Di tích Bông Lau

Đăng lúc: 16-11-2018 8:27 Sáng - Đã xem: 429 lượt xem In bài viết

70 năm rồi trận đánh lùi xa[i]
Bao chiến sĩ cũng đã về tiên tổ
Cây bông lau vẫn bám vào giông tố
Khói đạn xưa đọng vách đá lưng trời

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

Bông Lau[ii] ơi đèo dốc có ngậm ngùi
Di tích nhỏ lừng danh ba chiến trận[iii]
Như cọc Bạch Đằng ba lần sắc nhọn 
Hốc núi tròn như trăm mắt nhìn ta

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến

Đèo đã bao lần hạ dốc, rộng ra
Đường đã hết ổ trâu lóc cóc
Sao mỗi lần qua trái tim người nhói xóc
Một phế tích điêu tàn trơ giữa trời biên

Trung tá Đặng Văn Việt

Ảnh: Internet

Hùm xám một thời đường 4 lừng danh[iv]
Tiểu đoàn Bông Lau ai còn ai mất
Xin đừng để héo linh hồn đã khuất
Đừng để khách qua đường ngơ ngác giữa đồi lau./.

                                            Việt Phát, tháng 10/2018


[i] Trận đánh ngày 30/10/1947 tiêu diệt đoàn xe vận tải của Pháp tiếp tế cho các cứ điểm trên Đường 4. Từ đây Tiểu đoàn chủ lực đánh trận này được gọi là “Tiểu đoàn Bông Lau”.

[ii] Nằm trên quốc lộ 4A giữa hai huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và Thạch An (Cao Bằng).

[iii] Hai trận sau diễn ra tháng 9/1949 và tháng 6/1950 cũng ở khu vực này.

[iv] Năm 1947, Đặng Văn Việt được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4. Năm 1948, ông kiêm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28. Ông đã chỉ huy quân đội Việt Minh hoạt động dọc tuyến đường số 4, tổ chức nhiều trận phục kích và công đồn, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng quân Pháp đồn trú tại đây, phần nào giảm bớt áp lực của quân Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Do những chiến tích lẫy lừng trên đường số 4, đặc biệt với các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, tiêu diệt hơn 100 xe giới quân sự Pháp, nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng xưng tụng ông là “Đệ tứ lộ Đại vương”, còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như “Hùm xám đường số 4” (le Tigre gris de la RC4), “tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon).