Ngày 19/10/2024, nhân kỷ niệm 94 năm ngày Thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024), tại Di tích Quốc gia Hải Vân Quan[1], Liên hiệp các CLB Thơ lục bát Việt Nam; Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng và CLB Di sản áo dài Đà Nẵng – Quảng Nam đồng tổ chức chương trình giao lưu thơ, ca với chủ đề “Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Đây là dịp để mọi người cùng nhau tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của Hải Vân, một danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta, ôn lại quá khứ hào hùng của lớp lớp cha anh trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Tham dự chương trình có nhà thơ Ngô Nguyên Ngần, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các CLB Thơ Lục bát Việt Nam; nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng; Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thứ, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các CLB Thơ Lục bát Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Kiều học Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng; nhà thơ Hồ Văn Chi, Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng; Đại tá, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Anh Dũng, Trưởng đại diện báo Văn nghệ tại miền Trung – Tây nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Văn hóa Hùng Vương Việt nam; cùng nhiều đại biểu là doanh nhân, nghệ nhân, nhà thơ và hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng.
Sau phát biểu khai mạc của Đại tá, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Anh Dũng (ảnh trên), các nhà thơ, các CLB tiến hành giao lưu với các bài thơ tâm đắc, các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước. Hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng hân hạnh được trình bày màn hát múa mở đầu với ca khúc“Cô gái mở đường” của Nhạc sĩ Xuân Giao, ca ngợi tấm gương gan dạ, dũng cảm của các nữ chiến sĩ TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (ảnh dưới).
Tiếp đến Đại tá, Phó Giáo sư, tiến sĩ, Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng Đỗ Ngọc Thứ (ảnh dưới) trình bày vắn tắt lịch sử hình thành và tồn tại của Danh thắng Hải Vân Quan. Nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ đã ghi dấu bao chiến công của quân và dân ta. Đặc biệt, trong đó có chiến công hiển hách của Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm. Anh đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa.
Riêng người anh hùng này đã diệt được 272 tên địch; bắn rơi và phá hủy 3 máy bay lên thẳng của địch. Anh đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 13 Huân chương chiến công, 3 Huân chương giải phóng và 53 lần được tặng danh hiệu“Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Phó Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng, nhà thơ Hồ Văn Chi (ảnh trên) đã trình bày 2 bài thơ do anh vừa sáng tác:“Hải Vân Quan” và“Lên đỉnh Hải Vân”. Người viết xin trân trọng giới thiệu bài “Lên đỉnh Hải Vân” của anh:
“LÊN ĐỈNH HẢI VÂN
Đường cong như dải lụa huyền
Hướng lên đỉnh núi tưởng xuyên lên trời
Nắng luồn mây giữa chơi vơi
Mây sà xuống núi buông lời rủ rê
Sườn non mây phủ tràn trề
Để cho nắng phải quay về không trung
Non non nước nước trùng trùng
Cao cao lồng lộng cõi hùng quan san
Ôi Phong cảnh đẹp vô vàn
Phương Tây mây quyện non ngàn mênh mông
Sơn Trà sừng sững phía Đông
Giữa lưng chừng núi bềnh bồng mây giang
Cầu dài Thuận Phước dây văng
Cửa Hàn rực rỡ chị Hằng phát ghen
Đà Thành bát ngát đường đèn
Trắng vàng cong thẳng… cả miền sao sa
Bỗng dưng nghĩ đến Bà Nà
Choàng vai ôm lấy Sơn Trà – Hải Vân
Để đây với đó thêm gần
Để cho Sơn – Hải được cầm tay nhau.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tặng hoa cho Doanh nhân, Nghệ nhân Lê Thị Lý, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương Quảng Nam – Đà Nẵng (ảnh trên) đã có nhiều đóng góp trong CLB Di sản áo dài Việt Nam T.p Đà Nẵng và trao Bằng khen, Bằng vinh danh (ảnh dưới) cho một số cá nhân tại Đà Nẵng có công lao trong việc giữ gìn, phát triển Thơ Lục bát Việt Nam.
Chương trình giao lưu để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và hội viên.
Riêng đối với Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng, sau gần 1 năm thành lập (25/12/2023), tiếp theo các đợt: Đêm thơ Nguyên tiêu 2024 (phối hợp cùng Hội Nhà văn Đà Nẵng); phục vụ văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Trường Sơn của Hội Trường Sơn Đà Nẵng; “Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng 2024” lần 3; Và lần này, tổ chức thành công chương trình giao lưu thơ, ca với chủ đề: “ Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, được coi là DẤU MỐC THÁNG 10 rất có ý nghĩa trong hoạt động năm 2024 của cán bộ, hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng.
Lê Văn Huấn
Phó Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng
[1] Ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Điều đặc biệt, đây là di tích đầu tiên trên cả nước thuộc cả hai địa phương (quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hải Vân Quan được xây hình cổng cuốn vòm. Phía trên cửa hướng về phủ Thừa Thiên xưa (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) có tấm biển đá khắc chữ “Hải Vân Quan”, phía trên cửa hướng về tỉnh Quảng Nam (bao gồm cả Đà Nẵng) có tấm biển đá khắc chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tông khi dừng chân ngắm cảnh nơi này vào thế kỷ 15.