Đảng viên thương binh “tàn nhưng không phế”

Đăng lúc: 05-07-2019 9:20 Sáng - Đã xem: 149 lượt xem In bài viết

             Tôi luôn tin tưởng rằng: Cựu chiến binh (CBB) là những người đã đi qua chiến tranh khốc liệt, được tôi luyện, rèn dũa để có ý chí, nghị lực vượt qua thử thách dành chiến thắng trước mọi kẻ thù. Trở về thời bình dù là thương binh, bệnh binh hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn họ vẫn có đủ bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh vươn lên chiến thắng bệnh tật, chiến thắng nghèo đói như những người anh hùng từ chiến trận trở về. Anh Lương Đình Đại ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên là một người  như vậy, anh đã thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: Thương binh “tàn nhưng không phế”[i], là một CCB, thương binh luôn tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Anh Lương Đình Đại đang hướng dẫn cho xe vào quán ăn

      Đến thăm nhà thương binh Lương Đình Đại

Chúng tôi đến thăm anh tại nhà riêng ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa. Nhà cách giao lộ Quốc lộ AH1 và đường Nguyễn Tất Thành chừng 400m về hướng Bắc. Nhà và quán ăn Nam Phương do anh làm chủ kề nhau, phía đông quốc lộ AH1. Đã quá trưa cuối tháng 5, đất miền Trung cháy khét nhưng quán ăn vẫn khá đông khách. Thấy chúng tôi đến, anh tập tễnh bước lại, nở nụ cười tươi, mời chúng tôi vào quán.

Tôi mở kính màu, khẩu trang hỏi:

–  Anh không nhận ra em sao?

Anh nhìn kỹ rồi nói to lên:

 – Ôi trời thằng em. Mày đi đâu mất dạng mấy năm nay?

 Nói rồi anh ôm chầm lấy tôi đầy xúc động. Tôi giới thiệu với anh người đi cùng là bác sĩ Nhân, một thầy thuốc ưu tú. Anh hồ hởi mời hai chúng tôi ngồi, gọi người lấy bánh, trái cây rồi tự tay pha trà rót nước mời khách, cử chỉ thật thân thiện. Câu chuyện hàn huyên giữa chúng tôi với người thương binh rất thân thiện kéo dài ra…

Lương Đình Đại, sinh ra và lớn lên trong một gia đình, quê hương có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, ở gần Ngã ba Đồng Lộc. Tháng 8/1969, vừa tròn 18 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh gác bút nghiên lên đường đi đánh Mỹ. Ở Sư đoàn 320, anh đã tham gia chiến đấu nhiều trận ở Tây Nguyên đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra; tháng 3/1978 với cương vị thượng úy, đại đội trưởng, khi đang chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Ninh anh bị thương nặng, với thương tật vĩnh viễn 3/4. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Huy chương Giải phóng, Huy chương Vì nghĩa vụ Quốc tế…

Trở về với quê hương, là thương binh anh vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương, làm Phó Bí thư Đoàn xã, đến năm 1983 xây dựng gia đình. Năm 1984 anh đưa vợ và đứa con mới 8 tháng tuổi vào Phú Yên để sinh sống.

– Cuộc sống của anh chị ngày đó khổ hết biết nói! Anh tâm sự.

Chọn đất Phú Yên làm quê hương mới, hai anh chị mua mảnh đất bỏ hoang toàn gai bàn chải và rác thải, dựng mái nhà tôn, vách cây ở tạm. Anh chị mưu sinh bằng đủ nghề: Trồng rau, nuôi lợn, gà, nấu rượu, làm song mây, bóc hạt điều, nhặt phân bò khô… không kể việc gì, miễn là có tiền, hợp pháp thì làm. Công việc nặng nhọc, vất vả là thế, nhiều lúc vết thương cũ tái phát, những cơn đau quằn quại dày vò nhưng anh vẫn nghiến răng chịu đựng vượt qua, không hề rên la để vợ con bớt phần lo lắng.

Năm 1986, anh tham gia cấp ủy và làm bí thư chi bộ thôn Phú Vang, Đảng ủy viên 10 năm, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Bình Kiến khóa V. Những chức trách được tín nhiệm bầu, phân công đảm nhiệm anh điều hoàn thành xuất sắc và được tặng 4 Bằng khen, nhiều phần thưởng khác.

Câu chuyện đang rôm rã thì có đoàn cán bộ xã và thôn đến thăm gia đình anh chị nhân dịp “Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn”, không hẹn mà gặp, có thêm người không khí buổi nói chuyện càng thêm phần sôi nổi.

Anh Lương Đình Đại đang thanh toán tiền cho khách

    Thương binh làm kinh tế giỏi

Tuy đã nỗ lực phấn đấu, bươn chải đủ nghề nhưng cuộc sống của vợ chồng anh với bốn đứa con nhỏ đang ăn học vẫn vô vàn khó khăn. Anh xin nghỉ bí thư chi bộ để có điều kiện thời gian làm kinh tế. Năm 1996, anh đi học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, nhất là học cách nấu ăn phục vụ thực khách. Tháng 6/1996 anh chị quyết định vay vốn, mở quán ăn chủ yếu phục vụ khách qua lại trên tuyến quốc lộ AH1. Với phương châm kinh doanh “rẻ, ngon, đảm bảo vệ sinh, thái độ niềm nở, phục vụ là chính”. Thời gian đầu anh chị đã phải quần quật làm lụng cả ngày đêm. Buổi tối, thường nửa đêm mới nghỉ, 2 giờ sáng đã thức dậy làm công tác chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Nhờ cách chế biến hợp khẩu vị cho từng đoàn khách theo từng vùng, miền (Bắc – Trung – Nam), giá cả phải chăng, thái độ cởi mở, chu đáo, lại có vị trí đắc địa thuận lợi cho việc đậu đỗ xe nên quán ăn của anh chị ngày càng đông khách, nhất là buổi trưa, chiều các ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ tết. Tiếng lành đồn xa, nhiều hôm quán đã bố trí 30 bàn tròn vẫn không đủ chỗ khách ngồi. Quán ăn phát triển cho nguồn thu nhập cao, anh chị chú trọng chăm lo cho con cái học hành. Nay cả bốn đứa con anh đều tốt nghiệp đại học và đã có nghề nghiệp ổn định, 2 đứa có gia đình riêng, anh chị có 2 cháu nội; đã trả hết nợ vay ngân hàng, xây được nhà vila, mua xe ô tô, đầu tư nâng cấp và thuê người nấu nướng, phục vụ quán ăn. Quán của anh chị giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động, cao điểm 5 lao động, lương thỏa thuận từ 3,5 đến 4 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Thận – vợ anh nãy giờ vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện –  góp chuyện: “Nói cho công bằng, để gia đình tôi có được như ngày hôm nay, là nhờ có cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con lối xóm, anh em đồng đội đã quan tâm tạo điều kiện, hết lòng giúp đỡ, nhất là thời gian mới chuyển từ ngoài Bắc vào. Quả là đất lành chim đậu, tôi rất cảm ơn miền đất Phú Yên, cảm ơn con người Phú Yên thật thân thiện, mến khách…”. Chị kể về thời gian mới vào chị đi mót lúa được bà cho mượn mấy sào ruộng, chỉ cho cách làm, giúp công cán; được hợp tác xã miễn thuế theo chế độ gia đình TB-LS nên đã bớt được rất nhiều khó khăn.

Ngồi kế bên tôi là ông Lương Công Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Kiến. Tôi hỏi:

– Anh Minh nhận xét về bác Đại thế nào?

Ông Minh cười, đáp: “Bác Đại là tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi của xã Bình Kiến. Mặc dù sức khỏe có phần hạn chế, nhưng nhờ có phương pháp kinh doanh đúng, lại rất siêng năng, cần cù chịu khó và tính tình hòa nhã, điềm đạm nên bác đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, từ một hộ cận nghèo nay gia đình bác vươn lên diện khá ở địa phương!”.

     Cựu chiến binh hăng say hoạt động phong trào

    Công việc kinh doanh rất bận rộn, nhưng anh vẫn dành thời gian tham gia việc xã hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện hỗ trợ đồng bào, bão lụt thiên tai. Đóng góp quỹ ở địa phương và hỗ trợ tiền cho các tổ chức từ thiện chăm lo chính sách hậu phương, quân đội; mỗi năm gia đình anh chị hỗ trợ khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng. Đặc biệt, tích cực ủng hộ các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do xã, thôn hoặc các ban, ngành địa phương tổ chức. Anh tích cực tham gia với tư cách ban tổ chức và là thành viên trong đội văn nghệ, anh có giọng ca mượt mà đằm thắm. Cả gia đình anh chị hăng hái hỗ trợ kinh phí, cổ vũ về tinh thần góp phần đưa các phong trào ở địa phương đến thành công.

Bác Lương Đình Đại là một Hội viên tiêu biểu của Chi hội CCB xã Bình Kiến. Làm kinh tế giỏi, tham gia hoạt động xã hội rất nhiệt tình, thường tham gia nói chuyện truyền thống cho lớp trẻ khi được mời, ủng hộ vật chất, tinh thần để cổ vũ các phong trào ở địa phương”. Ông Đinh Công Mạnh, Chủ tịch Hội CCB xã Bình Kiến, tham gia chia sẻ.

    Tôi đã gặp gia đình anh chị cách đây 31 năm (1988), quen biết anh chị đến năm 1995 thì tôi nhận công tác mới không có dịp gặp lại. Sau thời dài xa cách nay trở lại nhìn cơ ngơi, con người của anh chị tôi quá bất ngờ. Từ một hoàn cảnh nghèo khó, nheo nhóc, đơn vị tôi còn phải hỗ trợ thêm gạo những lúc giáp hạt, giúp đỡ công cán ngày mùa… Ấy vậy mà sau 31 năm, anh chị đã có nhà cửa, quán sá, xe cộ khang trang. Con cái học hành bài bản, ổn định công việc. Có vườn cây ăn trái, chăn nuôi đủ thứ: chồn, heo rừng, gà cảnh, nhím… hàng mấy trăm con, khi có ai nhu cầu thì bán tăng thêm thu nhập. Tôi thật sự khâm phục tinh thần vươn lên của anh chị, khâm phục khả năng làm kinh tế gia đình của đôi vợ chồng thương binh nặng bước sang tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Như biết được ý chúng tôi sắp về, hai anh chị nằng nặc mời ở lại ăn cơm, chúng tôi và đoàn cán bộ xã xin phép về vì còn nhiều công việc khác.

Chị Thận ái ngại: – Ai za! Lâu lâu các chú, các cô ghé chơi mà không ở lại dùng cơm được sao? Thức ăn gia đình tôi tự nuôi, tự trồng, tự nấu, thực phẩm sạch một trăm phần trăm. Tôi ngắm nhìn, nhận rõ khuôn mặt với vẻ đẹp phúc hậu đang tươi cười mãn nguyện.

Tôi thay mặt cả đoàn đáp lời: – Dạ! Cảm ơn anh chị nhiều. Hẹn dịp khác chúng em sẽ ăn, ăn nhiều nữa là khác.

Gia chủ và khách bắt tay, chào tạm biệt nhau trong không khí vui vẻ…

    Đã 18 giờ chiều, nắng đã tắt nhưng mùi khét vẫn bốc lên từ mặt đường nhựa, nóng hừng hực. Tôi và anh Nhân lên xe máy hướng biển Tuy Hòa cho gió thổi vào mặt, lồng vào cổ mát lạnh. Cả tôi và anh Nhân đều không ngớt lời khen ngợi và tâm phục, khẩu phục tấm gương người thương binh, người đảng viên 45 tuổi Đảng ấy./.

Nguyễn Bá Thuyết

    Đại tá Quân đội nghỉ hưu
Phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên


[i] Tết năm 1955, Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt, Người tặng cho anh em một chiếc áo mà đồng bào miền Nam gửi tặng Người. Chính trong dịp này, Người đã nói “Thương binh tàn nhưng không phế”, câu nói thật đơn giản, sâu sắc nhưng khuyến khích tinh thần lạc quan…