Đến với bài thơ vui “Phật chờ!” của nhà thơ Hồ Văn Chi

Đăng lúc: 02-12-2024 3:12 Chiều - Đã xem: 207 lượt xem In bài viết

Tháng 6 năm 2017, tôi được nhà thơ Hồ Văn Chi tặng tập thơ “Một thời nhớ mãi”. Với 57 bài thơ, bài nào cũng rất tâm đắc. Tuy vậy, bài “Phật chờ !” để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.

Nhà thơ Hồ Văn Chi (phải) tặng thơ cho ông Võ Khắc Mai.

Tôi tò mò hỏi tác giả về ý tưởng từ đâu mà anh cho ra đời bài thơ này. Nhà thơ Hồ Văn Chi cười vui vẻ và cho biết:

“Nhân ngày đầu Xuân Canh Dần 2010, tôi đưa bà xã đi vãn cảnh chùa tại chùa Bát Nhã gần nhà ở. Thấy cảnh người ta chen chúc nhau vào dâng hương, cầu nguyện trước tượng Phật, có người cầu khấn to, người đứng bên cạnh nghe rõ được; tôi buột nghĩ: Sao họ xin Phật nhiều thứ thế mà lòng bác ái của Phật thì chẳng ai xin. Thế rồi tứ thơ nẩy ra, và về nhà tôi đã viết lại thành bài thơ “Phật chờ”.

Vậy đó anh”

Ôi! chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng với sự rung cảm và óc sáng tạo nghệ thuật trời ban cho anh. Hồ Văn Chi là người con của xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nổi tiếng là cái nôi văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học. Được biết đến với cái tên: Làng Khoa Bảng. Anh đã viết nên những vần thơ vui và đầy cảm xúc.

“PHẬT CHỜ!
Phật tọa trên cao, tủm tỉm cười.

Hào quang phổ chiếu khắp muôn nơi…

Người xin phát đạt, xin giàu có.

Phật có hai tay đang ngửa thôi!

Người xin trăm tuổi vẫn trên đời.

Phật vẫn ung dung, vẫn mỉm cười.

Đời Phật mỗi năm thêm một tuổi.

Giá mà có tỉ, hết lâu rồi!

Người xin đôi lứa mãi yêu nhau.

Phật bảo, việc này Phật biết đâu.

Đời Phật chân tu, ngồi suốt kiếp.

Người nhiều kinh nghiệm bảo ban nhau!

Người này, tiếp đến những người sau.

Xin tuổi, xin duyên, xin mạnh, giàu…

Có cái Phật giàu: Lòng bác ái,

Phật chờ, chờ mãi…chẳng ai cầu!

2010

Hồ Văn Chi”

 

Chỉ gói gọn trong 16 câu thơ, nhưng tác giả đã đem đến cho độc giả những tiếng cười sảng khoái. Bài thơ như những thước phim quay chậm. Nhà thơ đã nhập vai “Phật” để trả lời, lý giải những cầu mong của người đời vừa thực, vừa ảo, vừa trào phúng vừa thâm thúy.

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa ta đến hình ảnh: Phật tọa trên cao, tủm tỉm cười. Theo từ điển tiếng Việt: “Tủm tỉm là từ gợi tả kiểu cười không mở miệng, chỉ thấy cử động đôi môi một cách kín đáo”. Tiếng cười của Phật ở đây là tiếng cười bao dung, tiếng cười thân thiện. Như người ông, người cha thường ngày cười vui với cháu, với con. Song cũng có một ẩn ý Phật cười với những ai còn dại khờ, còn u mê, tăm tối. Trong cuộc sống thường nhật, mỗi khi gặp khó khăn, trắc ẩn người đời thường thốt lên câu cửa miệng: Trời ơi, sao lại thế này, sao lại thế kia …và hình ảnh: Hào quang phổ chiếu khắp muôn nơi…ý nói Phật quan tâm, ưu ái đến tất cả mọi người chứ không riêng một ai.

Tiếp đến là tình huống về những cầu mong của người đời: Người xin phát đạt, xin giàu có. Mong muốn phát đạt, giàu có là chính đáng. Nhớ lại thuở ấu thơ, được học qua bài văn “Đi cấy”: Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông mọi bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng, đá mềm/ Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng. Ông cha ta xưa cũng cầu mong những điều bình dị vậy thôi. Hoặc như trong bài dân ca Thanh Hóa với tựa đề “Đi cấy”, có câu: Ý rằng cầu cho, cầu cho trong ấm ý êm, êm lại ngoài êm. Ngày nay không phải đến cửa Phật để cầu mong phát đạt, giàu có. Một sự phát hiện rất tinh tế của tác giả: Người xin phát đạt, xin giàu có. Phật cười và đáp lại: Phật có hai tay đang ngửa thôi! Đến cầu Phật thì làm sao giải quyết được?

Tác giả đưa ta đến hình ảnh: Người xin trăm tuổi vẫn trên đời. Đến đây tôi lại nhớ câu chuyện mà thân phụ tôi thường kể đi, kể lại. Chuyện rằng, ông Bành tổ đã sống được sáu trăm năm, nhưng hằng ngày vẫn thắp hương cầu được sống đến vạn năm: Bành tổ thiêu hương cầu vạn niên. Và ta hãy nghe Phật trả lời: Phật vẫn ung dung, vẫn mỉm cười/ Đời Phật mỗi năm thêm một tuổi/ Giá mà có tỉ, hết lâu rồi. Tôi lại có chút suy tư, trong cuộc sống chúng ta vẫn thường chúc nhau: Chúc ông bà bách niên, giai lão. Ý của tác giả muốn nói là có nhiều người xin như vậy thì dẫu Phật có đến tỉ tuổi cũng hết lâu rồi. Việc cầu mong thượng, thượng thọ là chính đáng, khác hẳn với việc xin Phật tuổi.

Hình ảnh: Người xin đôi lứa mãi yêu nhau/ Phật bảo, việc này Phật biết đâu Trong tình yêu, đôi lứa tự nguyện đến với nhau để xây dựng gia đình trăm năm hạnh phúc, chứ không phải xin Phật mà có được: Đời Phật chân tu, ngồi suốt kiếp/ Người nhiều kinh nghiệm bảo ban nhau! Ngày nay đang diễn ra tình trạng yêu nhanh, rồi lại ly hôn nhanh.

Thước phim quay chậm mà tác giả Hồ Văn Chi cho chúng ta thấy cảnh: Người này, tiếp đến những người sau/ Xin tuổi, xin duyên, xin mạnh, giàu…Tôi có liên tưởng, chắc chắn trong những người đến cầu xin Phật sẽ có không ít người đã và đang đến xin Phật cho được tái cử vào cấp ủy, được giữ chức này, chức nọ thêm nhiều nhiệm kỳ nữa.

Trong đoạn kết của bài, tôi thấy đắt giá nhất ở câu: Có cái Phật giàu: Lòng bác ái/ Phật chờ, chờ mãi…chẳng ai cầu. Nếu nhân gian ai cũng giàu lòng bác ái thì sẽ không có những chuyện: chụp giật, lừa đảo, bán hàng giả, bán hàng đa cấp, hàng chứa hóa chất độc hại; không có chuyện huynh đệ tương tàn chỉ vì một vài mét vuông đất; không có chuyện tìm cách thu lợi bất chính trong đại dịch COID-19 vừa qua. Nếu ai cũng cầu mong cho mình giàu lòng bác ái thì nhân loại sẽ không xảy ra chiến tranh ác liệt.

Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua nhà thơ Hồ Văn Chi đã cho ra mắt các tập thơ: Mùi rơm quê nhà, NXB Văn học.2014; Cánh võng Trường Sơn, NXB Văn học.2015; Nhật ký World cup 2018, NXB Đà Nẵng 2018; Đọc Kiều, NXB Hội Nhà văn. 2019; Mùa phố vắng, NXB Đà Nẵng 2020; Nhật ký World cup 2022, NXB Đà Nẵng 2023. Và mới đây thôi, tháng 9 năm 2024, nhà thơ Hồ Văn Chi (ảnh 1, bên phải) vừa cho ra mắt tác phẩm Thơ Đường luật: “Cảm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du, tập 1”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. 2024, mới thấy sự đam mê và sức sáng tạo của một người đã ở độ tuổi U80 như anh vẫn còn rất dồi dào.

Trước thềm năm mới 2025 và đón Xuân Ất Tị, xin gửi đến Phó Chủ tịch Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Đà Nẵng, nhà thơ Hồ Văn Chi những lời chúc tốt đẹp, mong anh bền bỉ sáng tác để cho ra mắt nhiều tập thơ nữa.

 Lê Huấn