cán bộ sai mà chờ hết một nhiệm kỳ là “tan nát”. Cho nên bố trí lần đầu, sau đó kiểm tra, nếu không được phải bố trí lần 2, lần 3 và có khi phải kết thúc không bố trí tiếp. Nếu không thì nguy hiểm lắm!

Vừa qua chúng ta mới xử lý lỗi của cá nhân trực tiếp nhưng trách nhiệm liên đới của cơ quan, người quản lý cán bộ chưa xem xét đầy đủ. Tôi đề nghị, sau Đại hội XIII phải làm bài bản hơn trước về xây dựng chỉnh đốn đảng, cũng như trong toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta.

Theo baotienphong.vn