Đảng lãnh đạo: Nhân tố quyết định thành công

Đăng lúc: 03-02-2023 3:39 Chiều - Đã xem: 195 lượt xem In bài viết

Ông Vũ Trọng Kim – đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam  – nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động nhân 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Phóng viên: Đảng ta đã trải qua 93 năm với chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng, nhiều dấu mốc quan trọng. Đặc biệt, với vai trò lãnh đạo của Đảng, diện mạo đất nước đã thay đổi với công cuộc đổi mới từ năm 1986 tới nay. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

– Ông VŨ TRỌNG KIM: Nhìn lại chặng đường lịch sử là để khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thành công trong chặng đường 93 năm qua của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. 

Sự vĩ đại đó thể hiện ở nhiều mặt, nổi bật là việc Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới từ năm 1986, phát triển đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Khi nhận thấy những bất cập trong cơ chế tập trung quan liêu, bảo thủ trì trệ và bao cấp tràn lan, Đảng đã chủ trương đổi mới. Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng ta tiếp tục diễn ra từng bước theo hướng vừa làm vừa thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung, cải tiến trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn, từ đó đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những năm qua, kinh tế nước ta tăng trưởng ấn tượng. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022, dù nước ta đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng địa chính trị thế giới…

Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như: kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 700 tỉ USD; xuất siêu 11,2 tỉ USD và 2022 là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua đã tạo được niềm tin to lớn trong nhân dân. Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực này?

– Phải nhấn mạnh rằng mỗi khi đất nước gặp khó khăn, Đảng ta luôn tạo ra sức bật, có sự trưởng thành vượt bậc để vượt qua. Chúng ta đã trải qua một chặng đường đổi mới với sự hồ hởi, tinh thần xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển hơn nữa.

Nhưng trong sự hồ hởi đó, rất đau xót khi có một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua với hàng loạt vụ việc được điều tra, nhiều cán bộ bị kỷ luật, xử lý hình sự đã cho thấy điều đó.

Một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức vào cuối năm 2022, với sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, Đảng ta luôn tạo ra sức bật, có sự trưởng thành vượt bậc để vượt qua”.

Ông VŨ TRỌNG KIM

Trong năm 2022, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 101 tổ chức Đảng và 5.356 đảng viên, trong đó có một số ủy viên Trung ương Đảng.

Trong chặng đường đổi mới, chúng ta đã chiến thắng sự tụt hậu về kinh tế thì quá trình phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy chúng ta cũng đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, mà nguyên nhân chính là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Vấn đề là chúng ta đã rút ra rất nhiều bài học, tại sao các bài học đó chưa đi vào thực tiễn, chưa thấm sâu vào đời sống, vẫn còn các cán bộ, đảng viên vi phạm?

– Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đòi hỏi công tác chỉnh đốn Đảng phải được tăng cường hơn, thường xuyên hơn để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì tự nguyện xin từ chức. Vừa qua, một số ủy viên Trung ương Đảng đã chủ động xin thôi chức sau khi có các vi phạm, khuyết điểm. Việc này cho thấy nhiều điều.

Thông báo 20/TB-TW của Bộ Chính trị – về bố trí công tác cán bộ sau khi bị kỷ luật – nêu rõ: Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ; đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Chúng ta từng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu thì bây giờ, việc cán bộ, đảng viên phải chiến thắng bản thân mình cũng quan trọng không kém. Nếu có vi phạm, có khuyết điểm, nhận thức được trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân thì phải thể hiện tinh thần tự giác từ chức.

Vừa qua, một số cán bộ cấp cao đã chủ động xin thôi chức, cho thấy tinh thần tự giác đã dần hình thành, đã có sự thức tỉnh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận trên bình diện chung, sự tự giác trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

Với hàng loạt chính sách từ chủ trương của Đảng và luật pháp, có thể nói đã có sức răn đe, đồng thời cũng tạo “lối mở” cho những người biết nhận ra sai lầm.

Như tôi đã nói, một số cán bộ cấp cao chủ động xin thôi chức cho thấy sự tự giác nhưng yếu tố tự giác đó chưa cao, chưa quyết định toàn bộ, mà phần nhiều đến từ các sức ép khác do có vi phạm, khuyết điểm. Trên thực tế, có những cá nhân vi phạm, có khuyết điểm nhưng không tự rút khỏi chiếc ghế quyền lực mà mình đang nắm giữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, một số ý kiến cũng lo ngại đã xuất hiện tư tưởng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

– Nhìn thẳng vào vấn đề thì những người sợ làm việc, sợ sai là những người chưa đủ bản lĩnh để ngồi ở vị trí đó, đảm nhận công việc, chức vụ và quyền hạn đó. Nếu người có bản lĩnh, đủ đức, đủ tài, đủ độ liêm sỉ thì họ vẫn làm việc bình thường trong mọi hoàn cảnh.

Đơn cử trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nếu cán bộ nào đó không có động cơ bớt xén, tư lợi, làm thất thoát tài sản thì đâu phải sợ, đùn đẩy hay làm cầm chừng. Tôi muốn nhấn mạnh nếu đủ tài, tâm sáng thì không có gì phải e ngại.

Thời gian qua, Quốc hội đã luôn đồng hành với Chính phủ, mở nhiều cơ chế, chính sách nhưng tại sao vẫn không triển khai được công việc, như đầu tư công chẳng hạn? Cho nên, cán bộ nào sợ làm việc, sợ sai thì nên rút lui, để tổ chức lựa chọn, đề bạt cán bộ khác đủ bản lĩnh, tài năng, đức độ thay thế. Đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước, sức ì này còn nguy hiểm hơn nhiều loại “virus” khác.

Khi con người mất thế tiên phong, mất tính sáng tạo, mất tính chủ động thì không nên để ngồi ở các vị trí lãnh đạo, vì chỉ làm mất đi đà phát triển của đất nước. 

Cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng

Thời gian tới, ông Vũ Trọng Kim cho rằng để có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì cần lưu ý việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó cán bộ cấp chiến lược là rất quan trọng. Với những vị trí chủ chốt, việc tuyển chọn, bố trí cần cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng. Từ nhiều vụ việc vi phạm thời gian qua cho thấy một số cán bộ chưa đủ độ “chín”, nhận thức chưa tới đã bố trí vào các vị trí quan trọng.

“Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục. Hơn nữa, các bài học về đào tạo, bố trí cán bộ chúng ta đã có, đã rút ra qua nhiều nhiệm kỳ nhưng phải làm thế nào để các bài học đó đi vào thực tiễn cuộc sống thay vì chỉ nằm trên bàn giấy” – ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Theo nld.com.vn