Đội Thanh niên xung phong N237 Thanh Hóa

Đăng lúc: 15-04-2020 3:26 Chiều - Đã xem: 216 lượt xem In bài viết

    Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai đội TNXP 34 và 58 được Uỷ ban hành chính (nay là UBND) tỉnh Thanh Hóa thành lập vào ngày 14/4/1969. Con số 34 và 58 hàm ý nghĩa chiến thắng Hàm Rồng 3 -4/4/1965[i], Lạch Trường 5/8/1964[ii] oanh liệt của quân và dân Thanh Hóa năm 1965, tỏ ý mong mỏi hai đơn vị nối tiếp truyền thống quê hương Thanh Hóa anh hùng. Hai đội được điều động vào phục vụ chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, bổ xung vào Ban Xây dựng 67[iii] đổi phiên hiệu là N237 và N235.

   Đội TNXP 237 làm nhiệm vụ mở đường, bắc cầu, bảo đảm giao thông phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên 84 km của Đường 16[iv], với các địa danh nổi tiếng: Ngã tư Thạch Bàn[v], Ngã ba Dân Chủ[vi], Bang, Chu Kê, Vít Thù Lù, làng Ho, dốc Khỉ, Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng…

   Đơn vị đã vượt qua nuôn vàn khó khăn gian khổ, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần cùng với toàn Ban Xây dựng 67 và Đoàn 559 mở đường chiến đấu, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước tháng 4 năm 1975.

   Hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tiếp tục hoạt động và công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, các cựu TNXP N237 vẫn duy trì và phát huy truyền thống của đơn vị, của lực lượng TNXP, chiến sỹ Trường Sơn anh hùng, tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động thi đua yêu nước ở các địa phương nơi cư trú, nêu gương sáng cho con cháu và các thế hệ trẻ noi theo; động viên giúp đỡ nhau sống vui, sống khỏe, sống vì nghĩa tình đồng đội.

   Nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh của tập thể, động viên giúp đỡ nhau, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống đời thường. Ban Liên lạc truyền thống N237 và Ban Liên lạc truyền thống 7 đại đội trực thuộc được thành lập, hàng năm tổ chức gặp mặt, giao lưu kỷ niệm ngày truyền thống 14/4. Ban liên lạc N237 đã tổ chức thành công lễ: kỷ niệm 40 năm (2009), 45 năm (2014), 50 năm (2019) gặp mặt ngày truyền thống toàn N237 để ôn lại những kỷ niệm sâu sắc của tuổi trẻ: Sống chến đấu, lao động và học tập trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đưa hoạt động vào nề nếp, động viên cán bộ, chiến sỹ tham gia tích cực vào các phong trào hoạt động của các cấp hội cơ sở, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội nơi cư trú.

   Ban Liên lạc còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa ở hai miền Nam, Bắc, thăm các di tích lịch sử cách mạng, danh lam, thắng cảnh của đất nước, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ vào các ngày lễ kỷ niệm hàng năm

   Để tri ân tưởng nhớ tới công lao của các liệt sỹ TNXP N237 đã hy sinh anh dũng trên Đường 16. Ban Liên lạc truyền thống N237 đã vận động các tổ chức, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, anh em cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đóng góp để xây dựng nhà Bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP N237 tại Ngã ba Dân chủ. Bia di tích lịch sử ghi rõ: “Nơi đây ngã ba Dân Chủ, đường Thống Nhất 16A phía tây Quảng Bình, bắc Quảng Trị thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh. Đây là nơi đơn vị thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung N237, Ban 67 đã từng sống, chiến đấu, lao động và hy sinh anh dũng để bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ ngày 14-4-1969 đến ngày 31-12-1972. Các đơn vị trực thuộc gồm: C2371 huyện Đồng Sơn; C2372 huyện Thọ Xuân; C2373 huyện Triệu Sơn; C2374 huyện Yên Định, Vĩnh Lộc; C2375 huyện Hoằng Hóa; C2376 huyện Tĩnh Gia; C2377 huyện Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh” (đều thuộc tỉnh Thanh Hóa). Đây là một công trình để lại cho thế hệ mai sau, nhân chứng lịch sử của TNXP Việt Nam, chiến sỹ Trường Sơn anh hùng

Hơn năm mươi năm, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kỷ niệm đồng đội những năm tháng từng sống chiến đấu, lao động và học tập trên Đường 16 Trường Sơn mãi mãi không phai mờ. Tình cảm gắn bó keo sơn thủy chung đã giúp cán bộ chiến sỹ N237 vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đời thường. Ốm đau, bệnh tật – hậu quả của chiến trường ác liệt tiếp xúc với bom đạn và chất độc hóa học năm xưa – không làm nguôi đi được ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của Cựu TNXP N237, truyền thống của đơn vị, truyền thống của TNXP Việt Nam, chiến sỹ Trường Sơn anh hùng mãi mãi được gìn giữ và phát huy

    Để góp phần vào công cuộc phòng chống dịch Covid -19 của toàn xã hội “chống dịch như chống giặc”, “ở nhà là yêu nước”, Ban Liên lạc các đơn vị thuộc N237 không tổ chức gặp mặt kỷ niệm 51 năm ngày truyền thống (14/4/1969- 14/4/2020). Đây là một quyết định nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thay mặt Ban liên lạc đơn vị TNXP N237 tôi chúc các đồng đội thân yêu và gia đình luôn mạnh khỏe, an toàn và quyết tâm cùng quân và dân cả nước đồng lòng, chung sức chiến thắng đại dịch Covid- 19./.

                                        Hoàng Mạnh Hùng

                                  Trưởng ban liên lạc N237 Thanh Hóa

 


[i] Chỉ trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, quân Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lần chiếc máy bay, ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hoá 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (gồm các loại từ 500 đến 1.000kg), hàng trăm tên lửa, rốc-két vào các khu vực trọng điểm của Thanh Hoá. Riêng khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn – Yên Vực, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng

[ii] Lúc 14 giờ 45 phút ngày 5-8-1964, lực lượng không quân Mỹ từ Hạm đội 7 bay vào đánh phá từ đảo Hòn Nẹ, huyện Hậu Lộc đến cửa Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trong trận chiến đấu ngày 5-8-1964, quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái. Riêng tại Thanh Hóa, trong cả 2 đợt chiến đấu ngày 2 và 5-8 ở Lạch Trường bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ.

[iii] Ban Xây dựng 67 được thành lập trên cơ sở bộ khung là các cán bộ kỹ sư, kỹ thuật nghiệp vụ mà từ năm 1965 được Bộ GTVT điều vào làm công tác tham mưu cầu đường cho Tổng cục tiền phương theo nghị quyết 12 của Trung ương Đảng. Lực lượng chính của toàn Ban lúc này là: Ngoài số cán bộ có từ trước, còn lại là đông đảo các đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước và Công nhân quốc phòng ở các tỉnh miền Bắc do Bộ GTVT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và các địa phương điều vào.

[iv] Tuyến đường 16 còn có tên gọi khác là đường Thống Nhất, con đường mang nguyện vọng, ý chí và quyết tâm của các lực lượng tham gia mở đường và chiến đấu bảo vệ tuyến đường này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đường 16 là một trong bốn đường ngang xuất phát và có cửa khẩu vượt Trường Sơn, là một trong những tuyến khởi đầu của toàn bộ hệ thống đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình (20, 12, 10, 16). Là tuyến đường ngắn nhất đến vĩ tuyến 17, là con đường kết nghĩa của ba tỉnh Bình – Trị – Thiên.

[v] Ngã tư Thạch Bàn là di tích lịch sử trong cụm di tích lịch sử Đường 16, là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử cấp quốc gia về đường Hồ Chí Minh. Ngã tư Thạch Bàn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1732/QĐ-BVHTTDL ngày 07/5/2009 và là một trong 37 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo  Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

[vi] “Ngã ba Dân Chủ” ở KM72 Đường 10 gặp Km 54 Đường 16A từ Thạch Bàn đi lên (thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Tại trọng điểm Ngã ba Dân Chủ, đã có 78 liệt sỹ TNXP N237, Ban 67 đã ngã xuống.