Đi qua một thời

Đăng lúc: 13-07-2021 9:40 Sáng - Đã xem: 29 lượt xem In bài viết

                                                                Kính tặng Cựu TNXP tỉnh Hà Nam 

Ảnh internet  

                                Đi qua muôn nẻo sông quê

                              Nhớ trống Bắc Lý[i] vọng về mênh mông

                                      Bổng trầm diều sáo trên đồng

                              Châu Giang – lòng mẹ ru bồng tuổi thơ

 

                                       Gót Tiên lấm láp ầu ơ

                              Cô gái sông Đáy trăng mơ mỏi mòn

                                      Người qua núi Đọi – sông Son

                              Bến phà truyền lửa sóng cồn sớm mai

 

                                      Sông Son xanh tận chân trời

                              “Quân dân cá nước”, tình người Xuân Sơn

                                      Tuyến đường chồng chất căm hờn

                              Đêm, ngày bom dội, máu son loang phà

 

                                      Gặp em mới buổi hôm qua

                              Nay mong gặp lại, xót xa đâu còn

                                      Máu hòa cùng nước sông Son

                              Phong Nha bến đợi… lửa hờn còn đây?

 

                                       Nhật Lệ sông nước vơi đầy

                               Chuyến đò mẹ Suốt sải tay ngàn trùng

                                      Hang đây[ii] Tổ quốc ghi công

                              Bóng hình, dáng núi sáng trong, vĩnh hằng./.

 Trần Văn Lục

 

 

 


[i] Từ cuối năm 1960, Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam) là lá cờ đầu của ngành Giáo dục trong thực hiện phương châm “Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”. Đây là nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Hai tốt” (Dạy thật tốt và học thật tốt). Phong trào thi đua “Trống Bắc Lý” đã nhanh chóng trở thành một trong các phong trào thi đua tiêu biểu của ngành giáo dục giai đoạn bấy giờ.

[ii] Hang Tám Cô có tên gọi từ trước năm 1972. Các tài liệu, ghi chép cho biết cạnh hang động mà 8 thanh niên xung phong hy sinh (4 nam, 4 nữ) có một trạm giao liên, mỗi đợt tiếp quản có tám người thay nhau. Từ lúc có 8 cô gái trẻ đến tiếp quản trạm, tính tình hiền lành, vui vẻ người dân yêu quý đặt luôn cho tên hang động này là hang Tám Cô.