Di tích lịch sử văn hóa thanh niên xung phong Đèo Cà

Đăng lúc: 12-09-2022 10:29 Sáng - Đã xem: 343 lượt xem In bài viết

Đồng Hưu là xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Thế; phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Đông giáp xã Đông Sơn, phía Tây giáp xã Đồng Vương, Hồng Kỳ, phía Nam giáp xã Hương Vỹ, Đồng Kỳ (huyện Yên Thế). 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 -1954), Đồng Hưu là địa bàn đánh phá ác liệt của địch, trong đó địa danh Đèo Cà, thuộc bản Đèo Cà xã Đồng Hưu là địa điểm đánh phá ác liệt nhất nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Yên Thế đã huy động hàng nghìn dân công trẻ, khỏe, 615 xe đạp chở lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí ra mặt trận. Chỉ trong một ngày, nhân dân các xã thượng Yên Thế đã ủng hộ Chính phủ 350 con trâu để cung cấp cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ. Anh chị em dân công Yên Thế, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ, đảng viên hăng hái lên đường, vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có những tập thể và cá nhân kiên cường, dũng cảm vượt qua bom đạn địch đưa hàng tới đích. Nhiều anh chị em đã hy sinh vì thắng lợi của chiến dịch.

Ở hậu phương, từ khi ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch ngày đêm dùng máy bay, đại bác bắn phá ác liệt vào các đường giao thông của ta, đặc biệt là Đèo Cà trên tuyến đường Phổng – Mỏ Trạng nhằm ngăn cản sự chi viện của ta lên Điện Biên Phủ. Máy bay, đại bác địch ở Mỏ Thổ, Phủ Lạng Thương liên tục trút bom đạn xuống Đèo Cà và các đoạn đường khác. Trong suốt 30 ngày đêm, từ ngày 7-4 đến 7-5-1954, địch đã 136 lần dùng máy bay, thả 282 quả bom, trong đó có nhiều bom nổ chậm và bắn 6.000 quả đại bác xuống Đèo Cà.

Với quyết tâm bảo vệ và giữ vững mạch máu giao thông, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Bắc Giang, trên đoạn đường Đèo Cà dài gần 20 km, đội phá bom nổ chậm và 2 vạn dân công (trong đó gần một nửa là dân công Yên Thế) kiên cường, dũng cảm tháo bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại những quãng đường, cầu, phà bị hỏng cho người, xe qua lại, bảo đảm giao thông thông suốt. Ngoài lực lượng dân công trên đoạn đường này, còn có một đơn vị pháo cao xạ và một đơn vị quân địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường, bảo vệ dân công và đơn vị này đã bắn rơi 01 máy bay của địch.

Bom, đạn của địch không ngăn cản được ý chí, quyết tâm của quân và dân Yên Thế. Trong 30 ngày vừa chiến đấu với thiên nhiên vừa chiến đấu với địch, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công đã làm hoàn thành 25 km đường vòng (xuyên rừng) tránh trọng điểm Đèo Cà. Trên tuyến đường Phổng – Mỏ Trạng dài 19 km, hàng nghìn dân công, thanh niên xung phong đã lao động ngày đêm bảo đảm hoàn thành đúng thời gian phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Di tích lịch sử Đèo Cà xã Đồng Hưu gắn liên với tên và những chiến của đơn vị thành niên xung phong C231  – C232. Đơn vị do Ty Giao thông Công chính tỉnh Bắc Giang thành lập ngày 05/02/1951, tại khu rừng Dẻ (thuộc địa bàn giáp danh 02 xã Đồng Hưu, Hương Vỹ huyện Yên Thế). Lúc đầu chỉ với 210 cán bộ và đội viên TNXP. Tháng 8/1953, do nhiệm vụ ngày cao của cuộc của cuộc kháng chiến chống Pháp, địch đánh phá ngày càng ác liệt do vậy Ty Giao thông Công chính Bắc Giang cho thành lập đơn vị C232, gồm 250 cán bộ, đội viên. Với nhiệm vụ sửa chữa, làm mới cầu, đường, phà, kho tàng, bến bãi, đảm bảo giao thông thông suốt tất cả các tuyến đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang rồi ngược lên Thái Nguyên, nối với vùng Tây Bắc; phục vụ các chiến dịch: Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (tháng 3, 4/1951), Chiến dịch Quang Trung (tháng 5, 6/1951), Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12/1951 -2/1952), Chiến lược đông – xuân 1953-1954 với đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Đơn vị đã tổ chức 04 trung đội, cắm chốt ở Đèo Cà. Vì Đèo Cà là trọng điểm  đánh phá ác liệt nhất của giặc Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp tế của ta lên Chiến trường Điện Biên Phủ.

Với những chiến công của TNXP C231 – C232 tại Đèo Ca giai đoạn 1951-1954. Ngày 12/12/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký quyết định số 1985/QĐ-UBND, xếp hạng di tích và cấp bằng di tích Lịch sử văn hóa TNXP Đèo Cà. Ngày 13/7/2007, tại bản Đèo Cà, khu Giếng Ống thuộc dốc Đèo Cà, được đặt bia ghi danh đơn vị TNXP C231 – C232; năm 2015, Hội Cựu TNXP và Đoàn xã Đồng Hưu đã vận động nhân dân quyên góp được trên 10 triệu đồng dựng lại bai tưởng niệm tại Đèo Cà.

Để bảo tồn và phát huy gia trị khu di tích Lịch sử văn hóa TNXP Đèo Cà, trong thời gian tới các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng khu di tích, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để bảo tồn, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích; tổ chức sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật. Đồng thời cần đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích tại địa phương. Như vậy khu dích lịch sử văn hóa TNXP Đèo Cà sẽ trở thành điểm thăm quan học tập, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương Yên Thế anh hùng./.

Theo yenthe.bacgiang.gov.vn