Đọc tác phẩm tự truyện “Đôi chân Vạn dặm” của tác giả Vũ Trọng Kim ta mới thấy con đường đi của tác giả là con đường gian nan, vất vả, từ tuổi thiếu niên cho đến lúc trưởng thành, hoạt động cách mạng. Cuối đời nhìn lại mới biết mình đi xa, đi dài, đi đúng hướng. Ngày xưa nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn (1881-1926) nói: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Trường hợp của tác giả Vũ Trọng Kim cũng vậy. Đi mãi, đi mãi tìm đường thôi và cuối cùng tìm ra con đường theo cách mạng, con đường theo chân Bác. Sinh ra và lớn lên trong một vùng đất “Địa linh nhân kiệt” danh xưng đã đến 500 năm, đó là vùng đất Quảng Nam. Vùng đất mà “chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say”, nhưng lại đúng phải cái thời đất nước đang có chiến tranh. Nửa nước phía Nam còn chìm trong máu và nước mắt của Luật 10/59, hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ. Ai đã từng chiến đấu trên mảnh đất này đều biết chiến trường Khu 5 ác liệt tới mức độ nào. Con người ta sinh ra không còn không khí để thở chứ chưa nói là sống, tồn tại và đấu tranh. Anh viết về mảnh đất quê hương mình bị dày xéo, nghiền nát bởi xe tăng, xích sắt. Những trận càn vây ráp, tìm diệt của Mỹ, nguỵ và đội quân đánh thuê Úc Đại lợi, Par Chung Hy. Quê Quảng Nam, Quảng Ngãi của anh có những vùng như Sơn Mỹ đã bị tàn sát đẫm máu, làng mạc bị xoá sổ, điêu tàn. Thù nhà, nợ nước, những người dân Thăng Bình đã phải vùng lên làm cách mạng, đánh đổ kẻ thù, giải phóng quê hương. Từ thuở thiếu niên đã theo cha, anh xông pha vào cuộc đấu tranh một mất, một còn ấy. Dù gian khổ nhưng dần anh hiểu ra Thanh niên chỉ có con đường duy nhất là theo cách mạng, không có con đường nào khác. Chính con đường ấy là con đường giải phóng cho quê hương, cho dân tộc khỏi ách áp bức, kìm kẹp của kẻ thù, giành lại tự do, cuộc sống cho nhân dân. Anh dấn thân vào con đường ấy, từ liên lạc, biểu tình, hoạt động du kích, quản lý, tổ chức Thanh niên xung phong, cho đến sau này tham gia tổ chức thanh niên Khu 5, lãnh đạo lớp trẻ kháng chiến chống quân xâm lược, phá tề, diệt nguỵ, đấu tranh thi hành Hiệp định Paris. Miền Nam được giải phóng, may mà anh không chết “Thằng Hai Kim, cháu đích tôn còn sống sót”. Nhưng gia đình thì hy sinh quá lớn: Bố anh là liệt sỹ, các cậu, bác anh đã hy sinh, em bị tàn tật… Chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi anh và là nguồn cảm hứng, động viên anh công tác. Không phải chỉ có gia đình mà quê hương anh, đất Quảng Nam, nơi quê hương cách mạng, anh dũng, kiên cường nhất trong thời kì chống Mỹ cũng là nơi mà số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng, số lượng liệt sỹ, thương binh đứng đầu cả nước. Đấy chính là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hoà bình lập lại, anh được điều động ra Bắc học tại trường Đoàn 3 năm, trong 3 năm ấy nhà trường đã dạy cho anh bao kiến thức, từ nhân sinh quan cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, trách nhiệm của thanh niên trên con đường ấy. Tốt nghiệp rồi, anh lại tình nguyện lên Tây Nguyên. Nơi đồng bào ta đang chống chiến tranh biên giới với Khơ Me đỏ của Campuchia; chống Fulro và các thế lực phản động phá hoại thành quả của cách mạng. Anh đã cùng các anh em trẻ thực hiện cuộc “Thanh vận”, để vận động đồng bào bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới; vận động thanh niên và tổ chức các hoạt động để khôi phục kinh tế, chống Fulro và các tà đạo, đảm bảo an ninh để đồng bào Tây Nguyên được sống cuộc sống tự do, sung túc.
Tác giả bài viết (trái) và tác giả tự truyện
14 năm tại Tây Nguyên đã cho anh bài học, từ lòng dân, từ xây dựng đội ngũ đến phong trào cách mạng, phong trào quần chúng. Chính đó là vốn quý cho đôi chân ngàn dặm của anh tiếp tục lên đường. Sau Tây Nguyên, anh được Trung ương Đoàn điều ra Hà Nội và anh đã trúng cử trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Là thủ lĩnh thanh niên, anh đã có nhiều sáng tạo, tập hợp lực lượng, đổi mới công tác và phong trào thanh niên. Nhiều bước đột phá của phong trào thanh niên ra đời từ nhiệm kỳ này như: “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, phát động “Năm thanh niên” năm 2000 (năm đầu của thế kỉ 21), với những công trình, phần việc mang dấu ấn thanh niên như Đảo Bạch Long Vĩ, các “Làng thanh niên lập nghiệp” ra đời; phong trào xoá cầu khỉ đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ của Đoàn thanh niên; rồi làm đường Hồ Chí Minh, màu áo xanh tình nguyện cũng được ra đời từ đó và tồn tại cùng các phong trào Đoàn tới ngày nay. Thanh niên xung kích, thanh niên dấn thân vào việc khó, thanh niên tham gia hạch toán kinh tế, góp phần xoá tệ quan liêu, bao cấp. Phong trào phát triển nhưng quan trọng là nhận thức của thanh niên đã thay đổi. Thanh niên phải làm gì để xây dựng đất nước sau chiến tranh, biến cái không thể thành cái có thể để xây dựng cuộc sống mới, tiếp bước truyền thống phong trào thanh niên trong thời kỳ kháng chiến. Không những phong trào, anh còn quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ, nguồn lực cho đoàn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ làm công tác khoa học công nghệ, các văn nghệ sỹ, các nhân tài văn hoá, nghệ thuật trẻ. Công tác đối ngoại của Đoàn được quan tâm, đặc biệt là với các nước xã hội chủ nghĩa. Anh đã được tham gia Festival 14, liên hoan thanh niên sinh viên thế giới năm 1987 tại La Ba Na, thủ đô của Cu Ba xinh đẹp. Anh hiểu được tình cảm của bạn bè, thanh niên các nước giành cho Việt Nam. Anh lại được học tập tại trường cao cấp quốc tế Đoàn thanh niên tự do Đức giữa những năm 1980, nên càng muốn tình đoàn kết thanh niên giữa các dân tộc được phát triển. Đặc biệt học hỏi ở họ tinh thần tự do và ý thức lao động để phát triển xã hội, phát triển đất nước. Qúa trình công tác đoàn và đã đi nhiều nước là những trải nghiệm và kinh nghiệm cho bước đường công tác sau này khi anh trở thành Uỷ viên Trung ương Đảng, trở thành lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội qua các thời kì đại hội. Khi được điều về làm Bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị, nhiệm kì Đại hội VII của Đảng, anh trăn trở. Quảng Trị là một vùng đất kiên cường, địa đầu của Vĩ tuyến 17, nơi đây đã trở thành mảnh đất đối đầu giữa 2 lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa đế quốc thực dân và chủ nghĩa xã hội, giữa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Đế quốc Mỹ đã xây dựng hàng rào Mac Namara để chống cộng. Nơi đây đã có hàng chục trận đánh lớn nhỏ, đọ sức của cả 2 bên, mang tính chiến lược chiến thuật, chiến dịch như chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, Mùa hè đỏ lửa 1972, đặc biệt là 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị 1972, đi đến giải phóng tỉnh Quảng trị năm 1972. Chiến trường Quảng Trị khốc liệt, bị tàn phá nặng nề. Anh đã cùng với Tỉnh uỷ Quảng Trị có những quyết sách tầm chiến lược. Đặc biệt là đột phá vào những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt, đường vành đai ven biển để phát trển kinh tế biển, phát triển du lịch; xây dựng thuỷ điện, thuỷ lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; quan tâm tới việc phát triển kinh tế miền Tây, nơi đồng bào dân tộc Pa cô, Vân Kiều đã một lòng một dạ theo cách mạng trong kháng chiến. Ngày nay những vùng này đã phát triển rực rỡ như các dự án điện mặt trời, điện gió vùng Hướng Hoá, biến các vùng đất xưa kia là căn cứ quân sự của Mỹ, nguỵ thành những vùng kinh tế lớn. Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị anh lại quay lại, về nguồn và bước chân của anh lại trở thành nguồn cảm hứng cho bao lớp trẻ tiếp tục cống hiến. Thăm và nhìn lại mảnh đất Quảng Trị cũng là trải nghiệm trong cuộc đời để anh tiếp tục đi xa hơn nữa. Rời Quảng Trị, anh về Ban Dân vận Trung ương rồi về làm Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UBTW Mặt trận TQVN 2 khoá. Những năm ấy anh trăn trở tiến trình dân chủ, bài học lòng dân. Trong chiến tranh, người dân đã một lòng, một dạ theo Đảng, giải phóng dân tộc. Hoà bình rồi, nhiều việc không được giải quyết, lòng dân bức xúc. Nhất là trong thời kỳ chuyển đổi từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những mặt trái, những nghịch lý lại nổi lên làm cho lòng người không thuận, làm sao để phát huy được bài học đoàn kết toàn dân tộc. Nhớ lại lời Bác Hồ dạy: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phương châm ấy trở thành hành động của suốt cuộc đời.
Rời Mặt trận, anh về làm Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hơn một nửa triệu hội viên là đồng đội, đồng ngũ trong kháng chiến. Họ là những người từ Đoàn Thanh niên mà ra, theo Đảng, hy sinh thân mình để giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho đất nước. Bây giờ Đảng và Nhà nước cần chăm lo đời sống cho họ. Làm thế nào để thực hiện hết các chế độ chính sách cho lực lượng này. Ngoài những người còn sống, còn bao đồng chí hy sinh ngoài mặt trận, trên những công trường, nông trường chưa được công nhận là liệt sỹ, hàng vạn người thương tật chưa được hưởng chế độ thương binh, hàng ngàn người bị chất độc da cam/Dioxin chưa được giải quyết. Rồi nhiều gia đình khó khăn, phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, làm thế nào để quan tâm đến họ. Không phải bây giờ mà ngay từ khi làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn anh đã quan tâm tới vấn đề này, nhất là xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử liên quan tới phong trào Đoàn và Lực lượng Thanh niên xung phong như khu di tích Núi Hồng, nơi ra đời của Đội TNXP đầu tiên. Nơi đây anh đã cho xây dựng và dựng tượng, tôn vinh các thanh niên tiêu biểu trong các thời kỳ cách mạng như Lý Tử Trọng, Võ Thị Sáu, Kơ Lơng, Nông Văn Dèn, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Đoàn Thị Liên. Góp phần trang thiết bị xây dựng khu Khu lưu niệm Nà Cù, xã Nà Tu huyện Bạch Thông, Bắc Kạn; nơi Bác Hồ về thăm Đội TNXP 312 và tặng 4 câu thơ nổi tiếng cho thanh niên:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Cùng với tỉnh Sơn La xây dựng Khu di tích TNXP chống Pháp tại Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, tôn tạo khu di tích TNXP tại ngã ba Đồng Lộc, tượng đài TNXP tại Phong Nha. Xây dựng Khu di tích tại Đồi 82 Tân Biên, Tây Ninh. Ngay từ đầu những năm 1990, anh đã chú trọng tổ chức, củng cố Ban Liên lạc TNXP Trung ương báo cáo Đảng và Chính phủ làm nền tảng cho việc thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam năm 2004. Đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân cho Lực lượng TNXP Việt Nam. Làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan của Chính phủ để giải quyết chế độ, chính sách cho TNXP các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, TNXP cơ sở miền Nam. Phát động các phong trào nghĩa tình đồng đội như “Thanh niên xung phong làm kinh tế vì nghĩa tình đồng đội”, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, gây quỹ hoạt động. Là Đại biểu Quốc Hội Khoá XV, đại diện cho cử tri cựu TNXP, anh đã cùng Đoàn Chủ tịch báo cáo với Đảng và Nhà nước thành tích và cống hiến của TNXP các thời kỳ cách mạng, thuyết phục các cơ quan và đại biểu Quốc hội thông qua Điều khoản tặng và truy tặng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” cho TNXP. Đây đều là những hoạt động có ý nghĩa, góp phần xây dựng hội và nâng tầm vị thế của Hội Cựu TNXP Việt Nam. Với 4 khoá Uỷ viên Trung ương Đảng và 5 khoá đại biểu Quốc Hội, anh đã góp phần xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị nơi anh công tác vững mạnh. Cuối đời anh vẫn còn trăn trở, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng hiện nay, làm thế nào để xây dựng được một thể chế xã hội như Bác Hồ từng mong ước. Anh có kiến thức rộng, mặc dù trong chiến tranh điều kiện học tập khó khăn nhưng sau này hoà bình lập lại, tận dụng mọi điều kiện để anh học tập và nâng cao, anh đã trở thành Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Anh hoạt ngôn, trí tuệ nhưng khi trả lời phỏng vấn báo chí, tổ chức họp báo anh lại chuẩn bị rất kỹ càng. Anh làm thơ, viết nhạc để thoả mãn những ý tưởng của mình, không phải trở thành chuyên nghiệp. Những bài thơ hay, súc tích mang ý nghĩa lịch sử hoặc kỷ niệm cuộc đời, ý thơ bay bổng, khoáng đạt dễ phổ nhạc. Đi nhiều, chinh chiến trên nhiều mặt trận thì sẽ gặp được nhiều tri kỷ. Những thời gian hoạt động trong chiến tranh đã để lại cho anh một tình yêu đẹp suốt cả cuộc đời. Được người bạn Kim Hồng (người đã hoạt động với anh và anh rất ngưỡng mộ) giới thiệu, anh và Võ Thanh Thúy đã có một tình yêu qua khói lửa chiến tranh, được thử thách thăng trầm qua thời gian nhưng vẫn bền chặt và có một gia đình hạnh phúc. Người vợ hiền ấy đã đứng sau cuộc đời của anh, góp phần cho những thành công của anh trong đời và cũng là người giữ lửa cho tình yêu của anh trong sáng.
Đọc tự truyện “Đôi chân Vạn dặm” của tác giả Vũ Trọng Kim, qua cách viết như kể chuyện, nhiều đoạn như tường thuật các trận đánh, hấp dẫn người đọc. Các câu chuyện tuy ngắn nhưng rất đắt, thuyết phục, thể hiện một sự từng trải xuyên suốt cuộc đời tác giả. “Đôi chân Vạn dặm” sẽ còn đọng lại trong lòng độc giả, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, bởi vì dù tuổi cao nhưng anh vẫn là “Thủ lĩnh thanh niên” của họ.
NGÔ TUYẾN