Dấu ấn xung phong

Đăng lúc: 26-10-2022 9:02 Sáng - Đã xem: 158 lượt xem In bài viết

Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, cả tỉnh khẩn trương xây dựng lại quê hương. Nhiều chủ trương, chính sách được thực hiện đồng bộ, nhằm xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống người dân. Trong đó có chủ trương  xây dựng công trình thủy lợi lớn nhất nước, hồ Dầu Tiếng.

 Với những yêu cầu mang tính lịch sử đó, ngày 25/10/1982 Liên đội TNXP huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa Thành) ra đời, do Bí thư Thị đoàn phụ trách và các Liên đội phó trực tiếp chỉ huy như Thiện, Son, Lớn, Dũng, việc hình thành Liên đội TNXP thị xã Hòa Thành.

Chủ tịch Tỉnh hội Tây Ninh Nguyễn Văn Lợi (đứng giữa) tặng quà cho hội viên trong ngày họp mặt

 Những ngày đầu mới thành lập gặp nhiều khó khăn, liên đội đóng quân tại Thị đoàn cũ, với khoảng 100 đội viên. Chỉ huy chưa có kinh nghiệm chỉ huy, đội viên là những thanh niên không có tay nghề, liên đội nhận thực hiện những việc đơn giản như đào kênh, trồng mì, thậm chí đi cấy lúa trên cánh đồng Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), cuộc sống còn nhiều khó khăn. Quên sao được những ngày trồng hàng trăm ha cao su trên Nông trường cao su Suối Ngô, huyện Tân Châu, lao động chưa quen, ăn uống thiếu thốn, đồng đội động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù khí hậu vùng rừng núi vô cùng khắc nghiệt. Nhớ mãi đêm thượng tuần tháng 11, ánh trăng non không đủ soi đường trên nông trường K48, đồng chí Thời đau ruột thừa phải cấp tốc chuyển về bệnh viện tỉnh. Lấy võng làm cáng, gần 20 đồng đội luân phiên cáng đồng chí ấy từ nông trường ra đường lớn, đoạn đường dài hơn 7 km, đồng chí Hiệp (Đội trưởng) phải lấy súng chặn xe tải dừng lại, chở đồng chí Thời đang đau bụng oằn oại về bệnh viện tỉnh kịp thời cứu chữa.

Cuối năm 1983, Ban chỉ huy liên đội được củng cố, đồng chí Nguyễn Văn Lợi được phân công làm Liên đội trưởng, các đồng chí Ngô Văn Quay, Huỳnh Văn Tốt làm Liên đội phó, số đội viên tăng lên từng ngày, lúc cao điểm lên đến gần 800 người. Liên đội viên được tổ chức các đội: xây dựng cơ bản, cơ khí, xây lắp, vận tải, mộc…hoạt động trải dài trên toàn tỉnh. Dấu chân Liên đội in đậm trên những vùng khô cằn sỏi đá, vùng quê nghèo hẻo lánh để xây dựng kênh mương, cầu cống trên hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng – Tây Ninh. Từ Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), Bàu Đồn ( Gò Dầu), An Tịnh (Trảng Bàng) đến Thái Bình (Châu Thành), Mỏ Công (Tân Biên), xây lắp hàng chục ngàn mét khối bê tông trên kênh chính Đông như K8, K12, K13, K20, cầu Sài Gòn, cống đầu kênh cấp I, cống qua đường quốc lộ 22B, cầu máng Trà Phí; trên kênh chính Tây như TN11, TN11A, TN17, TN17A; đào đắp hàng chục ngàn mét khối đất; khai phá hơn 300 ha đất hoang; trồng hàng ngàn ha mì, mang nước mát từ lòng hồ về tưới cho những cánh đồng xanh tươi, góp phần đáng kể vào sự thay đổi đời sống của người dân Tây Ninh. Làm sao quên được ngày đổ bê tông tại K13, máy trộn bê tông bị hư, vì yêu cầu cấp bách công việc, gần 50 cán bộ, đội viên phải trộn bê tông bằng tay, thay nhau đổ bê tông suốt đêm dưới trời mưa tháng 8; hay như đêm đốt đèn xe tải đổ bê tông tại K20, gió mặc gió, mưa mặc mưa, từng đội TNXP tiến về phía trước như hình ảnh TNXP năm nào lao mình vào chiến dịch, cùng bộ đội tiêu diệt quân thù.

Thị hội Hòa Thành viếng Đền tưởng niệm TNXP GPMN tại nghĩa trang Đồi 82 huyện tân Biên, tỉnh tây Ninh

Ngoài việc xây lắp cầu, cống trên các công trình thủy lợi, Liên đội TNXP thị xã Hòa Thành còn xây dựng Nông trường 26 tháng 3 có diện tích  khoảng 200 ha tại Tống Lê Chân, huyện Tân Châu, Văn phòng Thị ủy Hòa Thành, Văn phòng UBND thị xã Hòa Thành, văn phòng Tỉnh đoàn, trụ sở Đoàn thanh niên thị xã Hòa Thành, hàng rào Nhà văn hóa thiếu nhi thị xã Hòa Thành; khai thác và chế biến hàng chục tấn song mây xuất khẩu tại tỉnh Đắc Lắc; xây dựng 11 nhà quản lý thủy nông trên các hệ thống kênh Đông, kênh Tây của hồ Dầu Tiếng; làm nhà tại cư xá Thanh Đa, thành phố Hồ Chí Minh; liên kết với Khu công nghiệp Linh Xuân, thành phố Hồ Chí Minh lập xưởng sản xuất bao bì xuất khẩu…

Nhằm động viên tinh thần cán bộ, đội viên TNXP, ngoài việc tham gia thể thao cùng thanh niên địa phương nơi đóng quân và làm báo tường trong những ngày lễ, tết, liên đội thành lập đội văn nghệ phục vụ tại công trường. Từng lời ca, tiếng hát yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống mến thương, yêu tuổi trẻ một thời gian lao mà anh dũng, giúp cho cán bộ, đội viên Liên đội thoải mái tinh thần, hăng say lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những cống hiến không mệt mỏi ấy, Liên đội TNXP thị xã Hòa Thành được Bộ Thủy lợi (nay là Tổng cục Thủy lợi), UBND tỉnh Tây Ninh, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh, UBND thị xã Hòa Thành tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng hồ nước Dầu Tiếng – Tây Ninh.

Liên đội TNXP thị xã Hòa Thành là nơi tập trung thanh niên đủ mọi thành phần, là môi trường lao động, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến và trưởng thành của thanh niên trong thị xã. Từ những thanh niên nam nữ bình thường, không nghề nghiệp, qua quá trình lao động, học tập, đã tiến bộ trở thành cán bộ nòng cốt cho liên đội. Ngoài ra, mỗi đội viên liên đội TNXP thị xã Hòa Thành trong lao động đều tìm được cho mình một ngành nghề thích hợp, để sau này phục vụ xã hội, giúp ích cho gia đình và bản thân. Trở về cuộc sống đời thường, số ít có điều kiện tiếp tục học tập trở thành công chức Nhà nước, số khác được gia đình hỗ trợ nên cuộc sống ngày càng ổn định, khá giả, còn lại đa số làm thợ hồ, thợ sắt, thợ mộc cũng đủ nuôi sống bản thân và gia đình, số ít còn khó khăn trong cuộc sống. Từ khi Hội cựu TNXP thị xã Hòa Thành được thành lập, cán bộ, đội viên Liên đội TNXP huyện Hòa Thành năm xưa tích cực tham gia hoạt động Hội, có người được đồng đội tin tưởng bầu vào chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thị hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP xã, phường. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, nguyên Liên đội trưởng Liên đội TNXP huyện Hòa Thành năm xưa, hiện nay là Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Tây Ninh.

Theo điều tra khảo sát, số hội viên kinh tế khá đạt 20%, kinh tế ổn định 70%, kinh tế còn khó khăn 10%. Thời gian qua, Thị hội đã tặng hàng trăm phần quà cho gia đình hội viên liên đội trong những ngày lễ, tết; vận động hội viên và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng 8 căn nhà đồng đội, nhà tình nghĩa; vận động mạnh thường quân tặng nhiều sổ tiết kiệm cho chị em phụ nữ Liên đội TNXP Hòa Thành năm xưa, mỗi sổ từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Hiện nay, vẫn còn một số ít hội viên còn khó khăn trong cuộc sống, đồng đội tiếp tục chung tay góp sức, giúp đỡ những hội viên này vượt qua khó khăn trong cuộc sống, như tình nghĩa đồng đội năm nào chung lưng, đâu cật vượt qua hiểm nguy, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đến dự buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên đội TNXP huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa Thành), tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch Tỉnh hội Tây Ninh, nguyên Liên đội trưởng Liên đội TNXP huyện Hòa Thành năm xưa – xúc động chia sẻ: “Liên đội TNXP huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa Thành) hoat động thời gian không dài (từ năm 1982 – 1991), nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân Tây Ninh, liên đội đã hoàn thành xuất sắc giai đoạn lịch sử của mình, gắn liền với giai đoạn phát triển của tỉnh nhà. Thời gian rồi sẽ qua đi, nhưng những công trình xây lắp của Liên đội TNXP thị xã Hòa Thành sẽ mãi trường tồn theo năm tháng. Mai này, khi nhìn giòng nước mát từ Lòng hồ tưới khắp cánh đồng, cho lúa trúng mùa trĩu hạt, cho mía, mì bội thu được giá, đời sống người dân hạnh phúc, giàu sang, trong lòng cán bộ, đội viên Liên đội TNXP huyện Hòa Thành năm xưa dạt dào cảm xúc, xen lẫn chút tự hào một thời vinh quang tuổi trẻ được sống, lao động và học tập, được cống hiến và trưởng thành, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà”.         

Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên đội TNXP huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa Thành), tỉnh Tây Ninh (25/10/1982 – 25/10/2022)

     DUY ĐỨC